Các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế, Đại học Huế


TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (SV) khối ngành kinh tế, Đại học Huế. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 4 yếu tố, gồm: “cơ hội khởi nghiệp từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0”, “nhận thức tính khả thi”, “môi trường giáo dục” và “chuyển đổi số” có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV khối ngành kinh tế, Đại học Huế. Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất một số hàm ý.

Từ khóa: ý định khởi nghiệp, yếu tố ảnh hưởng, sinh viên kinh tế, chuyển đổi số, công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và sáng tạo trong thế giới hiện đại (Krueger và cs., 2000). Tinh thần khởi nghiệp không chỉ là một ý tưởng đơn giản, mà còn là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, có tác động tích cực đến nền kinh tế bằng cách tạo ra những việc làm mới, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động (Barba-Sánchez và cs., 2022). Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra SV có khả năng khởi nghiệp cao hơn và ý định khởi nghiệp của họ có thể được dự báo trước (Krueger và cs., 2000, Che, 2022). Gần đây, có một sự gia tăng đáng kể về số lượng các nghiên cứu tập trung vào ý định khởi nghiệp của SV trong khối ngành kinh tế (Wardana, 2021), nghiên cứu này sẽ tập trung vào phân tích các yếu tố tác động để hiểu rõ hơn về ý định khởi nghiệp của SV trong khối ngành kinh tế.

Việt Nam đang trở thành trung tâm phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 54/100 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, có tổng cộng 94 thương vụ đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 494 triệu USD (BambuUp, 2022). Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (TTCP, 2017); UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2023 (UBND, 2023) nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Các ý tưởng khởi nghiệp đã được hình thành bởi các SV khối ngành kinh tế Đại học Huế có đam mê, sáng tạo, với sự nhiệt huyết, khả năng nắm bắt kiến thức về công nghệ mới và khao khát khẳng định bản thân của tuổi trẻ.

2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nghiên cứu đề xuất các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SV khối ngành kinh tế, Đại học Huế như sau:

Đặc điểm tính cáchCác doanh nhân thành công thường có một số đặc điểm chung là có khả năng kiểm soát bản thân. Theo Shane và cs. (2003), niềm tin vào năng lực bản thân, khả năng kiểm soát bản thân, chấp nhận rủi ro, kiên nhẫn và có tầm nhìn là các đặc điểm tính cách đề xuất có liên quan đến ý định khởi nghiệp. Nghiên cứu của Cao (2022) cho thấy, các đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ. Do đó, nghiên cứu đưa ra giả thuyết:

H1: Đặc điểm tính cách có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV.

Nhận thức tính khả thi: là mức độ cá nhân nhận thức về độ dễ dàng hay khó khăn; có bị kiểm soát, hạn chế hay không khi thực hiện hành vi, là mức độ tự tin của một cá nhân về khả năng thực hiện các hành vi (Ajzen, 2006). Nhận thức tính khả thi trong khởi nghiệp là mức độ cá nhân đó tin rằng có thể bắt đầu công việc kinh doanh (Krueger, 1993; Liñán, 2004). Nghiên cứu của Otache (2019) cũng cho thấy, nhận thức tính khả thi có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết:

H2: Nhận thức tính khả thi có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV.

Môi trường giáo dục: có vai trò quan trọng trong nhận thức của SV cũng như thúc đẩy SV lựa chọn ngành nghề của bản thân mai sau, các trường đại học có vị trí là tác nhân thúc đẩy để hình thành ý tưởng kinh doanh cho SV. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra môi trường giáo dục có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp (Anjum, 2022). Vì vậy, nghiên cứu đề xuất giả thuyết:

H3: Môi trường giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV.

Xu hướng chuyển đổi số: Những tiến bộ gần đây trong công nghệ số đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tinh thần kinh doanh mới, dựa trên nền tảng công nghệ và phát triển các mô hình kinh doanh liên quan (Kraus và cs., 2019; Nambisan, 2017). Các công nghệ này đang có tác động đột phá đến tinh thần kinh doanh, thay đổi các mô hình truyền thống và mở ra những giới hạn mới để các doanh nhân khám phá (Broom và Ohlsson, 2018). Nền tảng kỹ thuật số là một trong những công nghệ hiện đại mà các nhà khởi nghiệp đã khai thác (Troise và cs., 2022) để giúp phát triển các ý tưởng kinh doanh mới và xây dựng các mô hình kinh doanh xung quanh các đặc điểm của chính nền tảng đó. Do đó, nghiên cứu đề xuất giả thuyết:

H4: Xu hướng chuyển đổi số có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV.

