Tóm tắt:
Bài viết này phân tích các yếu tố phản ánh sự phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay. Đồng thời, thông qua phân tích và so sánh số liệu trong giai đoạn 2019 - 2023 của các NHTM, đánh giá lại thực trạng của hệ thống NHTM tại Việt Nam trên 3 khía cạnh của phát triển bền vững, đó là: kinh tế, xã hội, quản trị. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải có những chính sách đổi mới, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Từ khóa: ngân hàng, phát triển bền vững, ngân hàng thương mại, hệ thống ngân hàng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vấn đề phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng ngày càng được bàn luận và quan tâm hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với các nhà quản trị ngân hàng, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển của ngân hàng trong tương lai. Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã phát triển mô hình bền vững, như: Alpha Bank, Allied Irish Banks, Bank Austria, Barclays, BBVA, Bank of Scotland… Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững trong hệ thống NHTM trong xu thế hội nhập ngành Tài chính ngày càng sâu và rộng.
Trước suy thoái kinh tế toàn cầu, phạm trù “phát triển bền vững” đối với NHTM tại Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Thông qua việc thu thập các dữ liệu thực tế, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích và đánh giá thực trạng phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao tính ổn định của các ngân hàng.
Theo Rio (1992)[1] và WSSD (2002)[2], “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Khái niệm: Phát triển bền vững của ngân hàng thương mại là phát triển ngân hàng có năng lực tài chính lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó có những chính sách, hoạt động, nhằm cải thiện môi trường và mang lại lợi ích cho các bên liên quan, mở rộng cho cả cộng đồng. Vai trò của phát triển bền vững được đánh giá chủ yếu qua 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội, môi trường.
Hiệu quả về kinh tế đối với NHTM rất quan trọng đối với phát triển bền vững. Các NHTM cần phải duy trì mức độ phát triển ổn định, lành mạnh, đạt được hiệu quả kinh tế mà không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, đảm bảo các công bằng trong sử dụng lao động và minh bạch thông tin.
Khía cạnh xã hội của phát triển bền vững của NHTM cần chú trọng đảm bảo công bằng trong vấn đề sử dụng lao động như bình đẳng giới, chính sách thu nhập, phúc lợi, khen thưởng, các cơ hội thăng tiến, nghiêm cấm lao động trẻ em, tôn trọng quyền con người trong mọi hoạt động của các tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đều có khả năng phát huy tốt nhất năng lực của bản thân, phát triển đa dạng hóa sản phẩm mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Khía cạnh môi trường trong phát triển bền vững của NHTM là chúng ta phải duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái môi trường, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đảm bảo sự phục hồi tái tạo của các nguồn tài nguyên. Khuyến khích sử dụng các năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, kinh doanh, tránh các hoạt động gây tổn hại đến môi trường, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cung cấp các sản phẩm bền vững, tài chính xanh, hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án liên quan tới năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu,...
Nghiên cứu sử dụng số liệu thu thập từ các Báo cáo thường niên và Báo cáo tài chính của các NHTM được công bố trên website của các NHTM tính đến cuối năm 2023. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (SBV) vào tháng 1/2024, Việt Nam có tất cả 31 ngân hàng TMCP đang hoạt động. Bên cạnh đó, còn có 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, sở hữu 100% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (Agribank, GP Bank, CB Bank, Oceanbank). Từ những số liệu thu thập được, nhóm tác giả tiến hành sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu, gồm: Phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và phương pháp định tính để đánh giá thực trạng phát triển bền vững của Ngân hàng thương mại Việt Nam.
Các nghiên cứu trước đây đã đề cập đến phát triển bền vững bằng nhiều thuật ngữ và nhiều khía cạnh khác nhau. Theo đó, để đưa ra một bức tranh toàn diện, tác giả sẽ phân tích sự phát triển bền vững của ngân hàng thương mại trên 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế:
Năng lực tài chính: của hệ thống ngân hàng thương mại dần ổn định, bước đầu lành mạnh hóa trong hoạt động. Giai đoạn từ năm 2012 - 2023, năng lực tài chính của NHTM được cải thiện rõ rệt.
Hình: Tỷ lệ khả năng sinh lời của toàn ngành Ngân hàng giai đoạn 2012 - Q3/2023
Nguồn: Báo cáo ngành Ngân hàng năm 2023
Khả năng sinh lời của NHTM đã được cải thiện và từng bước tăng mạnh, hai tiêu chí phản ánh khả năng sinh lời ROAA và ROAE tăng từ năm 2012 và tăng mạnh vào năm 2022. Cụ thể trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ ROAA và ROAE tăng mạnh, từ năm 2021 so với năm 2020 tăng lần lượt là 0,2% và 1,7%. Năm 2022 so với năm 2021, tỷ lệ ROAA của NHTM tăng 0,3%, ROEA tăng gần 2%, từ mức 18,3% lên 20%. Tuy nhiên, trong 9 tháng cuối năm 2023, tỷ lệ ROAA và ROEA có dấu hiệu giảm nhẹ, do sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Khả năng thanh khoản: khả năng thanh khoản của hệ thống NHTM được cải thiện đáng kể, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các NHTM đã tuân thủ tốt các quy định về thanh khoản của NHNN, bao gồm duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu 10%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR): là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 9,04%. Trong khi đó, tổng vốn tự có của các NHTM cổ phần đã áp dụng Thông tư 41 là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so với các NHTM Nhà nước, đạt 12,29%. Hệ số CAR đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, là những tín hiệu tốt giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và sử dụng vốn hiệu quả.
Về xã hội:
Nguồn lực: nguồn nhân lực ngành Ngân hàng ước tính 456.614 người, trong đó nhân lực qua đào tạo chuyên môn có trình độ từ Cao đẳng trở lên của ngành Ngân hàng chiếm đa số. Cụ thể, trình độ Tiến sĩ chiếm 0,16%; Thạc sĩ 5,85%; Đại học 76,16%; Cao đẳng 6,77%; số còn lại (Trung cấp, sơ cấp chưa qua đào tạo) chiếm 11,08%. Quy mô nguồn nhân lực của các NHTM được mở rộng, số lượng nhân lực liên tục tăng qua các năm đáp ứng được việc tăng quy mô hoạt động mở rộng mạng lưới kinh doanh. Chất lượng nguồn nhân lực của NHTM ngày càng cao: năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ của cán bộ ngân hàng không ngừng được nâng lên không chỉ ở năng lực, mà còn ở kỹ năng thực tiễn đáp ứng quá trình chuyển đổi số ngân hàng, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
Trách nhiệm đối với xã hội: các NHTM bảo đảm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền cũng như khách hàng cho vay. Với mục tiêu cốt lõi lấy con người làm trọng tâm phát triển, NHTM đã thực hiện tốt các vấn đề xã hội trong nội bộ, như: các chính sách về thu nhập gắn kết với kết quả kinh doanh của ngân hàng, trả lương hiệu quả của công việc, có các chế độ khen thưởng, khuyến khích cán bộ nhân viên gắn bó với ngân hàng. NHTM có các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực và chính sách thăng tiến, tạo động lực cho người lao động phát huy tốt năng lực của bản thân. Về thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng thường cao hơn so với các ngành khác. Ngoài ra, NHTM Việt Nam còn tuân thủ tốt các quy định về nhân quyền và người lao động được hưởng các quyền lợi hợp pháp. Bên cạnh đó, NHTM đẩy mạnh các hoạt động tài trợ đầu tư phát triển cộng đồng, giáo dục, các hoạt động tình nguyện, từ thiện, ủng hộ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, an sinh xã hội,…
Về môi trường:
Trách nhiệm đối với môi trường: các NHTM luôn tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng mô hình Ngân hàng xanh, tạo dựng một môi trường làm việc thân thiện cho người lao động. Bên cạnh đó, các NHTM chú trọng thực hiện tiết kiệm điện, nước, giấy và các vật liệu văn phòng, chống lãng phí. Tập trung và ưu tiên vốn tín dụng cho các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chương trình tín dụng cho các dự án tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tái tạo năng lượng và năng lượng sạch. Đồng thời luôn nâng cao ý thức sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phát triển bền vững, ngành vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế, cụ thể:
- Tỷ lệ nợ xấu vẫn cao và tiềm ẩn sự gia tăng, do chịu sự ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, cùng với sự suy thoái kinh tế của toàn cầu đã khiến cho các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh, nợ xấu kéo dài.
- Về việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
- NHTM thiếu các sản phẩm tài chính bền vững: hiện nay, việc cung cấp các sản phẩm bền vững, tài chính xanh của một số NHTM Việt Nam còn chưa thực sự đạt được hiệu quả, dẫn đến việc khó phát triển bền vững ngân hàng trong tương lai.
Nguyên nhân:
- Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững còn thiếu, chưa đảm bảo đủ trình độ chuyên môn, thiếu hụt các kiến thức và khả năng đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội.
- Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội (EMSM) chưa hoàn thiện.
- Thiếu sự phối hợp và ủng hộ của các bên liên quan, cũng như việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững chưa được áp dụng phổ biến ở các NHTM Việt Nam.
- Chính sách tín dụng còn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong công tác rà soát và kiểm soát cấp tín dụng với khách hàng còn chưa thực sự nghiêm túc.
Từ những nguyên nhân và hạn chế trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại Việt Nam[L5] như sau:
Một là, nâng cao tính ổn định và lành mạnh của các NHTM tại Việt Nam. Thực hiện tăng quy mô tổng tài sản của NHTM nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn và mở rộng hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng. Giải pháp tăng quy mô được thực hiện bằng việc nâng cao hiệu quả quản lí rủi ro nhằm giảm chi phí dự phòng rủi ro, nâng cao khả năng liên kết với các nhà đầu tư lớn, nhằm bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - là những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn và năng lực quản lí tốt. Đồng thời cao chất lượng, hiệu quả sử dụng tài sản, áp dụng các phương pháp quản lí theo Chuẩn mực quốc tế. Đề cao các giải pháp xử lí nợ xấu, thực hiện hoàn thiện khung pháp lí về thị trường mua bán nợ, khắc phục các hạn chế của thị trường này, chứng khoán háo nợ xấu nhằm cơ cấu lại các khoản nợ với mục đích chia sẽ rủi ro và tăng khả năng thu hồi vốn của ngân hàng.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Chú trọng thực hiện các giải pháp như trang bị cho nhân viên kiến thức cơ bản về môi trường và biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, xây dựng xanh và công nghệ sản xuất. Đưa ra các kế hoạch và chiến lược cụ thể nhằm đào tạo cán bộ, nhân viên về cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, việc đào tạo nguồn lực của ngân hàng phải kết hợp nhiều hình thức đặc biệt là đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực có đáp ứng yêu cầu về phát triển bên vững, đặc biệt là trong việc đánh giá những rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay của NHTM. Đối với nhân sự cấp cao, các ngân hàng cần phải có chiến lược kế nhiệm đảm bảo sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, quản lí, kinh doanh, về khách hàng, văn hóa và các giá trị cốt lõi của ngân hàng.
Ba là, hoàn thiện cơ sở hệ thống thông tin, quản lí rủi ro môi trường và xã hội, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ tiến tới khả năng chuyển đổi số ngành ngân hàng. Phát triển ngân hàng số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các NHTM hiện nay. Ngân hàng số không những mang lại những sản phẩm tiện ích cho khách hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng giấy và khí phát thải.
Bốn là, đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp các sản phẩm tài chính xanh và bền vững. Thực hiện đẩy mạnh cung cấp các loại hình dịch vụ phi tín dụng như hoạt động đầu tư, dịch vụ thanh toán điện tử … Bên cạnh đó, cần phải xây dựng và phát triển các sản phẩm tài chính xanh, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, hướng đến phát triển bền vững. NHTM cần xây dựng và thực hiện triệt để các nguyên tắc về môi trường đồng thời đưa ra các sáng kiến thúc đẩy trách nhiệm với môi trường. Cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và các biện pháp bảo tồn năng lượng có thời gian đầu tư dài, nguồn vốn lớn.
Với những ý kiến trên đã chỉ ra và đánh giá thực trạng phát triển bền vững hệ thống Ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2019 - 2023. Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong việc phát triển bền vững, như: tỷ lệ sinh lời, khả năng thanh khoản, nguồn nhân lực chất lượng cao và cả những trách nhiệm của các NHTM với môi trường và xã hội thì việc áp dụng mô hình phát triển bền vững của NHTM cũng gặp rất nhiều hạn chế, chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi các nhà quản trị Ngân hàng phải có những chính sách đổi mới, hướng đến phát triển bền vững Ngân hàng mình trong tương lai.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển đã được Liên Hợp Quốc tế tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) (Hội nghị Rio – 92), với 179 nguyên thủ của các quốc gia tham gia. Hội nghị đưa ra 2 bản tuyên bố mang tính nguyên tắc cơ bản và Tuyên bố các nguyên tắc quản lí bảo vệ và phát triển bền vững rừng.
[2] Hội nghị thượng đỉnh trái đất về phát triển bền vững (WSSD) năm 2002 tại Johannesburg (Nam Phi) với sự tham gia của 166 quốc gia (Hội nghị Rio +10).
Tài liệu tham khảo:
Sustainable Development Factors of Vietnamese Commercial Banks
Nguyen Quang Hau1
Nguyen Thi Thanh Truc1
1Faculty of Management - Finace, Vietnam Maritime University
ABSTRACT:
This study analyzed the factors reflecting the sustainable development of Vietnamese commercial banks. Through analyzing data from the period of 2019–2023, the study reassessed the current situation of the banking system in Vietnam in terms of economic, social, and governance sustainability. In the context of ongoing economic fluctuations, it demands that bank managers adopt innovative policies aimed at the sustainable development of their banks in the future.
Keywords: bank, sustainable development, commercial bank, banking system.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết