Tóm tắt:
Bài viết đúc rút kinh nghiệm tài trợ tài chính khí hậu ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra một số định hướng giải pháp góp phần thúc đẩy hiệu quả tài trợ tài chính khí hậu trong thời gian tới. Để huy động nguồn lực này, các quốc gia trên thế giới có xu hướng triển khai đa dạng các chính sách tài chính khí hậu. Hiệu quả triển khai và áp dụng các chính sách này rất khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia.
Từ khóa: chính sách tài chính, tài chính khí hậu, rủi ro, biến đổi khí hậu, tài trợ tài chính.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới hầu hết các quốc gia trên thế giới và cần phải có nguồn lực tài chính để ứng phó. Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với mỗi quốc gia.
Thời gian qua, tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu gia tăng, mực nước biển dâng đi kèm với các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường; đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng triệu đến hàng tỷ người trên toàn cầu. Rủi ro khí hậu mang tính hệ thống và phi tuyến tính, nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến các điểm bùng phát trong hệ sinh thái (Battiston và cộng sự, 2017; Dafermos, 2021; Lenton và cộng sự, 2019), tạo ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và sinh thái xã hội kéo dài cũng như các hiệu ứng trễ ngăn chặn các tác động môi trường. Masud và cộng sự (2023) đã chứng minh được rằng việc tài trợ nhiều hơn cho khí hậu sẽ là cơ chế hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro khí hậu.
Một số quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã đưa ra một số quyết sách quan trọng như Chính sách kinh tế Xanh của Hàn Quốc, Đạo luật Việc làm Xanh của Philippine, Gói Năng lượng sạch tương lai của Australia…, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và các ưu đãi cho các tổ chức tham gia vào đổi mới bền vững. Tài chính khí hậu được cung cấp và huy động nhằm mục tiêu (i) giảm nhẹ rủi ro, (ii) thích ứng rủi ro, (iii) hỗ trợ xuyên suốt quá trình từ đó góp phần tăng cường khả năng phục hồi khí hậu ở các quốc gia.
Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến tài chính khí hậu. Chỉ tính riêng năm 2021, các nước phát triển đã cung cấp và huy động cho các nước đang phát triển lên tới 89.6 tỷ USD với 4 thành phần hỗ trợ chủ yếu gồm tài chính công (hỗ trợ song phương, đa phương), tín dụng xuất khẩu liên quan khí hậu, tài chính khí hậu tư nhân (OECD, 2023). Với vị thế đặc biệt quan trọng, tài chính đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ xanh và các chiến lược kinh doanh, ứng dụng các phương pháp sản xuất, kinh doanh bền vững trên dựa trên cơ sở xem xét tác động của rủi ro khí hậu. Do đó, đòi hỏi cần có sự thay đổi trong phân bổ và quản lý các nguồn lực tài chính, nhằm giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC)[1] chỉ ra “Tài chính khí hậu đề cập đến việc sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương, quốc gia, quốc tế dựa trên cơ sở huy động từ nguồn tài chính công, tư nhân và các nguồn tài chính thay thế nhằm hỗ trợ các hành động giảm thiểu và thích ứng nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”. Trong khi, quan điểm của Stadelmann và cộng sự (2023) cho rằng “Tài chính khí hậu là dòng tài chính do chính phủ các nước công nghiệp hóa và tổ chức tư nhân huy động nhằm hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển”. Dường như cho thấy có sự khác nhau về các kênh huy động tài chính nhằm ngăn chặn và ứng phó với các hậu quả biến đổi khí hậu giữa các quốc gia dựa trên nền tảng đạt được sự cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, tài chính khí hậu là nguồn lực quan trọng để giúp các quốc gia chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững, ít carbon.
Nhìn chung, tài chính khí hậu đề cập đến việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn tài chính để hỗ trợ các chương trình dự án, sáng kiến liên quan đến khí hậu, nhằm ứng phó và đối phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững nền kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, tài chính khí hậu góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính.
