Kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam


Đề tài Kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam do Nguyễn Đình Đức (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) thực hiện.

TÓM TẮT:

Kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô luôn là chủ đề được các quốc gia cũng như Việt Nam quan tâm để có thể góp phần phát triển nền kinh tế. Ảnh hưởng của Covid-19 đã gây ra xu hướng lạm phát tăng cao ở quy mô toàn cầu. Trong cơn bão lạm phát, rất nhiều quốc gia đã gồng mình và thoát ra vùng an toàn. Từ thực tế của các nước, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm quý báu để kịp thời ứng phó trong những giai đoạn tiếp theo. Bài viết này hệ thống những kinh nghiệm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từ các nước như Mỹ, Anh, Singapore, New Zeland, Thụy Sĩ để rút ra bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam.

1. Lý luận chung về lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Lạm phát là sự tăng lên liên tục của mức giá chung (mức giá trung bình) theo thời gian, hoặc là quá trình đồng tiền liên tục giảm giá. Tỷ lệ lạm phát cho thời kỳ t được tính theo công thức dưới đây:

Lạm phát

 

Lạm phát sẽ có 3 mức quy mô như sau: lạm phát vừa phải, lạm phát phi mã, siêu lạm phát:

  • Lạm phát vừa phải: là lạm phát một con số, có tỷ lệ dưới 10% một năm.
  • Lạm phát phi mã: là loại lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát tăng tương đối nhanh, với tỷ lệ 2 hoặc 3 con số trong năm.
  • Siêu lạm phát: là loại lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát từ 3 con số trở lên.

Lạm phát xảy ra do các nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, lạm phát do cầu kéo. Lạm phát xảy ra do sự gia tăng nhanh của tổng cầu khi sản lượng đã đạt hoặc vượt mức tiềm năng.

Thứ hai, lạm phát do chi phí đẩy. Lạm phát này xảy ra khi một số chi phí đồng loạt tăng lên trong toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, lạm phát ỳ. Với lạm phát vừa phải có xu hướng ổn định và có thể dự đoán được theo thời gian thì tỷ lệ lạm phát này được gọi là lạm phát ỳ.

Thứ tư, lạm phát và tiền tệ. “Lạm phát ở đâu bao giờ cũng là hiện tượng tiền tệ… và nó chỉ có thể xuất hiện một khi cung tiền tăng nhanh hơn sản lượng”. Do lượng tiền được phát hành quá mức như vậy sẽ gây mất cân đối giữa cung và cầu tiền. Cung tiền tăng làm cho sức mua của đồng tiền giảm hay đồng tiền bị mất giá.

Ổn định kinh tế vĩ mô là một tình trạng trong kinh tế khi các biến số quan trọng như mức lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lãi suất được duy trì ở mức ổn định và dự đoán được trong một khoảng thời gian dài, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và đầu tư trong nền kinh tế. Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve) về ổn định kinh tế vĩ mô: “Ổn định kinh tế vĩ mô đề cập đến tình trạng mà một nền kinh tế không bị dao động quá mức trong các biến số quan trọng như lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Ổn định này thường được xem là mục tiêu quan trọng trong quá trình quản lý kinh tế của một quốc gia.” Theo Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển (OECD) về ổn định kinh tế vĩ mô: “Ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự duy trì của mức lạm phát thấp và dự đoán được, tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần với tỷ lệ tự nhiên của nó, và sự ổn định trong tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính.”

2. Kinh nghiệm các nước về kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô

2.1. Kinh nghiệm kiểm soát lạm phát ở Mỹ

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có lịch sử phong phú về việc đối phó với lạm phát. Trong suốt nửa sau của thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đóng một vai trò then chốt trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cách tiếp cận chính sách tiền tệ linh hoạt, với những điều chỉnh dựa trên điều kiện kinh tế theo thời gian thực, đã cho phép Mỹ phản ứng hiệu quả trước các mối đe dọa lạm phát.

Dịch bệnh Covid-19 vào Mỹ đã làm cho nền kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, chính phủ Mỹ đã tăng cường các gói trợ cấp lớn. Điều này đã góp phần làm tăng cung tiền và gây áp lực lạm phát vào năm 2021. Trong 12 tháng tính đến hết tháng 11/2021, giá tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng 6,8% mức cao nhất trong 40 năm qua ở Mỹ. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tắc nghẽn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, làm tăng giá các hàng hóa và vật liệu cụ thể. Bên cạnh đó, Mỹ hỗ trợ Ukraine rất nhiều trong cuộc chiến do Nga phát động đã làm tăng chi ngân sách ở mức kỷ lục ở năm 2022 (8%).

Từ năm 2021, FED đã liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất. FED đã tăng lãi suất cơ bản 5 điểm phần trăm trong 10 lần tăng kể từ tháng 3/2022 và ngày 4/5/2022 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Trong năm 2022, FED đã tăng lãi suất thêm 425 điểm cơ bản từ mức 0% lên 4,25 - 4,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất ở Mỹ từ năm 2007. Fed kỳ vọng rằng khi các hợp đồng thuê nhà hiện tại hết hạn, chúng sẽ được đàm phán lại với mức giá thuê thấp hơn, kéo lạm phát ở nhóm nhà ở xuống. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục thắt chặt dần chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời chú ý đến các chỉ số việc làm. Lượng cầu giảm khiến các nhà bán lẻ đang giữ quá nhiều hàng phải áp dụng các hình thức khuyến mãi đối với các mặt hàng như quần áo và nội thất.

Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ tuy chưa đặt được mức mục tiêu 2% như đề ra nhưng đã có sự giảm mạnh mẽ từ 6.5% năm 2022 xuống 3.4% năm 2023. Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định và lạm phát đã hạ nhiệt. Điều này chứng tỏ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã phát huy hiệu quả rất tốt. Nhằm mục đích tránh những tổn thương từ hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ đã tiên phong trong khuôn khổ tạo lập nên IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), bao gồm 14 quốc gia đối tác: Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Khuôn khổ này sẽ giúp tránh sự gián đoạn chuỗi cung ứng với các quốc gia thành viên.

2.2. Kinh nghiệm kiểm soát lạm phát ở Anh

Giai đoạn từ 2019 đến năm 2023, nước Anh bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn với lạm phát cao hơn so với mục tiêu 2% đã được đề ra. Tác động của Brexit và những bất ổn xung quanh các mối quan hệ thương mại toàn cầu, đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh bị giảm sút. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã gây ra những diễn biến phức tạp hơn nữa. Ban đầu, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc giảm phát khi các lệnh phong tỏa và bất ổn kinh tế làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, hậu quả dây chuyền của đại dịch Covid-19, là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát cao bắt đầu nhanh chóng, kéo theo đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm gián đoạn giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thực phẩm và năng lượng. Theo văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức dự đoán tăng 9,8% của Reuters.

Đi cùng với việc ổn định giá năng lượng, ngày 11/5/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 4,5%, mức cao nhất trong gần 15 năm. Ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên mức 5%, trong bối cảnh nhiều thông tin cho thấy, tình hình lạm phát cao tại nước này sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BOE kể từ tháng 12/2021 trong nỗ lực ngăn chặn đà tăng lạm phát.

Bên cạnh đó, chính phủ Anh đã đưa ra các gói kích thích tài chính, bao gồm thanh toán trực tiếp cho cá nhân, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch. Chính phủ Anh đã đàm phán các hiệp định và điều khoản thương mại liên quan đến Brexit, tác động đến tỷ giá hối đoái và sau đó là lạm phát. Nước này đã tập trung vào các biện pháp y tế công cộng, phân phối vắc xin và hỗ trợ tài chính để chống lại đại dịch, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, phục hồi hoạt động và nhu cầu kinh tế. Anh đã đạt được thành công trong kiểm soát lạm phát về mức 7.1% năm 2023. Tuy nhiên, sự thắt chặt tiền tệ mạnh đi kèm với tài chính mở rộng đã làm cho hiệu quả của việc kiểm soát lạm phát ở Anh chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

2.3. Kinh nghiệm kiếm soát lạm phát ở New Zeland

New Zealand gần như ở cuối của chuỗi cung ứng toàn cầu nên đại dịch Covid-19, các sự kiện liên quan đã làm giảm khả năng phục hồi của nước này để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Tình trạng thiếu lao động cũng cực kỳ nghiêm trọng trên toàn cầu và ở New Zealand. Covid-19 lan rộng, một phần lớn lực lượng lao động toàn cầu bị ốm hoặc bị cô lập và không thể làm việc. Đến tháng 3/2022, số người nghỉ làm ở New Zealand từ một tuần trở lên vì bệnh tật đã tăng gần 70% so với 1 năm trước đó.

