Khai thác, phát huy giá trị yếu tố rừng và biển trong đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay


TCCS - Rừng và biển là hai tài nguyên nổi bật, nhiều tiềm năng của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; là cơ sở, điều kiện để phát triển kinh tế nội vùng cũng như hỗ trợ, kết nối liên vùng. Thời gian tới, để tận dụng tối đa giá trị, lợi thế sẵn có của tài nguyên rừng và biển trong liên kết, hỗ trợ cùng phát triển, cần có những giải pháp đột phá và quyết tâm mạnh mẽ, góp phần giải quyết, phá bỏ những khó khăn, điểm nghẽn, hướng tới sự liên kết, hợp tác phát triển “cùng thắng” giữa hai vùng.

Tiềm năng, thế mạnh rừng và biển của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ

Về yếu tố rừng của vùng Tây Nguyên trong liên kết, hỗ trợ vùng duyên hải Nam Trung Bộ

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 54.474km² (chiếm 16,8% diện tích cả nước), dân số khoảng 5,5 triệu người; phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước; phía tây giáp với các tỉnh Át-ta-pư (nước Lào) và Ra-ta-na-ki-ri và Mon-du-ki-ri (Vương quốc Campuchia). Thực chất, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một chuỗi các cao nguyên liền kề (có độ cao từ 500m - 1500m so với mực nước biển), như cao nguyên Kon Tum, Kon Hà Nừng, Buôn Ma Thuột, Mơ Nông, Lâm Viên, Di Linh,…; tất cả được bao bọc bởi những dãy núi và khối núi cao nằm phía đông (chủ yếu thuộc dãy Trường Sơn Nam); “có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước”(1) đối với đất nước cũng như khu vực Đông Dương; có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế với nhiều vùng trong nước và quốc tế.

Vùng Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ núi cao đến các cao nguyên rộng lớn với những cánh đồng dưới các thung lũng, tạo thành hình thái khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới (trong lành, mát mẻ quanh năm); nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp, hệ thống ghềnh, thác, sông, ngòi hiểm trở, nhiều cánh rừng nguyên sinh có sự đa dạng sinh học… Trong đó, tài nguyên rừng được xem là lợi thế, cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thể hiện trên nhiều khía cạnh, như cung cấp gỗ và các loài động, thực vật quý hiếm; tạo nên hệ sinh thái cho môi trường trong lành và sự sinh trưởng của các thảm thực vật; giữ nguồn nước cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và cân bằng môi trường tự nhiên,...; rừng vừa là nền tảng thúc đẩy sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp, vừa phục vụ nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thu hoạch cà phê_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Bên cạnh đó, với hình thái núi, đồi cùng với đất đỏ ba-zan, vùng Tây Nguyên có nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loại cây công nghiệp lâu năm, như cà phê, cao su, ca cao, tiêu, bơ,... mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Mặt khác, tài nguyên khoáng sản vùng Tây Nguyên cũng khá đa dạng, một số loại có trữ lượng lớn, như than bùn, than nâu, sét cao lanh, puzôlan và bô-xít,…; khoáng sản kim loại có giá trị, như sắt, wonfram, antinomy, chì, kẽm, vàng,… và nhóm đá quý (saphia, xircon, corindon, thạch anh hồng và thạch anh tinh thể,…) sinh ra từ đất rừng, chiếm tỷ lệ cao và phân bố đều ở các tỉnh, có thể cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp khai khoáng và xuất khẩu cũng như các ngành công nghệ cao.

Vùng Tây Nguyên hiện có 53 dân tộc cùng cư trú, trong đó có 12 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, như Ê-đê, Cơ-ho, Ba-na, Gia-rai, Mạ, Xơ-đăng, Giẻ Triêng,... Nhiều đồng bào dân tộc nơi đây từ lâu đã cư trú, sinh sống và sản xuất, gắn bó với không gian rừng, tạo thành những nét văn hóa, bản sắc truyền thống độc đáo; trong đó, không ít di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang bóng dáng của núi rừng, như các giá trị kiến trúc truyền thống (nhà Rông (người Ba-na), nhà Dài (người Ê-đê), nhà Mồ (có ở hầu hết các DTTS)); các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, như đàn T’rưng, đàn đá,…; các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, như lễ hội đua Voi, Bỏ Mả, cúng Cơm mới,…; các pho sử thi truyền miệng, đặc biệt là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Mặt khác, dựa trên nhiều cảnh quan tự nhiên đa dạng, như rừng, suối, thác, hang động,… cùng với vốn văn hóa nội sinh, vùng Tây Nguyên có cơ sở, điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch (văn hóa, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng,…). Chính vì tiềm năng và lợi thế đó, vùng Tây Nguyên được xác định là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm của quốc gia (2).

Có thể thấy, với đặc trưng và điều kiện về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên gắn với hệ sinh thái rừng, vùng Tây Nguyên có ý nghĩa rất lớn trong quan hệ phát triển kinh tế - xã hội với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, điều này thể hiện ở những khía cạnh sau: 1- Cung cấp các sản phẩm từ rừng, như rau, củ, quả, hoa, thảo dược,…; các sản phẩm cây chủ lực của vùng như bơ, tiêu, cao su, sầu riêng, hoa, dược liệu,... cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ; 2- Mang đến các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng đậm chất sinh thái rừng, như thác, đồi, sông, suối, vườn cảnh, hang động (huyện Krông Nô), công viên Địa chất toàn cầu, Tà Đùng - “vịnh Hạ Long trên cạn” cũng như các lễ, hội mang đậm bản sắc của các DTTS cộng cư với rừng; 3- Vị trí không gian rừng vùng Tây Nguyên cận kề biên giới có nhiều cửa khẩu thông thương qua các nước bạn Lào, Campuchia, như cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Bu Prăng, Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông),… là điều kiện để các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ tiến hành hợp tác quốc tế, giao lưu thương mại quốc tế. Mặt khác, vùng Tây Nguyên thiếu không gian biển, trong khi nhu cầu hướng về biển để xuất khẩu nông sản, kết nối phát triển du lịch (từ rừng tới biển hoặc từ biển lên rừng) và nhập khẩu các sản phẩm từ biển hoặc qua đường biển,… nên sự hỗ trợ, hợp tác của vùng duyên hải Nam Trung Bộ là rất quan trọng.

Về lợi thế của yếu tố biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong phát triển và liên kết với vùng Tây Nguyên

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, có tổng diện tích hơn 45.000km², dân số khoảng 10 triệu người; chiều dài đường bờ biển khoảng 1200km với nhiều cảng biển lớn, như Dung Quất (tỉnh Quãng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Quy Nhơn), Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)(3)..., là những hải cảng quan trọng thuận lợi phát triển kinh tế biển; nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn thuận lợi cho phát triển du lịch, như Mỹ Khê, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né,…. Mặt khác, vùng duyên hải Nam Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và các quốc gia láng giềng (Lào, Campuchia, Thái Lan); “có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc”(4).

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh trong khai thác các vị trí lợi thế biển, sản vật biển gần bờ và xa bờ, với tiềm năng dồi dào phục vụ phát triển kinh tế biển (cảng biển, du lịch biển,...); đáp ứng nhu cầu hướng biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên, cụ thể: 1- Cung cấp hải sản, thực phẩm biển cho vùng Tây Nguyên trong một khoảng cách không quá xa (khoảng từ 120km - 150km, tính đường bộ từ bờ biển lên trung tâm các tỉnh vùng Tây Nguyên), nhờ vậy, người dân có thể thụ hưởng các sản phẩm tươi và khô từ biển, như cá, tôm, mực, các loài hải sản khác hoặc các sản phẩm khác từ biển, như nước mắm, rong, tảo biển,...; 2- Các cảng biển hỗ trợ vùng Tây Nguyên tiêu thụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa; đặc biệt, nhiều dự án liên quan đến cảng biển, như Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định),… có vị trí, vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ cho riêng vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà còn với vùng Tây Nguyên; 3- Đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng biển cho du khách; hằng năm, vào mùa khô, một lượng lớn du khách các tỉnh vùng Tây Nguyên về du lịch biển tại các tỉnh miền Trung (vị trí địa lý khá gần, phù hợp với thời gian và chi phí của người dân, nên biển là nơi được ưu tiên lựa chọn). Mặt khác, các khu vui chơi, như Mỹ Khê, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận,... là những điểm du lịch biển có sức hấn dẫn đối với du khách Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng hôn trên phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Vương Mạnh Cường)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Nhìn chung, hai vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng, song nếu chỉ đứng độc lập, thiếu sự hỗ trợ, kết nối sẽ hạn chế quá trình khơi thông, tận dụng tiềm năng, nguồn lực trong phát triển. Hai yếu tố rừng và biển có khả năng bù trừ những chỗ khuyết, thiếu hụt, khan hiếm, tạo nên sự tương hỗ nhau trong gắn kết, hợp tác phát triển giữa hai vùng. Bên cạnh đó, xét về các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, giữa vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ có mối liên hệ, gắn kết, không thể tách rời, nhất là giai đoạn sau chiến tranh, người miền Trung di cư vào Tây Nguyên với số lượng lớn và tham gia góp phần định hình, phát triển vùng đất này; đồng thời, vẫn gắn kết tình cảm với quê hương, bản quán cũ ở miền Trung - đây là yếu tố thêm gắn bó trong liên kết Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ(5). Từ những tiềm năng và lợi thế của mỗi vùng, xét từ khía cạnh rừng và biển, có thể thấy, sự hợp tác giữa vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ là hết sức khả thi, cần được triển khai có hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng. Nhiều năm qua, vấn đề kết nối, hợp tác luôn được đặt ra, nhiều hội thảo, hội nghị đã được tiến hành, ở mức độ nhất định đã có sự gắn kết và có kết quả khả quan; tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mỗi vùng.

Những khó khăn, vướng mắc

Một là, hệ thống kết nối hai vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu thông qua đường bộ (đường hàng không quá ngắn, không hiệu quả), như quốc lộ 14, 19, 25, 26, 27, 28,...; tuy nhiên, các quốc lộ này có trọng tải thấp, lại đang dần bị xuống cấp, trong khi nhu cầu về những con đường cao tốc hiện đại kết nối hai vùng này đang đặt ra cấp thiết (6). Mặt khác, kết cấu hạ tầng vùng nói chung, giao thông nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối yếu, hiện vẫn là điểm nghẽn, nhiều khó khăn, chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mục tiêu, yêu cầu phát triển; các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài như ODA, FDI chưa nhiều,...

Hai là, thiếu một cơ chế hợp tác rõ ràng trong kết nối liên vùng, tình trạng “mạnh ai nấy làm” còn phổ biến. Hiện nay, vẫn chưa rõ nhiều cơ chế hợp tác nội vùng và liên vùng, đơn cử, địa phương nào là đầu mối, có khả năng điều tiết các tỉnh? Dự án kết nối giữa các tuyến du lịch “Con đường Di sản miền trung” (tuyến xuyên suốt từ miền Trung đến Tây Nguyên) hay ý tưởng về mô hình liên kết “Một ngày ăn cơm ba nước, ba quốc gia một điểm đến”, nhằm gắn kết những điểm du lịch, di sản thiên nhiên, văn hóa miền đất cao nguyên với các điểm du lịch của các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan,... được đề ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư triển khai và quảng bá rộng rãi.

Ba là, những năm gần đây, diện tích rừng vùng Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng (năm 2019, diện tích rừng tự nhiên giảm đến gần 16.000ha, tỷ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0.09% so với năm 2018; trong đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng bị mất nhiều nhất, với khoảng 11.400ha(7). Trong 5 năm (2016 - 2021), mặc dù diện tích có rừng tăng, nhưng độ che phủ rừng giảm 0,07%; năm 2021, độ che phủ rừng còn 45.94% (8). Trên thực tế, tình trạng rừng vùng Tây Nguyên bị tàn phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ lâu; nơi đây vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; tình trạng tranh chấp về đất rừng tại một số địa phương kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.

Bốn là, nạn tràn dầu, rác thải bừa bãi, sản xuất chưa làm tốt công tác xả thải ra biển, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; môi trường biển đang chịu nhiều thách thức và các mối đe doạ trầm trọng khi các địa phương, các dân cư ven biển ngày càng gia tăng các hoạt động kinh tế ven biển. Nhiều cửa sông bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị thải ra; thậm chí, nguồn tài nguyên biển tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt mà không có kế hoạch phục hồi, tái tạo, vấn đề ô nhiễm cũng đe dọa đến du lịch biển(9).

Một số đề xuất giải pháp kết nối liên vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội liên vùng(10); tuy vậy, cần sớm xác lập cơ chế liên kết vùng, nhất là xác định chủ thể quản lý và thể chế vùng kinh tế - xã hội nhằm tận dụng các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. Mặt khác, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban, ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; đồng thời, các tỉnh, thành phố phải chủ động kết nối, hợp tác, thực hiện các giao ước hỗ trợ cùng phát triển, dựa trên quyết tâm chính trị đủ lớn với những giải pháp đồng bộ, đột phá, quyết liệt.

Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt liên vùng; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện tốt cải cách hành chính, chuyển đổi số. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực vùng giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phát huy vai trò của thị trường, nhất là trong việc xây dựng các chuỗi giá trị những sản phẩm mà các tỉnh, thành phố vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng, lợi thế có thể bổ sung lẫn nhau(11).

Thứ ba, xây dựng định hướng phát triển dựa trên tinh thần “cùng thắng” (win to win), đôi bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng bên về yếu tố nông lâm sản, du lịch, nguyên liệu, logistics,...; từng bước phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Các tỉnh, thành phố cần nhìn nhận nhau như những thị trường và thấy được thị phần của mình trong đó, tích cực xúc tiến, tìm kiếm cơ hội lẫn nhau. Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên phải bảo đảm giữ được rừng, trong khi các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ phải bảo đảm tình trạng bền vững môi trường biển; mặt khác, vùng Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn để giữ môi trường sinh thái, trong khi các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ cần chú trọng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông và “phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên về lưu trữ và điều tiết nguồn nước ngọt”(12), tạo lá chắn những tác động có hại từ phía biển cho cả hai vùng.

Thứ tư, tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư vào vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế rừng và kinh tế biển. Các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư, có cơ chế hấp dẫn thu hút được các nguồn đầu tư cả cho rừng lẫn biển, đặc biệt cần thu hút được các nguồn vốn ODA, các doanh nghiệp tư nhân lớn, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư là con, em địa phương để hình thành các dự án lớn về sản xuất; thu hút được đầu tư về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chủ động nguồn nhân lực; hợp tác trao đổi lao động giữa hai vùng; xây dựng các trung tâm, trường đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế rừng và kinh tế biển,…/.

----------------------

(1) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(2) Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22-1-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030””
(3) Xem: Đình Tăng: “Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, bền vững”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 7-9-2019, https://dangcongsan.vn/kinh-te/duyen-hai-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-huong-toi-phat-trien-nong-thon-toan-dien-ben-vung-534332.html
(4) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(5) Nguyễn Duy Thụy: “Kết nối chiến lược với vùng Tây Nguyên - Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Duyên hải miền Trung”, Tạp chí Cộng sản, số 1.006, tháng 1-2023, tr. 91
(6) Quốc lộ 26 nối hai tỉnh Khánh Hòa với Đắk Lắk nhỏ hẹp, xuống cấp, phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn; quốc lộ 19 nối Gia Lai với Bình Định nhiều đèo dốc, đường cũ, xuống cấp; quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk là đường cấp IV miền núi, rất chật hẹp; Tây Nguyên là vùng duy nhất của cả nước chưa có đường cao tốc, trong khi đường hàng không quá ngắn, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của hoạt động sản xuất
(7) Xem: Ánh Ngọc: “Diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên bị mất gần 16.000ha trong năm 2019”, Tạp chí Môi trường và cuộc sống, ngày 23-6-2022, https://moitruong.net.vn/dien-tich-rung-tu-nhien-o-tay-nguyen-bi-mat-gan-16-000-ha-trong-nam-2019/
(8) Xuân An, Như Sỹ và Hà Sơn: “Để phát triển bền vững phải giữ diện tích rừng hiện có và tăng diện tích che phủ rừng”, Báo Điện tử Vietnamnet, ngay 2-9-2022, https://vietnamnet.vn/de-ptbv-phai-giu-dien-tich-rung-hien-co-va-tang-dien-tich-che-phu-rung-2085817.html
(9) NASATI: “Hội nghị khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, Cục Thông tin, Khoa học và Công nghệ quốc gia, ngày 24-6-2019, https://www.vista.gov.vn/news/chien-luoc-chinh-sach-kh-cn-dmst/hoi-nghi-khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-bien-vung-duyen-hai-nam-trung-bo-1637.html
(10) Quyết định số 1194/QĐ-TTg, ngày 22-7-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030”; Quyết định số 1114/QĐ-TTg, ngày 97-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020”
(11) Nguyễn Duy Thụy: “Kết nối chiến lược với vùng Tây Nguyên - Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Duyên hải miền Trung”, Sđd, tr. 96
(12) Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 19-11-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững miền Trung”

Nguồn: Tạp chí cộng sản

Còn lại: 1000 ký tự
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế

Đề tài Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế do ThS. Trần Thảo Vy (Giảng viên Khoa Nông nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam

Đề tài Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam do TS. Đặng Thị Bích Ngọc (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập

Bài báo nghiên cứu "Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập" do ThS. Từ Tuấn Cường (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Gia Định) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3