Hiệu ứng khí nhà kính tăng làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường và sự sống còn của con người. Tính đến tháng 10/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu gần bề mặt cao hơn khoảng 1,40 ± 0,12°C so với mức trung bình giai đoạn 1850 - 1900 (WMO, 2023). Việc gia tăng phát thải carbon dioxide và metan do đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu hoặc khí đốt đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như mực nước biển dâng toàn cầu, ngập lụt xảy ra ở các khu vực ven biển, sa mạc hóa các khu vực màu mỡ, thiếu hụt lương thực, bệnh tật gia tăng và lây lan diện rộng, thay đổi chu kỳ sinh trưởng của các giống cây trồng, vật nuôi,... Chỉ tính riêng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, hàng năm bị thiệt hại và mất mát do hạn hán gây ra liên quan đến ngành nông nghiệp khoảng 82% (WMO, 2023). Do đó, yêu cầu cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu đang là bài toán cấp bách đặt ra cho Chính phủ mỗi quốc gia trong bối cảnh khí hậu nóng lên toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tài chính đáng kể để đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, tiếp cận khai thác nguồn năng lượng mới, hỗ trợ khắc phục ở những khu vực bị tổn thương do ảnh hưởng của rủi ro khí hậu… Thông qua việc tài trợ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp, đã góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Trong thời gian qua, trên thế giới đã có một số chương trình tài trợ tài chính khí hậu thành công, như sáng kiến năng lượng tái tạo tại Maldives, Uzbekistan; sáng kiến xây dựng khả năng phục hồi ở Sierra Leone. Một số dự án đã được đầu tư, triển khai nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu như xây dựng dự án nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, xe buýt điện; xây dựng cơ sở hạ tầng có thể chịu được bão và lũ lụt, bảo tồn rừng; các dự án thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu[2]…
Chính phủ Vương quốc Anh đã ban hành một số chính sách chống biến đổi khí hậu như đầu tư vào năng lượng tái tạo (phát điện gió ngoài khơi), cơ chế định giá carbon để giảm lượng khí thải từ các ngành công nghiệp và năng lượng, các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng và các biện pháp thích ứng (phát triển quy trình đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu) (Scott, 2023). Đặc biệt với việc ban hành Đạo luật Biến đổi khí hậu 2008 (Sửa đổi Mục tiêu năm 2050) được xem là cam kết hành động khí hậu lâu dài tại vương quốc này. Cơ quan môi trường Anh đã hỗ trợ Chính phủ đưa tài chính thích ứng và quy định Net Zero vào Chiến lược Tài chính Xanh; ban hành Chương trình đổi mới khả năng phục hồi lũ lụt và ven biển trị giá 150 triệu bảng Anh; đầu tư 1,747 triệu bảng Anh cho môi trường trong năm 2022 - 2023 (Environment Agency, 2023).
