Khắc phục triệt để các hành vi trục lợi, gian lận trong đấu thầu


(CHG) Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Trước những tiêu cực, sai phạm trong thực tế đấu thầu vừa qua, các đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi Luật này phải khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, xử lý triệt để các hành vi trục lợi, vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch
Một trong những nội dung quan trọng, được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là phải quy định thật chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch hoạt động đấu thầu để vừa tạo thuận lợi trong công tác đấu thầu, vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, khắc phục tình trạng gian lận, tham nhũng trong đấu thầu.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu... diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi. Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là các quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Điều 41 dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu. Dự thảo Luật còn bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế. Đồng tình với quy định này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng, quy định này giúp bảo đảm mua được hàng hóa có chất lượng cao thông qua đấu thầu, tránh tình trạng đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung dẫn đến việc mua phải hàng hóa có cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất trong hoạt động đấu thầu thời gian qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng, chứng tỏ tính cạnh tranh trong đấu thầu không cao. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế các nhà thầu tham gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ có duy nhất một điều quy định việc cấm cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu và “cài cắm như thế nào thì dự thảo Luật cũng không nói”. Chỉ ra bất cập này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rất rõ những việc như thế nào là cài cắm thông tin trong hồ sơ mời thầu; nên dành một chương riêng quy định thật chi tiết các nội dung của hồ sơ mời thầu; đồng thời, trong hồ sơ mời thầu phải đề cập đến một điểm liên quan đến hợp đồng bởi thực tế, hồ sơ mời thầu là tài liệu rất dày, có thể dày hàng gang tay, nhưng dự thảo Luật chỉ có một điều quy định về hồ sơ mời thầu là chưa thỏa đáng.
Rõ trách nhiệm trong hoạt động đấu thầu 
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu; hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền…
Liên quan đến trách nhiệm của tổ chức thẩm định, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nêu vấn đề, tại khoản 2 Điều 79 dự thảo Luật đưa ra 5 nội dung quy định về trách nhiệm của tổ chức thẩm định, nhưng lại không có nội dung nào quy định tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của dự án như: kiến trúc, kết cấu, khối lượng công việc, đơn giá... Trong khi đó, khi cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận sai phạm thì không có nội dung nào về chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại.
Thực tế, cơ quan thẩm định là cơ quan cuối cùng trước khi trình thủ trưởng các cấp phê duyệt dự án hoặc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự thảo Luật theo hướng: “Tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án, kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra, kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại”. Cùng với đó, đại biểu đề nghị, bổ sung khoản 3 quy định về trách nhiệm của cơ quan thẩm định tại Điều 89 dự thảo Luật quy định các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu. Về trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát khi thực hiện tư vấn giúp chủ đầu tư và cho các dự án, đại biểu đề nghị khi bị thanh tra, kiểm toán phát hiện chất lượng công trình không bảo đảm, sai sót về khối lượng, đơn giá thì đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và đền bù thiệt hại.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo Luật đang quy định theo hướng trong quy trình lựa chọn nhà thầu có một đơn vị lập hồ sơ, một đơn vị khác thẩm định và một đơn vị chấm hồ sơ xong lại có một đơn vị thẩm định. “Việc quy định này có vẻ khách quan nhưng trên thực tế sẽ dẫn đến tình trạng không biết trách nhiệm thuộc về ai nếu hồ sơ không chuẩn hoặc đấu thầu không đạt kết quả”. Do đó, đại biểu đề nghị, cần quy định rất rõ cơ quan thẩm định, đồng thời nhấn mạnh, nếu đã có cơ quan thẩm định thì cơ quan thẩm định phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp đấu thầu sai. "Còn nếu không quy định được như thế thì nên bỏ cơ quan thẩm định. Cơ quan đứng ra lập hồ sơ tổ chức đấu thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng. Không nên quy định nhiều cơ quan cùng tham gia mà không rõ trách nhiệm", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc sửa đổi Luật lần này là phải khắc phục cho được những vướng mắc, hạn chế trong thực thi pháp luật về đấu thầu, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, việc hoàn thiện dự thảo Luật cần bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của các bên liên quan trong hoạt động đấu thầu, vừa tạo thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đấu thầu vừa phải cố gắng khắc phục triệt để tình trạng gian lận, trục lợi, vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu. 

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/khac-phuc-triet-de-cac-hanh-vi-truc-loi-gian-lan-trong-dau-thau-i309452/

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3