Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia


Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Ngành Hải quan là một ngành có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam, một quốc gia có nhiều cửa khẩu, biên giới và định hướng mở cửa, hội nhập toàn cầu. Một trong những phương pháp tổ chức bộ máy quản lý là phương pháp kinh nghiệm, học hỏi kinh nghiệm từ những tổ chức, quốc gia đi trước và rút ra những bài học phù hợp để áp dụng.

Bài viết đã tổng hợp, nghiên cứu về kinh nghiệm tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia như Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, và một số quốc gia Đông Nam Á, từ đó rút ra được những bài học tham khảo hữu ích, góp phần vào quá trình hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy ngành Hải quan Việt Nam trong giai đoạn tới.

Từ khóa: tổ chức bộ máy, ngành Hải quan, kinh nghiệm.

I. Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

1.1. Tổ chức bộ máy hải quan của Pháp

1.1.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy hải quan Pháp

Cơ cấu bộ máy tổ chức hải quan Pháp có 4 cấp gồm: (i) Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu trực thuộc Bộ Kinh tế - Tài chính - Công nghiệp; (ii) Hải quan liên Vùng (bắt đầu hoạt động từ 01/01/2006) phụ trách 2 lĩnh vực công tác, đó là: Quản lý nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo) và Quản lý tài sản, tài chính (lương, phụ cấp của cán bộ, công chức; chi thường xuyên để duy trì hoạt động; chi đầu tư trang thiết bị, xe máy, trụ sở...); (iii) Hải quan Vùng phụ trách 2 lĩnh vực công tác, bao gồm: Thông quan hàng hóa và kiểm tra, giám sát (hướng dẫn, định hướng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan); Chi cục Hải quan; (iv) Đội kiểm soát và Đội kiểm tra sau thông quan.

1.1.2. Điều kiện và bối cảnh tái cơ cấu tổ chức hải quan

Hải quan Pháp thực hiện tái cơ cấu tổ chức hải quan trên các điều kiện cơ bản như:  Hạ tầng công nghệ thông tin của Pháp đã ở mức phát triển cao; Hệ thống mạng thông tin điện tử DELTA (phát triển trên nền mạng COFI trước đây) rất hiện đại, có thể kiểm soát đến từng cán bộ đang làm nhiệm vụ tuần tra trên mọi miền thuộc lãnh thổ nước Pháp và hầu hết các nước trong Cộng đồng chung châu Âu (EU);  Hải quan Pháp có sự độc lập lớn do thể chế chính trị và nền hành chính có lịch sử phát triền lâu dài, tương đối ổn định. Về công tác bổ nhiệm cán bộ các cấp, Tổng cục nắm toàn bộ. Chỉ có 01 Phó Tổng cục trưởng do Tổng cục trưởng bổ nhiệm, còn lại, ở tất cả các cấp không có cấp phó.

        Hải quan Pháp có thẩm quyền rất lớn: trinh sát (Hải quan Pháp có quyền thu lượm các thông tin trên sóng, trên mạng để phục vụ cho công tác quản lý); điều tra, xét hỏi; bắt giữ; khởi tố...

1.2. Tổ chức bộ máy hải quan Anh

1.2.1. Chức năng, nhiệm vụ của hải quan Anh

Chức năng, nhiệm vụ của Hải quan Anh về cơ bản giống như Hải quan các nước là kiểm tra, kiểm soát tại biên giới đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh; thu thuế; điều tra chống buôn lậu và thống kê về Hải quan.

1.2.2.  Cơ cấu tổ chức bộ máy hải quan

Trước năm 2005, Cơ quan Hải quan và Cơ quan thu thuế nội địa của Anh là hai cơ quan độc lập. Tháng 4/2005, hai cơ quan này đã sáp nhập với nhau thành Cơ quan Thuế vụ và Hải quan Hoàng gia Anh.

Tổng số cán bộ nhân viên của cơ quan này là khoảng 100.000 người, trong đó số cán bộ nhân viên làm công tác Hải quan là 20.000 người.

Hải quan Anh được tổ chức hiện đại, chuyên sâu, tinh gọn và thành 3 cấp: cấp trung ương, cấp vùng và cấp cửa khẩu.

Hải quan Anh được chia làm 7 vùng, bao gồm: Hải quan Vùng Miền Bắc, Hải quan Vùng Miền Nam, Hải quan Vùng Miền Trung và Hải quan Vùng London, Hải quan Vùng Bắc Ai-len, Hải quan Vùng Xcốt-len, Hải quan Vùng Xứ Wales.

Mặc dù Kho bạc có quyền chỉ đạo và kiểm soát cao nhất đối với các Ban Thuế nội địa, Cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời có quyền ban hành các hướng dẫn theo luật định, nhưng cơ quan này không có vai trò trực tiếp trong các hoạt động hàng ngày - quản lý thuế trên thực tế

1.3. Tổ chức bộ máy hải quan Hoa Kỳ

Cơ quan Hải quan và Thuế vụ theo truyền thống là một bộ phận của Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Tài chính, phản ánh mong muốn thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách thu và thu. Nhưng phần lớn thẩm quyền của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến việc quản lý cả hai dịch vụ đã được ủy quyền (thông qua các văn bản ủy quyền chính thức xác định rõ ràng phạm vi quyền hạn được ủy quyền), do đó các dịch vụ này trên thực tế là độc lập. Họ đã bảo vệ sự độc lập này trong việc quản lý luật pháp để đảm bảo  việc thu thuế là phi chính trị và các dịch vụ mang tính định hướng nghề nghiệp.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa kỳ (CBP- Customs and Border Protection) được thành lập vào tháng 3/2002, trên cơ sở hợp nhất cơ quan Hải quan Hoa kỳ và cơ quan Nhập cư, thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa kỳ.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa kỳ được chia thành 3 cấp: cấp trung ương, cấp vùng và dưới vùng.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa kỳ có 20 đơn vị Hải quan Vùng, được cơ cấu theo vùng địa lý, có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ về mặt nghiệp vụ cho 326 cảng và 15 văn phòng trước thông quan. Các đơn vị này hỗ trợ đắc lực trong hoạt động phổ biến chính sách và thủ tục trong phạm vi quản lý của mình; đồng thời hỗ trợ việc quản lý nguồn lực, cơ hội công bằng cho cán bộ, lao động và các vấn đề về quản lý con người khác.

1.4. Tổ chức bộ máy hải quan Nhật Bản

Cơ quan đầu não của Hải quan Nhật Bản là Tổng cục Hải quan và Thuế quan, thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản. Tổng cục Hải quan và Thuế quan Nhật Bản được tách ra khỏi Cục Hải quan thuộc Tổng cục Thuế từ năm 1961.

Từ năm 1967, Hải quan Nhật Bản đã có quá trình thay đổi cơ bản về tổ chức lần đầu khi áp dụng hệ thống tự tính thuế.[1]

Năm 1992, Hải quan Nhật Bản đã thay đổi cơ bản về tổ chức lần thứ hai. Hiện tại, Tổng cục Hải quan và Thuế quan Nhật Bản do 1 Tổng cục trưởng đứng đầu, có 2 Phó Tổng cục trưởng. Trong Tổng cục Hải quan và Thuế quan có 6 vụ cục và 4 phòng ban trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau (gồm: Phòng Quản lý thông tin; Phòng Thanh tra; Phòng nghiên cứu hải quan và Phòng Hợp tác kinh tế) và 2 tổ tư vấn. Thủ trưởng của các vụ, cục, phòng ban và nhóm này xử lý các vấn đề có liên quan tới công tác quản lý hải quan và chính sách thuế hải quan. Tổng cục có 173 cán bộ công chức (tính đến năm tài khóa 2005). Trên toàn quốc, Hải quan Nhật Bản được tổ chức theo mô hình Hải quan Vùng. Toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản được chia thành 9 vùng, bao gồm: Hakodate, Tokio, Yokohama, Nagoya, Osaka, Kobe, Moji, Nagasaki và Okinawa. Trừ Hải quan vùng Okinawa, mỗi Cục Hải quan Vùng thường có 4 phòng nghiệm vụ, gồm phòng Điều phối, phòng Kiểm soát, phòng Thông quan và phòng Kiểm soát sau thông quan.