Tại Nhật Bản, ngành ngân hàng đang hợp tác cùng nhau đạt được mục tiêu khử carbon, họ đã thành lập “Sáng kiến Hiệp hội ngân hàng Nhật Bản nhằm đạt được mức trung hòa Carbon” và xây dựng quy tắc liên quan đến quản lý rủi ro biến đổi khí hậu. Một số ngân hàng lớn tại quốc gia này đã có cam kết đánh giá và công bố lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến danh mục đầu tư và cho vay trong thời gian ngắn hạn. Ngành Ngân hàng Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng nền tảng kinh doanh có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và đảm bảo khả năng quản lý bền vững thông qua cơ chế chủ động hỗ trợ các công ty khách hàng với tiêu chí cơ hội cho khách hàng, đây cũng là cơ hội cho các tổ chức tài chính. Các tổ chức tài chính xác định chú trọng tìm kiếm khách hàng tiềm năng để cấp tín dụng liên quan đến biến đổi khí hậu, và là cơ hội để nâng cao thu nhập của họ. Đồng thời, các tổ chức tài chính này cũng xác định rủi ro đối với công ty khách hàng cũng là rủi ro của họ. Một số rủi ro có thể kể đến như rủi ro liên quan những thay đổi về quy định, công nghệ, môi trường thị trường… gắn liền với quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon (rủi ro chuyển đổi) và ảnh hưởng đến doanh nghiệp do các yếu tố như thiên tai ngày càng gia tăng, sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa (rủi ro vật chất). Các tổ chức tài chính tại Nhật Bản song song với hỗ trợ truyền thống, cũng khuyến khích các khách hàng tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó củng cố nền tảng kinh doanh của các công ty khách hàng và nền tảng kinh tế của khu vực. Thông qua cơ chế khuyến khích khách hàng này đã giúp ngăn ngừa rủi ro chuyển đổi, rủi ro vật chất của khách hàng khi biến đổi khí hậu xảy ra, do đó giảm thiểu rủi ro quản lý và những thiệt hại đến giá trị kinh doanh của chính đối tác và các ngân hàng cho vay. Bên cạnh đó, sự phát triển tài chính khí hậu ở Nhật Bản có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau như cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng trung ương, các tổ chức quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu như IPCC, các tổ chức tư vấn và các công ty kiểm toán, đã góp phần phát huy hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Đa dạng hóa kênh phân bổ Quỹ biến đổi khí hậu để tài trợ cho biến đổi khí hậu: chẳng hạn như huy động nguồn tài chính từ các kênh khác nhau như Kênh phân bổ Quỹ biến biến đổi đa phương từ các danh mục khác nhau như Quỹ thích ứng, Quỹ Khí hậu xanh, Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt… Kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Phát triển các khu vực, Các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc… Việc hạn chế về khả năng huy động nguồn lực tài chính tài trợ cho biến đổi khí hậu là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thúc đẩy sự phát triển tài chính khí hậu.
Thêm vào đó, sự thiếu minh bạch về thể chế trong việc phát hành các công cụ huy động tài chính là rào cản đối với một quốc gia trong việc tiếp cận thị trường trái phiếu khí hậu quốc tế. Do đó, các quốc gia cần minh bạch trong việc sử dụng các nguồn tài chính khí hậu, đây là cơ sở để kêu gọi sự chung tay hỗ trợ các chương trình chống biến đổi khí hậu. Với việc ban hành hướng dẫn về công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu ở Nhật Bản, áp dụng Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP) áp dụng để phát hành trái phiếu được xem là những nỗ lực quan trọng chống biến đổi khí hậu.
Việc tổ chức lại chuỗi cung ứng, cập nhật công nghệ và thiết bị, đánh giá lại hệ thống sản xuất, được xem là giải pháp góp phần cải thiện chuỗi cung ứng. Mỗi quốc gia cần nâng cao kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu của mỗi công ty, điều này có thể góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn bộ chuỗi cung ứng và toàn ngành. Thông qua cơ chế phân bổ tài chính bền vững, với chính sách cho vay xanh, thúc đẩy đầu tư xanh từ phía các tổ chức tín dụng đã góp phần nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu, đây cũng được xem những yếu tố quan trọng và đang phổ biến trên thế giới, có ảnh hưởng đến tính bền vững của quản lý doanh nghiệp.
Thứ nhất, đổi mới cơ chế tài chính, mở rộng quy mô tài chính nhằm đạt được cam kết về khí hậu. Mỗi quốc gia có thể phát huy nội lực và ngoại lực trong huy động tài chính tài trợ khí hậu. Các nguồn lực bên ngoài có thể kể đến như huy động tài chính từ các quỹ khí hậu đa phương (như Quỹ Khí hậu xanh - GCF, Quỹ môi trường Toàn cầu - GEF, Quỹ Thích ứng - AF…), các tổ chức tài chính phát triển, các ngân hàng phát triển khu vực. Bên cạnh đó, huy động trái phiếu khí hậu cũng được xem là kênh huy động nợ ổn định trong và ngoài nước, giúp đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu về khí hậu.
Thứ hai, tận dụng chức năng thị trường bằng cách mở rộng công bố thông tin. Cung cấp các khoản đầu tư và cho vay liên quan đến khí hậu cho các nhà đầu tư thông qua việc công bố thông tin. Để có thể tiếp cận với nguồn tài chính khí hậu, các tổ chức tín dụng ở các quốc gia cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn dự án đầu tư gắn liền với chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt là vấn đề chất lượng thông tin công bố liên quan đến rủi ro và dự án liên quan biến đổi khí hậu, quy trình sản xuất, cũng như sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Cần xây dựng bộ tiêu chí lượng hóa được các rủi ro khí hậu để phê duyệt các dự án đầu tư. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động lập kế hoạch và nỗ lực hướng tới quá trình khử carbon trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ có khả năng phục hồi trước sự gia tăng của thiên tai. Trước sự biến đổi khó lường của thiên tai, cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Các quốc gia rất cần phải đầu tư thêm vào công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích nghi với những thay đổi khí hậu để hạn chế những tác động tiêu cực. Nguồn tài chính chủ yếu cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai là những khoản đầu tư của chính quyền trung ương, tỉnh và địa phương trong các dịch vụ công. Nguồn tài chính có khả năng phục hồi bảo đảm có thể thông qua các nguồn lực của Chính phủ như: đưa vào kế hoạch phát triển quốc gia và lập ra các kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai dài hạn, cần sự phối hợp giữa các ngành, một cách linh hoạt trong phân bổ ngân sách. Các cơ chế tài chính giảm nhẹ thiên tai độc lập cần được sử dụng đặc biệt cho các hoạt động giảm thiểu, phòng ngừa và chuẩn bị, một phần của quỹ được giành cho quỹ phản ứng nhanh, quỹ dự phòng cho các chương trình cứu trợ và phục hồi. Chia sẻ chi phí với các chính quyền địa phương và cộng đồng. Khi quốc gia phát triển và khí hậu biến đổi, nhu cầu đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thiên tai tăng lên, góp phần tăng trưởng kinh tế trong thời điểm bình thường, cũng như giảm tổn thất kinh tế khi thảm họa xảy ra. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân nhằm mở rộng các nguồn tài chính hiện tại phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng là thiết yếu. Cần xây dựng khuôn khổ thể chế gắn kết các hình thức nhượng quyền hoặc cho phép tư nhân tham gia kinh doanh cơ sở hạ tầng để tạo nguồn thu tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới.
Để có thể đáp ứng nhu cầu về tài chính khí hậu trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung huy động và đầu tư có hiệu quả các nguồn lực hiện có, cần có những kinh nghiệm triển khai từ các quốc gia trên thế giới để có thể xây dựng, hoàn thiện chính sách thực thi tài chính khí hậu phù hợp. Tài chính khí hậu là chìa khóa quan trọng, là đòn bẩy tích cực để thực hiện các cam kết khí hậu mà các nước đã đưa ra. Trong bối cảnh thế giới đang cần khẩn thiết hành động trước thời điểm không thể quay trở lại về khí hậu này, tài chính khí hậu lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và cần phải thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn nữa, cũng như các định hướng giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu.
Tài liệu trích dẫn:
[1] ÙNFCCC. Introduction to Climate Finance . Available at: https://unfccc.int/topics/introduction-to-climate-finance
[2] United Nations Development Programme. Available at: https://climatepromise.undp.org/
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Experiences of some countries in climate finance
Le Thuy Dung1
Hoang Thi Loc1
Bui Dinh Thang1
Nghe An University of Economics
Abstract:
This paper presented the experiences of some countries in climate finance and proposed some solutions and orientations to increase the effectiveness of climate finance in the coming time. To mobilize these resources, countries around the world tend to deploy a variety of climate finance policies. However, the effectiveness and implementation of these policies vary greatly and depend on the specific conditions of each country.
Keywords: finance policies, climate finance, risk, climate change, financial support.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết