Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam


Bài báo nghiên cứu "Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Giám đốc Công ty Luật Viên An, Luật sư, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Bảo Ngọc (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết đề cập đến các quy định của pháp luật Liên bang Nga về thực hiện chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước thông qua việc giải quyết các khiếu nại về quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước, hoặc ban hành lệnh thi hành bắt buộc quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước đối với các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế khác. Trên cơ sở phân tích các quy định trên, nhóm tác giả cũng đưa ra một số gợi mở trong việc bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền giám sát của Tòa án đối với tố tụng trọng tài ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: tố tụng trọng tài, Tòa án trọng tài nhà nước, Tòa án trọng tại ngoài nhà nước, pháp luật Liên bang Nga.

1. Đặt vấn đề

Tại Liên bang Nga, một trong những điều kiện quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả của thủ tục tố tụng trọng tài và trọng tài thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp trong quan hệ pháp luật dân sự là thẩm quyền giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước. Giáo sư M. Rizman lưu ý rằng, “… trọng tài là cơ quan có thẩm quyền được ủy quyền và có giới hạn để đưa ra một số loại quyết định theo một cách rất cụ thể. Bất kỳ sự ủy quyền hạn chế nào đều phải có hệ thống giám sát riêng. Trong các cấu trúc xã hội và pháp lý dựa trên sự phân quyền, các hệ thống giám sát là rất quan trọng; nếu không có chúng, các ranh giới được thiết lập sẽ biến mất và quyền lực hạn chế có thể trở thành tuyệt đối”.[1]

Cơ sở lý luận của việc giám sát tư pháp đối với các quyết định trọng tài được coi là khái niệm “vượt quá thẩm quyền” - exesde de pouvoir. Bản chất của khái niệm này được thể hiện như sau: Phán quyết trọng tài được đưa ra theo đúng quy tắc đã thỏa thuận được coi là một bộ phận không thể tách rời của thỏa thuận trọng tài và có giá trị ràng buộc đối với các bên. Nếu không đáp ứng được mong đợi của các bên thì quyết định đó không trở thành sản phẩm của ý chí thống nhất giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật. Trọng tài trong tình huống này hành động ngoài giới hạn do ý chí của các chủ thể tranh chấp vạch ra, vượt quá quyền hạn được giao, do đó quyết định đưa ra là không hợp lệ và bên thua kiện có thể không chấp nhận quyết định của trọng tài.

Trong điều kiện hiện nay ở Liên bang Nga, trong tố tụng trọng tài, người ta ngày càng chú ý đến việc bảo vệ quyền của những người tham gia tố tụng dân sự như quyền được xét xử công bằng, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của pháp luật hiện hành và ngăn ngừa sự lạm dụng có thể xảy ra của trọng tài. Nguyên tắc thẩm quyền trong hoạt động của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước và trọng tài thương mại ngày càng được tăng cường. Bằng cách chuyển giao quyền xem xét và giải quyết một số loại tranh chấp tư nhân cho các cơ quan tài phán đặc biệt được thành lập bởi những người tham gia giao dịch dân sự - Tòa án trọng tài ngoài nhà nước, về mặt khách quan, nhà nước cần có một hệ thống giám sát hiệu quả đối với việc thực hiện chúng.

Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật Liên bang Nga về chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước, đồng thời đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện chế định giám sát của Tòa án đối với tố tụng trọng tài ở Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Các quy định của pháp luật Liên bang Nga về chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước

Tòa án trọng tài ngoài nhà nước (hay còn được gọi là Tòa án thứ ba hoặc giống như Trung tâm trọng tài theo cách hiểu tương đương trong tiếng Việt) không thuộc hệ thống tư pháp của Liên bang Nga, các quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước không có tính ràng buộc đối với tất cả các cơ quan công quyền, công dân hoặc tổ chức, không có tính ngoại lệ, mà chỉ áp dụng cho một số ít các chủ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước. Việc ủy quyền giải quyết tranh chấp thương mại cho Tòa án trọng tài ngoài nhà nước không chỉ đòi hỏi một hệ thống giám sát của nhà nước, mà còn cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý.[2]

Tòa án trọng tài ngoài nhà nước là tổ chức độc lập giải quyết tranh chấp giữa các bên ngoài hệ thống Tòa án nhà nước của Liên bang Nga. Nó được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bảo mật, độc lập và bình đẳng của các bên tranh chấp. Trong mối quan hệ giữa Tòa án trọng tài nhà nước và Tòa án trọng tài ngoài nhà nước, Tòa án trọng tài nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước và thẩm quyền thực hiện chức năng giám sát đối với các quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Liên bang ngày 24 tháng 7 năm 2002 N 102-FZ[3] “Về Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga”, có thể thành lập Tòa án trọng tài thường trực và Tòa án trọng tài ngoài nhà nước để giải quyết một tranh chấp cụ thể. Cũng theo khoản 2 Điều này, Tòa án trọng tài thường trực ngoài nhà nước được thành lập bởi các phòng thương mại, các tổ chức thương mại hoạt động theo Luật Liên bang “Về đấu giá có tổ chức”, các tổ chức của doanh nhân và người tiêu dùng và các tổ chức khác. Đồng thời, Tòa án trọng tài thường trực ngoài nhà nước không thể được thành lập trong cấu trúc của các cơ quan nhà nước liên bang, cơ quan nhà nước của các chủ thể cấu thành nên Liên bang Nga và các cơ quan chính quyền địa phương.

Theo Điều 18 của Luật Liên bang ngày 24 tháng 7 năm 2002 N 102-FZ “Về Tòa án Trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga”, nguyên tắc của tố tụng trọng tài ngoài nhà nước là phải thực hiện các nguyên tắc pháp chế, bảo mật, tính độc lập, vô tư của trọng tài, tính tự quyết, tính tranh tụng và bình đẳng của các bên. Một trong những cách thức để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc trên trong tố tụng trọng tài ngoài nhà nước là thực hiện chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước. Theo Điều 31 Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002, có quy định về thẩm quyền giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với Tòa án trọng tài ngoài nhà nước như sau - “Tòa án trọng tài xem xét các vụ việc theo quy định tại Chương 30 của Bộ luật này: 1) về việc khiếu nại quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước đối với các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế khác; 2) về việc ban hành lệnh thi hành bắt buộc quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước về tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế khác”.

Chính Tòa án trọng tài nhà nước phải bảo đảm thực hiện quyền của các bên trong việc xét xử các tranh chấp một cách công bằng và độc lập trong tố tụng trọng tài ngoài nhà nước thông qua việc thực hiện chức năng giám sát. Trong một số trường hợp, việc giám sát của Tòa án nhà nước được thực hiện trước hoặc trong quá trình tố tụng trọng tài ngoài nhà nước thông qua việc đánh giá hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và giám sát thẩm quyền của trọng tài (kiểm soát mang tính sơ bộ hoặc kiểm soát phòng ngừa). Mấu chốt của vấn đề là giám sát được kết quả tố tụng trọng tài ngoài nhà nước (tham khảo quyết định cuối cùng). Theo nghĩa này, người ta thường phân biệt giữa giám sát chính và giám sát tiếp theo. Giám sát chính - tất cả các thủ tục liên quan đến xác minh (khiếu nại) hoặc phản đối quyết định theo sáng kiến ​​​​của bên thua kiện. Bản chất của các thủ tục này phần lớn được xác định bởi khái niệm trọng tài do nhà lập pháp lựa chọn. Giám sát tiếp theo là tất cả các thủ tục liên quan đến việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài ngoài nhà nước (ban hành lệnh thi hành đối với việc cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài ngoài nhà nước). Thay mặt nhà nước, Tòa án nhà nước quyết định vấn đề đưa quyết định trọng tài ngoài nhà nước vào kiểm tra sự tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về tố tụng trọng tài hay không (tính chất phù hợp của các bên, sự bình đẳng giữa các bên, thủ tục tranh tụng, ý chí của các bên). Hiện tại, ở Liên bang Nga, việc giám sát của Tòa án nhà nước đối với tố tụng trọng tài ngoài nhà nước đã được hình thành trong các thủ tục như sau (căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Tòa án tối cao Liên bang Nga ngày 10 tháng 12 năm 2019 N 53 “Về việc các Tòa án nhà nước của Liên bang Nga thực hiện chức năng hỗ trợ và giám sát liên quan đến tố tụng trọng tài ngoài nhà nước, trọng tài thương mại quốc tế”[4]:

- Khiếu nại quyết định sơ bộ của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước theo thẩm quyền của mình (khoản 3 Điều 16 Luật về Thủ tục trọng tài ngoài nhà nước, khoản 3 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại quốc tế, Điều 422.1 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, Điều 235 của Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga);

- Khiếu nại quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước (Điều 40 Luật về Thủ tục trọng tài ngoài nhà nước, Điều 34 Luật Trọng tài thương mại quốc tế, Chương 46 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, mục 01 Chương 30 Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga);

- Ban hành lệnh thi hành bắt buộc đối với quyết định trọng tài ngoài nhà nước được ban hành trên lãnh thổ Liên bang Nga, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Điều V của Công ước 1958, Điều IX của Công ước về Trọng tài Ngoại thương, Điều 41 và 42 của Luật Thủ tục trọng tài ngoài nhà nước, Điều 35 và 36 của Luật Trọng tài Thương mại Quốc tế, Chương 45 và 47 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Liên bang Nga, mục 2 của Chương 30 và Chương 31 của Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga).

- Khi thực hiện chức năng giám sát, Tòa án nhà nước kiểm tra xem có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án trọng tài ngoài nhà nước hay không và liệu thỏa thuận trọng tài có hiệu lực hay không, có thể thi hành và mất hiệu lực hay không (khoản 3 Điều II Công ước 1958, Điều 8 Luật Thủ tục trọng tài ngoài nhà nước, Điều 8 Luật Trọng tài thương mại quốc tế, Điều 22.1, đoạn 6 Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga, Điều 33, đoạn 5 và 6 khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga).

Trên cơ sở thực hiện chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga trong các thủ tục nêu trên, pháp luật Liên bang Nga cũng quy định các căn cứ để hủy quyết định trọng tài ngoài nhà nước như sau.

Quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước chỉ có thể bị Tòa án trọng tài nhà nước hủy nếu bên nộp đơn yêu cầu hủy quyết định đó cung cấp được chứng cứ cho thấy (khoản 1, 2 và 3 Điều 233 Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002): (i) một trong các bên tham gia thỏa thuận trọng tài không có đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) tranh chấp được giải quyết bởi Tòa án trọng tài ngoài nhà nước trên cơ sở thỏa thuận trọng tài sẽ không có hiệu lực theo luật mà các bên phải tuân theo; (iii) quyết định của Tòa án trọng tài được đưa ra đối với một tranh chấp không được quy định trong thỏa thuận trọng tài hoặc không thuộc các điều khoản của thỏa thuận trọng tài hoặc có quyết định về các vấn đề vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài; (iv) thành phần Tòa án trọng tài ngoài nhà nước hoặc thủ tục trọng tài không tuân thủ thỏa thuận của các bên hoặc luật liên bang; (v) bên bị Tòa án trọng tài đưa ra quyết định không được thông báo chính xác về việc bầu (bổ nhiệm) trọng tài viên hoặc thời gian, địa điểm họp Tòa án trọng tài ngoài nhà nước hoặc vì những lý do chính đáng khác không thể nộp bản giải trình cho Tòa án trọng tài ngoài nhà nước.

Hủy quyết định trọng tài ngoài nhà nước theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp đưa ra trong các trường hợp khác nếu xét thấy (khoản 1, 2 và 4 Điều 233 Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002): (i) tranh chấp được Tòa án trọng tài nhà nước xem xét, theo luật Liên bang, không thể là đối tượng giải quyết của thủ tục tố tụng trọng tài ngoài nhà nước; (ii) quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Liên bang Nga.

Cần lưu ý, pháp luật Liên bang Nga cũng quy định việc hủy quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước không ngăn cản các bên tham gia tố tụng trọng tài yêu cầu Tòa án trọng tài ngoài nhà nước giải quyết lại tranh chấp, nếu chưa mất đi cơ hội giải quyết tranh chấp tại Tòa án trọng tài ngoài nhà nước, hoặc khởi kiện tại Tòa án trọng tài nhà nước theo nguyên tắc chung được quy định bởi Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002. Ngoài ra, quyết định của Tòa án trọng tài nhà nước trong việc hủy quyết định của Tòa án trọng tài ngoài nhà nước có thể bị kháng cáo giám đốc thẩm lên Tòa án trọng tài cấp khu vực trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định (khoản 5 Điều 234).

Còn đối với việc Tòa án nhà nước ban hành lệnh thi hành bắt buộc đối với quyết định trọng tài ngoài nhà nước được ban hành trên lãnh thổ Liên bang Nga phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002 (các Điều 236, 237, 238, 239, 240)[5], trong đó căn cứ để từ chối ban hành lệnh thi hành bắt buộc đối với quyết định trọng tài ngoài nhà nước cũng giống như các căn cứ để hủy quyết định trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga như đã được trình bày ở trên.

2.2. Một số gợi mở trong việc bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền giám sát của Tòa án đối với tố tụng trọng tài ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật Liên bang Nga về chức năng giám sát của Tòa án đối với tố tụng trọng tài ngoài nhà nước, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, sự phát triển của hệ thống Tòa án ở Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả mạnh dạn đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật về tố tụng trọng tài và bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền giám sát của Tòa án Việt Nam đối với tố tụng trọng tài, cụ thể như sau:

Một là, nghiên cứu xây dựng hệ thống Tòa án chuyên biệt (Tòa án trọng tài nhà nước chuyên về xét xử các vụ việc liên quan đến kinh doanh, thương mại, hoặc một số vụ việc dân sự, hành chính liên quan đến quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế khác) từ mô hình Tòa án trọng tài nhà nước của Liên bang Nga, làm nâng cao hiệu quả xét xử, tăng tính chuyên môn hóa và hiện đại của Tòa án ở nước ta.

Hai là, nghiên cứu bổ sung một số căn cứ để hủy quyết định trọng tài theo kinh nghiệm lập pháp của Liên bang Nga vào Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Nghiên cứu xây dựng một Bộ luật riêng về thủ tục tố tụng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc tranh chấp tại Tòa án giống như Bộ luật Tố tụng trọng tài nhà nước của Liên bang Nga năm 2002.

Ba là, nghiên cứu chế định ban hành lệnh thi hành bắt buộc đối với quyết định trọng tài ngoài nhà nước là thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi thực hiện chức năng giám sát, còn việc bảo đảm thi hành lệnh trên là thuộc về trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự.

Bốn là, nghiên cứu cơ chế để bảo đảm cho các bên có quyền khiếu nại lên Tòa án cấp cao hơn về quyết định của Tòa án cấp dưới về việc hủy quyết định trọng tài.

3. Kết luận

Như vậy, tại Liên bang Nga, Tòa án trọng tài ngoài nhà nước với tư cách là cơ quan bảo vệ quyền dân sự, nhưng đồng thời hoạt động theo sáng kiến ​​riêng của các bên tranh chấp không thể tách rời hoàn toàn khỏi phạm vi giám sát có giới hạn của Tòa án trọng tài nhà nước và thực tiễn tố tụng trọng tài trên thế giới cũng cho thấy thủ tục tố tụng trọng tài phải chịu sự giám sát có giới hạn của nhà nước (ở đây là Tòa án), mặc dù ở mức độ và phạm vi giám sát khác nhau. Việc nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của Liên bang Nga về chức năng giám sát của Tòa án nhà nước đối với tố tụng trọng tài ngoài nhà nước được xem là nguồn tham khảo có giá trị về mặt lý luận và lập pháp để bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền giám sát của Tòa án đối với tố tụng trọng tài ở Việt Nam hiện nay.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Reisman М. (1992). Systems of Control in International Adjudication and Arbitration: Breakdown and Repair. Durham. P. I. 2 О доктрине exces depouvoir cm.: Reisman M., Craig L., Park W., PaulssonJ. International Commercial Arbitration. P. 967 ff.

[2] Chekuev T.A. (2019). State control in relation to arbitration proceedings in Russia // Agrarian and land law, 9 (177), 136-144.

[3] Federal Law “On Arbitration Courts in the Russian Federation” dated July 24, 2002 N 102-FZ (latest edition) // Collection of Legislation of the Russian Federation, July 29, 2002, N 30, Art. 3019.

[4] Resolution of the Plenum of the Supreme Court of the Russian Federation dated December 10, 2019 N 53 “On the performance by the courts of the Russian Federation of the functions of assistance and control in relation to arbitration proceedings, international commercial arbitration” // “Bulletin of the Supreme Court of the Russian Federation”, N 3, March 2020.

[5] Arbitration Procedural Code of the Russian Federation dated July 24, 2002 N 95-FZ (as amended on December 25, 2023), (as amended and supplemented, entered into force on January 5, 2024) // Collection of Legislation of the Russian Federation, July 29, 2002, N 30, art. 3012.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Arbitration Procedural Code of the Russian Federation dated July 24, 2002 N 95-FZ (as amended on December 25, 2023), (as amended and supplemented, entered into force on January 5, 2024) // Collection of Legislation of the Russian Federation, July 29, 2002 , N 30, art. 3012.
  2. Chekuev T.A. (2019). State control in relation to arbitration proceedings in Russia // Agrarian and land law, 9 (177), 136-144.
  3. Reisman М. (1992). Systems of Control in International Adjudication and Arbitration: Breakdown and Repair. Durham. P. I. 2 О доктрине exces depouvoir cm.: Reisman M., Craig L., Park W., PaulssonJ. International Commercial Arbitration. P. 967 ff.

 

The supervision function of the State Arbitration Court for non-state arbitration courts in the Russian Federation and some suggestions for Vietnam

PhD. Nguyen Thi Huyen Trang

 Nguyen Bao Ngoc

1 Director, Vien An Law Firm,

Lawyer, Ho Chi Minh City Bar Association

2 Ho Chi Minh City University of Law

Abstract:

This paper presented the Russian Federation’s regulations on the implementation of the supervisory function of the State Arbitration Court over non-state arbitration courts through resolving complaints about decisions of non-state arbitral courts or issuing orders to enforce decisions of non-state arbitral courts for disputes arising in the course of conducting business and other economic activities. Based on the paper’s findings, some suggestions were made to ensure the proper implementation of the court's supervision authority over current arbitration proceedings in Vietnam.

Keywords: arbitration proceedings, the State Arbitration Court, non-state arbitration court, the Russian Federation’s law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3