Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang


(CHG) Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề việc làm luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Giải quyết việc làm là vấn đề cấp thiết của nhiều địa phương, nhất là những địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đang chuyển đổi cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn như huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang 

 

TÓM TẮT:

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề việc làm luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Giải quyết việc làm là vấn đề cấp thiết của nhiều địa phương, nhất là những địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đang chuyển đổi cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn như huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Từ khóa: giải quyết việc làm, nông dân, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Giải quyết việc làm  là một dạng hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH), là sự kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất (TLSX) và cả những yếu tố xã hội. Muốn sự kết hợp đó diễn ra và không ngừng phát triển, phải tạo ra được sự phù hợp cả về số lượng, chất lượng, sức lao động với tư liệu sản xuất, trong một môi trường KT-XH thuận lợi, đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra một cách bình thường.

Giải quyết việc làm là việc tạo ra các cơ hội để người lao động có việc làm và tăng được thu nhập, phù hợp với lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Giải quyết việc làm  là nhằm khai thác triệt để tiềm năng của một con người, nhằm đạt được việc làm hợp lý và có hiệu quả. Chính vì vậy, giải quyết việc làm  phù hợp có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động ở chỗ tạo cơ hội cho họ thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình. Trong đó có quyền cơ bản nhất là quyền được làm việc nhằm nuôi sống bản thân và gia đình góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Tịnh Biên là huyện miền núi có dân số trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, đây là nguồn nhân lực hết sức quý giá trong sự nghiệp CNH-HĐH, tuy nhiên lao động chủ yếu chưa qua đào tạo nghề. Cùng với quá trình CNH-HĐH là tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhất là các địa bàn nông thôn đã làm nảy sinh tình trạng đất nông nghiệp có xu hướng giảm do có sự chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất quy hoạch các cụm công nghiệp. Đi đôi với vấn đề này là sự tăng nhanh dân số khu vực nông thôn, hằng năm số lao động bổ sung không ngừng tăng lên. Điều này khiến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng trở nên khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, huyện Tịnh Biên đang triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng thôn mới và nông thôn mới nâng cao các giai đoạn tiếp theo.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm việc làm, giải quyết việc làm

Theo Điều 13, Chương II của Bộ luật Lao động, khái niệm việc làm được xác định là: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”. Như vậy, chỉ những lao động tạo ra nguồn thu nhập chính đáng, làm lợi cho cá nhân và xã hội, được pháp luật bảo hộ mới được công nhận là việc làm.

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân thường bỏ công sức để trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi… phục vụ cho nhu cầu của họ. Những dạng lao động kiểu này thường không được định giá và người lao động không được nhận tiền lương hay thu nhập, nhưng những sản phẩm bằng hiện vật mà người lao động thu được cũng là một phần thu nhập của họ.

Giải quyết việc làm là tổng thể các biện pháp, chính sách KT-XH từ vi mô đến vĩ mô tác động đến người lao động có thể có việc làm. Tham gia vào quá trình giải quyết việc làm  có nhiều thành phần: Nhà nước, các doanh nghiệp, các đoàn thể và cá nhân từng người lao động trong toàn xã hội. Hơn nữa, giải quyết việc làm  là một chính sách xã hội cơ bản, và bằng nhiều giải pháp để tạo ra việc làm mới, tăng quỹ thời gian lao động được sử dụng trong nông nghiệp, nông thôn; vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

2.2. Tác động của công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến việc làm cho nông dân

CNH-HĐH là đưa những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu dùng phát triển, nâng cao đời sống xã hội. Nhưng bên cạnh những tác động tích cực cũng có nhiều mặt tiêu cực nảy sinh như: vấn đề ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và đặc biệt là vấn đề việc làm. Khi lao động máy móc thay thế lao động thủ công thì một lượng lớn lao động sẽ mất việc làm hoặc không đáp ứng được với yêu cầu của công việc mới, làm gia tăng tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động. Điều này đặt từng địa phương, từng quốc gia rơi vào tình trạng tưởng chừng như mâu thuẫn khi phải đưa CNH-HĐH vào để phát triển KT-XH, đồng thời lại phải khắc phục những mặt trái của CNH-HĐH trong quá trình phát triển KT-XH.

Tác động của CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đến tình trạng việc làm tại các vùng nông thôn như sau:

Thứ nhất, tác động tới sự dịch chuyển dân cư và lao động: Theo các chuyên gia kinh tế thì cứ 1 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang mục đích khác sẽ làm cho 2 đến 3 ha đất nông nghiệp xung quanh mất chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình thu hẹp diện tích đất nông nghiệp sẽ tăng nhanh chóng cùng với tốc độ CNH-HĐH; đồng thời là cơ cấu dân cư có xu hướng chuyển từ đại bộ phận sống ở nông thôn sang sống ở thành thị ngày một đông hơn.

Thứ hai, tác động đến cơ cấu việc làm: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu sẽ làm chuyển dịch cơ cấu việc làm theo hướng cơ cấu việc làm ở khu vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng và việc làm ở khu vực nông nghiệp ngày càng giảm. Mặt khác, quá trình CNH-HĐH còn làm cho nội bộ các ngành, các lĩnh vực kinh tế cũng có sự biến đổi về cơ cấu, về quy mô, trình độ công nghệ với chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Thứ ba, CNH-HĐH làm giảm nguồn nhân lực nông thôn cả về số lượng tuyệt đối lẫn số lượng tương đối. KT-XH phát triển, đời sống người dân được cải thiện hơn, từ đó tăng cơ hội tiếp xúc với hệ thống giáo dục, người dân có trình độ văn hóa, trình độ nhận thức hơn. Chính điều này làm cho tốc độ tăng dân số ở nông thôn có xu hướng giảm xuống, kéo theo nguồn nhân lực nông thôn cùng giảm. Bên cạnh đó do quá trình CNH-HĐH mà khu công nghiệp và khu chế xuất hình thành nhiều hơn dẫn đến dân số nông thôn cũng giảm xuống, nhiều lao động mất đất chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Thứ tư, CNH-HĐH làm gia tăng tính cơ động và chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Do lao động có tính thời vụ nên trong những tháng nông nhàn thường có một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển ra các thành phố để kiếm thêm việc làm, đến thời vụ họ lại trở về với việc nhà nông. Sự di chuyển diễn ra thường xuyên làm cho lao động càng trở nên năng động. Chính điều này đòi hỏi các chính sách nguồn nhân lực nông thôn phải giúp cho người lao động vừa giỏi nghề nông đồng thời cũng biết thêm một vài nghề phụ khác để có thêm việc làm tạo thu nhập. Đi liền với việc áp dụng tiến bộ KH-KT và tăng đầu tư trong sản xuất, người lao động nông thôn cũng phải nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật.

3. Thực trạng giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

3.1. Thực trạng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Thứ nhất, CNH-HĐH làm cho diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, dẫn đến việc làm giảm, thậm chí mất việc làm của một bộ phận nông dân.

Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị, làm xuất hiện một bộ phận không nhỏ những người nông dân bị mất việc làm do diện tích đất canh tác bị giảm. Bởi vì, đại đa số người nông dân có trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, không có vốn để tự tổ chức việc làm. Hơn nữa, do cách nghĩ, cách làm, lối sống của họ còn mang nặng sắc thái văn hóa nông thôn, làng, xã truyền thống nên rất hạn chế trong khả năng thiết lập các mối liên hệ để giải quyết việc làm, khả năng tiếp cận các dịch vụ việc làm, khả năng hội nhập với cuộc sống đô thị... từ đó đã cản trở nông dân tìm kiếm việc làm mới.

Thứ hai, CNH-HĐH làm gia tăng sức ép tìm kiếm, chuyển đổi việc làm và phân bố lại lực lượng lao động xã hội.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa ở nông thôn sẽ diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, sự chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong khi giá trị nông nghiệp trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm xuống, nhưng thực tế lao động nông nghiệp vẫn còn ở mức cao. Ngoài ra, một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất canh tác ngày càng thu hẹp, một bộ phận chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp giản đơn, số còn lại sẽ bị thất nghiệp khi thời vụ nông nhàn do không tìm được việc làm. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động, làm cho đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn hơn.

Thứ ba, CNH-HĐH làm nảy sinh rất nhiều những vấn đề xã hội phức tạp cần được giải quyết.

Số dân cư sống ở thành thị tăng đột biến với mật độ dân cư dày đặc gây mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, đồng thời đặt ra những vấn đề nan giải về giải quyết công ăn việc làm, thất nghiệp tại chỗ, nhà ở và tệnạn xã hội... làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp. Tình trạng thất học, thất nghiệp và phân hoá giàu nghèo; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở huyện; vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước…

3.2. Thực trạng giải quyết cho nông dân trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở huyện Tịnh Biên

Trong những năm qua, vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình CNH-HĐH đã thu được những kết quả khả quan, cụ thể trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, huyện đã làm tốt công tác giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển KT-XH, trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển ổn định và theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ. Cơ cấu ngành nghề nông thôn cũng đang có sự thay đổi theo hướng tích cực: Giảm tỷ trọng nhóm hộ sản xuất nông - thủy sản, tăng nhóm hộ sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong cơ cấu kinh tế toàn huyện cũng có chuyển biến tích cực. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện đã tăng cường đầu tư, áp dụng KH-KT vào nông nghiệp, lai tạo giống mới, thâm canh, tăng vụ, mùa vụ hợp lý‎, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với lợi thế từng địa phương.

Thứ hai, giải quyết việc làm cho nông dân thông qua phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã có bước phát triển rõ nét, tạo việc làm cho nông dân. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH, huyện đã chủ trương phát triển công nghiệp với nhiều quy mô, trình độ khác nhau, phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Hình thành các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Thứ ba, giải quyết việc làm cho nông dân thông qua phát triển các loại hình dịch vụ

Thương mại, dịch vụ của huyện được mở rộng và tốc độ tăng trưởng khá. Tỷ lệ đóng góp của ngành vào tăng trưởng GDP của huyện ngày càng cao, chẳng hạn “tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu khu vực cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đạt 10.238 tỷ 120 triệu đồng (năm 2019) đạt 102,1% kế hoạch. UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án phát triển thương mại dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, triển khai thực hiện liên hiệp HTX trong hệ thống toàn tỉnh An Giang nói chung và huyện Tịnh Biên nói riêng nhằm thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm tạo ra hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu (sản phẩm đạt OCOP) cho từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ tư, giải quyết việc làm cho nông dân trên địa bàn huyện thông qua chương trình quốc gia về giải quyết việc làm

Huyện đã tổ chức 45 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm và truyền tải kịp thời các thông tin về lao động, việc làm cho người lao động. Phát hành 560 thông báo về tuyển dụng lao động, tư vấn việc làm cho 10.260 lao động trong và ngoài địa bàn huyện, tiếp nhận và chuyển 1.987 hồ sơ xin việc (trong đó có 1.522 lao động thuộc huyện Tịnh biên) đến các doanh nghiệp, công ty trong nước, đã có trên 1.678 người lao động có việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm được 156 dự án với 1.972 hộ, tổng số tiền cho vay là 44 tỷ 70 triệu đồng thu hút 2.213 lao động .

3.3. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng giải quyết việc làm cho nông dân ở huyện Tịnh Biên

Thứ nhất, chính sách trong việc giải quyết việc làm  cho người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa còn những hạn chế, bất cập, nhất là chính sách trong việc thu hồi đất ở, cũng như đất nông nghiệp của nông dân, đặt ra vấn đề giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất như thế nào, hiệu qủa ra sao, không chỉ phụ thuộc vào bản thân người lao động mà còn phụ thuộc vào các cấp chính quyền. Đây không chỉ là vấn đề dân sinh mà còn là vấn đề dân quyền, dân chủ.

Thứ hai, công tác đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả chưa cao: Hiện tại, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung đào tạo chỉ tập trung vào một số ngành nghề có tính phổ thông, truyền thống, chưa chuyên sâu, chưa đáp ứng được sự đa dạng về ngành, nghề hiện nay trên địa bàn huyện. Phương thức đào tạo nặng về lý thuyết, ít thực hành nên chất lượng lao động qua đào tạo chưa cao. Đào tạo chưa gắn kết với doanh nghiệp, chưa gắn đào tạo với nhu cầu thị trường sức lao động.

Thứ ba, tính chủ động của người nông dân trong chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm chưa cao, tâm lý muốn làm việc nhẹ, gần nhà... làm cho họ không chấp nhận làm lao động phổ thông, nặng nhọc tại các doanh nghiệp; cũng như không chấp nhận tham gia vào xuất khẩu lao động.

Thứi tư, sự phối hợp của Chính quyền các cấp với các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho người nông dân trên địa bàn còn thiếu đồng bộ, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa kết hợp một cách chặt chẽ và trách nhiệm trong thu hút lao động tại địa phương khi thu hồi đất vào sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện.

4. Một số giải pháp chủ yếu giải quyết việc làm cho nông dân huyện Tịnh Biên trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa thời gian tới

Trong những năm công tác giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình CNH-HĐH của huyện Tịnh Biên đã có những bước phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, để đảm bảo công tác giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình CNH-HĐH đạt hiệu quả hơn, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, đa dạng hóa loại hình, quy mô, cấp độ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong quá trình CNH-HĐH.

Hai là, đẩy mạnh phân công lại lao động của nông dân, nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề mới, tạo nhiều việc làm cho nông dân trên địa bàn huyện; cùng với đó cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong giải quyết việc làm cho người dân. Từng bước hình thành những HTX kiểu mới và dịch vụ hỗ trợ hộ kinh tế gia đình nông dân chuyển dần lên các chủ trang trại, doanh nhân nông nghiệp. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, gắn kết qui hoạch sản xuất nông nghiệp với qui hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn.

Ba là, giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình CNH-HĐH thông qua lồng ghép chương trình xúc tiến việc làm với các chính sách xã hội khác. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng cấp trên, đồng thời chủ động khai thác những nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, lãi suất thấp tại các địa phương, các chương trình dự án tài trợ trong nước, quốc tế, nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm để người lao động hoàn trả vốn và lãi suất theo cam kết.

Bốn là, nâng cao chất lượng quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH-HĐH. Công tác quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải gắn chặt với kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động ở những nơi tiến hành thu hồi đất phục vụ cho quá trình CNH-HĐH. Giá cả đền bù đất được hỗ trợ phải được hình thành trên nguyên tắc thỏa thuận giữa Nhà nước với người dân, giữa các doanh nghiệp với người dân, để tạo cho họ có một nguồn vốn tương xứng với tài sản mà họ đã mất đi và một nguồn lực cho sự phát triển bền vững của họ.

Năm là, tập trung khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, xây dựng các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung. Cần nhanh chóng có kế hoạch bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tồn tại trong sản phẩm, bí quyết làm nghề, đồng thời phải chú trọng đến việc thiết kế nên những sản phẩm mới phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện đại, dựa trên các nét văn hóa, chất liệu hoặc công nghệ sản xuất truyền thống nhằm nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

5. Kết luận

Giải quyết việc làm luôn là vấn đề quan trọng trong hệ thống chính sách, đường lối phát triển KT-XH của các quốc gia, dân tộc, của từng địa phương. Giải quyết tốt việc làm sẽ góp phần đảm bảo cho người lao động có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bảo đảm thực hiện tốt các chính sách xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội, ổn định và phát triển.

Bên cạnh những thành tựu thì quá trình giải quyết việc làm cho nông dân ở huyện Tịnh Biên vẫn còn tồn tại, nhiều vấn đề cần giải quyết: Việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Việc tổ chức thực hiện các chương quốc gia giải quyết việc làm hiệu quả chưa cao; Chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế tại huyện, Một bộ phận chưa có công ăn việc làm, thất nghiệp, dẫn đến mắc các tệ nạn xã hội, trộm cắp… gây mất trật tự an ninh xã hội; thu nhập của người dân vẫn thấp dẫn đến mức sống chưa được nâng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2006). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

  2. Chính phủ (2009). Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Hà Nội.

  3. Đảng bộ huyện Tịnh Biên (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tịnh Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

  4. Huyện Tịnh Biên (2014). Báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình 1956 huyện Tịnh Biên năm 2015.

  5. Huyện ủy Tịnh Biên (2008). Chương trình số 03/Ctr-HU thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW, Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

  6. Niên giám thống kê huyện Tịnh Biên từ năm 2019, 2020, 2021.

RESOLVING THE EMPLOYEMENT ISSUE FACING FARMERS IN THE PROCESS OF INDUSTRIALIZATION AND MODERNIZATION  IN THE AGRICULTURE SECTOR OF TINH BIEN DISTRICT, AN GIANG PROVINCE

• Ph.D NGUYEN PHAN THU HANG1

• TRAN PHUOC HIEU2

1Saigon University

2Master’s student, Ho Chi Minh City University of Technology and Education

ABSTRACT:

To achieve the sustainable development goal, the issue of employment is always one of the top concerns. Solving the employment issue is also a top socio-economic concern of many localities, especially those that are mainly based on agricultural production and are undergoing structural transformation towards industrialization – modernization like Tinh Bien district, An Giang province. This paper clearly analyzes the actual implementation of the process of industrialization and modernization in the agriculture sector of Tinh Bien district, An Giang province. The paper also proposes solutions to improve the quality of life of farmers in Tinh Bien district.

Keywords: employment solution, farmer, agriculture, rural area, industrialization and modernization, Tinh Bien district, An Giang province.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3