Đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo tại thành phố Long Khánh: áp dụng cho các doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao


Đề tài Đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo tại thành phố Long Khánh: áp dụng cho các doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao do ThS. Lương Lê Bảo Thắng (Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

TÓM TẮT:

Du lịch nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là du lịch sáng tạo, một loại hình mới, phù hợp với nhu cầu của du khách hiện nay. Bài báo này đề xuất giải pháp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Thực tế cho thấy, thành phố Long Khánh có lợi thế như môi trường sinh thái nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao, với quy mô lớn. Để phát huy lợi ích của mô hình này, cần thay đổi tư duy về tầm quan trọng và giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch Long Khánh; đồng thời vấn đề quy hoạch du lịch nông nghiệp sáng tạo tại Long Khánh cần phải được quan tâm, sớm đưa quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch của tỉnh Đồng Nai.

Từ khóa: khu lịch nông nghiệp sáng tạo, làng nghề trồng nấm Long Khánh, trồng nấm công nghệ cao.

1. Đặt vấn đề

Trong những thập kỷ qua, du lịch nông nghiệp đã lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới với sự quan tâm ngày càng tăng của khách du lịch trong việc tìm hiểu về cuộc sống nông thôn và nhu cầu tăng thu nhập của nông dân bằng các hoạt động kinh tế khác nhau. Mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng tại Việt Nam đã có những bước tiến mới và gặt hái được nhiều thành công ở một số tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Khánh Hòa…

Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai có lợi thế về làng nghề trồng nấm và đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao, với quy mô lớn và sẵn có tại địa phương, như môi trường sinh thái nông nghiệp đa dạng. Long Khánh còn là một thành phố mới có điều kiện và vị trí thuận lợi trong kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh như Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết để phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo. Thành phố Long Khánh cách thành phố Biên Hòa 47 km, cách thành phố Vũng Tàu 75 km, cách thành phố Phan Thiết 115 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 72 km. Là vị trí cửa ngõ giao thông của vùng, liên kết với khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thông qua các tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1; quốc lộ 56, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, và tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang xây dựng; tiếp giáp với vùng kinh tế chiến lược Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Long Khánh được xem là "thiên đường trái cây" của vùng Đông Nam Bộ. Ngoài những miệt vườn, nơi đây còn có rất nhiều điểm đến thú vị và món ăn ngon để trải nghiệm.

Việc khai thác tiềm năng du lịch NNCNC dựa vào cộng đồng phục vụ phát triển du lịch không những phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực lân cận. Vì vậy, nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao tại Long Khánh, tiếp tục phát huy thế mạnh và lợi ích của mô hình này là rất cần thiết.

2. Cơ sở lý luận về du lịch nông nghiệp

2.1. Nông nghiệp công nghệ cao

NNCNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ (Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Có nhiều nghiên cứu đã gọi NNCNC là nền Nông nghiệp 4.0 (Đỗ Kim Chung, 2017), Nông nghiệp số (Sara, 2016), Nông nghiệp thông minh (Nguyễn Văn Sánh, 2017; Đỗ Kim Chung, 2018), Nông nghiệp chính xác (The international Society of precisionagriculture, 2020). Tuy nhiên, nhiều học giả như Daniel Walker (2017), Trần Đức Viên (2017), Nguyễn Xuân Trạch (2018) gọi đây là nền NNCNC. Cụm từ “công nghệ cao” đã được dùng trong văn bản của Chính phủ và các bộ ngành như Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 và Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 25/12/2015.

