TÓM TẮT:
Nhằm đảm bảo tính dân chủ đồng thời ban hành được những văn bản có tính khả thi cao, Nhà nước yêu cầu hoạt động lấy ý kiến phải được bắt buộc thực hiện trong quy trình xây dựng luật. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay, việc chuyển đổi số (CĐS) đã giúp hoạt động lấy ý kiến trong xây dựng luật được tiến hành thuận lợi hơn, nhưng cũng gặp không ít thách thức. Bài viết sẽ khái quát về hoạt động này, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong bối cảnh CĐS hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Từ khóa: lấy ý kiến, xây dựng luật, chuyển đổi số, thách thức.
Hoạt động lấy ý kiến trong xây dựng luật là hành động có chủ đích của Nhà nước nhằm thông báo, hỏi và lắng nghe, thảo luận với những người chịu ảnh hưởng bởi một dự án luật nào đó hoặc với những người có liên quan, có quan tâm đến dự án luật sắp được ban hành. Việc lấy ý kiến này giúp người hoạch định chính sách có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan duy ý chí áp đặt từ một phía. Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức tuyên truyền tích cực, chủ động, để người dân nghiên cứu thảo luận tiếp cận trước một bước với luật, tạo điều kiện thuận lợi để luật đi vào cuộc sống khi được ban hành.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể chia đối tượng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật thành các nhóm sau:
Thứ nhất, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dựng văn bản đó sau khi được ban hành (theo khoản 2 Điều 3 của Luật). Nhóm đối tượng này vừa là chủ thể quyền lực Nhà nước, có quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước, vừa là chủ thể của các quan hệ pháp luật, chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Nội dung các văn bản luật có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của nhóm đối tượng này. Họ cũng được đảm bảo quyền tham gia, góp ý để xây dựng luật, theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, các tổ chức xã hội, gồm các tổ chức có tính phi nhà nước do dân lập ra và tự quản, để “quản lý nhà nước và quản lý xã hội trong nền kinh tế thị trường không những không đối lập, loại trừ nhau mà tương tác, hỗ trợ và tùy thuộc lẫn nhau”. Khi tham gia vào các quan hệ xã hội, các tổ chức này cũng cần thiết có người đại diện quyền lợi chính đáng cho mình, đồng thời cũng phát huy tính dân chủ hóa, xã hội hóa, là điều kiện tất yếu khách quan đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của văn bản được ban hành.
Thứ ba, các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về vấn đề mà văn bản điều chỉnh. Các chuyên gia và nhà khoa học là những người có trình độ học vấn nhất định thuộc nhiều ngành nghề và lĩnh vực hoạt động khác nhau trong đời sống xã hội, đã và đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, công tác quản lý và các hoạt động khoa học hoặc các hoạt động khoa học ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Ý kiến của họ sẽ cung cấp cho các chủ thể xây dựng Luật những kiến thức chi tiết và thực tiễn hơn về những vấn đề đang cần pháp luật điều chỉnh, để từ đó cân nhắc, lựa chọn những phương pháp điều chỉnh hợp lý nhất.
Thứ tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến vấn đề văn bản điều chỉnh hay liên quan đến việc tổ chức thực hiện văn bản, có kinh nghiệm và thông tin thực tiễn về vấn đề thuộc nội dung văn bản điều chỉnh, nên thuận lợi trong việc xác định sự phù hợp của quy định với yêu cầu quản lý.
Việc lấy ý kiến của các đối tượng trong quá trình xây dựng luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, hình thức trực tiếp: người dân có thể trực tiếp kiến nghị xây dựng luật thông qua đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp ý xây dựng các chính sách, các dự án luật, phản biện các chính sách, các dự án luật, biểu thị ý kiến, quan điểm đồng ý hay không thông qua trưng cầu dân ý. Hình thức này sẽ mang lại hiệu quả cao, các ý kiến đóng góp cũng chất lượng hơn, khi người đóng góp ý kiến dễ dàng truyền đạt, chứng minh, phân tích ý kiến của mình, còn các nhà làm luật trực tiếp giải thích cho người dân hiểu cặn kẽ hơn về tinh thần, nội dung của dự án, dự thảo luật.
Thứ hai, tiếp nhận thư góp ý: Các nội dung cần lấy ý kiến sẽ được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiếp cận, góp ý qua thư; hoặc các dự án, dự thảo được gửi trực tiếp đến một số cá nhân, tổ chức để đề nghị các cá nhân, tổ chức này tham gia góp ý vào các dự án, dự thảo. Việc áp dụng hình thức này tuy thiếu đi sự tương tác giữa đối tượng lấy ý kiến và chủ thể lấy ý kiến, nhưng cũng có những ưu điểm nhất định như có thời gian cho những đối tượng được lấy ý kiến nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung cần góp ý…
Thứ ba, tổ chức hội thảo: Hội thảo là nơi các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… trao đổi thảo luận, đưa ra những ý kiến đối với dự thảo, những ý kiến có tính chất chuyên sâu về lĩnh vực mà VBQPPL đề cập đến, từ đó đưa ra giải pháp có tính hoàn thiện đối với những nội dung mà dự thảo còn thiếu hoặc quy định chưa đầy đủ. Lượng thông tin truyền đạt và tương tác giữa các bên tham gia cũng nhanh chóng, đầy đủ, cụ thể, dễ nắm bắt, đa dạng và có chất lượng cao hơn, vì đối tượng tham gia có am hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó.
Thứ tư, lấy ý kiến thông qua trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng. Mạng Internet phổ biến hiện nay giúp nhiều cơ quan có thể đăng tải dự thảo văn bản luật lên website của mình, thậm chí thiết lập “chuyên mục lấy ý kiến nhân dân” để tạo điều kiện thuận lợi cho văn bản đó được người dân dễ dàng tiếp cận, đóng góp ý kiến vào bất kỳ thời điểm nào phù hợp.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, CĐS sẽ góp phần rút ngắn thời gian khi thực hiện hoạt động lấy ý kiến trong xây dựng luật. Vào ngày 20/6/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã ra mắt Chuyên trang “Xây dựng chính sách, pháp luật” tại địa chỉ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, gồm các mục về chính sách mới, tham vấn chính sách, toạ đàm về chính sách, chính sách và cuộc sống, lấy ý kiến nhân dân, hướng dẫn thực hiện chính sách Media và tuyên truyền về toàn bộ vòng đời của chính sách, pháp luật. Qua đó, các đối tượng chịu tác động, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn… sẽ được tiếp cận kịp thời, toàn diện, tổng thể về các chủ trương, chính sách; được tham gia vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, phản ánh về các khó khăn, vướng mắc khi thực thi chính sách trong thực tiễn, gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng xem xét, trả lời và tiếp thu theo quy định. Người dân, doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất tiếp cận đầy đủ với các hồ sơ đề nghị xây dựng luật, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, thực thi chính sách.
Từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV cho tới nay, Quốc hội đã đẩy mạnh việc đưa ứng dụng, cung cấp thông tin về đề nghị xây dựng luật cho đại biểu thông qua các thiết bị di động. Đây là một giải pháp vừa tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội như giảm việc in ấn cũng như vận chuyển tài liệu. Mặc dù vậy, thể chế và quy định pháp luật cho CĐS ở Việt Nam đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng cho việc CĐS. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu CĐS. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành. Nguyên nhân của sự chưa hoàn thiện này đến từ việc các hoạt động nghiên cứu khoa học để ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các mục tiêu CĐS của Bộ, ngành Tư pháp chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, các cơ quan đơn vị cũng chưa thực hiện CĐS tích cực như kỳ vọng.
Thứ nhất, khó khăn về chủ thể, đối tượng. Nhiều cơ quan nhà nước là đối tượng lấy ý kiến chỉ tích cực tham gia đối với văn bản nào liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, còn đối với các văn bản khác thì chỉ trả lời “đồng ý” hoặc “không có ý kiến”. Hoạt động này hiện nay được thực hiện có phần dập khuôn máy móc, nhân dân chỉ tham gia ý kiến khi các cơ quan chủ trì lấy ý kiến tổ chức lấy ý kiến mà không có cơ chế nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhân dân chủ động góp ý trong tất cả các giai đoạn của quá trình xây dựng, ban hành Luật đáp ứng yêu chầu CĐS nói riêng và văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Dù là quyền nhưng khi muốn người dân cũng không biết phải góp ý với ai, theo cách thức nào... Như vậy, người dân vẫn còn đang bị động trong hoạt động lấy ý kiến, thậm chí là thiếu tích cực do chưa hình thành thói quen tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phó mặc và coi đó là việc của Nhà nước, mà chỉ quan tâm tới những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Thứ hai, về nội dung lấy ý kiến. Hoạt động lấy ý kiến thường mất thời gian và chi phí, tuy nhiên trong các nội dung xây dựng luật đáp ứng yêu cầu CĐS, có thể có những nội dung không nhất thiết phải tiến hành lấy ý kiến. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các ban soạn thảo hiện nay vẫn gửi toàn văn dự thảo để lấy ý kiến công chúng, nếu có cũng chỉ nhấn mạnh một số nội dung như tính khả thi, kỹ thuật soạn thảo; một số nội dung lựa chọn chung chung, không phân biệt đối tượng lấy ý kiến. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng cần lấy ý kiến trong việc nhận diện những vấn đề cần góp ý. Có những dự án luật, nội dung mang tính chuyên môn cao, tài liệu giải thích có được gửi tới người dân nhưng nội dung thường dài và cách thể hiện khó hiểu.
Thứ ba, về hình thức lấy ý kiến. Lấy ý kiến trong xây dựng luật đáp ứng yêu cầu CĐS như hiện nay có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí có thể kết hợp linh hoạt nhiều hình thức để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách diễn đạt của pháp luật hiện hành thì các chủ thể chỉ có thể lựa chọn các hình thức tham vấn trong giới hạn mà luật quy định. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều hình thức tham vấn khác mang lại hiệu quả cao, sát với nội dung cần lấy ý kiến.
Ngoài ra, hình thức tham vấn thông qua website của các cơ quan nhà nước, dù được ưu tiên sử dụng nhưng hiệu quả chưa thực sự cao, chưa thu hút được sự chú ý cũng như quan tâm của các đối tượng cần lấy ý kiến. Có những dự thảo luật được đăng tải theo quy định, nhưng khi kiểm tra ý kiến góp ý thì hầu như không có, số lượng truy cập vào xem cũng cực thấp; đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản thống nhất. Trong khi đó, hình thức đối thoại trực tiếp lại chưa được các tỉnh, thành phố áp dụng nhiều, dù đây là một trong những hình thức lấy ý kiến có thể thu được kết quả mang tính xây dựng cao.
Những khó khăn, thách thức nêu trên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân cụ thể như: Nhận thức về việc lấy ý kiến trong xây dựng luật đáp ứng yêu cầu CĐS chưa được chú trọng thay đổi, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của chính các đối tượng liên quan trực tiếp; Nguồn nhân lực vừa thiếu về nhân số, vừa yếu về chuyên môn liên quan tới CĐS; Việc ứng dụng CĐS trong hoạt động lấy ý kiến xây dựng luật vẫn gặp khó khăn về kỹ thuật, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin chưa tương xứng, chưa tạo thành kho dữ liệu chung và đồng bộ.
Một là, quy định cụ thể về số hóa hồ sơ đề nghị xây dựng luật, về trách nhiệm phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước xây dựng luật, tạo lập dữ liệu mở về hệ thống văn bản luật để các đối tượng lấy ý kiến dễ dàng truy cập, sử dụng. Nhà làm luật có thể đặt ra yêu cầu về việc chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ đề nghị xây dựng luật, dự án luật trên môi trường mạng, các biểu mẫu, chế độ báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành luật; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, dự án luật trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số như “dữ liệu lớn”, “trí tuệ nhân tạo”.
Hai là, yêu cầu công khai, minh bạch việc tiếp thu, phản hồi các ý kiến xây dựng luật từ đối tượng đóng góp, để có căn cứ rõ ràng, có số liệu so sánh tỷ lệ tiếp thu và phản hồi ý kiến, từ đó đánh giá được kết quả của hoạt động này có đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay hay không.
Ba là, bổ sung thêm những quy định về biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về lấy ý kiến trong xây dựng luật hiện nay nếu có trường hợp thi hành không đảm bảo, mang tính hình hức và đối phó, để đảm bảo hoạt động này được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, đạt kết quả tốt nhất.
Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng luật thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS, hoặc tổ chức các hội thảo, hội nghị để trao đổi về công tác chuyên môn. Đồng thời, tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến hoạt động xây dựng luật.
Năm là, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các đối tượng lấy ý kiến trong xây dựng luật về công tác CĐS hiện nay, thông qua các cách thức khác nhau, chẳng hạn như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vai trò của viễn thông, công nghệ thông tin và các công nghệ số mới nổi trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội và từng bước thay đổi thói quen của người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính công.
Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số khi tiến hành lấy ý kiến. Có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng công nghệ, thủ tục hành chính,… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới dựa trên CĐS phục vụ hoạt động lấy ý kiến trong xây dựng luật. Nguồn lực cho việc thực hiện CĐS có thể vừa là ngân sách nhà nước, vừa là huy động nguồn lực xã hội. Việc phát triển ứng dụng số, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu điện tử áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0 như cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phân tích, thu thập dữ liệu… đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng phục vụ công tác xây dựng luật trên cơ sở nâng cấp, đồng bộ các hệ thống số và các tiện ích số sẵn có trong các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ như hệ thống văn bản điện tử, trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật…, tránh việc đầu tư CĐS dàn trải, trùng lặp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Challenges facing the collection of feedback and the consultation in the law-making process in the digital transformation context
Master. Nguyen Hoai Anh
Faculty of Administrative and Constitutional Law, Hanoi Law University
Abstract:
In order to ensure democracy and issue highly feasible documents, the Government of Vietnam requires that it is compulsory to do consultation activities and collect feedback in the law-making process. In the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), the digital transformation has helped the consultation process in the law-making process to be conducted more smoothly. However, it is still facing many challenges. This paper presents an overview of the consultation in the law-making process, assesses the advantages and disadvantages facing this activity in the current digital transformation context, and proposes some solutions to overcome these challenges.
Keywords: consultation, law-making, digital transformation, challenges.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết