Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là những doanh nghiệp không có quy mô lớn về vốn và lao động. Mỗi quốc gia sẽ có những tiêu chí khác nhau để xác định DNNVV, riêng Việt Nam dựa vào quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm để phân loại DNNVV theo tiêu chí xác định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Sự phát triển của DNNVV chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng của hệ thống kế toán. Thực tế hiện nay, các chuẩn mực và thông tư hướng dẫn kế toán cho DNNVV được đánh giá là còn nhiều hạn chế và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đáp ứng tốt nhu cầu thông tin kế toán cho các đối tượng sử dụng thì cần phải xây dựng lại hệ thống chuẩn mực kế toán thích ứng và phù hợp với đặc điểm hoạt động của DNNVV trong xu thế hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vì vậy, việc vận dụng IFRS for SMEs để thiết lập VFRS for SMEs là một vấn đề thiết yếu và phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay.
Tháng 7/2009, IASB đã công bố toàn văn IFRS for SMEs, áp dụng từ năm tài chính 2010. IFRS for SMEs là một bộ chuẩn mực độc lập với IFRS, kết cấu thành 35 phần, với 230 trang. Tháng 5/2015, IASB đã ra công bố về những nội dung xem xét, sửa đổi IFRS for SMEs, các thay đổi so với phiên bản 2009 không khác biệt nhiều, chủ yếu liên quan đến việc giải thích các thuật ngữ, không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch cụ thể. IFRS for SMEs được xây dựng trên cơ sở bộ chuẩn mực IFRS đầy đủ theo hướng đơn giản hóa để phù hợp với các DNNVV. Sự khác biệt cơ bản giữa IFRS for SMEs và IFRS xuất phát từ nỗ lực của IASB nhằm giảm thiểu những nội dung không liên quan, không phát sinh ở các DNNVV, đơn giản hóa các nguyên tắc ghi nhận, đo lường và yêu cầu công bố thông tin, sử dụng các thuật ngữ dễ hiểu và dễ dịch thuật hơn, chú ý đến sự cân đối chi phí và lợi ích khi áp dụng cho DNNVV. Một số điểm khác biệt cơ bản giữa IFRS for SMEs và IFRS được trình bày ở Bảng 1.
Bảng 1. Những khác biệt cơ bản giữa IFRS for SMEs và IFRS
Nguồn: IASB, 2009; IASB, 2015; Hồ Xuân Thủy, 2018
Theo kết quả thống kê của IASB, tính đến tháng 3/2017, 85 quốc gia đã áp dụng IFRS for SMEs (với một số cách thức lựa chọn áp dụng khác nhau) và 11 quốc gia dự kiến lộ trình áp dụng. Trong số các quốc gia đã áp dụng IFRS for SMEs, 78 quốc gia áp dụng hoàn toàn không sửa đổi, các quốc gia còn lại có một số ít sửa đổi. Những quy định về chính sách kế toán, nguyên tắc ghi nhận và đo lường không có sự sửa đổi đáng kể nào khi áp dụng IFRS for SMEs.
Bảng 2. Số quốc gia đã áp dụng IFRS for SMEs (tính đến tháng 3 năm 2017)
Nguồn: IFRS Foundation, 2017
Đối với Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 phê duyệt “Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam”, bao gồm việc áp dụng IFRS và ban hành mới VFRS. Đề án nêu rõ “các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án”. Như vậy, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức nào quy định về việc áp dụng IFRS for SMEs, hay thiết lập VFRS for SMEs.
