Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải


Tóm tắt:

Nghiên cứu tiến hành đánh giá thực trạng việc làm và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế trong năm đầu tiên khá cao (84,58%), chủ yếu làm việc trong khu vực tư nhân (80,2%) và tỷ lệ làm việc không đúng ngành đào tạo có xu hướng tăng. Các kỹ năng cần thiết để tăng khả năng có việc làm đúng ngành đào tạo là hiểu biết về kinh tế, xã hội, ngoại ngữ; kỹ năng tìm kiếm và đúc kết thông tin; kỹ năng làm việc hybrid; kỹ năng ra quyết định; khả năng chịu áp lực công việc,…

Từ khóa: việc làm, kỹ năng, ngành Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải.

1. Đặt vấn đề

Ngành Kinh tế của Trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) với bề dày trên 20 năm đào tạo đã có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp. Đây có thể nói là nguồn nhân lực rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp đều đã tìm được việc làm mà vẫn còn một lượng sinh viên vẫn đang tìm kiếm việc làm, hay làm không đúng ngành nghề mà mình đã học. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động bị thu hẹp và có nhiều sự thay đổi trong yêu cầu của nhà tuyển dụng như kỹ năng làm việc online, kỹ năng hybrid work, kỹ năng marketing online,... Do vậy, để có thể góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tìm được việc làm thì bản thân mỗi người tìm việc cần xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả tìm việc, từ đó có bước chuẩn bị và đầu tư đúng mức cho mục tiêu tìm việc. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần nhận diện được những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc để có những biện pháp phù hợp giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp tăng khả năng tìm được việc làm.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Việc làm

Việc làm là một phạm trù tổng hợp liên kết các quá trình kinh tế - xã hội, nhân khẩu và là một trong những vấn đề chủ yếu nhất của đời sống xã hội. Đối với người lao động, có việc làm sẽ tạo cơ hội để họ có thu nhập, đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình, đồng thời đóng góp cho xã hội. Đối với mỗi quốc gia, giải quyết tốt vấn đề việc làm sẽ tạo điều kiện và cơ sở để triển khai các chính sách xã hội khác như phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững. Về mặt kinh tế, việc làm luôn gắn liền với vấn đề sản xuất. Hiệu quả của việc giải quyết vấn đề việc làm cũng chính là hiệu quả của sản xuất. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề việc làm và ngược lại, nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm và thất nghiệp thì đó sẽ là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế. Về mặt xã hội, giải quyết việc làm có mục tiêu chống thất nghiệp và khắc phục tình trạng thiếu việc làm, bảo đảm thu nhập (Nguyễn Quyết, 2017).

2.2. Nhân tố ảnh hưởng tới khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

Wise (1975) nhấn mạnh kết quả học tập của sinh viên có ảnh hưởng tích cực tới thu nhập của sinh viên, là một lợi thế khi tuyển dụng. Đa số nhà tuyển dụng sử dụng điểm trung bình như là một tiêu chí để đánh giá ứng viên khi phỏng vấn. Kantane & cộng sự (2015) đã chỉ ra kỹ năng chuyên môn, kiến thức, khả năng lập kế hoạch cũng là các yếu tố quan trọng trong nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhân viên. Đồng thời, Majid & cộng sự (2012) đã chỉ ra kỹ năng mềm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong thành công của sự nghiệp cũng như trong các tương tác xã hội, với 5 kỹ năng mềm quan trọng hàng đầu, đó là: Làm việc nhóm và hợp tác, Ra quyết định, Giải quyết vấn đề, Quản lý thời gian và Kỹ năng tư duy phản biện. Nhà tuyển dụng kỳ vọng không những về chuyên môn mà đòi hỏi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có những kỹ năng cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tự quản lý, giải quyết vấn đề, phân tích và kỹ năng tự nhận thức.

3. Tình hình việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải

Bảng 1. Tình hình việc làm của sinh viên ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp

Năm

Tổng số sinh viên tốt nghiệp

Tổng số sinh viên khảo sát

Tình hình việc làm

Tỷ lệ sinh viên có việc làm/sinh viên khảo sát (%)

Tỷ lệ sinh viên có việc làm/ sinh viên tốt nghiệp (%)

Có việc làm

Tiếp tục học

Chưa có việc làm

2018

52

51

49

5

2

96,08

94,23

2019

37

26

26

0

0

100,00

70,27

2020

39

38

18

20

0

47,37

46,15

2021

47

47

39

3

5

82,98

82,98

2022

65

65

60

1

4

92,31

92,31

Tổng

240

227

192

29

11

84,58

80,00

Nguồn: Báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 2018 - 2022

Tỷ lệ sinh viên ngành Kinh tế có việc làm sau khi tốt nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2022 là 84,58%. Tỷ lệ này biến động qua các năm, năm có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao nhất là năm 2019 (100%), năm có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thấp nhất là năm 2020 (47,37%). Tỷ lệ sinh viên ngành Kinh tế có việc làm sau khi tốt nghiệp thấp nhất vào năm 2020 một phần là do đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp phạm vi hoạt động và các lệnh hạn chế đi lại khiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm. Tình hình đã được cải thiện đáng kể khi dịch Covid-19 đã được khống chế vào năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng sinh viên tốt nghiệp đạt 92,31%.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có việc đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo có xu hướng giảm dần, số sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo có xu hướng tăng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo giảm từ 77,55% vào năm 2018 xuống còn 40% vào năm 2022. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo tăng từ 22,45% vào năm 2018 lên 60% vào năm 2022. Trong số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế giai đoạn 2018 - 2022 thì tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo là 16,7%, có việc làm liên quan đến ngành đào tạo là 38,5%, có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo là 44,8%. Như vậy, tỷ lệ sinh viên có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo khá cao, chiếm gần 45% số sinh viên tham gia khảo sát.

Hình 1: Tình hình việc làm của sinh viên ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp

việc làm

Nguồn: Báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 2018 - 2022

Việc gia tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế của Trường Đại học Giao thông Vận tải có việc làm không liên quan đến chuyên ngành đào tạo là do có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có việc làm không liên quan đến chuyên ngành đào tạo là vì trước đây ngành Kinh tế của Trường Đại học Giao thông Vận tải chỉ đào tạo một chuyên ngành là Kinh tế bưu chính viễn thông, tuy nhiên trong những năm gần đây chủ trương của Nhà trường là đào tạo theo ngành rộng tức là đào tạo cử nhân Kinh tế, do đó chương trình đào tạo đã được thay đổi để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc được ở nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể là do từ phía sinh viên không có đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong ngành bưu chính viễn thông, hoặc sinh viên tốt nghiệp không muốn thử việc vào lĩnh vực bưu chính viễn thông vì thu nhập thấp như trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát, do các yêu cầu cao hơn từ phía nhà tuyển dụng là các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, do chương trình đào tạo của nhà trường chưa phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Hình 2: Khu vực làm việc của sinh viên ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp

việc làm

Nguồn: Báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 2018-2022

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải làm việc trong khu vực tư nhân có xu hướng giảm nhẹ từ 89,8% năm 2018 xuống 81,67% năm 2022. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải làm việc trong khu vực nhà nước có xu hướng tăng nhẹ từ 6,12% năm 2018 lên 13,33% năm 2022. Trong cả giai đoạn 2018 - 2022, có đến 80,2% số sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải làm việc trong khu vực tư nhân, 12,5% số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong khu vực nhà nước, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế làm việc trong khu vực có yếu tố nước ngoài hay tự tạo việc rất thấp chỉ 3,6%. Như vậy có thể khẳng định phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải làm việc trong khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân đóng góp trên 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Đây là khu vực việc làm có tính chất năng động và có những yêu cầu chuyên biệt đối với người lao động về kiến thức và kỹ năng.

Để có góc nhìn khách quan về những vấn đề liên quan đến cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn nhóm tập trung với một số nhà tuyển dụng và cựu sinh viên ngành Kinh tế hiện là lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, và các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả  các nhóm nhân tố sau ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kinh tế: kết quả học tập, rèn luyện, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, khả năng làm việc, ý thức trong công việc và sức khỏe. Mỗi nhân tố có tầm ảnh hưởng khác nhau đến cơ hội việc làm của sinh viên.

Kết quả học tập, rèn luyện: Sinh viên có kết quả học tập tốt thì giúp cho nhà tuyển dụng thấy được năng lực ban đầu của ứng viên. Một số nhà tuyển dụng đánh giá cao điểm rèn luyện toàn khóa vì đây là điểm số đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cũng như thái độ tích cực của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động phong trào.

Trình độ ngoại ngữ: Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì ngoại ngữ là yêu cầu cần thiết đối với ứng viên để tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập cao. Rào cản đối với sinh viên ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải là trình độ ngoại ngữ chưa cao. Nguyên nhân là sinh viên ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải có điểm đầu vào thấp hơn so với ngành Kinh tế của các trường đại học khác và đa phần các em từ các các tỉnh nên trình độ ngoại ngữ có phần bị hạn chế.

Kỹ năng cứng: các nhà tuyển dụng đánh giá cao các kỹ năng sau:

+ Hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội liên quan: Để thành công trong môi trường quốc tế thì những nhân viên của FPT Telecom, Viettel Telecom, VNPT, MobiFone cần có những hiểu biết về lịch sử, thói quen, phong tục, tập quán của các nước sở tại.

+ Kỹ năng đọc, tìm kiếm và đúc kết thông tin: trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và internet, một trong những kỹ năng được nhà tuyển dụng đánh giá cao chính là khả năng đọc, tìm kiếm và đúc kết thông tin phục vụ cho công việc được giao.

Kỹ năng mềm: các nhà tuyển dụng đánh giá cao các kỹ năng sau:

+ Kỹ năng phát hiện, xử lý, giải quyết vấn đề là khả năng phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ trong quá trình làm việc. Kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến các yếu tố như lắng nghe tích cực, khả năng phân tích, sáng tạo, nghiên cứu, giao tiếp và khả năng làm việc nhóm.

+ Kỹ năng làm việc online và hybrid: Làm việc online là hình thức làm việc trực tuyến thông qua mạng internet. Hình thức làm việc online giúp nhân sự chủ động về mặt không gian, một số công việc còn có thể chủ động về mặt thời gian. Đảm bảo tiến độ công việc được đáp ứng nhanh nhất, tiện lợi nhất, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhất. Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, các công ty đa quốc gia và đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã có nhiều sự thay đổi trong việc thực hiện công việc, thay vì làm việc tại văn phòng, nhân viên có thể làm việc online và kết hợp làm việc online và offline.

+ Internet Marketing là những hoạt động tận dụng môi trường internet để truyền thông, quảng bá về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của một cá nhân hoặc doanh nghiệp đến công chúng, khách hàng tiềm năng.

Khả năng làm việc: khả năng chịu áp lực công việc và khả năng thích nghi với môi trường làm việc được các nhà tuyển dụng đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt. Khả năng chịu áp lực công việc muốn đề cập đến năng lực ứng phó khi áp lực công việc xuất hiện, trong điều kiện người lao động hạn chế về nguồn lực giải quyết như thiếu thời gian, thiếu nhân sự hỗ trợ… Người có khả năng chịu áp lực công việc tốt luôn sở hữu kỹ năng: Quản lý thời gian hiệu quả, linh hoạt đàm phán với các bên liên quan, lên kế hoạch sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết tất cả công việc…

4. Kết luận và khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực trạng việc làm của sinh viên ngành Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải trong giai đoạn 2018 - 2022 có một số điểm đáng chú ý sau: Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có xu hướng tăng lên qua các năm; Tỷ lệ sinh viên ngành Kinh tế có việc làm sau khi tốt nghiệp khoảng 85%; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có việc đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo có xu hướng giảm dần; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế làm việc trong khu vực tư nhân trên 80% và có xu hướng giảm nhẹ qua các năm.

Để tăng khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên ngành Kinh tế trong bối cảnh hiện nay, nhà trường và người học nên chú ý tới một số kỹ năng sau:

- Nhà trường nên nâng cao chất lượng đầu vào trong quá trình xét tuyển vào đại học ngành Kinh tế qua việc sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm IELT và học bạ. Cải tiến, điều chỉnh chương trình giảng dạy ngành Kinh tế qua việc bổ sung vào chương trình đào tạo các học phần có liên quan đến nền tảng kiến thức văn hóa, xã hội; kiến thức marketing trực tuyến cho sinh viên. Kết hợp giảng dạy lý thuyết với các tình huống thực tế để sinh viên ngành Kinh tế có thể rèn luyện được kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng chịu áp lực công việc như ý thức được khó khăn mà vị trí công việc đặt ra, nắm được nguồn lực hỗ trợ giải quyết áp lực, biết cách sắp xếp quản lý công việc đang làm, có những giải pháp giải tỏa áp lực như các hoạt động ngoại khóa, thể thao, du lịch để tái tạo năng lượng.

- Người học nên nâng cao điểm rèn luyện qua việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đoàn thể,… Nâng cao năng lực ngoại ngữ trong quá trình học tập. Tự trang bị kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng quản lý thời gian của cá nhân, kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng làm việc online và làm việc hybrid.

LỜI CẢM ƠN: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông Vận tải trong đề tài mã số T2023-KT-011.

Tài liệu tham khảo:

  1. Kantane, Inara, Biruta Sloka, Ilze Buligina, Ginta Tora, Regina Busevica, Alise Buligina, Juris Dzelme & Peteris Tora (2015). Expectations by employers on skills, knowledge and attitudes of employees. European Integration Studies, (9), 224-234.
  2. Majid, Shaheen, Zhang Liming, Shen Tong & Siti Raihana (2012). Importance of soft skills for education and career success. International Journal for Cross-Disciplinary Subjects in Education, 2 (2), 1037-1042.
  3. Nguyễn Quyết (2017). Những nhân tố tác động tới khả năng có việc làm của sinh viên Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan sau khi tốt nghiệp: Thực nghiệm bằng mô hình hồi quy sống sót. Tạp chí Khoa học Giáo dục, 142, 110-114.
  4. Wise, David A (1975). Academic achievement and job performance. The American Economic Review, 65 (3), 350-366.

A STUDY ON THE EMPLOYMENT OF STUDENTS AFTER GRADUATING FROM FACULTY OF ECONOMICS, UNIVERSITY OF TRANSPORT AND COMMUNICATIONS

Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Dang Quang1

Master. Nguyen Van Khoa1

1University of Transport and Communications

Abstract:

This study assesses the employment situation and necessary skills for students after graduating from Faculty of Economics, University of Transport and Communications. The study finds out that the percentage of students who get a job after graduating from Faculty of Economics in the first year is quite high (84.58 percent) and they mainly work in the private sector (80.2 percent). However, the number of students working in fields unrelated to their majors tends to increase. The necessary skills to increase the employment chance in the right field are: socio-economic knowledge, foreign language skills, searching for information skills, summarising skills, hybrid working skills, decision-making skills, ability to work under pressure, etc.

Keywords: jobs, skills, Faculty of Economics, University of Transport and Communications.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3