Cơ hội khởi nghiệp từ CMCN 4.0: CMCN 4.0, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ các mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm đến các mô hình mới tập trung vào việc tạo ra và nắm bắt các nguồn giá trị mới (Akbar, 2020). Những thay đổi từ CMCN 4.0 có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi đang chuẩn bị bước vào thị trường lao động với nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo và hợp xu thế (Minhas, 2019). Cuộc CMCN 4.0 cũng mở ra cơ hội cho những ý tưởng khởi nghiệp của SV, gia tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu chi phí (Chen và Tian, 2022; Fossen và Sorgner, 2021) và thời gian thực hiện công việc. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết:

H5: Cơ hội khởi nghiệp từ CMCN 4.0 có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của SV.

     Từ các giả thiết trên, mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

ý định khởi nghiệp

3. Phương pháp nghiên cứu

Thang đo được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây và được nhóm tác giả hiệu chỉnh từ nghiên cứu định tính thông qua việc khảo sát 10 chuyên gia để hoàn thiện (3 chuyên gia chuyên về giảng dạy khởi nghiệp và 7 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp). Thang đo sau khi hoàn chỉnh được điều tra với mẫu nhỏ (30 SV) để điều chỉnh câu từ, ngôn ngữ cho phù hợp, dễ hiểu và kiểm định độ phù hợp của thang đo, sau khi hoàn tất các bước thì thang đo cụ thể như sau:

- Thành phần Đặc điểm tính cách: gồm 4 thang đo là ĐĐTC1, ĐĐTC2, ĐĐTC3, ĐĐTC4.

- Thành phần Nhận thức tính khả thi: gồm 4 thang đo là NTKT1, NTKT2, NTKT3, NTKT4.

- Thành phần Môi trường giáo dục: gồm 4 thang đo là MTGD1, MTGD2, MTGD3, MTGD4 .

- Thành phần Chuyển đổi số: gồm 3 thang đo là CDS1, CDS2, CDS3.

- Thành phần Cơ hội khởi nghiệp từ CMCN 4.0: gồm 4 thang đo là CMKH1, CMKH2, CMKH3, CMKH4.

- Thành phần Ý định khởi nghiệp: gồm 4 thang đo là YDKN1, YDKN2, YDKN3, YDKN4.

Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo các khái niệm nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis), phân tích hồi quy đa biến để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu. Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước n = 245.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Về giới tính, theo kết quả thu được từ khảo sát, trong 245 SV tham gia khảo sát có 36 SV là nam chiếm tỷ lệ 30% và 84 SV nữ chiếm tỷ lệ 70%.

Về khoa đang theo học, SV được khảo sát đến từ Khoa Quản trị kinh doanh chiếm 54,2%; số lượng SV Khoa Kế toán tài chính chiếm 27,5%; Khoa Kinh tế phát triển chiếm 9,1%; Khoa Hệ thống thông tin kinh tế chiếm 6,7% và Khoa Kinh tế chính trị chiếm 2,5%.

Về khóa học, có 59,2% SV khóa K53, 26,7% SV khóa K54, 10,8% SV khóa K55 và 3,3% SV khóa K56.

4.2. Kiểm tra độ tin cậy của thang đo và phân tích nhân tố khám phá EFA

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy, 6 thang đo được giữ nguyên với hệ số đều lớn hơn 0,7. Tất cả các biến đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến vẫn thấp hơn Cronbach’s Alpha chung. Vì các biến được chuyển tải từ các nghiên cứu ở nước ngoài, các thành phố khác và có điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu, nghiên cứu tiến hành thực hiện phân tích nhân tố khám phá EFA. Theo Hair và cs. (2013), hệ số tải nhân tố hay trọng số nhân tố (Factor loading) là chỉ tiêu để đảm bảo mức ý nghĩa thiết thực của EFA.

Tiến hành phân tích nhân tố khám phá cho toàn bộ thang đo và thu được hệ số tải các nhân tố đều lớn hơn 0,5; phần trăm phương sai trích có giá trị là 70,769% > 50% nên có thể nói rằng 5 nhân tố này giải thích được 70,769% sự biến thiên của dữ liệu. Giá trị KMO = 0,769 > 0,5 điều này khẳng định dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn phù hợp. Kết quả kiểm định Barlett là 5710,66 với mức ý nghĩa Sig. = 0,000 nhỏ hơn 0,05.

