(CHG) Năm 2023, nhiệm vụ quan trọng nhất được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp trực thuộc xác định là tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, duy trì và củng cố vai trò nòng cốt của nền kinh tế.
Năm tiền đề chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư lớn
- Những nhiệm vụ trọng tâm mà UBQLV đề ra cho năm 2023 là gì, thưa ông?
- Ông Hồ Sỹ Hùng: Năm 2022 có những biến động mạnh và năm nay khả năng cao những biến động này vẫn tiếp tục ở mức độ nhất định: Diễn biến khó lường của thị trường, tính lạm phát, suy giảm kinh tế ở một số quốc gia,…
Uỷ ban và các doanh nghiệp xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải góp phần củng cố các yếu tố đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Đơn cử như điện, dù giá điện đầu vào năm 2022 và dự kiến năm 2023 còn cao, nhưng Uỷ ban đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu xếp và triển khai các giải pháp cung ứng nguồn điện cho năm 2023.
Hoặc đối với xăng dầu - vấn đề lớn và tương đối nhạy cảm, Uỷ ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với nhau để có cơ chế thuận lợi và phù hợp cho thị trường trong nước.
Ngoài ra còn có các nội dung có tính chiến lược như xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển. UBQLV coi năm 2023 là tiền đề để chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất truyền thống vẫn đang triển khai bình thường như công tác dầu khí, sản xuất các sản phẩm cao su, lương thực, công nghiệp chế biến như thuốc lá,… vẫn được duy trì và kết quả hoạt động dự kiến theo như công suất đã được thiết kế. Đặc biệt, Uỷ ban sẽ chỉ đạo, đồng hành cùng với các tập đoàn, tổng công ty cố gắng nâng cao chất lượng và giá trị để đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Mới đây, EVN đề xuất Uỷ ban việc tính giá điện theo giá thị trường. Đây là mục tiêu và chủ trương được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra từ khoảng 10 năm nay trong tiến trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh. UBQLV rất mong muốn có các cơ chế để đưa giá điện hiện nay sát với thị trường, để các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện (EVN và các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) có sự cạnh tranh khách quan, công bằng trong đầu tư và cung ứng điện.
Việc này tác động đến giá điện đầu ra. Khi giá điện đầu ra tiệm cận giá điện thị trường thì các doanh nghiệp có cơ sở để tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như cân đối chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào để đưa ra giá điện phù hơp theo các thời điểm khác nhau của thị trường.
Thời điểm thay đổi căn bản tình hình tài chính của các dự án yếu kém
- Việc xử lý các dự yếu kém, chậm tiến độ thì sao? Xin ông thông tin rõ hơn về định hướng cũng như kết quả giải quyết các dự án này?
- Ông Hồ Sỹ Hùng: Năm 2022 là giai đoạn Uỷ ban và các cơ quan, đơn vị liên quan rất vất vả với 7 dự án còn lại trong danh sách 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương. Vấn đề thị trường có ảnh hưởng quan trọng đến các quyết định và cân nhắc biện pháp cụ thể cho từng dự án.
Trong đó, do điều kiện thay đổi thuận lợi của thị trường, đề án và các giải pháp cho 3 nhà máy phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cơ bản đạt được sự đồng thuận và có đường đi tương đối rõ ràng. Đến hôm nay, thực tế cho thấy hoạt động của các nhà máy, công ty thuộc 3 dự án hoá chất phân bón này cơ bản đem lại kết rất tích cực.
Nếu diễn biến thuận lợi như năm 2021 và 2022 thì năm 2023 cũng có thể coi là thời điểm bản lề để thay đổi căn bản tình hình tài chính của các dự án này. Nhưng thị trường cũng có sự thay đổi rất bất ngờ, đặc biệt là đối với ngành thép, nhiều nhà máy thép trên thế giới và ngay ở Việt Nam phải dừng sản xuất. Tổng công ty Thép Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn đến việc xử lý và đưa ra các giải pháp cho các dự án thép như tại Tisco II, dự án liên doanh nhà máy gang thép Việt - Trung có nhiều khó khăn hơn.
Hiện nay, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và Tổng công ty Thép Việt Nam đang phân tích tình hình tài chính, đặc biệt là các vướng mắc, hợp đồng EPC để tạo điều kiện tháo gỡ các ràng buộc, làm cơ sở để chủ động hơn trong việc đưa ra quyết sách giải quyết vấn đề.
Các dự án khác như dự án thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam hay dự án đóng tàu tại Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đang trong quá trình xử lý vấn đề liên quan đến Hợp đồng EPC dở dang với nhà thầu nước ngoài. Đây là nội dung tồn đọng nhiều năm nay, đến giờ vẫn chưa giải quyết được. Hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 cũng là giai đoạn làm cho các bên hạn chế cơ hội trao đổi, thương thảo nên tiến trình này đang chậm.
- Ông có đề xuất gì để Uỷ ban có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện cơ quan chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?
- Ông Hồ Sỹ Hùng: Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng cơ chế và chức năng thực hiện đại diện cơ quan chủ sở hữu đã được luật pháp quy định từ năm 2015 và đến hiện nay chưa có gì thay đổi, kể từ khi UBQLV thành lập và hoạt động vào cuối năm 2018.
Trong bối cảnh đó, Uỷ ban và các doanh nghiệp thực hiện các quy chế và quy định đã có giống như các Bộ, cơ quan chủ quan trước đây. Đương nhiên các vướng mắc, khó khăn mà các Bộ đã gặp thì Uỷ ban cũng gặp và việc giải quyết các vấn đề này liên quan đến cơ chế.
Tôi nhìn nhận cái được ở đây là Uỷ ban cùng các doanh nghiệp đã đồng hành, phân tích, thấu hiểu rõ nhiều vướng mắc. Một số điểm nghẽn đã được nhận diện và giải quyết phần nào nhưng theo tôi vẫn cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện. Một số nội dung sửa đổi về cơ chế hiện nay đạt sự đồng thuận cao của các cơ quan quản lý có liên quan. Quốc hội đã cho chủ trương sửa đổi Luật Về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo.
Đồng thời, các nội dung liên quan đến thực hiện quyền chủ sở hữu cần được làm rõ theo hướng chủ động, phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho đại diện vốn trực tiếp tại doanh nghiệp và người tham gia vào công tác quản lý như Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị của nghiệp. Mặt khác, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong đó có UBQLV sẽ tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra, đảm bảo sự phát triển theo chiến lược và hài hoà theo kịch bản chung của phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hàng năm.
Theo tôi, đây là điểm then chốt để không chỉ riêng UBQLV mà tất cả các cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể thực hiện được quyền hạn của mình mà vẫn duy trì điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thông suốt và thuận lợi theo cơ chế thị trường.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/19-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-bao-dam-vai-tro-nong-cot-cua-nen-kinh-te-102230117194027317.htm
Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiết