(CHG) Lúc 14h ngày 12/10/2024, đã diễn ra Lễ trao giải và Khai mạc triển lãm ảnh cuộc thi CHIM VÀ THÚ HOANG DÃ VIỆT NAM 2024" tại Trung tâm Thương Mại SC Vivo City (số 1058 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phong, Q.7, TP.HCM).
Các tác phẩm đạt giải cao tại cuộc thi
Theo Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, nghệ sĩ Nguyễn Trường Sinh cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất trên thế giới, đặc biệt về các loài chim và thú hoang dã. Đất nước chúng ta sở hữu nhiều hệ sinh thái khác nhau như rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, đồng cỏ và núi cao,… tạo nên môi trường sống phong phú cho nhiều loài động vật hoang dã trong đó có gần 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú đã ghi nhận được ở Việt Nam.
Cuộc thi dành cho những nhà nhiếp ảnh yêu thích các loài chim và thú hoang dã, nhằm tạo ra một sân chơi nhiếp ảnh thiên nhiên thật sự bổ ích, văn minh, thân thiện giữa con người với thiên nhiên, cụ thể là nét đẹp của các loài chim và thú hoang dã, góp phần lan tỏa đến đông đảo người xem ở trong nước và quốc tế. Khơi gợi tình yêu thiên nhiên, đặc biệt đối với các loài chim và thú hoang dã của mỗi con người, hướng đến tính nhân văn, vì mục đích bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã. Khuyến khích cộng đồng tìm hiểu về đời sống, hiện trạng các loài chim và thú cũng như tìm hiểu các quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ các động vật hoang dã của Việt nam.
Đồng Trưởng Ban Tổ chức gồm có nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã Việt Nam (VWPC) và nghệ sĩ Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội nhiếp ảnh TPHCM (HOPA); nhiếp ảnh gia Võ Quốc Thuần, Phó chủ nhiệm VWPC - Phó ban thường trực và các thành viên... Hội đồng Giám khảo gồm có nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Bảo, Chuyên gia chim - Wildtour Chủ tịch và các thành viên: Đại diện lãnh đạo Cục Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT; nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm, các nhiếp ảnh gia Bùi Trọng Hiếu, Đặng Ngọc Sâm Thương, Phó chủ nhiệm VWPC, TS. Yong Ding Li Chuyên gia về chim – Birdlife, TS. Lê Khắc Quyết, chuyên gia về thú, VWPC...
Thư ký Hội đồng Giám khảo, nhiếp ảnh gia Khuê Dương nói: “Cuộc thi không chỉ để tôn vinh những khoảnh khắc tuyệt vời được ghi lại qua ống kính, mà còn để kỷ niệm một sự kiện vô cùng quan trọng: Ngày Thế giới Chim Di cư. Đây là dịp để mọi người cùng nhau nhắc lại cam kết bảo vệ các loài chim, môi trường sống tự nhiên, và các loài động vật hoang dã quý giá đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người”…
Đa dạng sinh vật của Việt Nam là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng do mất môi trường sống, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Nhiều loài chim và thú đã hoàn toàn biến mất ngoài tự nhiên của Việt Nam trong nhiều năm qua như Gà lôi lam mào trắng, Tê giác, Bò xám, Trâu rừng… Việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh vật là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái và tương lai của nhiều loài động, thực vật hoang dã.
Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi ảnh Chim và Thú hoang dã Việt Nam 2024 không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm những bức ảnh đẹp, mà còn là hành trình ghi lại và nâng cao nhận thức về sự cần thiết của bảo tồn thiên nhiên. Những tác phẩm tham gia năm nay không chỉ là nghệ thuật, mà là những câu chuyện sống động về cuộc sống của những loài chim và thú hoang dã trên mọi miền đất nước, từ rừng núi đến vùng đầm lầy, và thậm chí là ngay giữa những đô thị đông đúc.
Dịp này, Ban tổ chức ghi nhận và chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các nhiếp ảnh gia, những người đã dành tình yêu và đam mê cho thiên nhiên, tạo nên những tác phẩm độc đáo, thể hiện rõ ràng sự tương tác giữa con người và thiên nhiên. Các nhà nhiếp ảnh đã giúp chúng ta cảm nhận được những điều kỳ diệu vẫn đang diễn ra xung quanh, những điều mà có lẽ chúng ta chưa từng chú ý đến trong cuộc sống hối hả hàng ngày.
Chủ đề của Ngày Thế giới Chim Di cư năm nay là “Chim kết nối thế giới của chúng ta”. Điều này nhắc nhở mọi người rằng, dù ở đâu, dù là loài chim di cư nào, chúng đều có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu. Chúng không chỉ là những “sứ giả” của mùa màng và thời tiết, mà còn là “cầu nối” giữa các hệ sinh thái và các quốc gia. Việc bảo vệ các loài chim, bảo vệ thiên nhiên không phải là công việc của riêng quốc gia nào, mà là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trường Sinh cho biết thêm: “Việt Nam chúng ta, với địa hình đa dạng từ đồi núi, rừng ngập mặn, đến vùng đồng bằng, chính là điểm dừng chân quan trọng của nhiều loài chim di cư. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức: từ sự xâm lấn của con người vào môi trường sống tự nhiên, đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là cùng nhau bảo vệ các loài chim và động vật hoang dã, gìn giữ những giá trị thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây, Nhiếp ảnh động vật hoang dã, đặc biệt chụp ảnh các các loài chim, ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, hiện nay ở nước ta hàng trăm nhiếp ảnh gia hàng ngày mải mê và nhiệt tình ghi nhận lại vẻ đẹp các loài chim và thú hoang dã”.
Nhiếp ảnh động vật hoang dã đã và đang tích cực góp phần lan toả tình yêu thiên nhiên và nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn các loài chim, thú cũng như môi trường sống của chúng.
Trước đó trên trang cá nhân, Trưởng Ban tổ chúc cuộc thi nói trên, nghệ sĩ Nguyễn Trường sinh đã gửi lời chúc mừng đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Bảo, chuyên gia chim – Wildtour, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, vừa dẫn đầu đoàn du khách Việt Nam đến tham quan, học hỏi về mô hình bảo tồn Sếu tại trụ sở Tổ Chức Sếu Thế Giới Hoa Kỳ; chúc mừng Ban giám khảo đã hoàn thanh xuất sắc nhiệm vụ kết thúc chấm giải cuộc thi Chim và Thú Việt Nam; chúc mừng nhiếp ảnh gia Khuê Dương đã hoàn thành tốt vai trò thư ký Ban tổ chức cuộc thi, đồng thời cảm ơn Hội Nhiếp ảnh TPHCM đã đồng hành cùng CLB. Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã Việt Nam…
Trao đổi với chúng tôi ngay sau lễ trao giải, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Bảo, chuyên gia về chim– Wildtour, cho biết, mong muốn của VWPC, sẽ giới thiệu đến cộng đồng trong nước và quốc tế về hệ chim, thú đa dạng của Việt Nam và qua đó góp phần kêu gọi bảo vệ chim và thú hoang dã trong cộng đồng. Cuộc thi và triển lãm ảnh lần này giới thiệu được những khoảnh khắc đẹp của các loài chim, thú nhiên nhằm lan tỏa đến với rộng rãi công chúng. Ngoài vẻ đẹp nhìn được bằng mắt, mỗi hình ảnh được chụp từ khắp nơi … vùng đất ngập nước ven biển ở Xuân Thủy, các đầm lầy nước ngọt Tràm Chim, các cảnh quan rừng ở Trường Sơn, Hoàng Liên Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… Có thể đây là một câu chuyện kể sinh động về các loài chim thú và mối liên hệ của chúng với hệ sinh thái đa dạng trên toàn lãnh thổ Việt Nam..
Nhiếp ảnh gia Võ Quốc Thuần, Phó chủ nhiệm VWPC cho hay, các loài chim và thú hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng là những loài chim hoặc thú được xếp vào danh sách loài bị đe dọa toàn cầu (globally threatened species– DD/NT/VU/EN/CR) theo IUCN Red List of Threatened Species (2024) hoặc Nhóm IB hoặc Nhóm IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…
0