Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)


Bài nghiên cứu "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)" do Lê Thị Mai Hương (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

ASEAN là thị trường có nhiều thuận lợi và có nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua ASEAN đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng khả năng mở rộng và đổi mới các mặt hàng xuất khẩu chưa cao. Để tận dụng những lợi thế từ gia nhập cộng đồng AEC, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị, phát huy lợi thế vốn có, nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng những lợi thế vốn có nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường ASEAN. Bài viết sử dụng nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương nhằm phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi Việt Nam gia nhập cộng đồng AEC vào cuối năm 2015, từ đó nêu lên các hạn chế để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN trong thời gian sắp tới.

Từ khóa: Cộng đồng ASEAN (AEC), đẩy mạnh, hàng hóa, xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1967 bao gồm các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesi, Malaysia, Singapore, Philippines và đến nay ASEAN có 10 quốc gia thành viên, đó là: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. ASEAN được thành lập nhằm mục đích xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Với mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN với 5 yếu tố cơ bản: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư nên vào ngày 22/11/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và cộng đồng AEC có hiệu lực từ ngày 31/12/2015. Đây là sự kiện đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam gia nhập cộng đồng AEC nhằm tận dụng những lợi thế to lớn từ các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, những ưu đãi lớn về thuế quan, những thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa như sự tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa…, thị trường ASEAN luôn rộng mở cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN đã đạt được nhiều kết quả, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 34021,3 triệu USD, chiếm 9,16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu sang ASEAN chưa cao, hàng hóa của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ chính hàng hóa của các quốc gia trong khu vực. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, bên cạnh việc tận dụng những lợi thế vốn có với ASEAN, Việt Nam cần có những giải pháp chiến lược để phát triển hàng hóa xuất khẩu qua khu vực ASEAN.

xuất khẩu hàng hóa

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương, cụ thể là nguồn dữ liệu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các nước trong khu vực ASEAN giai đoạn 2015-2022; Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2022; các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua một số quốc gia chủ yếu trong khu vực ASEAN.

Bài viết tiếp cận dưới góc độ định tính thông qua phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp đánh giá nhằm mô tả, đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua khu vực ASEAN, nhằm đánh giá, phân tích thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua khu vực này và những hạn chế.

3. Thực trạng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi thành lập Cộng đồng AEC

3.1. Quy mô kim ngạch xuất khẩu

ASEAN là thị trường có nhiều tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này. Với thị trường gần 700 triệu dân, Việt Nam có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội với các quốc gia trong khu vực, cũng như có nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lý gần nhau. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực đã ký kết và thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp thông qua hội nhập nhanh hơn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN, trong đó chú trọng đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung. Khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác tối đa các lợi ích do Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất sẽ giảm dần về 0%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN đã có tăng trưởng đáng kể từ sau khi thành lập Cộng đồng AEC.

Cụ thể số liệu công bố của Tổng cục Thống kê được trình bày ở Bảng 1 cho thấy năm 2015 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN đạt 18.195,1 triệu USD. Đến năm 2022 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN đạt 34.021,3 triệu USD, tăng 15.826,2 triệu USD, tương ứng với mức tăng 86,98%. Riêng 2 năm 2020 và năm 2021, mặc dù Việt Nam và các nước gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN vẫn tăng về quy mô và đạt kim ngạch 23.411,3 triệu USD và 28.866 triệu USD vào năm 2020 và năm 2021.

Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan chiếm tỷ trọng cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 7.476,2 triệu USD, chiếm 21,98% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN và tăng 0,7% về tỷ trọng so với năm 2021. Tiếp theo, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia xếp vị trí thứ hai trong khu vực với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 5752,8 triệu USD, chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN. Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Malaysia đạt kim ngạch 5565,5 triệu USD vào năm 2022, chiếm 16,36% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN. Brunei là thị trường có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thấp nhất trong khối, chỉ đạt 9,32 triệu USD. Tuy nhiên, đây lại là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng 2,63 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, tăng trưởng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên thuộc ASEAN đều tăng trưởng dương. (Bảng 1)

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các nước trong khu vực ASEAN giai đoạn 2015-2022 (ĐVT: triệu USD)

xuất khẩu hàng hóa

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022 - Tổng cục Thống kê

Hàng hóa xuất khẩu

Theo số liệu báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2022 chủ yếu là các mặt hàng chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, nông, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản và các mặt hàng khác như thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu. Trong đó, mặt hàng chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng 58,8% trong tổng các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua ASEAN; tiếp theo là mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu qua ASEAN chiếm tỷ trọng 12,5%; mặt hàng nông, thủy sản chiếm tỷ trọng 10,3%, nhiên liệu khoáng sản chiếm tỷ trọng 6,2% và các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng 12,2% (Hình 1).

Hình 1: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2022

xuất khẩu hàng hóa

Nguồn: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 - Bộ Công Thương

Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chính cụ thể như sau: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu sang ASEAN năm 2022 đạt trị giá 3,4 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2021; Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xuất khẩu sang ASEAN năm 2022 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 41,4% so với năm 2021; Sắt thép các loại xuất khẩu sang ASEAN năm 2022 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm 2021; Hàng dệt may xuất khẩu đạt giá trị 2 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2021; Điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN năm 2022 đạt 2 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2021; Gạo xuất khẩu sang ASEAN đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2021. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác như phương tiện vận tải và phụ tùng đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD, dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, hàng thủy sản 774,9 triệu USD...

Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng qua một số quốc gia chủ yếu trong khu vực ASEAN, cụ thể như sau:

Đối với Thái Lan: Số liệu công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu qua Thái Lan các hàng hóa chế biến, chế tạo chiếm 60,0% tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu qua nước này, nhiên liệu khoáng sản chiếm 12,2%, nông thủy sản chiếm 8,7% và các hàng hóa khác chiếm 8,5%. Cụ thể, các hàng hóa xuất khẩu chính qua Thái Lan bao gồm điện thoại các loại và linh kiện năm 2022 đạt 1 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2021; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 964,8 triệu USD, tăng 77,3% so với năm 2021; dầu thô đạt 880,5 triệu USD, tăng 54,1% so với năm 2021; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 636,8 triệu USD, tăng 33,5% và nhiều mặt hàng khác như sắt thép, sản phẩm hóa chất, hàng dệt may, hàng rau quả, giấy và các sản phẩm từ giấy…

Đối với Campuchia: Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu các mặt hàng chế biến, chế tạo chiếm 47,4% trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu qua nước này, vật liệu xây dựng chiếm 20%, nhiên liệu khoáng sản chiếm 11,4%, nông thủy sản chiếm 1,4% và các hàng hóa khác chiếm 19,7%. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua Campuchia bao gồm: sắt thép các loại đạt 937,2 triệu USD, giảm 1,6% so với năm 2021; Hàng Dệt may có kim ngạch xuất khẩu đạt 876,3 triệu USD, tăng 19,5% so với năm 2021; nguyên phụ liệu Dệt may - Da giày đạt 340 triệu USD, tăng 13,4% so với năm 2021 và còn nhiều mặt hàng khác như phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, hóa chất, hàng thủy sản...

Đối với Malaysia: Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia chủ yếu các mặt hàng chế biến, chế tạo chiếm 66%, vật liệu xây dựng chiếm 14%, nông thủy sản chiếm 8,8%, nhiên liệu, khoáng sản chiếm 3,4% và các mặt hàng khác chiếm 7,9%. Trong đó, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 1,2 tỷ USD, tăng 53,7% so với năm 2021; Sắt thép các loại đạt 653,7 triệu USD, giảm 7,1% so với năm 2021, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 562,5 triệu USD, tăng 60,8% so với năm 2021 và nhiều sản phẩm khác như hóa chất, hàng dệt may, xăng dầu các loại,…

Nhìn chung, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa qua các nước ASEAN, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN vẫn còn hạn chế và tồn tại một số vấn đề đặt ra, cụ thể như sau:

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN còn chiếm tỷ trọng thấp so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với mức kim ngạch xuất khẩu dao động từ 8,28%-11,23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mức kim ngạch xuất khẩu này cho thấy Việt Nam vẫn chưa khai thác hết những lợi thế để xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN có xu hướng giảm trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN chiếm 11,23% và có xu hướng giảm qua các năm; đến năm 2022 tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN còn 9,16%.

Trước năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN chủ yếu các mặt hàng dầu thô và gạo. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua ASEAN vẫn chủ yếu là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nhưng giá trị gia tăng thấp như các nhóm hàng lắp ráp và gia công như dệt may, giầy dép, máy vi tính và các sản phẩm thô hoặc nông sản. Số liệu báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp qua ASEAN có giá trị còn thấp.

Cụ thể, đối với mặt hàng điện thoại và linh kiện: Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này qua khu vực ASEAN chỉ đạt 1999,96 triệu USD, chỉ chiếm 3,44% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của năm 2022; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này qua ASEAN đạt giá trị 3386,88 triệu USD, chỉ chiếm 6,09% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của năm 2022; mặt hàng dệt may: Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này qua ASEAN đạt giá trị 2007,49 triệu USD, chỉ chiếm 5,34% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của năm 2022; thép là mặt hàng Việt Nam xuất qua thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3535,9 triệu USD, chiếm 42,09% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này của năm 2022; xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang ASEAN chiếm hơn 8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước, các mặt hàng này chủ yếu bao gồm gạo (chiếm 35%), thủy sản (chiếm 15%), phân bón các loại (chiếm 10%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 10,7%) và cà phê ( chiếm 8,9%).

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN qua các năm vẫn chủ yếu là nhập siêu, năm 2022 nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN đạt giá trị 13,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2021 (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 47,2 tỷ USD). Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được hết các thế mạnh, cũng như các ưu đãi từ việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%, trong số 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm). Điều này ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa các nước ASEAN tham gia càng nhiều vào thị trường Việt Nam và tạo nên sự cạnh tranh, khó khăn cho hàng hóa trong nước.

Khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu chưa cao. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, nhưng hàng hóa của Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường giá trung bình và thấp. Trong khi đó, khả năng đổi mới các mặt hàng, đặc biệt tạo ra các sản phẩm có tính mới với từng thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Chất lượng của sản phẩm còn hạn chế và không đồng đều, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên nghiệp, uy tín thương hiệu chưa cao, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

4. Kết luận và đề xuất kiến nghị

Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa qua các quốc gia thuộc khu vực ASEAN dựa trên lợi thế vốn có và những nhiều nét tương đồng, cũng như vị trí thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tạo nên những lợi thế to lớn từ các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, những ưu đãi lớn về thuế quan giữa các nước tham gia. Điều này đã góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các nước ASEAN trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực này và những thuận lợi từ việc tham gia cộng đồng AEC để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế đã được phân tích ở nội dung trên. Do đó, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam qua các nước khu vực ASEAN trong thời gian sắp tới, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:

Chính phủ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu hàng hóa qua khu vực ASEAN.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ về thị trường ASEAN, về những quy định cụ thể trong Cộng đồng AEC nhằm giúp doanh nghiệp khai thác và tận dụng tối đa những lợi ích, cam kết từ việc tham gia cộng đồng này của Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp phổ biến và cung cấp thông tin, hay những ưu đãi liên quan đến hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu hàng hóa sang khu vực ASEAN thông qua hệ thống thông tin truyền thông và các hội thảo liên quan, nhằm giúp cho các doanh nghiệp vượt qua thách thức và tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu qua khu vực này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, tận dụng tốt các cơ hội cũng như những thuận lợi vốn có từ việc tham gia Cộng đồng AEC, nhằm đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang khu vực ASEAN thông qua các hoạt động tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm và thực hiện chiếm lượng sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường ASEAN.

Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các hoạt động phát triển và xúc tiến hàng hóa xuất khẩu qua thị trường ASEAN, chuyển dần xuất khẩu các mặt hàng truyền thống và giá trị thấp sang các mặt hàng chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2022). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022. Truy cập tại https://trungtamwto.vn/file/22356/bao-cao-xuat-nhap-khau-viet-nam-nam-2022.pdf
  2. Doãn Kế Bôn (2016). Đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết Kỷ yếu hội thảo Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025. NXB Công Thương.
  3. Nguyễn Thị Cành (2016). Tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 129, tháng 12/2016, trang 7-22.
  4. Nguyễn Phúc Nam (2021). Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các quốc gia ASEAN. Tạp chí Tài chính, số tháng 12/2021. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/chuyen-dich-co-cau-hang-hoa-xuat-khau-cua-viet-nam-sang-thi-truong-cac-quoc-gia-asean.html

PROMOTING VIETNAM’S EXPORT OF GOODS TO ASEAN SINCE THE COUNTRY JOINED THE ASEAN ECONOMIC COMMUNITY

Ph.D Le Thi Mai Huong

Ho Chi Minh City University of Technology and Education

Abstract:

ASEAN is a market that has many advantages and great potential for Vietnam's export goods. Since Vietnam joined the ASEAN Economic Community (AEC), Vietnam's export of goods to ASEAN has achieved many remarkable results, but the ability to expand and innovate export products is not high. To take advantage of the AEC, it is necessary for Vietnamese businesses to promote inherent advantages and improve competitiveness to promote the export of goods to ASEAN. By using secondary data collected from the Ministry of Industry and Trade’s import-export reports, this paper analyzed and evaluated Vietnam's current exports of goods to ASEAN since the country joined the AEC at the end of 2015. The paper pointed out limitations and proposed some solutions to promote Vietnam’s export of goods to ASEAN in the coming time.

Keywords: the ASEAN Economic Community (AEC), promote, goods, export.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của dân trí tài chính số tới quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính số của GenZ tại Việt Nam

Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của dân trí tài chính số tới quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính số của GenZ tại Việt Nam do Nguyễn Quỳnh Anh - Nguyễn Huyền Anh (Trường Đại học Điện lực) thực hiện

Xem chi tiết
Nghiên cứu phỏng vấn sự khác nhau về tâm lý khách hàng đối với ý định chuyển đổi sang mua online theo nhóm hàng

Nghiên cứu phỏng vấn sự khác nhau về tâm lý khách hàng đối với ý định chuyển đổi sang mua online theo nhóm hàng do TS. Phan Duy Hùng* (Trường Đại học Điện lực) thực hiện

Xem chi tiết
Khó khăn và thách thức khi áp dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam

Đề tài Khó khăn và thách thức khi áp dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam do ThS. Đỗ Ngọc Phương Anh (Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Chính sách và Phát triển) thực hiện.

Xem chi tiết
Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội

Đề tài Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội do Phạm Mai Chi 1- Nguyễn Quang Chương1 (1Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ) thực hiện.

Xem chi tiết
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3