2.2. Du lịch nông nghiệp

2.2.1. Khái niệm

Cụm từ “Du lịch nông nghiệp” xuất hiện 25 năm qua trong văn học thế kỷ XX (Arroyo và cộng sự, 2013). Khái niệm du lịch nông nghiệp được xem xét dưới nhiều hình thức khác nhau trong các tài liệu liên quan đến du lịch và phát triển nông thôn mà không có sự đồng thuận về các hoạt động khác nhau của nó. Du lịch nông nghiệp thường được gọi là trang trại du lịch, trang trại nghỉ mát, du lịch dựa vào trang trại và du lịch nông thôn (Pérez-Olmos và Aguilar-Rivera, 2021). Tùy thuộc vào khuôn khổ nhận thức luận, các tác giả khác nhau đã định nghĩa du lịch nông nghiệp từ những góc độ khác nhau, tuy nhiên việc thiếu một định nghĩa chung đã hạn chế việc phát triển các chính sách hiệu quả để hỗ trợ du lịch nông nghiệp (Rauniyar et al., 2021). Tuy nhiên, ý nghĩa của du lịch nông nghiệp trong bài viết này này liên quan đến các hoạt động nông nghiệp được thực hiện trên công nghệ cao ở các doanh nghiệp trồng nấm, có diện tích 1 ha trở lên cho khu vực nuôi trồng và khuôn viên để phục vụ du khách.

Du lịch nông nghiệp là một hoạt động kinh tế trang trại nhằm giải trí cho du khách, tạo thu nhập cho chủ sở hữu ở cấp độ kinh tế vi mô và đóng góp vào GDP của đất nước ở cấp độ vĩ mô (Parker et al., 2019). Một trong những lợi ích chính của du lịch nông nghiệp là tính bền vững của cộng đồng nông thôn, di sản và cảnh quan văn hóa bằng cách cung cấp cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương (Ilbery, 1991; Fleischer và Tchetchik, 2005; Barbieri và cộng sự, 2008). Ngoài ra, nó có thể cải thiện môi trường, làm phong phú thêm văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả nông dân và người tiêu dùng (Khairabadi và cộng sự, 2020).

2.2.2. Mô hình du lịch nông nghiệp

Na Songkhla (2011) đã trình bày một mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó chỉ rõ loại hình hoạt động du lịch nào sẽ được nhấn mạnh ở mỗi điểm đến du lịch, nó phụ thuộc vào loại khách du lịch và tính chất của các hoạt động. Các hoạt động nông nghiệp của điểm du lịch đó là: 1) Hoạt động du lịch nông nghiệp dưới hình thức trình diễn các điểm du lịch nhấn mạnh vào hoạt động trình diễn; 2) Hoạt động du lịch nông nghiệp dưới hình thức du lịch nông nghiệp tri thức; 3) Hoạt động du lịch nông nghiệp dưới hình thức bán sản phẩm cộng đồng; 4) Du lịch nông nghiệp như một sự giới thiệu về kinh doanh nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nuôi trồng.

Du lịch nông nghiệp là du lịch bền vững. Tập trung vào 3 thành phần cơ bản: 1) chất lượng trải nghiệm du lịch; 2) tính liên tục và bền vững của tài nguyên du lịch; và 3) sự cân bằng giữa sự tham gia của cộng đồng và địa phương trong việc quản lý du lịch, du lịch và phân phối lợi ích cho địa phương nhằm đưa ra các chủ trương, chính sách và quy định liên quan đến quản lý du lịch (Hao và cộng sự, 2020).

2.2.3. Du lịch nông nghiệp sáng tạo

Du lịch nông nghiệp công nghệ cao là du lịch sáng tạo, một loại hình mới, phù hợp và phù hợp với nhu cầu của du khách hiện nay. Remoaldo và cộng sự, (2022) thảo luận về du lịch sáng tạo phù hợp với cách tiếp cận phát triển cộng đồng, sử dụng du lịch như một công cụ thúc đẩy sự bền vững, tạo cơ hội cho khách du lịch phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân thông qua việc tham gia các hoạt động học tập với trải nghiệm thực tế trong nhiều hoạt động đời sống khác nhau của người dân trong cộng đồng và tổ chức các hoạt động du lịch hài hòa, gắn liền với văn hóa theo hình thức học tập thực nghiệm để tích lũy kinh nghiệm, niềm vui từ những điều có sẵn và thực tế. Theo González-Torres và cộng sự, sở thích tham quan của khách du lịch hiện nay là xu hướng đến thăm một địa điểm họ thích hoặc một địa điểm nghỉ dưỡng với mục đích thực hiện các hoạt động du lịch có sự trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên.