Các Cục Hải quan, các Chi cục và Trạm kiểm soát được thành lập tại những địa điểm nhất định để có thể thực hiện công tác quản lý hải quan trong phạm vi Vùng. Tính đến tháng 7/2006, trên toàn Nhật Bản có 68 Cục Hải quan. Một số Cục Hải quan tiếp tục được phân cấp thành các Chi cục Hải quan ở những khu vực mà nhu cầu công việc tương đối lớn. Hiện nay, thẩm quyền của Cục trưởng và Chi cục trưởng là tương đương nhau. Điều này tạo ra sự thuận tiện và hiệu quả cho các dịch vụ hải quan.

Tính đến tháng 7/2006, Hải quan Nhật Bản có 43 Chi cục thuộc Hải quan Vùng và 84 Chi cục thuộc các Cục Hải quan trong Hải quan Vùng.

Đối với các Trạm Kiểm soát cũng vậy, có các Trạm Kiểm soát thuộc Hải quan Vùng và các Trạm Kiểm soát thuộc Cục Hải quan trong Hải quan Vùng. Nhiệm vụ chính của các Trạm Kiểm soát là kiểm tra, giám sát tàu thuyền ra vào lãnh thổ Nhật Bản, giao và/hoặc nhận hàng, xếp dỡ hàng hóa tại các cửa khẩu nằm trong các khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của Hải quan Vùng.

1.5. Tổ chức bộ máy hải quan Trung Quốc [2]

Hải quan Trung Quốc được tổ chức theo cơ cấu quản lý ngành dọc và phân thành 3 cấp. Tổng cục Hải quan là cơ quan hải quan cấp cao nhất. Cấp trung gồm các Cục hải quan tại Bắc Kinh, Quảng Đông, Thiên Tân và Thương Hải, 41 cơ quan Hải quan Vùng và hai Viện Đào tạo Hải quan.

Ở cấp thấp nhất, cấp thứ ba, có 562 chi cục Hải quan trực thuộc 41 cơ quan Hải quan Vùng nói trên. Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc cũng đặt các văn phòng và cửa cán bộ công tác ở nước ngoài (tại Bỉ, Matxcova, Washington và Hồng Kông (Trung Quốc).

Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu não của Hải quan Trung Quốc. Đây là cơ quan quản lý cấp bộ, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên Ủy ban Nhà nước của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tổng cục Hải quan quản lý tất cả các cơ quan Hải quan Vùng trên toàn quốc. hải quan Vùng báo cáo lên Tổng cục Hải quan chứ không báo cáo các hoạt động của mình lên chính quyền địa phương.

Đến năm 2015, Tổng cục Hải quan Trung Quốc có biên chế gồm 1 Tổng cục trưởng, 6 Phó Tổng cục trưởng và 33 đơn vị vụ, cục, viện văn phòng, trường trực thuộc. Biên chế của Hải quan Trung Quốc trên 55.000 người.

1.6. Tổ chức bộ máy hải quan của một số quốc gia Đông Nam Á

1.6.1. Tổ chức bộ máy hải quan Thái Lan

- Hải quan Thái Lan được tổ chức thành 3 nhóm như sau: Nhóm 1, chịu trách nhiệm hỗ trợ chung và thực hiện một số công việc phục vụ cho hoạt động của Tổng cục Hải quan. Nhóm 2, chịu trách nhiệm về công tác đối ngoại, lập kế hoạch và đánh giá hiệu quả hoạt động, thủ tục hải quan, xác định trị giá, phát triển công nghệ thông tin, áp thuế và các chính sách về hải quan. Nhóm 3, chịu trách nhiệm về thủ tục thông quan, thu thuế, kiểm hóa, thúc đẩy xuất khẩu, điều tra và xử lý tội phạm hải quan ở Băng Cốc và các khu Hải quan Vùng.

- Để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các vùng phù hợp với các chính sách Hải quan Thái Lan đề ra, Thái Lan chia thành 4 vùng, mỗi vùng do một cục hải quan vùng quản lý. Đứng đầu mỗi vùng là một Giám đốc Hải quan vùng.

Các hoạt động trong mỗi vùng được phân chia như sau: Cục Hải quan vùng I tại Băng Cốc, chịu trách nhiệm quản lý vùng trung tâm Thái Lan. Trong vùng này có 12 Chi cục Hải quan; Cục Hải quan vùng II tại tỉnh Noọng Khai, chịu trách nhiệm quản lý vùng Đông Bắc Thái Lan. Vùng này có 9 Chi cục Hải quan; Cục Hải quan vùng III tại tỉnh Chiềng Mai, chịu trách nhiệm quản lý vùng Bắc Thái Lan. Vùng này có 9 Chi cục Hải quan; Cục Hải quan vùng IV tại tỉnh Songkhla, chịu trách nhiệm quản lý vùng Nam Thái Lan. Vùng này có 16 Chi cục Hải quan.

1.6.2. Tổ chức bộ máy hải quan Malaysia

Hải quan Malaysia cũng tổ chức theo mô hình Hải quan Vùng, theo đó có 16 Hải quan Vùng. Hải quan vùng là cơ quan cấp dưới trực tiếp của Tổng cục Hải quan.

Về tổ chức, ở cấp Trung ương, Hải quan Malaysia có 3 nhóm hoạt động chính, cụ thể là: Quản lý (gồm hành chính, phân loại hàng hóa, thuế); Nghiệp vụ (gồm kỹ thuật nghiệp vụ, trị giá, kiểm tra sau thông quan); và Kiểm soát (gồm thuế nội địa và thu thuế).

Ở cấp Vùng, cơ quan hải quan cũng được tổ chức thành các nhóm tương tự để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Mối liên hệ công tác giữa Hải quan Vùng và Tổng cục Hải quan là mối liên hệ theo ngành dọc.

1.6.3. Tổ chức bộ máy hải quan Indonesia

Tính đến tháng 12/2005, Hải quan Indonesia được chia thành 13 Hải quan Vùng theo 3 loại khác nhau: Loại A đặc biệt, có 1 vùng; Loại A, có 5 vùng; Loại B, có 7 vùng.  

Trực thuộc cơ quan Hải quan vùng là 112 Chi cục Hải quan. Các Chi cục Hải quan được phân thành 4 loại: loại A đặc biệt (gồm 5 chi cục), loại A (gồm 33 chi cục), loại B (gồm 21 chi cục) và loại C (gồm 53 chi cục).

1.6.4. Tổ chức bộ máy hải quan Philippine

Nhiệm vụ chủ yếu của các Hải quan Vùng là thu thuế và các loại phí nộp vào ngân sách nhà nước; thực thi quyền kiểm soát; giám sát và thông quan cho tàu bè tham gia vào hoạt động thương mại; kiểm tra và giám sát xử lý các vấn đề liên quan đến luồng lưu chuyển thư tín nước ngoài; và giám sát toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu và các trạm vận tải. Về cơ cấu tố chức, Tổng cục Hải quan Philippines do một Tổng cục trưởng đứng đầu. Giúp việc cho Tổng cục trưởng là 5 Phó Tổng cục trưởng và 14 Cục trưởng Hải quan Vùng.

1.6.5. Tổ chức bộ máy hải quan Bruney

Cơ quan hải quan Hoàng gia và thuế trước đây được gọi là cơ quan Bea được thành lập vào tháng 4 năm 1906. Tổng cục Hải quan và thuế (RCED). RCED trực thuộc Bộ Tài chính từ năm 1984. Việc thành lập Tổng cục Hải quan là kết quả của sự ra đời quy chế Hải quan về hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu cho các mục đích chi phí về hành chính dưới sự kiểm soát thuộc thẩm quyền của người Anh.

Năm 1915, Tổng cục Hải quan sát nhập với Bộ Tài chính.

Sau khi Brunei hoàn toàn độc lập năm 1984, với sự cam kết trong Tổ chức Hải quan Thế giới, cũng như trong ASEAN, APEC, ASEM, WCO và BIMP-EAGA, Tổng cục Hải quan đã trải qua nhiều thay đổi và cải cách để phù hợp với sự phát triển của quốc gia cũng như tình hình phát triển kinh tế thế giới.

1.6.6. Tổ chức bộ máy hải quan Campuchia

Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Campuchia được thành lập theo Nghị định 661 ngày 29/6/1959 của Chính phủ Hoàng gia. Hoạt động của Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Campuchia bị gián đoạn trong thời kỳ Khme đỏ và được tiếp tục vào 13/8/1979 và được chuyển về Bộ Kinh tế và Tài chính năm 1988. Hải quan Campuchia đã trở thành thành viên của 115 của Tổ chức Hải quan thế giới năm 2001.

Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Campuchia do Tổng cục trưởng, thành viên Chính phủ Hoàng gia phụ trách Hải quan lãnh đạo và có 5 Phó Tổng cục trưởng. Năm 2005, có 13 Cục Vụ trung ương, 4 Cục HQ địa phương, 19 chi nhánh tại các địa phương với tổng cộng 66 điểm kiểm tra.

II. Bài học cho Hải quan Việt Nam về tổ chức bộ máy ngành trong bối cảnh mới

1. Những căn cứ điều chỉnh và hoàn thiện tổ chức bộ máy ngành Hải quan quốc gia

Qua nghiên cứu kinh nghiệm về tổ chức bộ máy của một số quốc gia có nền kinh tế và lĩnh vực hải quan phát triển ở trình độ cao và hiện đại, cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia này có thể chế chính trị và tổ chức bộ máy khác nhau, đa dạng, cũng như lịch sử và bối cảnh phát triển khác nhau, có thể rút ra một số nhận xét về quá trình phát triển và căn cứ chuyển đổi, hoàn thiện tổ chức bộ máy hải quan như sau:

- Ngành hải quan đều được xác định có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia từ rất sớm, đặc biệt trong bối cảnh của tiến trình hội nhập quốc tế;

- Từ chức năng, nhiệm vụ của hải quan, xác định sứ mệnh, tầm nhìn và tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của quốc gia;

- Với các quốc gia, tổ chức bộ máy hải quan được chú trọng theo vùng lãnh thổ, gắn với đặc trưng và nhu cầu phát triển của Vùng, địa phương;

- Tổ chức bộ máy hải quan chủ yếu được tổ chức tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương (có tính đến đặc thù vùng, miền). Bên cạnh đó, ở một số quốc gia tạo ra cơ chế độc lập tự chủ có điều kiện cho đơn vị hải quan cấp dưới hoặc tại các chi cục tại địa phương;

- Mặc dù tổ chức bộ máy hải quan mang tính ổn định và độc lập tương đối, nhưng khi có những biến động lớn về thể chế chính trị, ngoại giao, các rủi ro hoặc khủng hoảng do chiến tranh, khủng bố, thiên tai… tổ chức bộ máy hải quan ở một số quốc gia được điều chỉnh, tái cơ cấu, hoàn thiện để thích ứng với tình hình và bối cảnh mới;

- Hải quan ở các quốc gia đều tiên phong trong ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, cũng như chuyển đổi số để một mặt hiện đại hóa ngành/ lĩnh vực hải quan. Mặt khác, để phù hợp với xu hướng thời đại nhằm nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đối với hải quan trong bối cảnh mới;

- Trong quá trình hiện đại hoá hải quan, luôn chú trọng đến phát triển nhân lực trong lĩnh vực này;

- Tham gia vào các tổ chức quốc tế và thực thi các cam kết quốc tế, khu vực về  hải quan, thương mại và đầu tư, đặt ra yêu cầu và điều kiện cho điều chỉnh và hoàn thiện tổ chức bộ máy hải quan của quốc gia.

2. Bài học kinh nghiệm rút ra về tổ chức bộ máy Hải quan Việt Nam

- Hầu hết Hải quan các quốc gia tổ chức theo mô hình 3 cấp. Trừ Hải quan Pháp thực hiện mô hình 4 cấp từ ngày 01/01/2006. Mô hình 4 cấp này thực chất là chuyển 2 nhiệm vụ, đó là quản lý nguồn nhân lực và quản lý tài chính của một số Hải quan Vùng tập trung vào một Hải quan liên Vùng.

- Tất cả tổ chức Hải quan của các nước trên thế giới đều tổ chức theo ngành dọc, theo hướng tập trung, giảm bớt tối đa cấp trung gian giữa Chi cục Hải quan và Tổng cục Hải quan. Cấp trung gian này quản lý một vùng địa lý liên tục thuộc lãnh thổ của đất nước (gọi tắt là Vùng). Ranh giới quản lý của Hải quan Vùng này tiếp giáp với ranh giới quản lý của Hải quan Vùng khác là ranh giới theo phân chia địa giới hành chính nhưng không hoàn toàn là ranh giới cấp tỉnh.

Mô hình Hải quan Vùng khá phổ biến trong cơ cấu bộ máy tổ chức ở một số quốc gia. Theo kinh nghiệm của Pháp, Hàn Quốc, quá trình tái cơ cấu tổ chức ngành Hải quan, cơ sở để xác định Hải quan Vùng là: Vị trí địa lý hành chính; Khả năng đảm bảo thực thi nhiệm vụ được giao thuận lợi nhất.

Việc tổ chức Hải quan Vùng căn cứ vào các yếu tố chủ yếu sau: Khối lượng công việc; Vị trí địa lý và Lịch sử để lại.

3 yếu tố cơ bản nêu ra trên đây khi xem xét thành lập Hải quan Vùng  trên thực tế rất động vì yếu tố lịch sử, địa lý không có sự tương đồng (hoặc quy ra một đại lượng so sánh chung). Do vậy, yêu cầu đặt ra là vận dụng linh hoạt các yếu tố khi xem xét, cơ cấu lại hệ thống tổ chức. Cụ thể là:

+ Khối lượng công việc: Khối lượng công việc luôn luôn là một yếu tố quan trọng để xem xét thành lập một đơn vị Hải quan cấp trung gian. Khối lượng công việc trước hết được xác định bằng số lượng Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu. Dù giá trị của một tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu rất khác nhau nhưng quy trình thì lại tương tự nhau. Tất nhiên, tiếp sau đó là xem xét đến tổng trị giá của hàng hóa xuất nhập khẩu, số thuế phải thu vì những yếu tố này phản ánh sự phức tạp của công việc kiểm tra, giám sát.

+ Vị trí địa lý: Trong sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, yếu tố địa lý cũng đóng một vị trí quan trọng. Trong mọi hoạt động kinh tế, trước hết cần xem xét đến hiệu quả như một yêu cầu tự nhiên. Tuy yêu cầu quản lý xã hội luôn cố gắng tìm cách phát triển các ưu thế của từng vùng nhưng vẫn có sự phát triển không đồng đều. Điều này ảnh hưởng tới việc bố trí lực lượng Hải quan.

Cụ thể là khoảng cách từ Trụ sở Hải quan Vùng và địa bàn kinh tế kém phát triển đến các Chi cục Hải quan dài hơn rất nhiều so với địa bàn kinh tế phát triển. Đã vậy, các phương tiện kỹ thuật hiện đại (thông tin và truyền thông...) và những vùng kinh tế phát triển kém còn rất thiếu thốn, cần có thời gian và đầu tư phát triển thích hợp của Nhà nước mới có thể giải quyết được.

