Chính sách nhà nước về loại hình kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn Việt Nam - Nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Hồng


(CHG) Kết cấu hạ tầng (KCHT) thương mại nông thôn đang là vấn đề cấp thiết về mặt chính sách tại Việt Nam. Một mặt, KCHT thương mại nông thôn góp phần phát triển thương mại, nông nghiệp nông thôn và kinh tế - xã hội nông thôn nói chung. Tuy nhiên, KCHT nông thôn vẫn còn chậm phát triển so với vùng đô thị Việt Nam và với các nước trong khu vực.

TÓM TẮT:

Kết cấu hạ tầng (KCHT) thương mại nông thôn đang là vấn đề cấp thiết về mặt chính sách tại Việt Nam. Một mặt, KCHT thương mại nông thôn góp phần phát triển thương mại, nông nghiệp nông thôn và kinh tế - xã hội nông thôn nói chung. Tuy nhiên, KCHT nông thôn vẫn còn chậm phát triển so với vùng đô thị Việt Nam và với các nước trong khu vực. Bài viết này phân tích và đánh giá thực trạng chính sách phát triển loại hình KCHT thương mại nông thôn Việt Nam qua nghiên cứu điển hình tại vùng Đồng bằng Sông Hồng, đề xuất quan điểm định hướng, chính sách phát triển KCHT thương mại nông thôn Việt Nam.

Từ khóa: chính sách, kết cấu hạ tầng, thương mại nông thôn, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nông thôn là địa bàn chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam (Vũ Huy Hùng, 2022). Hệ thống KCHT thương mại đóng vai trò quan trọng đối với phát triển thương mại khu vực nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung. Trong thời gian qua, KCHT thương mại nông thôn đã được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống KCHT thương mại vùng nông thôn hiện nay vẫn chủ yếu là chợ truyền thống và một số loại hình bán lẻ khác, hạ tầng thương mại hiện đại chưa được chú trọng phát triển, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn nhìn chung chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước (Lê Huy Khôi và cộng sự, 2022). Vì vậy, bài viết này nghiên cứu về chính sách đối với loại hình KCHT thương mại nông thôn Việt Nam, nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý luận chính sách phát triển loại hình KCHT thương mại nông thôn

Mục tiêu chính sách phát triển loại hình KCHT thương mại nông thôn nhằm xác định được các loại hình KCHT thương mại nông thôn cần phát triển, có được công trình KCHT thương mại nông thôn về số lượng, chất lượng (hiện đại, phù hợp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại nông thôn), mạng lưới, cơ cấu KCHT thương mại nông thôn phù hợp.

Phát triển các các loại hình KCHT thương mại nông thôn phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội quốc gia và địa phương nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu phục vụ thương mại nông thôn, đảm bảo cho doanh nghiệp và người dân bán nông sản, mua vật tư cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng. Xác định loại hình KCHT thương mại nông thôn cần phát triển cần định hướng phân bổ không gian (gắn với sự hình thành và phát triển của các đô thị, các điểm, cụm và tuyến dân cư trên địa bàn toàn vùng), định hướng phát triển các loại hình (KCHT thương mại bán lẻ, KCHT thương mại bán buôn, KCHT thương mại đa chức năng và phục vụ xuất nhập khẩu, KCHT thương mại phục vụ xúc tiến thương mại).

- Phát triển KCHT thương mại bán lẻ: Bán lẻ là hình thức cung cấp hàng hóa dịch vụ bán trực tiếp tới tận tay người mua cuối cùng để sử dụng cho sinh hoạt cá nhân, gia đình theo đơn hàng sản phẩm dịch vụ có số lượng nhỏ. Phát triển KCHT thương mại bán lẻ giúp trao đổi, cung cấp hàng hóa về khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý cho người dân nông thôn, giúp thương mại hóa sản phẩm người dân nông thôn. KCHT thương mại bán lẻ bao gồm chợ bán lẻ, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, trung tâm thương mại.  

- Phát triển KCHT thương mại bán buôn: Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ, các thương nhân, tổ chức khác không bao gồm hoạt động bán lẻ. KCHT thương mại bán buôn bao gồm chợ đầu mối, điểm lưu giữ và tập kết nông sản, tổng kho phân phối hàng hoá. KCHT thương mại bán buôn thường được định hướng phân bố tại trung tâm các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô sản lượng lớn, các khu vực thị trường tiêu thụ lớn, khu vực đang có tốc độ công nghiệp hóa nhanh.

- Phát triển KCHT thương mại đa chức năng và phục vụ xuất, nhập khẩu giúp lưu trữ, phân phối hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, lưu giữ hàng tối ưu, logistics ngược. Các KCHT này thường được phân bố tập trung tại các khu vực, khu kinh tế, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền; phát triển theo các tuyến hành lang kinh tế và các đường giao thông kết nối giữa các vùng sản xuất tập trung với các tuyến giao thông huyết mạch đến các cảng biển và cửa khẩu biên giới. KCHT thương mại đa chức năng và phục vụ xuất, nhập khẩu bao gồm: kho bến bãi thương mại, trung tâm logistics, sàn giao dịch hàng hóa.

- Phát triển KCHT phục vụ xúc tiến thương mại: cửa hàng giới thiệu và trưng bày sản phẩm, trung tâm hội chợ triển lãm. Chính sách phát triển KCHT phục vụ xúc tiến thương mại đưa ra định hướng phân bố không gian tại các trung tâm kinh tế lớn của vùng, trung tâm các tiểu vùng; định hướng phát triển theo chức năng và loại hình như phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại có quy mô lớn, tầm khu vực và quốc tế; phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại có quy mô vừa, cấp vùng và liên vùng.

Phương thức phát triển loại hình KCHT thương mại nông thôn bao gồm: giữ nguyên hiện trạng; di dời, giải tỏa; nâng cấp, cải tạo, mở rộng; xây mới.

3. Thực trạng chính sách về loại hình KCHT thương mại nông thôn Việt Nam - nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Hồng

Trong thời gian qua, Việt Nam có quy định riêng cho từng nhóm KCHT. Trong đó, phát triển KCHT thương mại nông thôn theo hướng hiện đại, ưu tiên các loại hình thương mại hiện đại, đồng thời củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện tại hướng tới phát triển thương mại nông thôn (BCT, 2015b). Ở cấp quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định phát triển theo 4 nhóm hạ tầng gồm: bán lẻ, bán buôn, phục vụ xuất nhập khẩu và trung tâm hội chợ triển lãm thương mại. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới lại hướng tới 2 nhóm KCHT là chợ truyền thống và các loại hình KCHT thương mại khác. Ở cấp vùng Đồng bằng sông Hồng, chính sách phát triển theo 4 nhóm hạ tầng, gồm: bán lẻ, bán buôn, phục vụ xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại.

Bảng 1. Các quy định loại hình KCHT thương mại nông thôn

STT

Loại hình KCHT thương mại nông thôn

Văn bản chính sách

Nhận xét

1

- Chợ nông thôn;

- Nơi mua bán, trao đổi hàng hóa khác.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (TTg, 2016)

Không đề cập đến KCHT thương mại đa chức năng phục vụ xuất nhập khẩu, KCHT phục vụ xúc tiến thương mại

2

- Chợ nông thôn;

- Cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp).

Hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (BCT, 2016)

- “Nơi mua bán, trao đổi hàng hóa” giới hạn là “cơ sở bán lẻ”

- “Cơ sở bán lẻ” giới hạn là siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp

3

- KCHT thương mại bán lẻ;

- KCHT thương mại bán buôn;

- KCHT xuất- nhập khẩu;

- Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại.

- Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030 (BCT, 2011)

- Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (BCT, 2015a)

Quy định 4 nhóm loại hình KCHT thương mại

Nguồn: TTg (2016), BCT (2016) và BCT (2015a)

Ở cấp quốc gia, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/02/2012 Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng KCHT đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đồng thời rà soát, ban hành các quy hoạch phát triển vùng, phối hợp với các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển thương mại hoặc KCHTTM, làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển các loại hình KCHTTM hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm.

Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030 đưa ra định hướng phát triển: KCHT xuất- nhập khẩu, cảng cạn, trung tâm logistics; KCHT bán buôn gồm chợ bán buôn (chợ đầu mối nông sản), trung tâm phân phối, hội chợ bán buôn theo mùa; KCHT bán lẻ gồm loại hình bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng) và hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…); trung tâm hội chợ triển lãm thương mại có quy mô vừa, cấp vùng và liên vùng, trung tâm hội chợ theo mùa.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các loại hình KCHT thương mại nông thôn bị giới hạn thu hẹp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó quy định tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn của xã đạt chuẩn nông thôn mới là: “có chợ nông thôn hoặc nơi mua bán, trao đổi hàng hóa” (TTg, 2016). Để cụ thể hóa tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương ban hành theo Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016, tuy nhiên chỉ quy định hai loại KCHT thương mại nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp). Như vậy, ngoài chợ nông thôn, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa bị giới hạn chỉ bao gồm siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Do đó, báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu  cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong chương trình nông thôn mới chỉ báo cáo, thống kê các chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp).

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, chính sách phát triển loại hình KCHT thương mại được đặt trong tổng thể định hướng và quy hoạch phát triển thương mại đồng bằng sông Hồng (BCT, 2015a), cụ thể như sau:

a) Chính sách phát triển KCHT thương mại bán lẻ

Phát triển KCHT thương mại bán lẻ nông thôn gắn với sự hình thành và phát triển của các các điểm, cụm và tuyến dân cư. Về loại hình kết cấu, phát triển các loại hình bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh; các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm với cấp độ, quy mô đa dạng, tập trung phát triển kết cấu thương mại quy mô vừa và nhỏ (BCT, 2015a).

Trong chính sách phát triển KCHT thương mại bán lẻ nông thôn không đề cập đến chợ hạng I và hạng II, cụ thể là chợ hạng I và hạng II chỉ được tập trung phát triển tại trung tâm các quận, thị xã, thành phố (đô thị loại IV trở lên), không được tập trung phát triển khu vực nông thôn.

b) Chính sách phát triển KCHT thương mại bán buôn (BCT, 2015a)

Phát triển hệ thống KCHT bán buôn được định hướng ưu tiên tại trung tâm vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô sản lượng lớn, khu vực thị trường tiêu thụ lớn, có tốc độ công nghiệp hóa nhanh. Các loại hình được định hướng phát triển bao gồm: chợ bán buôn (chợ hạng I, chợ đầu mối), sở giao dịch hàng hóa, trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối, kho hàng công, tổng kho đầu mối, hội chợ bán buôn theo mùa.

c) Chính sách phát triển hạ tầng xuất - nhập khẩu (BCT, 2015a)

Phát triển KCHT xuất - nhập khẩu ưu tiên các khu vực cảng biển có lưu lượng hàng hóa xuất- nhập khẩu lớn, khu kinh tế và các khu vực cửa khẩu biên giới đất liền; theo tuyến hành lang kinh tế và đường giao thông kết nối giữa các vùng sản xuất tập trung với tuyến giao thông huyết mạch đến các cảng biển và cửa khẩu biên giới. Tập trung các loại hình KCHT thương mại đã xác định trong quy hoạch khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu, ưu tiên các cảng cạn, trung tâm logistic.

d) Chính sách phát triển trung tâm hội chợ triển lãm thương mại (BCT, 2015a)

Phát triển trung tâm hội chợ triển lãm thương mại tại các trung tâm kinh tế lớn của Vùng, tiểu vùng theo chức năng và loại hình: quy mô lớn, tầm khu vực và quốc tế; quy mô vừa, cấp vùng và liên vùng.

Bảng 2. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư phát triển KCHT thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020

STT

Danh mục đầu tư

Diện tích (ha)

Tỉnh/thành phố

1

9 chợ đầu mối nông sản tổng hợp

124,7

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh

2

2 chợ đầu mối lúa gạo

6

Thái Bình, Nam Định

3

3 chợ đầu mối rau quả

7,5

Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình

4

3 chợ đầu mối thủy sản

5

Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh

5

29 chợ hạng I

56,98

Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương,

Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam,

Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh

6

Trung tâm hội chợ triển lãm cấp vùng

80

Hà Nội, Nam Định

7

6 trung tâm logistics cấp vùng

230

Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định,

Hải Phòng, Vĩnh Phúc

8

9 trung tâm phân phối hàng công nghiệp tiêu dùng

17-24

Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh

9

2 trung tâm thông tin thương mại cấp vùng

0,15

Hà Nội, Hải Phòng

Nguồn: Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Bộ Công Thương, 2015a)

Với việc ban hành chính sách quy định cho từng nhóm KCHT thương mại nông thôn, xác định phát triển KCHT thương mại nông thôn theo hướng hiện đại và hội nhập, ưu tiên các loại hình thương mại hiện đại, KCHT thương mại nông thôn Việt Nam được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập. Hệ thống KCHT thương mại góp phần hình thành kênh phân phối theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, có sự chuyển dịch từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống KCHT thương mại nói chung gia tăng.

Các chợ đầu mối đã khẳng định chức năng điều tiết và gắn kết thị trường, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng; Hệ thống trung tâm logistics đang được hình thành và phát triển. Hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị mini... được phân bổ, có quy hoạch cụ thể, giảm dần tình trạng phát triển tự phát.

4. Một số thảo luận và đề xuất đối với chính sách về loại hình phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn Việt Nam

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thương mại nông thôn đến năm 2030, chính sách loại hình KCHT thương mại nông thôn Việt Nam cần tập trung, ưu tiên mục tiêu phát triển nông thôn hiện đại, như kết cấu hạ tầng thương mại đa chức năng, phục vụ xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, hạ tầng thương mại bán buôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, gắn chặt chẽ với lưu thông hàng hóa sản xuất giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị, với thị trường xuất khẩu. Đối với KCHT bán lẻ, cần tập trung thỏa đáng thu hút đầu tư phát triển KCHT thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. 

Chính sách phát triển siêu thị, trung tâm thương mại cần nhất quán về quan điểm và chủ trương phát triển. Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2012 về “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đưa ra quan điểm phát triển nhanh và hiện đại mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại gắn liền quá trình hiện đại hóa hệ thống phân phối, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn; Đồng thời Đề án “Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 272/QĐ-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2015) cũng định hướng phát triển hệ thống KCHT bán lẻ bao gồm cả loại hình bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh), bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại). Tuy nhiên, Quyết định số 6184/QĐ-BCT lại định hướng phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại gắn liền với không gian đô thị, địa điểm quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong không gian đô thị hoặc vùng đô thị, không xác định phát triển tại nông thôn. Do vậy, rà soát điều chỉnh để đảm bảo tính nhất quán tại chính sách này là cần thiết.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các loại hình KCHT thương mại nông thôn bị giới hạn chỉ bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp). Trong chính sách phát triển KCHT thương mại bán lẻ nông thôn không đề cập đến chợ hạng I và hạng II, các loại hình này không được tập trung phát triển. Việc rà soát tiêu chí này một mặt đảm bảo tính nhất quán giữa các văn bản chính sách, đồng thời thể hiện định hướng, tầm vóc kết cấu HTTM nông thôn mang tính hiện đại và hội nhập.

Rà soát, sửa đổi Luật Thương mại 2005 đồng thời với các luật chuyên ngành (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Giao thông) theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển KCHT thương mại nông thôn, bổ sung quy định về hạ tầng thương mại làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai, phù hợp với bối cảnh mới trong nước và hội nhập quốc tế.

Một số văn bản chính sách đã cũ, có nội dung không cập nhật kịp tình hiện hiện tại như Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ cần sớm được nghiên cứu ban hành thay thế.

Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát thực hiện, đảm bảo chính sách KCHT thương mại nông thôn đi vào đời sống, góp phần phát triển thương mại khu vực nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Huy Hùng, (2022). Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại thị trường nông thôn (phần 2), https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/thu-c-tra-ng-va--gia-i-pha-p-phat-trien-thuong-mai-thi-truong-nong-thon--pha-n-2--4832.4050.html.

  2. Lê Huy Khôi và cộng sự, (2022). Nhiệm vụ Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn của Việt Nam.

  3. Bộ Công Thương, (2011). Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030. 

  4. Bộ Công Thương, (2012). Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2012 về “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

  5. Bộ Công Thương, (2015a). Quyết định số 272/QĐ-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2015 về việc Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

  6. Bộ Công Thương, (2015b). Quyết định số 6481/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

  7. Bộ Công Thương, (2016). Quyết định số 4800/QĐ-BCT Hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

  8. Chính phủ, (2003). Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.

  9. Chính phủ, (2009). Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của 02/2003/NĐ-CP.

  10. Quốc hội, (2005). Luật Thương mại số 36/2005/QH11.

  11. Thủ tướng Chính phủ, (2016). Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

State policy on the types of rural trade infrastructure in Vietnam - A case study of the Red River Delta

 Trieu Van Chuc

Song Lo District People’s Committee, Vinh Phuc Province

Ph.D student, Faculty of Economics Management, National Economics University

Abstracts:

Developing trade infrastructure in rural areas is an urgent issue in Vietnam. Rural trade infrastructure contributes to the development of rural trade in particular and rural socio-economic growth in general. Trade infrastructure in Vietnam’s rural areas is underdeveloped, comparing to that of urban areas in Vietnam and other foreign rural areas. This study analyzes and evaluates the current policies on developing different types of rural trade infrastructure in Vietnam with the case study of the Red River Delta. Based on the study’s findings, some policy recommendations are proposed for the development of trade infrastructure in Vietnam’s rural areas.

Keywords: policy, infrastructure, rural trade, Vietnam.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3