3. Thực trạng du lịch nông nghiệp và nghề trồng nấm tại thành phố Long Khánh

Thành phố Long Khánh là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm và được xem là trung tâm trái cây của vùng Đông Nam Bộ, có khu vực tại Long Khánh từng được xem là “Đà Lạt của khu vực miền Đông Nam Bộ”. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, Long Khánh đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp, điển hình là Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc, được thành lập từ năm 2019 với 17 thành viên tại 14 điểm vườn liên kết với 94 vườn cây ăn trái với tổng diện tích hơn 150 héc-ta, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến trải nghiệm, thưởng thức trái cây, ẩm thực tại vườn. Nhờ tham gia mô hình liên kết, thu nhập của chủ các vườn cây ăn trái đã tăng khoảng 50% so với hoạt động nông nghiệp thuần túy trước đây. Trên địa bàn có vùng trái cây tập trung với diện tích hơn 7.300 héc-ta, trong đó, nhiều loại ngon nức tiếng, như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Để du lịch sinh thái vườn phát triển, ngày càng thu hút đông du khách, hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh phối hợp các sở, ngành tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ hội tôn vinh trái cây, đưa nơi đây trở thành điểm hẹn hấp dẫn đối với du khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tỉnh Đồng Nai hiện nay là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất nấm mèo và nấm bào ngư với khoảng 3.000 hộ trồng nấm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: TX Long Khánh, huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch. Mỗi năm, Đồng Nai cung cấp cho thị trường khoảng 35 ngàn tấn nấm tươi các loại gồm nấm mèo, nấm bào ngư trắng, nấm rơm, nấm sò... (Nguyễn Hữu Hỷ và cộng sự, 2015)

Nghề trồng nấm đã có mặt ở thành phố Long Khánh gần 25 năm nay, hiện là nơi sản xuất nấm lớn nhất tỉnh Đồng Nai với sản lượng khoảng hơn 1.600 tấn/năm. Nghề trồng nấm tập trung ở xã Bảo Quang và Bàu Trâm. Đây cũng là khu vực trồng nấm mèo lớn nhất TP. Long Khánh. Không chỉ trồng nấm mèo, ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang) còn có nhiều cơ sở sản xuất các loại phôi nấm và nhiều loại nấm khác.

Hiện làng nghề trống nấm xã Bảo Quang có 140 hộ trồng các loại nấm như nấm rơm, nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm kim châm, nấm đông trùng hạ thảo với nhiều quy mô khác nhau như hộ gia đình, doanh nghiệp, trang trại. Riêng một số nấm như kim châm, đông trùng hạ thảo thì phải trang bị nhà lạnh quy mô lớn để trồng.

Thời gian qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã giúp cho mô hình trồng nấm ở Bàu Cối ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Làng nghề nuôi trồng nấm đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần đạt chỉ tiêu tăng thu nhập trong tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, từ khi làng nghề trồng nấm hình thành và phát triển, cuộc sống người dân cải thiện đáng kể: xây nhà kiên cố, mua sắm phương tiện vận chuyển như ô tô, xe tải. Đường giao thông nông thôn được bê tông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản và mang lại diện mạo nông thôn mới, con người mới, sức sống mới ở địa phương.

Nghề nuôi trồng nấm rất đảm bảo về môi trường, vì người trồng chỉ sử dụng nước để tưới khi đã treo bịch nấm lên giàn. Nguyên liệu đóng bịch nấm từ mùn cưa, sau khi đóng bịch được hấp xử lý bằng hơi nước rồi cấy meo nấm, ủ, treo lên giàn, rạch bịch, tưới nước và thu hoạch. Quá trình nuôi trồng nấm đều diễn ra trong môi trường tự nhiên, không sử dụng chất kích thích hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu hoạch nấm xong, bịch thải ra bán cho người sản xuất nấm rơm; mùn cưa từ việc sản xuất nấm rơm sử dụng để bón cây, bịch ny-lông được thu gom và bán để tái chế.

Theo Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, nấm là loại thực phẩm cao cấp như các loại thịt, nên việc thu hái, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêu thụ phải được thực hiện rất khoa học. Nếu không bảo quản lạnh (ở nhiệt độ 2-4 độ C) hoặc sơ chế muối, sấy khô thì chỉ sau 24 giờ, nấm đã bị hỏng. Trong khi đó, hiện nay, nhận thức của người dân về việc tiếp nhận kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế. Nấm còn là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh…, do đó, nếu người sản xuất không nắm vững quy trình kỹ thuật, coi việc trồng nấm dễ như trồng rau thì hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Vì vậy, trồng nấm phải được coi là một nghề và nghề này cần phải có sự đầu tư đồng bộ về tri thức, kinh tế và quyết tâm cao mới mong phát triển bền vững. Hiểu được vấn đề này, các đơn vị trồng nấm tại Long Khánh đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, thu hoạch, đóng gói cho sản phẩm nấm. Có nhiều trang trại trồng nấm bằng công nghệ cao tại TP. Long Khánh ứng dụng công nghệ sản xuất quy mô lớn chủ yếu tập trung tại xã Bảo Quang như HTX Nông nghiệp Xanh, HTX nấm Bảo Quang, trang trại Bảo Thắng, Công ty Kinoko Long Khánh... Nhờ áp dụng công nghệ cao nên sản phẩm nấm ở TP. Long Khánh không chỉ đa dạng về chủng loại mà còn cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Sản phẩm nấm không chỉ được xem là thực phẩm cho các bữa ăn gia đình, nhà hàng, mà còn trở thành một loại thảo dược tốt cho sức khỏe. Hiện, sản phẩm nấm của TP. Long Khánh xuất hiện ở thị trường Đồng Nai và vào được các siêu thị lớn tại TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, Long Khánh còn có những trang trại nấm có quy mô lớn, sử dụng toàn bộ điện từ năng lượng mặt trời với chi phí thấp, để nâng cao hiệu quả kinh doanh như trang trại nấm Bảo Thắng.

Tuy nhiên, đến nay, vấn đề mà các hộ trồng nấm ở Long Khánh đang lo ngại nhất chính là đầu ra. Người sản xuất nấm trên địa bàn Long Khánh còn bị thiệt thòi về giá do không xuất bán được với các công ty hay đại lý tiêu thụ lớn, hầu hết nấm được bán chủ yếu cho thương lái nhỏ tại địa phương nên giá vừa thấp và khả năng thanh toán cũng hạn chế. Vì vậy, rất cần thiết một mô hình kết nối giữa người trồng nấm và người mua mà không phải qua quá nhiều trung gian. Mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo sẽ là cơ hội tìm kiếm đầu ra cho người trồng nấm ngay tại chỗ mà không cần qua nhiều trung gian. Mô hình này là sự kết hợp giữa người mua và người bán thông qua cầu nối là ngành công nghiệp du lịch.

4. Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo tại thành phố Long Khánh

Dựa vào điều kiện hiện có ở các doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao tại Long Khánh, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo này, các doanh nghiệp trồng nấm cần phải đưa nhiều loại nông sản có thể trồng trong nhà lưới, nhà lạnh như: dâu tây, phúc bồn tử, atiso, bông cải, ớt chuông, dưa lưới, cà chua… và các loại rau củ ngắn ngày xứ lạnh hoặc các loại hoa tươi.

Hiện có nhiều địa phương đã thành công áp dụng trồng các loại cây xứ lạnh cho thu hoạch với năng suất cao như: Phúc bồn tử trồng tại Ninh Thuận tại hộ ông Nguyễn Văn Trinh ở phường Văn Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm; Dâu tây trồng tại hộ ông Huỳnh Văn Lực Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi); Cà chua Nova trồng tại hộ Anh Nguyễn Tuấn Anh, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh (Tây Ninh). Các hộ trồng phúc bồn tử, dâu tây, cà chua… đã thu hút rất nhiều khách tham quan hằng năm và sản lượng thu được hầu hết đều được du khách mua tại chỗ.

Một điều đặc biệt là thiên nhiên ưu ái cho tỉnh Đồng Nai nói chung và thành phố Long Khánh nói riêng có một khí hậu ôn hòa, thích hợp với rất nhiều loại nông sản tưởng chừng như chỉ trồng được ở xứ lạnh, nhưng tại nhiều địa phương ở Đồng Nai trồng cho năng suất rất cao như: bắp cải, bông cải, cà rốt, su hào… (Cẩm Mỹ, Long Khánh). Các doanh nghiệp trồng nấm hoàn toàn có thể đưa những loại nông sản này vào trồng trọt. Ngoài ra, những doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao tại Long Khánh hiện có diện tích khuôn viên khu vực nuôi trồng khá lớn, nên có thể trồng kết hợp nhiều vườn cây ăn trái và nuôi các loại thủy sản địa phương. (Hình 1)

Hình 1: Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo (Tác giả tổng hợp, 2024)

du lịch nông nghiệp

Qua nhiều nghiên cứu về du lịch nông nghiệp trên thế giới (Theo González-Torres và cộng sự (2021), Remoaldo và cộng sự (2022)) cho thấy, khách du lịch ngày càng có xu hướng được trải nghiệm thực sự với những gì gần gũi thiên nhiên: ngắm cảnh thiên nhiên, làng quê mang nét truyền thống, tự tay hái thưởng thức cây ăn trái địa phương, thưởng thức những món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng tại chỗ, thích thú với những sản phẩm vốn không phải của địa phương nhưng được trồng tại điểm du lịch và sẵn sàng mua những sản phẩm này. Điều này dự báo về việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ nuôi trồng mà không cần phải qua khâu trung gian, giảm bớt chi phí, không chỉ tăng doanh thu cho doanh nghiệp kinh doanh mô hình du lịch sáng tạo này mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo tại thành phố Long Khánh để trở thành điểm du lịch cộng đồng phải kết hợp được thế mạnh của vùng và nhiều bối cảnh khác nhau như: du lịch nông nghiệp, nông hiện tại, doanh nhân nông nghiệp sáng tạo, cộng đồng nông nghiệp công nghệ cao, các hoạt động/sản phẩm nông nghiệp truyền thông, nhằm tăng thêm giá trị cho các nguồn lực hiện có trong cộng đồng nhằm mang lại lợi ích tối đa. Các cơ quan chính phủ liên quan đến lĩnh vực du lịch ở thành phố Long Khánh và các học giả có kinh nghiệm về du lịch nên thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo để Long Khánh trở nên độc đáo.

5. Một số khuyến nghị cho mô hình du dịch nông nghiệp sáng tạo tại thành phố Long Khánh

Thứ nhất, đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng và giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch Long Khánh. Vấn đề quy hoạch cần phải được quan tâm, cần sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp sáng tạo tại Long Khánh vào tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch của tỉnh Đồng Nai, dựa trên tài nguyên nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp trồng nấm hiện có, kết hợp các mô hình du lịch nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công,… Đây là tiền đề rất quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.

Thứ hai, phát triển du lịch nông nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững và đa giá trị cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nguồn vốn vay.

Thứ ba, tăng cường sự kết nối đa ngành trong du lịch nông nghiệp sáng tạo với các mô hình du lịch nông thôn hiện có, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn từ chính du khách địa phương và các vùng lân cận, từ đó lan truyền rộng đến du khách các địa phương khác trong và ngoài nước.

Thứ tư, chú trọng phát triển truyền thông xã hội nhằm quảng bá du lịch sáng tạo cho thành phố Long Khách, có sự phối hợp cùng các cơ quan báo chí.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch.

6. Kết luận

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu và vị trí địa lý, thành phố Long Khánh là nơi lý tưởng để phát triền du lịch nông nghiệp sáng tạo. Đây cũng chính là cơ hội để xây dựng thương hiệu nấm cho Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói cung để phát triển mục tiêu tạo dựng thương hiệu nấm Việt trên thị trường quốc tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Vì vậy, rất cần hình thành một mô hình liên kết như mô hình du lịch sáng tạo nhằm ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô công nghiệp; từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trồng nấm công nghệ cao cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để mô hình du lịch sáng tạo có thể thực hiện và phát triển nhanh chóng.

Với truyền thống của một tỉnh có phong trào trồng nấm phát triển hàng đầu cả nước, sản lượng và chất lượng luôn ổn định, nếu mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo này phát triển rộng các khu vực trồng nấm ở các huyện khác ở tỉnh Đồng Nai thì chắc chắn sẽ xây dựng được thương hiệu nấm Đồng Nai chiếm lĩnh được thị trường trong nước và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả cho người trồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hữu Hỷ, Nguyễn Duy Trình, Ngô Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Mỵ (2015), Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nấm tại các tỉnh phía Nam. Viện Khoa học kỹ thuật Miền Nam.
  2. Thành Nhân (2020). Làng nghề nấm mèo lớn nhất Long Khánh tất bật vào vụ Tết. Báo Đồng Nai.
  3. An Nhơn (2023). Nhộn nhịp mùa nấm tết, Báo Đồng Nai.
  4. Khánh Minh, (2012). Cơ hội cho nghề trồng nấm. Báo Đồng Nai.
  5.  Khắc Giới, (2011). Xây dựng thương hiệu cho nấm mèo. Báo Đồng Nai.
  6.  Lê Hoàng Vũ, 2013. Giải pháp phát triển nghề trồng nấm. Báo Nông nghiệp Việt Nam.
  7.  Minh Huệ, (2012). Bao giờ có thương hiệu nấm Việt Nam. Báo Kinh tế Nông thôn.
  8.  Nguyễn Như Hiến và Phạm Văn Dư, (2013). Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất nấm tại các tỉnh phía Nam. Diễn đàn Khuyến nông và Nông thôn, Chuyên đề Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả, lần thứ 14: 17-25.
  9. Hao, F., Xiao, Q., & Chon, K. (2020). COVID-19 and China’s Hotel Industry: Impacts, a Disaster Management Framework, and PostPandemic Agenda. International Journal of Hospitality Management, 90(August), 102636.
  10. Na Songkhla, T. (2011). The relationship between agritourism activity patterns and the use of agricultural resources of the community: A case study of agritourism in Chang Klang. Nakhon Si Thammarat Province]. Journal of
    Management Science and Information Science, 6(2), 444-457, (in Thai)
  11. Khasawneh, M.S., Aladwan, K.S., Ababneh, S.F., Al-Makhadmah, I.M., & Alzoubi, M.I. (2023). Factors Influencing the Decision of Tourist Businesses to Adopt Digital Marketing. GeoJournal of Tourism and Geosites, 47(2), 415-423. https://doi.org/10.30892/gtg.47207-1039
  12. Rahim, M.A., Bakar, N.A., Hashim, N.A.A.N., Nawi, N.M.M., & Wee, H. (2022). Empirical Evidence from the Tourism Industry on the Factors That Affect Tourist Destination Satisfaction. GeoJournal of Tourism and Geosites, 44(4), 1209-1215. https://doi.org/10.30892/gtg.44404-936
  13. Ramseook-Munhurrun, P., Seebaluck, V.N., & Naidoo, P. (2015). Examining the Structural Relationships of Destination Image, Perceived Value, Tourist Satisfaction and Loyalty: Case of Mauritius. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 175(230), 252– 259. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2015.01.1198
  14. Remoaldo, P., Alves, J., & Ribeiro, V. (2022). Glossary of Concepts on Creative Tourism. Creative Tourism and Sustainable Territories, Emerald Publishing Limited, Bingley, 237 -250.  https://doi.org/ 10.1108/978-1-80262-681-020221017
  15. Ministry of Agriculture of the Saratov region, Official portal, https://minagro.saratov.gov.ru/stat/, Accessed on April 21, 2020.
  16. Nesmyslenov, A.P., 2020, Methodological approaches to creation of a digital business model of the agricultural organization of the region, Scientific review: Theory and practice, Education Science publishing house, Vol. 10(7), рр. 1331-1338. eLIBRARY ID: 44129959. DOI: 10.35679/2226-0226-2020-10-7-1331-1338,
    https://elibrary.ru/item.asp?id=44129959. Accessed on 27.01.2021.
  17. Sandu, I.S., Ryzhenkova, N.E., Afonina, V.E., Doshchanova, A.I., 2018, Digitalization as instrument of innovative development of agrarian and industrial complex, Agrarian and industrial complex: Economy, management, No. 8, рр. 12-18. eLIBRARY ID:
    35562167
  18. Stupen, R., Cherechon, O., Stupen, O., Smoliarchuk, M., 2020, Methodical Features Of The Determination Of Land Suitability For Conducting Agricultural Production, Scientific Papers Series Management, Economic Engineering in Agriculture and Rural Development, Vol. 20(1): 575-580.
  19. Todorova, L., Tcacenco, A., 2019, Study Regarding Peculiarities Of Introducing And
    Developing Effective Digital Technologies In The Agri-Food Sector, Scientific Papers Series Management, Economic Engineering in Agriculture and Rural Development, Vol. 19(4):341-344.
  20. Ushachev, I.G., Kolesnikov, A.V., 2020, Development of digital technologies in agriculture as a component of agrarian policy, Аgrarian and industrial complex: Economy, management, No. 10, рр. 4-16. eLIBRARY ID: 44145971. DOI: 10.33305/2010-4, https://elibrary.ru/item.asp?id=44145971. Accessed on 29.01.2021.
  21.  Zubarev, A.E., 2017, Digital economy as form of manifestation of regularities of development of new economy, TOGA Bulletin, No. 4, рр. 177-184.
     

