(CHG) Loạt chiêu thức lừa đảo mới được đưa ra cảnh báo người tiêu dùng tại hội nghị “Kỹ năng tiếp nhận và tư vấn khiếu nại cho người tiêu dùng” tổ chức ngày 26/4.
Hội nghị do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, UBND quận Bắc Từ Liêm và Hội phụ nữ quận Bắc Từ Liêm tổ chức.
Tại hội nghị, ông Lê Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn xã hội.
Xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội… của thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Đoàn Quang Đông, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương đã giới thiệu đến các đại biểu “Kỹ năng tiếp nhận và tư vấn khiếu nại cho người tiêu dùng” và “Một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi”.
Tiến sĩ Đoàn Quang Đông, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chia sẻ những chiêu thức lừa đảo mới để cảnh báo người tiêu dùng.
Chia sẻ về những chiêu thức lừa đảo, ông Đoàn Quang Đông thông tin, các đối tượng lừa đảo thường quấy rối thông qua gọi điện giới thiệu dịch vụ, nhắn tin rác; giả danh cơ quan chức năng như tòa án, công an, viện kiểm soát để tống tiền; yêu cầu nộp khoản tiền do vi phạm giao thông, hoặc con, cháu bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện; thông báo trúng thưởng các chương trình quay số ngẫu nhiên…
Ngoài ra, còn có lừa đảo thông qua cho vay tín dụng. Theo đó, bên công ty tài chính liên tục gọi điện, quấy rối làm phiền, đòi nợ, nhắn tin đe dọa; công ty tín dụng tiêu dùng tổng đài tự động dùng nhiều số khác nhau gọi điện đến số điện thoại của người tiêu dùng với nội dung: Gạ gẫm cho vay tiền. Tần suất gọi 2 - 3 cuộc trên ngày bất kể giờ giấc. Làm ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của người tiêu dùng; vay đã trả xong một thời gian nhưng công ty tài chính vẫn đòi nợ và bắt trả nợ bằng cách điện thoại quấy rối cơ quan; người tiêu dùng bị làm giả chứng minh nhân dân mở tài khoản ngân hàng…
Ông Đông lưu ý, người tiêu dùng cần cảnh giác, không nghe các cuộc điện thoại lạ, đặc biệt các đầu số nước ngoài, quốc tế; không tin theo các cuộc điện thoại hăm dọa, nhân danh cơ quan quản lý nhà nước, công an, tòa án; không nghe theo các lời chào mời, giới thiệu là trúng giải thưởng a, b, c trong khi thực tế mình không tiến hành giao dịch.
Trong các trường hợp có thông tin liên quan đến yêu cầu nộp tiền, khắc phục lỗi do dịch vụ điện nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng hãy vào trực tiếp website của các đơn vị này xác minh thông tin qua điện thoại đường dây nóng…/.
Ồng Đông cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng trước lời chào mời không cần vốn, không cần đặt cọc sẵn sàng kinh doanh online với lương, thưởng lớn; cẩn thận trước các hình thức bán hàng hóa dịch vụ đa cấp biến tướng; thận trọng trước các chiêu trò lừa xuyên biên giới như kết bạn đời; trong mọi trường hợp có thể tham vấn tổng đài 1800- 6838. |
Nguồn: https://congthuong.vn/canh-bao-loat-chieu-thuc-lua-dao-moi-voi-nguoi-tieu-dung-251894.html
0