+ Tính lịch sử: Cơ cấu lại tổ chức luôn phải triệt để dựa vào những điều kiện có sẵn. Việc này có ý nghĩa:  Đảm bảo mọi hoạt động không bị đảo lộn khi tiến hành cơ cấu lại; tiết kiệm nguồn lực đầu tư; giảm thiểu tác động tâm lý đến các công chức đang làm việc trong bộ máy đến mức thấp nhất.

Yêu cầu đặt ra là vận dụng linh hoạt các yếu tố khi xem xét, cơ cấu lại hệ thống tổ chức.

- Tinh giản biên chế là chủ trương chung, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Nhật Bản, bối cảnh mới sẽ đòi hỏi hình thành các đơn vị mới trong bộ máy tổ chức Hải quan.

Mặc dù với chủ trương hạn chế tăng biên chế, nhưng Hải quan Nhật Bản vẫn hình thành một số đơn vị mới như các đơn vị chuyên trách về công tác thu thập, xử lý thông tin, đơn vị xử lý về quản lý rủi ro, về hệ thống tiêu chí, lực lượng theo dõi đánh giá phân loại doanh nghiệp.

Chính nhờ việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nêu trên đã tạo ra sự kết nối xuyên suốt, liên tục toàn bộ hệ thống quản lý hải quan, kế thừa các kết quả xử lý trước đó, nên có thể xử lý và chỉ đạo xử lý mọi hoạt động hải quan trong toàn quốc một cách thống nhất, kịp thời, nhất quán,…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hải quan ASEAN (2021), tài liệu “Background - ASEAN Customs knowledge-based service”, website http://kbscustoms.asean.org/about/.

2. Hải quan Trung Quốc (2019), “Documents on Customs procedures of China Customs” - Tài liệu về thủ tục hải quan của Hải quan Trung Quốc.

3. Edward V. Bayron (2019), tài liệu “U.S. Customs & Border Protection” (US CBP) (Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ), do Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ phát hành.

4. Hải quan Nhật Bản (2015), “Overview of Japan Customs Administration” (Tổng quan về hệ thống Hải quan Nhật Bản).

5. Hải quan Pháp (2021), tài liệu “Bộ máy tổ chức của Hải quan Pháp - Organisation des services de la douane française”, website https://www.douane.gouv.fr/. 

 

Tài liệu trích dẫn:


[1] Theo tài liệu của Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan (2015).

[2] Theo tài liệu của Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan (2015).

 

Experience in organizing the customs sector apparatus

of some countries and implications for Vietnam Customs

Master. Nguyen Tra My

Sunderland University

Abstract:

The customs sector plays an important role in the economy of each country, especially for Vietnam, which has many border gates and global integration orientations. One of the methods of organizing organizational structure management is to learn from previous organizations and countries and draw appropriate lessons. This paper presented an overview of the experience in organizing the customs sector in some countries, such as France, England, the United States, Japan, China, and some Southeast Asian countries, and pointed out useful lessons, contributing to the process of strengthening the organizational structure of Vietnam Customs in the coming period.

Keywords: organizational structure, the Customs sector, experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô

Bài báo nghiên cứu "Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô" do Phan Văn Nhựt (Khoa Công nghệ Động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư

Đề tài Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư do TS. Nguyễn Trung Trực ( Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện.

Xem chi tiết
Ảnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.)

Ảnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.) do ThS. Võ Văn Sim - Lê Thị Thanh Ngân - Võ Gia Huy - ThS. Bùi Thu Hà - ThS. Hồ Tấn Thành - ThS. Trần Nguyễn An Sa*(Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do ThS. Nguyễn Thị Bích Mai (Giảng viên, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện

Xem chi tiết
Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm

Bài báo nghiên cứu "Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm" do Đặng Lê Thanh Liên - Nguyễn Thị Lan Thương (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3