Nhu cầu bất ổn ổn định và các vấn đề từ phía cung, giá nhiên liệu tăng nhanh do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga và Ukraine tạo ra lạm phát cao chưa từng có ở New Zealand với mức 3,9% năm 2021 và lập đỉnh mới 7,2% năm 2022 (Theo World Bank). Chính phủ New Zealand đã xúc tiến triển khai các biện pháp mạnh để có thể kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu 1-3%. Trước tình hình leo thang của lạm phát, ngày 25/5/2022, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Ngân hàng Trung ương - RBNZ) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên 2%, mức cao nhất kể từ năm 2016. Và liên tục thực hiện các điều chỉnh lãi suất tăng trong năm 2023 đạt mức cao nhất trong lịch sử 30 năm trở lại đây ở New Zealand.

Theo báo cáo tháng 3/2023 của Bộ Tài chính New Zealand, chỉ trong 8 tháng, tính đến hết tháng 2/2023, nền kinh tế nước này đã thâm hụt 3,2 tỷ NZD và nợ ròng lên tới 71,9 tỷ NZD, chiếm 18,9% giá trị của nền kinh tế. Đến ngày 12/7/2023, lãi suất ở New Zealand đã tăng lên 5.5% và dự báo cập nhật của Ngân hàng trung ương New Zealand cho thấy lãi suất tiền mặt trung bình tăng lên mức cao nhất là 5,59% đầu năm 2024 và giảm xuống 5,5% vào giữa năm 2024. Những biện pháp kiên quyết về suất và kiểm soát chính sách tiền tệ ở New Zealand đã giúp lạm phát trong năm 2023 bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt.

2.4. Kinh nghiệm kiểm soát lạm phát ở Singapore

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và các cú sốc mới đối với nguồn cung năng lượng, lương thực và thực phẩm toàn cầu nảy sinh từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng sức ép lạm phát, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Singapore. Người dân phải trải qua đợt tăng giá lớn nhất trong 14 năm trở lại đây.

Lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 5/2022 đạt mức cao nhất trong hơn 13 năm, dẫn đến giá thực phẩm và tiện ích tăng cao. Lạm phát nhập khẩu là nguồn tăng giá lớn nhất ở Singapore, trên thực tế nhập từ nước ngoài. Do đó, việc MAS sử dụng tỷ giá hối đoái của đồng SGD như một công cụ để đạt được nhiệm vụ ổn định giá cả trong trung hạn nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế khá thành công trong nhiều thập kỷ. Đồng tiền Singapore đã tăng gần 0,7% lên 1,3963 SGD đổi 1 USD. Dự kiến vào tháng 10 tới, các nhà kinh tế MAS sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Ngân hàng Trung ương Singapore ngày 14/10/2022 đã lần thứ năm liên tiếp trong 12 tháng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế mức lạm phát tăng cao nhất trong 14 năm. Lần này, MAS điều chỉnh điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái, ước tính tăng khoảng 2% so với mức trước đó. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Singapore đã giảm xuống 5,1% vào tháng 4 năm 2023.

2.5. Kinh nghiệm kiểm soát lạm phát ở Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Sự tăng lên của giá cả hàng hóa không gây ra nhiều sự xáo trộn trong đời sống của người dân. Do vậy, Chính phủ Thụy Sĩ có thể thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng và ổn định lạm phát làm cơ sở cho việc thực hiện ổn định mức giá cả trong nền kinh tế. Đồng tiền France tăng giá nhanh và đạt mức giá bằng với đồng Euro ở năm 2022. Trong khi đó, giá trị đồng nội tệ của các quốc gia đã bị giảm đáng kể do sự tăng giá của Dollar Mỹ. Nhờ sự ổn định này, mức giá nhập khẩu hàng hóa của Thụy Sĩ khoảng 302 tỷ USD/năm được giữ ổn định và không gây ra tình trạng nhập khẩu lạm phát vào nước này.

Trong bối cảnh, lạm phát ở các quốc gia tăng nhanh do giá cả năng lượng chạm đỉnh bởi xung đột Nga - Ukraina nhưng Thụy Sĩ bị ảnh hưởng rất ít bởi yếu tố này. Thụy Sĩ có hơn 1.500 hồ lớn và thủy điện cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho Thụy Sĩ. Hơn nữa, các công ty cung cấp năng lượng của Thụy Sĩ thuộc sở hữu nhà nước nên việc điều hành hoạt động của họ có sự thống nhất cao, không gây ra hỗn loạn trên thị trường. Cụ thể, năm 2022, khi mức tăng giá năng lượng ở Đức là 25%, Hà Lan là 30%, Anh là 52.3%, Italy là 64.7% thì ở Thụy Sĩ chỉ là 16.2%. Trong năm 2023, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện nâng giá năng lượng thêm 27%.

