Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều 14/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ; sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Giang đã đạt những kết quả rất "ngoạn mục".
GRDP 6 tháng tăng trưởng gần 11%, cao gấp 1,3 lần so với quý I và gấp gần 3 lần so với bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,6% (quý I tăng 14,9%; cả nước giảm 0,7%; xếp thứ 1 trong Vùng và thứ 2 cả nước).
Kim ngạch xuất khẩu của Bắc Giang tăng 5,1% (cả nước giảm 10,6%; xếp thứ 6 trên cả nước, thứ 2 trong Vùng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4% (cả nước tăng 10,4%; thứ 3 trong Vùng) .
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 31,4% (cả nước tăng 0,2%); Thu hút đầu tư gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm nhìn chung bảo đảm tiến độ đề ra.
"Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đạt được là rất nỗ lực, rất đáng ghi nhận", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tỉnh Bắc Giang. Tổng thu ngân sách nội địa 7 tháng giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc triển khai một số dự án đầu tư (gồm cả đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp) bị vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân mới đạt khoảng 1/3 tổng kế hoạch vốn cả năm và thấp hơn bình quân chung cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực (may mặc, điện tử) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, các tồn tại, hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như (i) Tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng; (ii) Tổng cầu của các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn phục hồi chậm, trong khi chi phí sản xuất và kinh doanh có xu hướng tăng; (iii) Hàng hóa của nước ta phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt ở các thị trường trọng điểm.
Mặt khác, các nguyên nhân chủ quan bao gồm (i) Sự chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án cũng chưa thể hoàn thiện được trong thời gian ngắn hạn; (ii) Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; (iii) Mặt bằng lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn rất khó khăn; (iv) Việc tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả; (v) Tính liên kết và tương tác giữa khu vực FDI với các khu vực kinh tế khác trong sản xuất công nghiệp của Bắc Giang còn thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao...
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, trong công tác quy hoạch, tỉnh Bắc Giang là một trong số ít địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh từ sớm (đầu năm 2022). Tuy nhiên từ đó đến nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia (trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các dự án đầu tư (nhất là các dự án trọng điểm), Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang chỉ đạo khẩn trương rà soát, nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tỉnh; chủ động đề xuất hoàn thiện quy hoạch vùng trên cơ sở tích hợp chủ trương, định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, đặc biệt là 4 quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, để làm cơ sở cho triển khai các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời gian tới.
Đồng thời, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành địa phương để sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án trọng điểm vùng, địa phương trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và công nghiệp, thương mại, logistics.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý tiên tiến để khai thác được các thế mạnh.
Tập trung nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các vấn đề về đất đai, lao động, hoàn thuế, tiếp cận vốn, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường và các thủ tục hành chính.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản xuất kinh doanh và thu được kết quả bền vững.
Thứ ba, hiện Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh (UK) và một số thị trường nhập khẩu lớn của nước ta đang tiếp tục đưa ra những quy định mới, những hàng rào kĩ thuật về sản xuất carbon thấp; hay hạn chế nhập khẩu các sản phẩm khai thác từ rừng, từ biển bất hợp pháp; cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu;...
Bộ trưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các địa phương trên địa bàn nhận diện đúng để ứng phó với các vụ kiện thương mại, có phản ứng chính sách phù hợp nhằm khắc phục tác động của rào cản kĩ thuật tại thị trường xuất khẩu.
Tập trung đề xuất để được áp dụng cơ chế thí điểm phát triển điện mặt trời mái nhà không nối lưới. Hỗ trợ các địa phương sản xuất, xuất khẩu chính ngạch.
Thứ tư, sắp tới, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam nói chung và đặc biệt là các địa phương như Bắc Giang nói riêng.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Bắc Giang quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bao gồm cả giao thông, điện, nước, nhà ở công nhân, dịch vụ xã hội...; công tác đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ người lao động, các chuyên gia kinh tế.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đào tạo nghề, tỉnh cần có chỉ đạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp "đặt hàng" các cơ sở đào tạo theo đúng nhu cầu, vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bắc Giang cũng cần quan tâm đầu tư phát triển logistics phục vụ sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu của doanh nghiệp FDI trên cơ sở khai thác lợi thế về các trục kết nối giao thông của địa phương.
Thứ năm, nguồn lực tại địa phương để đầu tư hạ tầng trọng điểm về kinh tế - xã hội chủ yếu là khai thác từ đất đai (bao gồm cả đất nhà ở, đất công nghiệp, đất dịch vụ); nguồn từ vượt thu ngân sách nhà nước.
Do đó, tỉnh cần tập trung gỡ khó cho các dự án giao thông trên địa bàn, các dự án bất động sản hiện hữu và triển khai dự án mới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại những khu vực phát triển mới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4. Tiếp tục xốc lại kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành ở tất cả các cấp.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm phát triển thị trường trong nước trên cả 2 kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử, đồng thời chú trọng xuất khẩu vào các thị trường, bao gồm các thị trường truyền thống và thị trường mới, có tiềm năng trên cơ sở Đề án xuất khẩu chính ngạch.
Thứ bảy, chú trọng thúc đẩy và có cơ chế ràng buộc để các doanh nghiệp FDI tăng cường sức lan toả đối với khu vực doanh nghiệp trong nước; ở chiều ngược lại cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ tám, duy trì chế độ thông tin hai chiều giữa tỉnh và Đoàn công tác của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông cả trong và ngoài tỉnh để tạo sự thống nhất và đồng thuận sâu rộng; lan toả kinh nghiệm của Bắc Giang đến các địa phương trên cả nước trong thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, tại buổi làm việc hồi tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất 27 kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương trên các lĩnh vực, trong đó có cả những kiến nghị trước mắt và kiến nghị về lâu dài.
Đến nay, Các kiến nghị của tỉnh đã được các Bộ, ngành quan tâm, giải quyết, tháo gỡ về cơ bản và đã được Bộ Công Thương thay mặt Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao sự quyết liệt, hỗ trợ của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành quan tâm để giải quyết những kiến nghị, đề xuất của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các lĩnh vực trong ngành Công Thương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, lãnh đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ để tiếp tục tháo gỡ các "nút thắt" để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo đó, trong buổi làm việc chiều 14/8, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề xuất bổ sung 5 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về: (i) Sửa đổi chính sách quản lý lao động, tuyển dụng lao động, lao động nước ngoài; (ii) Phân bổ vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) Xây dựng, hướng dẫn quy trình thực hiện các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây trung thế và trạm biến áp; việc bàn giao tài sản là công trình điện hình thành sau đầu tư cho ngành điện quản lý; (iv) bổ sung và điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho một số dự án đầu tư của tỉnh (2 kiến nghị).
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã trực tiếp trao đổi và phản hồi lại về các kiến nghị này. Đối với các kiến nghị chưa được trao đổi do thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành khác (không có đại diện tham gia Đoàn công tác) hoặc thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhằm hỗ trợ địa phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới.