IFRS 02 về ghi nhận phát hành cổ phiếu cho nhân viên


TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đã chỉ ra những quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 02 “Giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu” trong kế toán giao dịch phát hành cổ phiếu cho nhân viên và thực trạng kế toán phát hành cổ phiếu cho nhân viên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bằng việc phân tích những đặc điểm của giao dịch phát hành cổ phiếu cho nhân viên tại Việt Nam như: chỉ phát hành cổ phiếu thưởng và quyền chọn mua cổ phiếu, quyền chọn mua cổ phiếu thường được phát hành không kèm điều kiện, đời sống của quyền chọn ngắn, bài viết đã khẳng định việc áp dụng IFRS 02 để kế toán hoạt động phát hành cổ phiếu cho nhân viên tại Việt Nam là hoàn toàn có thể và nên được tiến hành sớm.

Từ khóa: IFRS 02, phát hành cổ phiếu, nhân viên, phát hành.

1. Sự cần thiết và các yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện IFRS 02 tại Việt Nam

Khi IFRS 02 chưa được ban hành, đang được đem ra để thảo luận, có rất nhiều ý kiến trái chiều không ủng hộ quan điểm của IFRS 02. Ví dụ như: Khi công ty phát hành cổ phiếu cho nhân viên thì không bị mất tiền cũng như tài sản nào, do vậy công ty không nên ghi nhận chi phí khi phát hành. Nếu ghi nhận chi phí thù lao khi phát hành sẽ làm EPS của công ty giảm mạnh do lợi nhuận của doanh nghiệp giảm và số cổ phần hiện hành sẽ tăng lên. Hay như lo ngại rằng nếu doanh nghiệp bị yêu cầu ghi nhận chi phí khi phát hành sẽ làm các doanh nghiệp mất động lực, không thực hiện phát hành cổ phiếu cho đối tác nữa.

Tuy nhiên, đáp lại những lập luận này, Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế đã phản bác lại như sau: thứ nhất, giao dịch giữa doanh nghiệp và người lao động đã thực sự xảy ra, người lao động đã cung cấp dịch vụ cho công ty để đổi lại số cổ phần hoặc quyền chọn mua cổ phần của công ty; thứ hai, đúng là EPS của công ty sẽ giảm nhưng điều này là phản ánh đúng bản chất của vấn đề; thứ ba, nếu doanh nghiệp vì bị yêu cầu phải ghi nhận chi phí mà không tiến hành các kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhân viên, chứng tỏ yêu cầu ghi nhận của kế toán đã chỉ ra ảnh hưởng kinh tế của hoạt động này tới doanh nghiệp. Do vậy, IFRS 02 được ban hành và cho tới nay IFRS 02 đã được đưa vào thực tế trên 13 năm. Theo thống kê của IASB, hiện các chuẩn mực kế toán quốc tế đang được 97 quốc gia yêu cầu tất cả các doanh nghiệp áp dụng, 9 quốc gia yêu cầu 1 bộ phận doanh nghiệp phải áp dụng, 25 quốc gia cho phép doanh nghiệp áp dụng IFRS, chỉ 23 quốc gia không cho phép áp dụng IFRS và 21 quốc gia không có thị trường chứng khoán.

Như vậy, có thể thấy, IFRS 02 đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, để giúp thị trường chứng khoán thu hút được dòng vốn ngoại, các doanh nghiệp Việt cũng nên lập BCTC theo IFRS 02 và các chuẩn mực kế toán quốc tế khác để tăng cường tính minh bạch, thống nhất giữa BCTC Việt Nam và quốc tế.

Khi áp dụng IFRS 02 chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó lo ngại lớn nhất liên quan tới việc định giá công cụ vốn. Vì IFRS 02 yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán chi phí thù lao dựa trên giá trị hợp lý của quyền chọn tại ngày phát hành, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng các mô hình định giá quyền chọn như: mô hình Black-scholes, phương pháp binominal hay phương pháp MonteCarlo. Do trình độ hạn chế, kế toán viên không nắm rõ được những kỹ thuật phức tạp này. Hay doanh nghiệp lo ngại rằng việc định giá này dựa trên rất nhiều giả định phức tạp, mà nếu chỉ cần giả định sai, chi phí ghi nhận thay đổi là rất lớn,... Tuy nhiên, với đặc điểm hoạt động phát hành cổ cho nhân viên ở Việt Nam như: chỉ phát hành cổ phiếu thưởng và quyền chọn mua cổ phiếu, quyền chọn mua cổ phiếu thường được phát hành không kèm điều kiện, đời sống (thời gian từ lúc quyền chọn được phát hành tới khi quyền chọn được thực hiện) của quyền chọn ngắn, thì các rủi ro liên quan tới định giá quyền chọn cũng không nhiều, doanh nghiệp có thể dễ dàng định giá quyền chọn dễ dàng hơn. Do vậy, theo ý kiến của tác giả, việc áp dụng IFRS 02 để kế toán hoạt động phát hành cổ phiếu cho nhân viên là hoàn toàn có thể.

2. Kế toán phát hành cổ phiếu cho nhân viên theo IFRS 02 tại Việt Nam

2.1. Phạm vi của IFRS 02

Chuẩn mực này đưa ra yêu cầu về kế toán các giao dịch trong đó doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ từ đối tác (có thể là nhà cung cấp hoặc nhân viên) và trả bằng công cụ vốn (cổ phần) của doanh nghiệp mình. Giao dịch này còn gọi là giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu, bao gồm 3 nhóm như sau:

Nhóm 1: Giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu tất toán bằng công cụ vốn (Equity - settled share-based payment transaction). Trong nhóm giao dịch này, công ty nhận hàng hóa hoặc dịch vụ và trả bằng công cụ vốn (cổ phiếu hoặc quyền chọn mua cổ phiếu) của công ty mình.

Nhóm 2: Giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu tất toán bằng tiền (Cash - settled share-based payment transaction). Trong nhóm giao dich này, khi nhận hàng hóa, dịch vụ, giá trị khoản nợ của công ty với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ được xác định dựa trên giá các công cụ vốn của công ty.

Nhóm 3: Giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu có thể lựa chọn tất toán bằng tiền hoặc công cụ vốn). Tương tự như 2 nhóm giao dịch trên, nhưng việc thanh toán có thể thực hiện bằng tiền hoặc công cụ vốn. Như vậy, IFRS 02 không chỉ điều chỉnh những giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu giữa doanh nghiệp và nhân viên, mà còn có thể là giao dịch giữa doanh nghiệp với đối tác khác.

2.2. Nội dung của IFRS 02 về kế toán phát hành cổ phiếu cho nhân viên

Do phát hành cổ phiếu cho nhân viên tại Việt Nam chủ yếu được tiến hành dưới hình thức quyền chọn và cổ phiếu thưởng (là các giao dịch nhóm 1) cho nên bài viết cũng tập trung vào các quy định của IFRS 02 về kế toán giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu và tất toán bằng công cụ vốn. Cụ thể như sau:

- Về ghi nhận:

Công ty phải ghi nhận hàng hóa hoặc dịch vụ nhận được từ giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu khi công ty nhận được hàng hóa hay dịch vụ đó. Hàng hóa hoặc dịch vụ nhận được trong giao dịch thanh toán dựa trên cổ phiếu phải được ghi nhận là chi phí của doanh nghiệp, trừ khi chúng đủ tiêu chuẩn ghi nhận là tài sản. Nếu hàng hóa dịch vụ nhận được trong trường hợp giao dịch được tất toán bằng công cụ vốn, công ty phải ghi nhận một khoản tăng tương ứng trong vốn chủ sở hữu.

- Về đo lường:

Công ty phải sử dụng giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ nhận được để ghi nhận hàng hóa, dịch vụ nhận về, đối ứng với sự gia tăng trong vốn chủ sở hữu. Nếu giá trị của hàng hóa, dịch vụ nhận được không được đo lường một cách đáng tin cậy, doanh nghiệp ghi nhận theo giá trị hợp lý của công cụ vốn được phát hành. Khi cổ phiếu, quyền chọn hoặc các công cụ vốn khác được phát hành cho nhân viên như một phần của đãi ngộ, thông thường sẽ không thể xác định được giá trị hợp lý của dịch vụ nhận về. Vì vậy, công ty sẽ tham chiếu tới giá trị hợp lý của công cụ vốn được phát hành. GTHL của các công cụ vốn này được xác định tại ngày phát hành và không thay đổi trong suốt thời gian chuyển quyền sau đó.

- Về phân bổ chi phí khi nhận dịch vụ từ đối tác (ở đây là nhân viên):

Khi công cụ vốn được phát hành, chúng có thể được trao quyền ngay lập tức, nhưng thông thường là bên đối tác sẽ phải hoàn thành một số điều kiện trước khi được trao quyền. Ví dụ như nhân viên phải làm việc đủ 3 năm trước khi được trao quyền. Do vậy sẽ dẫn tới 2 trường hợp: Nếu công cụ vốn đã phát hành được trao quyền ngay mà không có điều kiện gì thì coi như dịch vụ đã hoàn thành. Doanh nghiệp phải ghi nhận toàn bộ chi phí phát sinh đối ứng với sự gia tăng vốn chủ sở hữu tại ngày công cụ vốn được phát hành. Nếu công cụ vốn đã phát hành không được trao quyền cho đến hết 1 thời gian xác định thì doanh nghiệp phải coi như dịch vụ được thực hiện trong suốt thời kỳ trao quyền, từ đó ước lượng chi phí lương tương ứng. Ví dụ: nếu một nhân viên chỉ mới cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian là 1/3 kỳ chuyển quyền thì chi phí lương được ghi nhận là 1/3 lượng quyền chọn ước tính được trao quyền. Tại ngày trao quyền, công ty phải điều chỉnh lại ước lượng bằng với số công cụ vốn thực tế được trao quyền. Sau ngày trao quyền, công ty không điều chỉnh gì thêm liên quan tới tổng vốn chủ sở hữu nhưng điều này không ngăn cản việc chuyển dịch giữa các thành phần trong vốn chủ sở hữu.

2.3. Quy trình cơ bản để phát hành quyền chọn mua cổ phần cho nhân viên

Bước 1: Công ty phát hành quyền chọn cho nhân viên tại ngày phát hành (grant date). Ngày phát hành là ngày mà công ty và nhân viên thuộc đối tượng được công ty phát hành cùng đồng ý những thỏa thuận liên quan tới giao dịch này (IFRS 02). Tại ngày phát hành, nhân viên thường chưa nhận được quyền chọn mua cổ phần ngay. Họ chỉ nhận được quyền chọn sau khi đã hoàn thành một số điều kiện nhất định gọi là điều kiện trao quyền, ví dụ như nhân viên phải làm việc cho công ty trong 3 năm tiếp theo.

Bước 2: Công ty trao quyền chọn cho nhân viên khi kì chuyển quyền kết thúc. Tại ngày trao quyền (vesting date) nhân viên sẽ chính thức được trao quyền nếu hoàn thành các điều kiện trao quyền do công ty đưa ra.

Bước 3: Nhân viên lựa chọn thực hiện hay không thực hiện quyền chọn mua cổ phần trong kỳ thực hiện quyền (exercising period). Sau ngày trao quyền, nhân viên có thể thực hiện quyền của mình để mua cổ phiếu trong khoảng thời gian giới hạn đã được xác định trước. Thông thường trên thế giới, quyền chọn thường được phát hành kèm với một số điều kiện nhất định và kỳ chuyển quyền, vì vậy thời gian tương đối dài (trên 1 năm). Tuy nhiên, ở Việt Nam, quyền chọn thường được phát hành cho nhân viên mà không đi kèm điều kiện, công ty phát hành đồng thời trao quyền chọn luôn cho nhân viên, do vậy thời gian từ lúc công ty ra thông báo phát hành quyền chọn tới lúc nhân viên thực hiện xong quyền chọn mua cổ phần thường ngắn (dưới 1 năm).

Một đặc điểm nữa của quyền chọn ở Việt Nam là giá phát hành thường bằng mệnh giá hoặc cao hơn mệnh giá nhưng thấp hơn giá trị thị trường rất nhiều. Như trong năm 2019, có 73 công ty niêm yết công bố và đã phát hành cổ phiếu cho nhân viên thì 23 công ty phát hành cổ phiếu thưởng (giá phát hành là 0 đồng), 35 công ty phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng), chỉ có 15 công ty phát hành cao hơn mệnh giá nhưng thấp hơn giá trị thị trường. Công ty phát hành quyền chọn với giá cao nhất trong 73 công ty này là TLG phát hành với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên giá thị trường của cổ phiếu này trong khoảng thời gian thực hiện quyền luôn trên 90.000 đồng/cổ phiếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, (2022). Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.
  2. Bộ Tài chính, (2014). Thông tư số 200/2014-BTC về Chế độ Kế toán Việt Nam.
  3. Bộ Tài chính, (2015). Thông tư số 162/2015/TT-BTC hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu.
  4. Ngô Thị Mỹ Duyên, (2014). “Vận dụng IFRS 02 trong kế toán quyền chọn mua cổ phiếu dành cho nhân viên tại các công ty cổ phần niêm yết Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  5. Website: https://www.iasplus.com/en-us/standards/ifrs-usgaap/esop

Applying IFRS 2 to journalize the issuance of shares to employees in Vietnam

Master. Tran Thi Thanh Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This paper presents the provisions of the International Financial Reporting Standards (IFRS) 2 - Share-based payment for the issuance of shares to employees and the current situation of journalizing the issuance of shares to employees in Vietnam. In addition, by analyzing the characteristics of the issuance of shares to employees in Vietnam including: bonus shares and share options, unconditional common share options, and  length of short options, this paper affirms that it is possible to apply IFRS 2 to journalize the issuance of shares to employees in Vietnam and it should be applied soon.

Keywords: IFRS 02, the issuance of shares, employee, issuance.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3