(CHG) Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy móc trang thiết bị không chỉ giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hải quan mà còn phục vụ hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Áp lực gia tăng từ thực tiễn
Thời gian qua, nhờ áp dụng phương pháp quản lý hải quan tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hiện đại, cơ quan Hải quan đã bảo đảm thực hiện công tác quản lý hải quan trong bối cảnh biên chế không tăng nhiều, trong khi khối lượng công việc tăng cao. Đồng thời, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan bằng trang thiết bị đã giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Tuy vậy, thực tế cũng như yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy móc trang thiết bị nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hải quan. Chẳng hạn, với cửa khẩu đường bộ, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Việt Nam có biên giới đường bộ dài trên 4.600km, địa hình phức tạp, điều kiện cơ sở hạ tầng giữa các cửa khẩu không đồng đều, lượng cư dân qua lại biên giới ngày càng tăng, trong khi trang thiết bị kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng, công chức hải quan phải thực hiện giám sát, kiểm soát trực tiếp, không thể kiểm soát được 24/7 và toàn bộ cư dân qua lại biên giới. Đặc biệt là các khu vực biên giới có vùng đệm không thuộc địa bàn quản lý hải quan, có nguy cơ cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, hàng cấm hoặc thẩm lậu nội địa đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan, kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh.
Bên cạnh đó, hiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giám sát, kiểm soát phương tiện, hành lý, hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa trao đổi cư dân biên giới) chưa theo kịp thực tế và chưa đáp ứng quy định tại Thông tư 50/2018/TT-BTC (về các chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện qua cửa khẩu đường không, đường biển, đường sắt, đường bộ và cửa khẩu đường sông theo quy định tại Nghị định số 59 /2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ), chưa hỗ trợ cơ quan Hải quan trong công tác phân tích, đánh giá rủi ro, xác định đối tượng trọng điểm.
Về loại hình cũng cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu quản lý. Như đối với hoạt động chế xuất, gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, theo quy định của pháp luật hải quan thì hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Thống kê số liệu năm 2022 trên cả nước có xấp xỉ 10.000 doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, chế xuất. Tuy nhiên, sự phân bố các doanh nghiệp có sự không đồng đều giữa các địa phương. Các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các khu vực có nhiều khu công nghiệp như: TP. HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Long An. Nhiều chi cục hải quan tại các địa bàn này phải quản lý một số lượng lớn doanh nghiệp.
CBCC Hải quan Hà Nam (Cục Hải Quan Hà Nam Ninh) thực hiện công tác giám sát trực tuyến tại kho bãi.
Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất được thực hiện xuyên suốt từ khi doanh nghiệp mới thành lập, nhập khẩu nguyên liệu tới khi xuất khẩu thành phẩm hoặc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều hạn chế như: Hệ thống quản lý chưa theo kịp với xu thế đổi mới công tác quản lý hải quan; công tác theo dõi, quản lý còn chưa cập nhật đầy đủ. CBCC Hải quan Hà Nam (Cục Hải Quan Hà Nam Ninh) thực hiện công tác giám sát trực tuyến tại kho bãi
Xây dựng hệ thống thông tin kết nối dữ liệu
Do đó, để đảm bảo công tác quản lý, ngăn ngừa nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy móc trang thiết bị.
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin cần hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao hiệu quả, tần suất sử dụng và yêu cầu quản lý về hải quan. Khắc phục tình trạng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hoạt động độc lập với hệ thống nghiệp vụ, tập trung hóa tối đa xử lý việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Đồng thời, tích hợp thông tin đánh giá quản lý rủi ro đối với loại hình quá cảnh để hệ thống tự động thiết lập phân luồng Đỏ đối với các lô hàng có mức độ rủi ro cao, rất cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại hoặc đưa ra các chỉ dẫn, cảnh báo đối với một số mặt hàng, nhóm hàng có rủi ro cao trong khai báo.
Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống quản lý phương tiện vận tải đường bộ xuất nhập cảnh gắn với mô hình cửa khẩu số, trong đó tích hợp các chức năng khai báo thông tin lược khai hàng hóa, giám sát tự động hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan, quản lý hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới kết nối với máy móc, trang thiết bị tại cửa khẩu như: thiết bị nhận diện biển số xe, barie điện tử, cân điện tử, máy soi container, seal định vị điện tử,…
Xây dựng hệ thống quản lý doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đảm bảo hỗ trợ công chức trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động của doanh nghiệp...
Cùng với đó, hệ thống trang thiết bị cũng cần tiếp tục được đầu tư, đảm bảo phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các cửa khẩu đường bộ hướng tới cửa khẩu số, như: Máy soi container, máy soi hành lý, cân điện tử, camera giám sát, hệ thống Barie điện tử, hệ thống thiết bị giám sát hành trình của phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, phương tiện tạm nhập tái xuất hoặc phương tiện thường xuyên qua lại biên giới để giao nhận hàng hóa, seal định vị điển tử; các hệ thống này sẽ kết xuất, tích hợp với hệ thống thông quan hàng hóa, hệ thống quản lý phương tiện vận tải và thống nhất thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.../.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/giam-sat-hai-quan-hien-dai-nang-cao-hieu-suat-hieu-qua-quan-ly-hai-quan-173160.html
0