Hiện nay, Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đang áp dụng cho DNNVV có nhiều điểm khác biệt so với IFRS for SMEs. VAS áp dụng cho DNNVV chưa có (hoặc không áp dụng) các chuẩn mực (hoặc các nội dung) như sau: DNNVV, công cụ tài chính, giảm giá trị tài sản, thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, các hoạt động đặc thù, hợp nhất kinh doanh, BCTC hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại,… Những khác biệt này dẫn đến việc lập và trình bày BCTC của các DNNVV Việt Nam chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, việc áp dụng IFRS for SMEs tại Việt Nam hoặc thiết lập VFRS for SMEs dựa trên IFRS for SMEs là một bước tiến quan trọng để nâng cao chất lượng BCTC, tăng tính so sánh của BCTC trong khu vực, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khuyến khích thương mại quốc tế, dễ tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài, tạo cơ hội thu hút vốn từ nước ngoài, niềm tin nhà đầu tư được nâng lên, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới,…
Tuy nhiên, việc vận dụng IFRS for SMEs không phải dễ dàng mà sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, bởi vì mỗi quốc gia có những khác biệt về môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… Theo Phạm Mỹ Quyên và Nguyễn Quang Huy (2019), các yếu tố về hệ thống pháp lý, kinh tế, văn hóa, sự phát triển của nghề nghiệp kế toán, đối tượng và nhu cầu sử dụng thông tin BCTC đều ảnh hưởng đáng kể đến việc áp dụng IFRS for SMEs tại các DNNVV ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Lê Thị Thanh Mỹ và Lê Thị Thanh Nhật (2019) ngoài việc chỉ ra những thuận lợi khi áp dụng IFRS for SMEs cũng cho thấy một số khó khăn, như: trình độ kế toán yếu, nhận thức của nhà quản lý còn hạn chế, tốn thời gian, tốn chi phí, không quen với các phương pháp đo lường, rào cản về ngôn ngữ và ảnh hưởng của thuế. Nghiên cứu của Helen Samujh và S.Susela Devi (2015) cũng chỉ ra rằng có nhiều trở ngại trong việc áp dụng IFRS for SMEs trong các DNNVV ở các quốc gia Asean bởi nhiều lý do như: DNNVV không có nhiều hoạt động thương mại quốc tế, cơ sở hạ tầng kế toán còn kém, trình độ chuyên môn kế toán yếu, nhận thức của chủ doanh nghiệp về IFRS for SMEs còn hạn chế, tổ chức nghề nghiệp kế toán kém phát triển,…
Thực tế cho thấy, với những điều kiện hiện tại của Việt Nam, áp dụng ngay hoàn toàn IFRS for SMEs là chưa thực sự khả thi. Việc vận dụng IFRS for SMEs tại Việt Nam cần phải thực hiện theo lộ trình từng bước. Trước mắt nên xây dựng một bộ chuẩn mực áp dụng riêng cho DNNVV dựa trên IFRS for SMEs, sau đó, đến thời điểm thích hợp sẽ chuyển sang áp dụng toàn bộ IFRS for SMEs khi các DNNVV đã thực sự quen thuộc và tuân thủ chuẩn mực một cách tự giác, cơ chế quản lý của Nhà nước đã có những điều chỉnh phù hợp và các DNNVV đã hội nhập một cách bền vững với thị trường quốc tế (Võ Văn Nhị và Trần Thị Thanh Hải, 2017). Vì vậy, trong tương lai gần, Việt Nam nên vận dụng IFRS for SMEs để thiết lập VFRS for SMEs, thay vì áp dụng ngay toàn bộ IFRS for SMEs. Để thực hiện được điều này, Việt Nam nói chung và các DNNVV tại Việt Nam nói riêng cần tìm hiểu tất cả những vấn đề khó khăn trên, đồng thời có các giải pháp để khắc phục từng khó khăn, trở ngại.
Trên cơ sở phân tích những điểm nổi bật của IFRS for SMEs, những thuận lợi và khó khăn khi vận dụng IFRS for SMEs, tác giả đề xuất một số khuyến nghị cho vấn đề vận dụng IFRS for SMEs để thiết lập VFRS for SMEs:
Thứ nhất, bên cạnh việc áp dụng IFRS và ban hành mới VFRS theo “Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam”, ngày 16/03/2020, Bộ Tài chính cũng cần xem xét việc xây dựng bộ chuẩn mực kế toán riêng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng của Đề án trên, bằng cách vận dụng IFRS for SMEs để thiết lập VFRS for SMEs theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Trước tiên, Bộ Tài chính cần xây dựng kế hoạch, lộ trình áp dụng, đề ra các giải pháp, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đối tượng liên quan. Việc ban hành các chuẩn mực, chế độ kế toán cần chú trọng việc cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng hơn là chú trọng về thuế. Ngoài ra, các chính sách thuế cần được ban hành một cách hợp lý, rõ ràng và phù hợp với DNNVV, các cơ quan thuế không được chi phối hay gây áp lực về thuế đến việc ghi chép sổ sách và lập BCTC của các doanh nghiệp.
Thứ hai, vai trò của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần được nâng cao hơn nữa. Bộ Tài chính cần tăng cường phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia kế toán tiến hành dịch thuật và làm rõ những thuật ngữ quan trọng trong IFRS for SMEs, để khắc phục những trở ngại về mặt ngôn ngữ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng VFRS for SMEs. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao sự hiểu biết của các chuyên gia giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, cũng như các nhân viên kế toán, liên quan đến IFRS for SMEs và VFRS for SMEs trước và sau khi áp dụng. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần mở rộng chương trình đổi mới, cập nhật kiến thức về thực hành kế toán cho các DNNVV để tăng cường kỹ năng thực hành, tăng tính chuyên nghiệp và khả năng xét đoán nghề nghiệp cho các kế toán theo yêu cầu của IFRS for SMEs.
Thứ ba, các trường đại học và các cơ sở đào tạo kế toán cần chủ động cập nhật đầy đủ và kịp thời những quy định mới trong kế toán vào nội dung giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, trước mắt cần nghiên cứu, triển khai đưa nội dung IFRS for SMEs vào chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, tổ chức nguồn lực và xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy phù hợp; đồng thời cũng cần nâng cao công tác đào tạo ngoại ngữ (đặc biệt là Tiếng Anh).
Thứ tư, các DNNVV cần chú trọng hơn trong việc xây dựng, tổ chức và hoàn thiện bộ máy kế toán. Doanh nghiệp cần tuyển nhân viên kế toán có đủ trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho nhân viên kế toán tham gia các buổi tập huấn liên quan đến kế toán, kiểm toán và kê khai thuế. Đối với các DN thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, cần lựa chọn người có uy tín, đủ năng lực chuyên môn và chứng chỉ hành nghề theo quy định. Mặt khác, tất cả các nhân viên kế toán (kể cả kế toán thuê ngoài) cần trao dồi kiến thức chuyên môn và các quy định pháp lý về kế toán, chủ động cập nhật đầy đủ và kịp thời những thay đổi trong kế toán, tuân thủ các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chủ sở hữu và nhà quản lý của các DNNVV cần có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực kế toán, phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng thông tin BCTC, nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc áp dụng IFRS for SMEs, cũng như nhận thức được rằng việc cung cấp thông tin không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế mà cần phải đáp ứng được nhu cầu thông tin hữu ích của tất cả các đối tượng liên quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
DISCUSSING THE APPLICATION OF IFRS
FOR SMES TO DEVELOP VIETNAM FINANCIAL
REPORTING STANDARDS (VFRS) FOR SMES
• Master. NGUYEN NGOC THUY SON
Faculty of Economics - Business Administration,
An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This paper summarizes essential differences between the International Financial Reporting Standards (IFRS) for small and medium-sized enterprises (SMEs), investigates the application of the IFRS for SMEs, and points out advantages and disadvantages of applying the IFRS for SMEs. The paper also makes some recommendations for the application of the IFRS for SMEs in order to develop Vietnam Financial Reporting Standards (VFRS) for SMEs.
Keywords: Vietnam Accounting Standards, small and medium-sized enterprises, the IFRS for SMEs, VFRS.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết