Giải pháp thúc đẩy thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg


TÓM TẮT:

Quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra chậm trễ, khiến kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 không đạt kế hoạch đề ra. Bài viết nêu ra những nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trong quá trình thoái vốn, từ đó đưa ra giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khóa: thoái vốn, doanh nghiệp nhà nước, Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022.

1. Thực trạng thoái vốn chậm tại các doanh nghiệp nhà nước

Việc thoái vốn của các DNNN là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, tháng 10/2021, Bộ Tài chính đã có yêu cầu SCIC tập trung thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP) và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI).

Tháng 10/2021, khi thông tin Bộ Tài chính yêu cầu tập trung thoái vốn tại 3 doanh nghiệp nay, giá của cả 3 cổ phiếu trên đều tăng. Trong đó, giá cổ phiếu NTP tăng từ vùng 50.000 đồng lên 61.900 đồng chốt phiên giao dịch 26/10, giá cổ phiếu BVH cũng tăng từ 61.400 đồng lên 64.400 đồng, BMI cũng tăng giá từ 41.500 đồng lên 46.000 đồng/cổ phiếu. Theo ước tính, nếu bán hết số vốn trên bằng thị giá cổ phiếu phiên giao dịch nêu trên, SCIC sẽ thu về trên 1.500 tỷ đồng bán vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, hơn 2.000 tỷ đồng tại Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong và khoảng 2.700 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh.

Như vậy, tổng số tiền thu về khoảng trên 6.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể tín hiệu tích cực từ thị trường tích cực có thể giúp tổng giá trị thoái vốn tăng thêm. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động thoái vốn 3 doanh nghiệp kể trên sẽ được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Theo kỳ vọng, việc thoái vốn sẽ xong trước để nộp vốn về ngân sách nhà nước trước ngày 20/12/2021.

Đồng thời, thông báo này ngầm bật tín hiệu nới room ngoại lên đến 100%. Trong trường hợp cụ thể, hiện cơ cấu cổ đông của BMI hiện nay gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây là thương vụ đầu tiên 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nhà đầu tư ngoại mua vào sẽ tạo ra lợi ích cho cả 4 bên. Thứ nhất, ngân sách nhà nước thu được nguồn tiền lớn với cơ chế minh bạch, thanh khoản nhanh; Thứ hai, doanh nghiệp được mua lại sẽ có cơ hội tái cấu trúc với sự quản trị của nguồn lực và chất xám ngoại, giúp thúc đẩy cơ hội phát triển cho doanh nghiệp đó; Thứ ba, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mới mẻ, tiềm năng, sở hữu một doanh nghiệp có uy tín và thực lực; Thứ tư, thương vụ này sẽ tạo ra làn sóng tích cực cho thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội để tham gia vào một thị trường sôi động và minh bạch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực tế công tác cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục diễn ra chậm. Bộ Tài chính chỉ bổ sung duy nhất 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Đối với công tác thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng. Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị phải thoái.

Cùng với đó, căn cứ theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng không đạt ở 2 nội dung. Đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần nhà nước sở hữu trên 50% vốn; đồng thời, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

2. Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước

Một là, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp (DN), đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Hai là, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt có một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, dẫn đến thua lỗ, thất thoát vốn tại một số dự án.

Ba là, một số DNNN chậm sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Bốn là, việc chậm cổ phấn hóa cũng còn do những DN phải CPH đều là những DN lớn, nhiều tài sản, như: Agribank, TKV,… nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Năm là, lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu; Tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Tổ chức bộ máy trong DNNN còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Sáu là, tỷ lệ vốn nhà nước trong triển khai phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH. Bên cạnh đó, một số DN sau khi chuyển sang công ty cổ phần, do tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn còn cao nên việc thay đổi quản trị DN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

3. Giải pháp thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1479/QĐ-TTG

Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025). Đồng thời thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp. 21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025. Để thực hiện kế hoạch trên cần có nhóm giải pháp cụ thể:

Một là, nhóm giải pháp đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với việc kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN (nếu có), đơn vị tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn.

Hai là, nhóm giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015; Tập trung nghiên cứu xây dựng các Đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN (gồm cả công ty nông lâm nghiệp). Trong đó tập trung ban hành: tiêu chí phân loại DNNN cho phù hợp với giai đoạn tới (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước); hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ban hành Điều lệ và Quy chế tài chính phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành như cơ chế bán toàn bộ doanh nghiệp, bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, sáp nhập, hợp nhất, chia tách DNNN.

Bên cạnh đó, không ngừng quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; Đẩy mạnh rà soát bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước.

Đồng thời tăng cường công tác tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN; Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.

Triển khai công tác đánh giá giám sát DNNN theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ sở hữu nhà nước, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN. Hình thành cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính để tăng cường công tác giám sát các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (2016), Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước năm 2016 và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

2. Đặng Quyết Tiến (2016), Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Tạp chí Tài chính. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-day-manh-tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-giai-doan-2016-2020.html

3. Phạm Thị Vân Anh (2018), Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính kỳ 2, tháng 8/2018.

4. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

5. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.

 Solutions to facilitate the process of divesting capital from state-owned enterprises under Decision No. 1479/QD-TTg dated November 29, 2022

Master. Hoang Thi Hai Yen

International Training Institute, Thuongmai University

Abstract:

The process of divesting capital from state-owned enterprises (SOEs) for the period of 2016 - 2020 was delayed and it make the divestment process for the period of 2016 - 2020 to fall short of the set plan. This paper outlines the causes of the delay in the divestment process. Based on the paper’s analysis, some solutions are proposed to better conduct the plan of rearranging SOEs in the period of 2022 - 2025 according to Decision No. 1479/QD-TTg dated November 29, 2022.

Keywords: divestment, state-owned enterprises, Decision No. 1479/QD-TTg dated November 29, 2022.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP

Đề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

Xem chi tiết
Cần biết quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng...

(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.

Xem chi tiết
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.

Xem chi tiết
Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam

Đề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3