Solutions to develop creative agricultural tourism in Long Khanh city: Applying to high-tech mushroom growing businesses

Master. Luong Le Bao Thang

Southern Small and Medium-sized Enterprise Support Center,

Department of Enterprise Development, Ministry of Planning and Investment

Abstract:

High-tech agricultural tourism is a type of creative tourism, and it is meeting the current needs of tourists. This paper proposes solutions to develop an agricultural tourism model based on high-tech mushroom-growing enterprises in Long Khanh city, Dong Nai province. Long Khanh city has advantages such as a diverse agricultural and ecological environment, especially many high-tech, large-scale mushroom-growing enterprises. To fully exploit the benefits of this tourism model, it is necessary to change thinking about the importance and integrate the value of agriculture into rural tourism. In addition, it is important for Long Khanh City to have an overall plan for creative agricultural tourism.

Keywords: creative agricultural tourism area, Long Khanh mushroom cultivation craft village, high-tech mushroom cultivation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Hậu Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) xếp thứ 2 vùng ĐBSCL, xếp ở nhóm cao cả nước.

(CHG) Ngày 22.6.2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 556/ QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngay việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Xem chi tiết
TP.Ngã Bảy, Hậu Giang: Khai mạc Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư

(CHG) Nhằm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã, 10 năm đô thị loại III, 5 năm công nhận thành phố, 110 năm hình thành vùng đất Ngã Bảy, UBND thành phố Ngã Bảy long trọng tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy với chủ đề “Những dòng sông nhớ” và chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu”.

Xem chi tiết
Cạnh tranh thị trường và hiệu quả hoạt động: Vai trò truyền dẫn của thông tin kế toán quản trị, quản trị rủi ro và đổi mới tổ chức tại các doanh nghiệp Việt Nam

Đề tài "Cạnh tranh thị trường và hiệu quả hoạt động: Vai trò truyền dẫn của thông tin kế toán quản trị, quản trị rủi ro và đổi mới tổ chức tại các doanh nghiệp Việt Nam" do Nguyễn Trọng Phương - Nguyễn Khả Đồng (Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra

Bài báo nghiên cứu "Nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra" do TS. Lê Tiến Dũng (Khoa Lý luận Chính trị - Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Polysaccharide từ rễ sâm bố chính (Abelmoschus sagittifolius): trích ly bằng kiềm và tính chất công nghệ

Bài báo nghiên cứu "Polysaccharide từ rễ sâm bố chính (Abelmoschus sagittifolius): trích ly bằng kiềm và tính chất công nghệ" do Vũ Thị Thu Hiền - Lê Ngọc Hiển (Sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh), TS. Phan Văn Mẫn (Giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu), ThS. Trần Chí Hải và TS. Huỳnh Thị Lê Dung (Giảng viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3