Sự thành công trong kiểm soát lạm phát ở Thụy Sĩ có được nhờ sự kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ. Một nền kinh tế thị trường phát triển nhưng Thụy Sĩ vẫn có thể đảm bảo được việc kiểm soát giá cả một cách chặt chẽ. Cụ thể, Thụy Sĩ kiểm soát giá tới 30% giỏ hàng xác định CPI như thực phẩm, nhà ở, giao thông vận tải (mức cao nhất so với các nước ở châu Âu). Những biện pháp kiểm soát thành công trên là cơ sở cho việc kỳ vọng lạm phát ở Thụy Sĩ giảm trung bình về 2.4% năm 2023 và đạt 1.8% năm 2024. Sự ổn định về giá cả càng thúc đẩy nhu cầu đi lại của người dân các nước châu Âu tới Thụy Sĩ trong thời gian tới.

3. Kết luận

Việt Nam có những thành công trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và đó là tiền đề để Việt Nam vực dậy nhanh nền kinh tế trong đại dịch. Sự biến động của đối với nền kinh tế khi mở cửa hội nhập ngày càng sâu và rộng như hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần quan sát xét kịch bản của các quốc gia trên thế giới. Từ đó, Việt Nam có thể đúc rút những kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Các biện pháp kiểm soát lạm phát là linh hoạt, nó không chỉ dừng lại ở một biện pháp nhất định. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện thực tế, Việt Nam chủ động áp dụng các giải pháp mà các quốc gia trên thế giới đã đạt được thành công.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng ảnh hưởng từ đại dịch việc nới nỏng tài chính bằng các gói hỗ trợ đối với người dân và doanh nghiệp là cần thiết để khôi phục sức cầu và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt các biện pháp như thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua điều chỉnh lãi suất tăng (Mỹ, Anh). Hoặc theo nguyên nhân chính tác động tới lạm phát (do nhập khẩu tăng cao) cần điều chỉnh linh hoạt nới rộng biên độ tỷ giá, tăng tỷ giá hối đoái (Singapore). Hoặc kiểm soát giá với những sản phẩm thiết yếu trong nền kinh tế theo kinh nghiệm từ một quốc gia phát triển như Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại sẽ giúp tránh giảm thiểu rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị khi các quốc gia phải thực hiện những biện pháp giãn cách tránh đại dịch lan rộng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Fulton, C., & Hubrich, K. (2021). Forecasting US inflation in real time. Econometrics, 9(4), 36.
  2. Ball, L. M., Leigh, D., & Mishra, P. (2022). Understanding US inflation during the covid era (No. w30613). National Bureau of Economic Research.
  3. Bordo, M. D., & Levy, M. D. (2021). Do enlarged fiscal deficits cause inflation? The historical record. Economic Affairs, 41(1), 59-83.
  4. Collins, T. (2022). Inflation Targeting in New Zealand: Does Policy Match Practice? Journal of Applied Business & Economics, 24(1).
  5. Seidl, C. (2023). Inflation: Thruway of ECB's monetary policy (No. 2023-01). Economics Working Paper.
  6. Chow, H. K., & Wong, F. C. (2020). Monetary Policy Implementation in Singapore. In Monetary Policy Implementation in East Asia (pp. 73-83). Cham: Springer International Publishing.

Controlling inflation and ensuring macroeconomic stability - International experience for Vietnam

Nguyen Dinh Duc

Institute of Strategy and Financial Policy

Abstract

Controlling inflation and ensuring macroeconomic stability are always topics of concern to countries, including Vietnam. The COVID-19 pandemic’s consequences have led to higher inflation around the world. During the inflation storm, many countries braced themselves and escaped the safe zone. From other countries' experiments, Vietnam can draw valuable lessons to promptly respond in the following economic stages. This paper summarized lessons learned for Vietnam from countries such as the US, the UK, Singapore, New Zealand, and Switzerland.

Keywords: inflation, macroeconomic stability, international experience, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3