4.3. Phân tích tương quan và hồi quy đa biến

4.3.1. Phân tích tương quan

2 biến độc lập không có tương quan (sig > 0.05) thì gần như không có khả năng xảy ra cộng tuyến giữa 2 biến này. 2 biến độc lập có tương quan (sig < 0.05) và trị tuyệt đối hệ số tương quan > 0,7 thì khả năng xảy ra cộng tuyến giữa chúng là tương đối cao (Dormann và cs., 2013). Giữa các biến độc lập trong mô hình đều có giá trị p < α = 0,05 nên các biến độc lập đều có tương quan, tuy nhiên không có mối tương quan nào quá mạnh khi trị tuyệt đối hệ số tương quan giữa các cặp biến đều nhỏ hơn 0,7, vì vậy khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến sẽ thấp. Theo kết quả phân tích tương quan, các hệ số tương quan đều có ý nghĩa thống kê và đều đủ điều kiện để đưa vào phân tích hồi quy.

4.3.2. Phân tích hồi quy đa biến

Kết quả phân tích hồi quy đa biến cho giá trị Rhiệu chỉnh = 0,598 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 59,8% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 40,2% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Giá trị Durbin-Watson = 1,854  nằm trong khoảng 1,5 đến 2,5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất (Yahua Qiao, 2011).

Bảng 1 cũng cho thấy giá trị sig kiểm định F = 0,000 < 0,05, do đó, mô hình hồi quy là phù hợp.

Bảng 1Kết quả hồi quy đa biến

ý định khởi nghiệp

 Nguồn: Phân tích dữ liệu của tác giả, 2023

Qua kết quả kiểm định cho mô hình hồi quy ở Bảng 1, với mức ý nghĩa 5% ta thấy ở đây có biến DDTC có giá trị sig kiểm định t = 0,388 > 0,05 , do đó biến này không có ý nghĩa về mặt thống kê, không có sự tác động lên biến phụ thuộc YDKN. Các biến còn lại là MTGD, NTKT, CDS và CHKN có sig kiểm định t <0,05 do đó các biến này có ý nghĩa thống kê, có tác động lên biến phụ thuộc YDKN. Hệ số VIF của các biến độc lập đều nhỏ hơn 10, trong trường hợp này thậm chí nhỏ hơn 2, do vậy dữ liệu không vi phạm giả định đa cộng tuyến.

Mô hình nghiên cứu chính thức sau khi đã hiệu chỉnh như sau:     

Hình 2: Mô hình nghiên cứu đã hiệu chỉnh

ý định khởi nghiệp

Tổng hợp kết quả kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu cho kết quả: Chấp nhận giả thuyết H2, H3, H4, H5, bác bỏ giả thuyết H1.

5. Kết luận và hàm ý đề xuất

Nghiên cứu đã đạt được một số kết quả nhất định, căn cứ vào tổng quan lý thuyết, mô hình nghiên cứu đã được phát triển cho nghiên cứu này. Kết quả cho thấy, có 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SV khối ngành kinh tế, gồm: Cơ hội khởi nghiệp từ CMCN 4.0, Nhận thức tính khả thi, Môi trường giáo dục và Chuyển đổi số. Từ những kết quả này, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý như sau:

Cơ hội khởi nghiệp từ CMCN 4.0: Đây là nhân tố có mức tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của SV, hiện nay do tính chất của xu hướng khởi nghiệp là hướng tới tăng trưởng nhanh, cách thức hiệu quả để làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa trên các ý tưởng, sáng kiến mới. Cơ hội dành cho SV khởi nghiệp khi CMCN 4.0 đang tăng tốc là rất lớn.         

Nhận thức tính khả thi: là nhân tố có mức ảnh hưởng thứ hai đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phản ánh sự chắc chắn, giảm thiểu tối đa rủi ro của SV khi có ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh các điều kiện về công nghệ hiện đại hiện nay,  Đại học Huế cần thiết lập các nhóm, các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại trường tại các khoa chuyên môn để đánh giá, hỗ trợ, nhằm nâng cao nhận thức tính khả thi cho từng SV, từng nhóm SV đối với các ý tưởng khởi nghiệp.

Môi trường giáo dục: Đây được xem là nhân tố quan trọng hình thành nên tư duy lập nghiệp và khơi dậy lòng ham muốn kinh doanh vì sau những năm học ở trường đại học, SV sẽ có xu hướng khởi nghiệp cao hơn nếu chương trình học chính thức cung cấp đầy đủ các kiến thức trong lĩnh vực mà họ muốn khởi nghiệp. Đại học Huế cần kết hợp chặt chẽ giữa phần lý thuyết được học và thực tiễn tại các doanh nghiệp hiện tại để SV nắm rõ các kiến thức và kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp.

Xu hướng chuyển đổi số: là nhân tố cuối cùng tác động đến ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của SV. Trong thời đại số hiện nay, các nền tảng số kết nối bên cung và cầu về đổi mới sáng tạo sẽ là một thân tố không thể thiếu để xúc để thúc đẩy sự kết nối liên tục theo nhu cầu, không bị giới hạn về mặt thời gian và không gian giữa các chủ thể trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akbar et al. (2020). The Industrial Revolution 4.0 and Entrepreneurial Orientation with Innovation as Mediation Effect on the Performance of Malaysian Furniture Industry: A Proposed Framework. Conference: Proceedings of the International Conference on Industrial Engineering and Operations Management Dubai, UAE, March 10-12, Dubai.
  2. Anjum, T., Amoozegar, A., Farrukh, M. and Heidler, P. (2022). Entrepreneurial intentions among business students: the mediating role of attitude and the moderating role of university support. [Online] Available at https://www.emerald.com/insight/content/doi/10.1108/ET-01-2021-0020/full/html
  3. BambuUp (2022). Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam. Truy cập tại https://bambuup.com/resources/388/resources-bao-cao-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-mo-viet-nam-2022-ban-tieng-viet
  4. Barba-Sánchez V, Mitre-Aranda M, del Brío-González J (2022). The entrepreneurial intention of university students: an environmental perspective. European Research on Management and Business Economics, 28(2), 100184.
  5. Che Nawi N, Al MA, Hassan AA et al (2022) Agro-entrepreneurial Intention among University Students: a study under the premises of theory of planned behavior. SAGE Open. https://doi.org/10.1177/21582440211069144
  6. Chen, H. and Tian, Z. (2022). Environmental uncertainty, resource orchestration and digital transformation: a fuzzy-set QCA approach. Journal of Business Research, 139, 184-193
  7. Dormann C.F., et al. (2013). Collinearity: a review of methods to deal with it and a simulation study evaluatingtheir performance. Ecography, 36(1), 27-46.
  8. Fossen, F. and Sorgner, A. (2021). Digitalization of work and entry into entrepreneurship. Journal of Business Research, 125, 548-563.
  9. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J. & Anderson, R. E. (2013). Multivariate data analysis, 7th ed. Harlow: Pearson.
  10. Kraus, S., Palmer, C., Kailer, N., Kallinger, F. and Spitzer, J. (2019). Digital entrepreneurship: a research agenda on new business models for the twenty-first century. International Journal of Entrepreneurial Behavior and Research, 25(2), 353-375
  11. Krueger, N. F., Jr., Reilly, M. D., & Carsrud, A. L (2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of  Business  Venturing,  15(5/6),  411-432.
  12. Liñán, F., & Chen, Y. W. (2009). Development and cross-cultural application of a specific instrument to measure entrepreneurial intentions. Entrepreneurship Theory and Practice, 33(3), 593-617.
  13. Minhas, W.A. (2019). Future of Entrepreneurship in the 4th Industrial Revolution. Humanities and Social Sciences Review, 9(1), 339-352.
  14. Nambisan, S. (2017). Digital entrepreneurship: toward a digital technology perspective of entrepreneurship. Entrepreneurship Theory and Practice, 41(6), 1029-1055.
  15. Otache I., J.E. Edopkolor, U.C. Okolie (2021). Entrepreneurial self-confidence, perceived desirability and feasibility of hospitality business and entrepreneurial intentions of hospitality management technology students. International Journal of Management in Education, 19(2), 100507.
  16. Shane, S., Locke, E. a., & Collins, C. J. (2003). Entrepreneurial motivation. Human Resource Management Review, 13(2), 257-279.
  17. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/7/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
  18. UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế (2023). Quyết định số 53/KH-UBND ngày 21/02/2023 phê duyệt đề án “Cố đô khởi nghiệp”.
  19. Wardana, L.W., Narmaditya, B.S., Wibowo, A., Saraswati, T.T., & Indriani, R. (2021). Drivers of entrepreneurial intention among economics students in Indonesia. Entrepreneurial Business and Economics Review, 9(1), 61-74.
  20. Yahua Qiao (2011). Instertate Fiscal Disparities in America (2th ed.). New York and London: Routledge.

FACTORS AFFECTING THE INTENTION TO STARTUP OF HUE UNIVERSITY’S ECONOMIC STUDENTS

• Master. LE NGOC ANH VU1

• Master. CAI VINH CHI MAI1

• HUYNH NGUYEN QUYNH NHU1

1Faculty of Business Administration, University of Economics, Hue University 

ABSTRACT:

This study analyzes the factors affecting the intention to startup of Hue University’s economic students. The study finds out that there are four factors affecting the student’s startup intention, including: start-up opportunities from the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0); perception of feasibility; educational environment; and digital transformation. These factors have a positive influence on the student’s startup intention. Based on the study’s findings, some implications are presented.

Keywords: startup intention, influencing factors, economic students, digital transformation, Industry 4.0.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3