Giải pháp phát triển ngành Ngân hàng năm 2023


(CHG) Bài viết phân tích về các vấn đề của ngành Ngân hàng, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển trong năm 2023 và những năm tới.
TÓM TẮT:
Bài viết phân tích về các vấn đề của ngành Ngân hàng, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển trong năm 2023 và những năm tới.
Từ khóa: ngành Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận, huy động vốn, nợ xấu.

1. Đặt vấn đề
Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, thiệp vào thị trường ngoại hối diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển, nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao; thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn khi vừa giữ mặt bằng lãi suất, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Những biến động đến từ mặt bằng lãi suất cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng... có thể sẽ níu đà tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2023 khiến lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu phình to, chất lượng tài sản bị phân hóa rõ rệt.
2. Những vấn đề của ngành Ngân hàng năm 2022 và đầu năm 2023
Thứ nhất về lợi nhuận
Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của các ngân hàng đạt 196.450 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm trước. Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VietinBank, VPBank, ACB, VIB, HDBank và SHB. Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với mặt bằng chung như, Eximbank (200%), BIDV (70%), LienVietPostBank (56%), SeABank (55%), VPBank (48%), ACB (43%). (Hình 1)

BIDV công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 6.920 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. ACB lãi gần 5.157 tỷ đồng, tăng 25%; VIB lãi gần 2.700 tỷ đồng, tăng 18%; OCB lãi 983 tỷ đồng, tăng 18%; Vietcombank lãi hơn 11.221 tỷ đồng, tăng 13%; SHB lãi 3.620 tỷ đồng, tăng 12%; MBBank lãi hơn 6.512 tỷ đồng, tăng 10%; Bắc Á lãi 335 tỷ đồng, tăng 36%; KienlongBank lãi hơn 202 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số hết sức ấn tượng sau năm 2020 và 2021 đầy ảm đạm bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đến qúy 1/2023, đã có những ngân hàng chứng kiến lợi nhuận suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng nhẹ như lợi nhuận trước thuế của SeABank giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 1.070 tỷ đồng; Techcombank lãi 5.623 tỷ đồng, giảm 17%; LienVietPostBank lãi 1.565 tỉ đồng, giảm 13%. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank là hơn 5.980 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước; MSB lãi 1.526 tỷ đồng, tăng 2%.
Thứ hai là mức độ tăng trưởng tín dụng
Một trong những vấn đề lớn các ngân hàng phải đối diện ở năm 2022 đó là sự phát triển nóng của tín dụng. Tính đến ngày 30/11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2%, cao hơn mức 11,5% cùng kỳ năm 2021. Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, như: Vietcombank (19%), MB (hơn 25%), VPBank (hơn 28%) và HDBank (25,6%). Đây cũng là 4 ngân hàng nhận thêm "nhiệm vụ chính trị" cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Bên cạnh đó, lý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều tiết thận trọng tăng trưởng tín dụng năm 2022, vì: (i) Hạn mức tăng trưởng tín dụng là giải pháp kiểm soát cung tiền, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, (ii) Lo ngại rủi ro thanh khoản hệ thống, ảnh hưởng mục tiêu ổn định lãi suất và an toàn hệ thống. 
Thứ ba là tình hình huy động vốn
Huy động vốn năm 2022 của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng chậm lại so với năm 2020-2021, do dòng tiền đổ vào sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng và trang trải chi phí đầu vào tăng. Theo Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 11/2022, huy động vốn của các TCTD ước tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6%); theo đó, cung tiền M2 chỉ tăng khoảng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chính của việc huy động vốn của các TCTD tăng thấp bao gồm: (i) Lạm phát, giá cả và chi phí tăng, DN cần nhiều vốn hơn để trang trải chi phí tăng thêm; lãi suất và tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của DN; (ii) Vốn tín dụng ngân hàng kiểm soát mức tăng 15,5% trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn hơn, buộc DN dùng vốn tự có nhiều hơn; (iii) Giải ngân đầu tư công chậm, khiến vòng quay tiền chậm, nợ lẫn nhau giữa các DN tăng; (iv) Thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán trầm lắng và đang trong giai đoạn lành mạnh hóa, cũng kéo theo một phần vốn trên hai thị trường này bị tồn đọng; (v) dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chỉ tăng nhẹ trong điều kiện lãi suất USD tăng và thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm, môi trường đầu tư rủi ro răng. 
Thứ tư là nợ xấu
Nợ xấu tăng trở lại là một trong những lo ngại lớn nhất trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang suy yếu, doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền với số lượng công ty rút lui khỏi thị trường ngày càng gia tăng. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng như những năm trước đây đồng thời tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Nguồn thu nhập ngoài lãi không chỉ bị ảnh hưởng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt trở lại, mà nguồn thu phí từ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng bị ảnh hưởng sau hàng loạt tai tiếng gần đây của SCB.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành Ngân hàng ở mức 1,92%. Nhưng theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng niêm yết trên TTCK, nợ xấu có chiều hướng tăng. Dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của LienVietPostBank tăng từ mức 1,37% lên 1,46%. Còn với TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,84%. Thậm chí, có ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% khi kết thúc năm 2022... NCB là ngân hàng tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) trên tổng dư nợ cao. VP Bank là một trong những ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần tỷ USD năm qua, song vẫn khó tránh nợ xấu hợp nhất (gồm công ty con trực thuộc Fe Credit) duy trì ở mức cao 4,73% tại cuối năm 2022. Một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ năm 2022 ở mức 3% nữa là VietBank với tỷ lệ 3,65%. Dù nhờ tổng dư nợ tăng cao nên tỷ lệ năm 2022 đi ngang so với năm 2021, nhưng xét về số dư thì cũng đã tăng 26%.
3. Một số giải pháp phát triển ngành Ngân hàng năm 2023 và những năm tới
Một là tăng cường năng lực quản trị rủi ro và vốn toàn diện. Các ngân hàng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện khung quản trị rủi ro công nghệ, khung quản trị rủi ro mô hình, khung quản trị dữ liệu và tích hợp hiệu quả các năng lực này trong công tác quản lý rủi ro toàn hàng. Ngoài ra, việc đảm bảo kế hoạch vốn và bộ đệm an toàn vốn phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có những rủi ro tiềm ẩn từ thị trường tài chính, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng là một khía cạnh trọng tâm trong chiến lược của các ngân hàng, không chỉ cho mục đích tuân thủ mà còn cho mục đích quản trị nội bộ, tăng cường khả năng ứng phó với các điều kiện bất lợi của thị trường.
Hai là tiếp tục xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số vẫn là yếu tố trọng tâm và điều kiện bắt buộc trong chiến lược định vị thương hiệu hướng tới khách hàng và cải thiện năng lực cạnh tranh của bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, các ngân hàng cần xác định chuyển đổi số là chiến lược dài hạn và cần nguồn lực đầu tư lớn, vì vậy, cần sự chuẩn bị kỹ càng và thiết lập các yếu tố nền tảng như kiến trúc kỹ thuật, dữ liệu, chuyển đổi quy trình vận hành, chuyển đổi nguồn nhân lực để đảm bảo thành công và hiệu quả.
Ba là tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia để hấp thụ tốt các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0); Có chương trình đào tạo đội ngũ quản lý hay chuyên gia để đáp ứng trào lưu Fintech hiện nay. Nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của TCTD; Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro... đang đặt ra yêu cầu về đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngân hàng.
Bốn là đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động Fintech. Sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, chịu giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm và có cơ chế phòng ngừa hạn chế rủi ro phát sinh các quy định này được kỳ vọng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như đảm bảo các vấn đề an ninh mạng, quyền riêng tư dữ liệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
KPMG (2022). Báo cáo khu vực ngân hàng Việt Nam - Vietnamese banking survey. Truy cập tại KPMG. vn.
Ngân hàng Nhà nước (2022), Báo cáo thường niên các năm 2021, 2022.
Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 986/TTg ngày 8/8/2018 về Chiến lược phát triển Ngành Ngân hàng đến 2025 và định hướng đến năm 2030.
FiinGroup (2022), Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023.
Solutions for the development of Vietnam’s banking industry in 2023
Master. Tran Thi Hoa
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics and Technology for Industries
Abstract:
This paper analyzes the current problems facing Vietnam’s banking industry and proposes some solutions for the banking industry’s development in 2023 as well as in the coming years.
Keywords: banking industry, credit growth, profit, capital mobilization, bad debt.
 

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3