Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 ban hành tại Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã đảm bảo tính công bằng, hợp lý, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Các tiêu chí phân bổ ngân sách cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đảm bảo công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách cho từng bộ, ngành và địa phương.
Định mức phân bổ cũng đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành (trước thời điểm ban hành Quyết định 46/2016/QĐ- TTg) và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; đồng thời với việc ban hành tiêu chí xác định định mức phân bổ theo dân số, việc quy định mức phân bổ tăng thêm cho các địa phương căn cứ tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cũng góp phần tạo động lực cho các địa phương trong việc tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu NSNN trên địa bàn, phát triển ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách về an sinh xã hội trên địa
bàn, cũng như phấn đấu tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương (NSTW) trong những giai đoạn tiếp theo.
Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện, các căn cứ, tiêu chí tính định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2017 được áp dụng cho năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017- 2020 đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2026, cụ thể như:
+ Về nguyên tắc phân bổ: Tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước giai đoạn trước (2011-2016 và 2017-2020), Trung ương luôn quy định nguyên tắc đảm bảo mặt bằng chi năm trước và có mức tăng hợp lý (sau khi tính theo định mức phân bổ chi thường xuyên, trong trường hợp thấp hơn dự toán chi năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao sẽ được xác định bằng với dự toán năm trước và có mức tăng hợp lý, góp phần đảm bảo dự toán chi thường xuyên năm sau được giao của các địa phương không thấp hơn năm trước). Trên cơ sở định mức dự toán được giao, Thành phố đã ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho các đơn vị (trong đó, có một số định mức phân bổ cao hơn định mức phân bổ của Trung ương). Để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách, Thành phố cũng ban hành một số chế độ chi thuộc thẩm quyền của địa phương như mức chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo, cận nghèo, chính sách quà tặng cho người cao tuổi, người có công cao hơn mức của Trung ương. Ngoài ra, một số nhiệm vụ chi của địa phương chưa được tính toán đầy đủ trong định mức của Trung ương như trợ giá vận tải hành khách công cộng.
+ Về tiêu chí phân bổ cho Thủ đô Hà Nội: theo quy định của Luật Thủ đô (Điều 21) và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội (Điều 4): Dự toán chi ngân sách của Thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương. Tuy nhiên, định mức phân bổ giai đoạn 2017-2020 áp dụng cho thành phố Hà Nội có cao hơn các địa phương khác nhưng cũng chỉ tương đương với Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn của cả nước với tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt, khi xác định kinh phí cho các lĩnh vực chi theo định mức phân bổ chi NSNN giai đoạn 2017- 2020 cho địa phương tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, một số lĩnh vực chỉ đáp ứng một phần nhu cầu kinh phí thực hiện hàng năm của Thành phố, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (sự nghiệp kinh tế 73%; thể dục thể thao 35%; đảm bảo xã hội 43%; văn hóa thông tin 56%; quản lý hành chính 58%;...). Trong khi, cùng với sự phát triển chung, Thủ đô Hà Nội đang đối diện với nhiều vấn đề nảy sinh như tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh nhưng cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị; tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ
tầng xã hội ở khu vực nội thành;... Ngoài ra, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi diễn ra các sự kiện cấp quốc gia và khu vực hoặc được Trung ương giao tổ chức các sự kiện, nhưng không được ngân sách Trung ương bổ sung (Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên;...) nên chi ngân sách địa phương cho công tác phục vụ hoạt động, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng tăng cao hơn các địa phương khác. Do vậy, việc quy định định mức phân bổ như hiện nay chưa đảm bảo tính đặc thù cho Thành phố Hà Nội.
+ Về định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế: Định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg có quy định các đô thị đặc biệt (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) được phân bổ tăng thêm 70% theo định mức đã xác định để thực
hiện các nhiệm vụ quan trọng về giao thông đô thị. Mặc dù vậy, kinh phí được phân bổ theo định mức còn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (chi sự nghiệp kinh tế theo định mức của Trung ương chỉ bằng khoảng 73% số thực hiện của Thành phố Hà Nội), trong khi đó, nhu cầu kinh phí cho công tác duy trì hệ thống cấp nước, thoát nước, đường giao thông, chiếu sáng, vườn hoa, cây xanh của Hà Nội rất lớn, đặc biệt những năm qua, Bộ Giao thông Vận tải bàn giao về Thành phố một số tuyến đường, nhưng không bố trí kinh phí sự nghiệp để duy trì, chống xuống cấp; không có các nội dung về trợ giá
vận tải hành khách công cộng (thành phố Hà Nội chi trợ giá cho vận tải hành khách công cộng khoảng 2.500 tỷ đồng/năm;...), là các vấn đề cần thiết và quan trọng của các đô thị đặc biệt (Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và giảm tải ùn tắc giao thông.
+ Về cơ sở xác định dân số làm tiêu chí phân bổ: Định mức phân bổ ngân sách cho các địa phương được xác định trên cơ sở tiêu chí dân số do Tổng cục Thống kê cung cấp. Tuy nhiên, đối với các đô thị đặc biệt có những yếu tố đặc thù như số lượng người lao động từ các vùng lân cận đến làm việc, tạm cư rất lớn (Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), việc chỉ căn cứ theo số liệu thống kê dân số do Tổng cục Thống kê cung cấp trong từng thời kỳ chưa phản ánh được đầy đủ thực trạng về dân số của các thành phố lớn, kèm theo đó là các yêu cầu về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự.
Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg cũng nêu rõ định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được Nhà nước ban hành, có hiệu lực đến thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết (chưa bao gồm kinh phí phát sinh tăng thêm để thực hiện các chính sách theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 và kinh phí thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa). Từ năm ngân sách 2022, việc ban hành và thực hiện chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước. NSTW sẽ hỗ trợ đối với các địa phương sau khi đã sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định mà chưa cân đối đủ nguồn lực để thực hiện. Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, thì địa phương phải chủ động sử dụng dự toán ngân sách địa phương, bao gồm cả dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định, để khắc phục; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho ngân sách địa phương.
Liên quan đến tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, Quyết định này quy định: Các địa phương này được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số. Cụ thể: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 80%; các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70%; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ thêm 40%.
Hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách cần đảm bảo nguyên tắc:
- Đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô.
- Đảm bảo phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; đảm bảo kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong giai đoạn 2021-2026 của cả nước và từng địa phương.
- Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành đến thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống định mức phân bổ.
- Đảm bảo thúc đẩy thực hiện tiết kiệm, cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn NSNN.
- Tiêu chí làm căn cứ xây dựng định mức phải đảm bảo rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định và dễ kiểm tra trong quá trình thực hiện.
- Để đảm bảo các hoạt động thường xuyên của Thành phố và các chính sách Thành phố đã ban hành hiện nay, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung nguyên tắc đảm bảo không thấp hơn mặt bằng chi năm trước và có mức tăng hợp lý như đã quy định trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước các giai đoạn trước.
Một số kiến nghị sửa đổi định mức phân bổ thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2026
- Về tiêu chí phân bổ cho Thủ đô Hà Nội: Đề nghị xem xét có quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô trong định mức phân bổ giai đoạn 2023 - 2026 theo quy định của Luật Thủ đô, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
- Về định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế: Đề nghị tiếp tục xem xét duy trì quy định về tiêu chí phân bổ tăng thêm theo định mức đã xác định để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về giao thông đô thị và có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế và đặc thù của chính quyền đô thị như Thành phố Hà Nội.
- Về cơ sở xác định dân số làm tiêu chí phân bổ: Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về định mức phân bổ theo dân số thực tế có mặt trên địa bàn, áp dụng cho các đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The allocation norm applying for the recurrent expenditures of the State budget in Hanoi
Master. Dang Thu Trang
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
The allocation norm applying for the recurrent expenditures of the State budget is to realize the objectives and tasks of the socio-economic development plan, ensure the national defense and security, and to prioritize the state budget for important fields and areas of ethnic minority-inhabited, mountainous and border areas as well as islands with special difficulties. The allocation norm is also the basis for evaluating the effectiveness of administrative reform and public spending. This paper assesses the current application of the allocation norm for the recurrent expenditures of the State budget. The paper also makes some recommendations for the use of allocation norm in the coming time.
Keywords: allocation norms, recurrent expenditures, state budget.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết