TÓM TẮT:
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạng đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội luôn tăng cao, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đóng góp lớn vào kinh tế thành phố và cả nước. Bài viết này khái quát quá trình hình thành và phát triển Chương trình Bình ổn giá thị trường trong 20 năm qua, phân tích kết quả và ý nghĩa của chương trình, gợi ý một số giải pháp duy trì và phát triển bình ổn giá trong những năm tiếp theo, tầm nhìn đến năm 2032.
Từ khóa: bình ổn giá, thị trường, phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thuật ngữ bình ổn giá có thể được nhận thức như sau: bình ổn giá là việc nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp để điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý [3].
Nhà nước áp dụng các biện pháp nêu trên thực chất là điều chỉnh và điều tiết giá hay kiềm chế sự tăng hay giảm bất hợp lý của giá cả hàng hóa để đảm bảo quan hệ cung cầu trên thị trường trong từng giai đoạn nhất định. Bình ổn giá là quá trình để bình ổn thị trường. Chương trình bình ổn giá thị trường là chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và của doanh nghiệp. Từ đó, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối; giúp kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá, đầu cơ, tích trữ, hàng kém chất lượng và kiềm chế lạm phát.
Chương trình bình ổn giá thị trường về cơ bản đã được xã hội hóa, dựa trên định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ của Nhà nước, sự tự nguyện của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường, hình thành mối quan hệ liên kết, tạo cầu nối giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Cầu nối và sự liên kết này giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa, với giá cả hợp lý, tạo đầu ra sự ổn định cho nhà sản xuất, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người sản xuất, tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường theo cam kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng có sự quản lý, giám sát, điều tiết của nhà nước trong từng thời điểm.
Chương trình bình ổn giá khởi xướng từ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 với mục tiêu ban đầu là cố định giá cả mùa Tết. Mục tiêu này được hình thành do hàng năm mỗi khi đến dịp Tết lượng hàng hóa tiêu dùng tăng cao, kéo theo giá cả tăng có lúc đột biến trên thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là người làm công ăn lương và lao động trên địa bàn thành phố.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Bình ổn giá đã lan tỏa giá trị và hình thành Chương trình Bình ổn giá thị trường, là mối liên kết với các tỉnh, thành tạo ra mạng lưới để hàng hóa, đặc sản các vùng, miền được trao đổi, mang về thành phố với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng. Thành phố gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa phục vụ ngược lại cho người dân các tỉnh, thành trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Có thể nhận thấy dấu ấn của Chương trình Bình ổn giá thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 giai đoạn chủ yếu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, giai đoạn 2002-2004. Chương trình được khởi xướng dịp Tết 2002 với số vốn ban đầu là 45 tỷ đồng, với mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường thành phố, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp và cận Tết Nguyên đán.[7]
Thứ hai, giai đoạn 2005-2010. Chương trình xác định các mặt hàng thiết yếu, dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết với 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả để thực hiện bình ổn thị trường. Đồng thời, Chương trình Điều tiết thị trường, ổn định giá cả, xử lý kịp thời hiện tượng khan hàng, sốt giá các mặt hàng gạo năm 2008.
Thứ ba, giai đoạn 2010-2013. Chương trình phát triển quy mô, triển khai trong suốt cả năm. Tiến tới xã hội hóa một phần vốn bình ổn giá thị trường. Doanh nghiệp chủ động phần vốn thu mua, dự trữ hàng hóa. Trong đó, một số doah nghiệp chủ động hoàn toàn nguồn vốn thực hiện Chương trình Bình ổn giá thị trường.
Thứ tư, giai đoạn từ năm 2013-2020. Bước phát triển mới là chương trình huy động tất cả các thành phần kinh tế, không phân biệt thành phần kinh tế tham gia, đồng hành thực hiện bình ổn giá thị trường. Hình thành mối quan hệ kết nối nguồn vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Thứ năm, giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Mặc dù, Chương trình Bình ổn giá đã có bước phát triển tương đối ổn định, Tuy nhiên, do biến động và tác động của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên cả nước và thành phố, lãnh đạo thành phố đã sáng tạo, chủ động ứng phó với dịch bệnh, qua đó có nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Bên cạnh đó là sự tham gia của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường chủ động, sáng tạo, kịp thời chuyển biến với tình hình mới, phát huy tính cộng đồng và trách nhiệm cao, góp phần cùng thành phố vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này. Sau khi dịch bệnh đã bước vào giai đoạn mới, chương trình bình ổn giá thị trường tập trung các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu, phát triển thương mại điện tử, kết nối hàng hóa, kiên quyết sử dụng các biện pháp cắt giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực về giá bán đến người tiêu dùng.
Như vậy, có thể nhận thấy, quá trình hình thành và phát triển chương trình bình ổn giá thị trường là tư duy tiếp cận chủ động, sáng tạo, đúng đắn, với trách nhiệm cao và hiệu quả của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn. Quá trình vận hành chương trình đã liên kết hình thành mạng lưới giữa thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước, tạo nguồn ổn định về nguyên liệu từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài thành phố ở mọi thời điểm.
Bài viết khái quát kết quả bình ổn thị trường giai đoạn 2001 - 2004 để nhận thấy dấu ấn 20 năm hình thành và phát triển của Chương trình từ bình ổn giá hàng hóa đến bình ổn giá thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, năm 2020, hàng hóa tiêu thụ Tết tăng 4,4-17,3 so với năm trước. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%) [2].
Thứ hai, năm 2021, lượng hàng hóa chuẩn bị từ 2 tháng trước, tăng 652,4 tỉ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020; tổng nguồn vốn là 7.132,6 tỉ đồng, trong đó được dùng để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỉ đồng.[2]
Thứ ba, năm 2022, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết là 19.881 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.182 tỷ đồng. Với số vốn như trên, các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao. Doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ chiếm 60% - 75% thị phần trong thị trường.
Thứ tư, năm 2004, trên địa bàn Thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố sẵn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường. Để đảm bảo bình ổn giá thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình Bình ổn thị trường, có 45 doanh nghiệp tham gia với số vốn 22.000 tỉ đồng.[1]
Như vậy, từ nguồn vốn ban đầu thực hiện chương trình là 45 tỷ đồng, đến nay, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, Chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa, doanh thu năm 2022 dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng [7]. Kết quả, tổng lượng hành hóa bình ổn giá thị trường ngày càng lớn, chiếm thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng và sốt giá trên thị trường.
Chương trình Bình ổn giá thị trường có nhiều dấu ấn rất ấn tượng và có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nhận thấy những ý nghĩa chủ yếu, như sau:
Thứ nhất, Chương trình Bình ổn giá thị trường là cách tiếp cận đúng đắn với tư duy đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm, có tính hiệu quả và ngày càng được hoàn thiện của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Quá trình triển khai Chương trình luôn được cập nhật, điều chỉnh và điều tiết kịp thời, mang đến sự đảm bảo an sinh xã hội cho người dân không chỉ cho người dân của thành phố, mà cho tất cả mọi người lao động nhập cư, đặc biệt là người nghèo, người lao động thu nhập thấp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thứ hai, Chương trình Bình ổn giá thị trường đã khẳng định thương hiệu, giá trị, sức lan tỏa và vai trò dẫn dắt giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường; thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực, hợp lý và hiệu quả của thành phố, lan tỏa, nhân rộng ra cả nước. Mặt khác, Chương trình đã giúp ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi, hạn chế tình trạng nâng giá hàng tùy tiện. Qua đó, góp phần ổn định giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát, giúp giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố thường thấp hơn mức bình quân của cả nước. [7]
Thứ ba, Chương trình đã hình thành và phát triển mạng lưới liên kết giữa thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu từ sản xuất đến phân phối, lưu thông ổn định hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng trong mọi thời điểm. Hàng hóa tham gia cung ứng cho người tiêu dùng luôn thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10% [4].
Thứ tư, Chương trình đã phát triển với qui mô ngày càng mở rộng, với danh mục hàng hóa tăng từ một nhóm ban đầu (lương thực, thực phẩm) lên 4 nhóm (lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng). Năm 2021 và năm 2022, Chương trình được bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, thời gian thực hiện ban đầu chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, từ năm 2010 đến nay Chương trình đã được triển khai thực hiện suốt trong cả năm. Từ nguyên tắc cố định giá, đến nay, Chương trình thực hiện điều chỉnh, điều tiết giá bán linh hoạt, kịp thời; bảo đảm hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.[5]
Thứ năm, chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa trong quá trình thực hiện với qui mô ngày càng lớn về nguồn vốn. Từ năm 2013, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng. Đến năm 2022, doanh thu của Chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng. Chính vì vậy, tổng sản lượng hàng hóa bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.[7]
Chương trình bình ổn giá thị trường có ý nghĩa về nhiều mặt, tạo giá trị lan tỏa về tư duy, sáng tạo, mang lại tính hiệu quả vì quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng của lãnh đạo thành phố, hình thành công cụ điều tiết ổn định giá thị trường, mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội hóa nguồn vốn, tạo sự liên kết với các địa phương về nguồn nguyên liệu và hàng hóa đáp ứng với nhiệm vụ điều tiết hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho người dân và kiềm chế lạm phát thị trường trong mọi thời điểm.
Quá trình 20 năm khởi xướng và thực hiện, Chương trình Bình ổn giá thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều kết quả và ý nghĩa rất cao trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, thương hiệu, chất lượng của Chương trình trong giai đoạn tới, có thể gợi ý một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, phát huy tư duy sáng tạo, chủ động và trách nhiệm cao của lãnh đạo thành phố. Các cơ quan chức năng nhà nước và doanh nghiệp các thành phần kinh tế, các nhà nghiên cứu, quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tham mưu cho thành phố xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch và qui trình thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình Bình ổn giá thị trường trong thời gian tới giai đoạn 2023-2032 [6].
Thứ hai, hoàn thiện quy chế Chương trình Bình ổn giá thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối kết hợp, liên kết, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh liên kết phối hợp với các địa phương trong quá trình liên kết phát triển; hình thành vùng chuyên canh đạt chuẩn gắn với sản xuất lưu thông hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết giữa 3 nhà: nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ, phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại ở thành phố; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường, xây dựng và tiến tới hình thành cộng đồng liên kết bền vững xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang thương hiệu đặc trưng của Chương trình, đó là “giá cả hợp lý - chất lượng nâng cao”.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và phát triển các doanh nghiệp đầu đàn ở thành phố, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài; cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trên địa bàn thành phố theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, các hệ sinh thái quốc tế; thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chủ trương, chính sách, quyết định của thành phố về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại tại thành phố theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian thực hiện, đẩy nhanh việc cung ứng, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và nhận diện thương hiệu về Chương trình Bình ổn giá trị trường, mở rộng tối đa đối tượng, tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế tham gia bình ổn giá thị trường với nguồn lực dồi dào, phong phú và đa dạng theo chủ trương xã hội hóa, giúp lan tỏa nhanh, nâng cao hiệu quả tham gia bình ổn thị trường và giúp kiềm chế lạm phát một cách chủ động, linh hoạt, đảm bảo an sinh xã hội trên quy mô rộng hơn.
Với vai trò là thành phố có vị trí hàng đầu, trung tâm kinh tế, xã hội lớn của cả nước, thành phố cần phát huy, có trách nhiệm an sinh xã hội với hơn 10 triệu người dân của thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cho người lao động nhập cư, người nghèo tại thành phố. Tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn giá trong thời gian tới là yêu cầu và nhiệm vụ rất quan trọng, đảm bảo cho người dân tiêu dùng những hàng hóa thiết yếu với mức giá hợp lý và chất lượng. Với nhận thức và tư duy đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo thành phố, sự tham gia đồng tình ủng hộ của người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp, sự liên kết, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, cũng như các địa phương, hy vọng kết quả thực hiện Chương trình Bình ổn giá ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2032 đạt kết quả cao như sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và người dân Thành phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Results of the Price Stabilization Program over the past 20 years in Ho Chi Minh City and solutions to develop this program in the period 2023 - 2032
Ph.D student, Master. Phan Cam Giang
Faculty of Socio-Economic Management
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
Ho Chi Minh City is Vietnam’s special-class city with a high socio-economic growth rate. The retail sector has contributed greatly to the economic development of Ho Chi Minh City in particular and Vietnam in general. This paper presented a summary of the development of the Price Stabilization Program over the past 20 years and analyzed the program’s results and significance. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to maintain and develop this program in the coming years, with a vision for 2032.
Keywords: price stabilization, market, development, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết