Luật thuế Giá trị gia tăng và một số ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng


Đề tài Luật thuế Giá trị gia tăng và một số ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng do PGS.TS. Dương Đức Chính (Trường Đại học Phenikaa) thực hiện

TÓM TẮT:

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu đóng vai trò quan trọng để tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà đối tượng chịu thuế là mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội có sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến 3 vấn đề, đó là (1) Thuế GTGT và vai trò của thuế GTGT; (2) Một số bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành; (3) Một số ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTG năm 2024.   

Từ khoá: Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế giá trị gia tăng, dự thảo luật.

1. Đặt vấn đề:

Trên thực tế, thuế GTGT chỉ được tính phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng nên không gây ra những đột biến về giá cả với người tiêu dùng. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt thuế GTGT với các loại thuế gián thu khác. Thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Mặc dù thuế GTGT đã trải qua hơn 15 năm thực hiện và qua 03 lần sửa đổi, bổ sung. Song vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung để luật thuế thực sự đi vào cuộc sống, góp phần vào việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

2. Nội dung:

2.1. Thuế giá trị gia tăng và vai trò của thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, theo Điều 2, Luật thuế GTGT 2008.

Luật thuế GTGT hiện hành số 01/ VBHN-VPQH, ngày 28/4/2016 và Văn bản hợp nhất số 31/VBHN- BTC 2022 nghị định hướng dẫn Luật thuế GTGT; Nghị quyết 43/2022/QH15 giảm thuế GTGT còn 8%... đã quy định rõ đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ và phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT. Theo quy định của Luật thuế GTGT thì thuế GTGT là loại thuế gián thu, là một bộ phận cấu thành nên giá cả hàng hóa, dịch vụ và tính vào giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu. Tuy nhiên, người đóng thuế cho Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh. Vì thế thuế GTGT được gọi là thuế gián thu. Thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng có vai trò, như:

- Là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán, sử dụng hóa đơn. Đặc biệt, Luật thuế GTGT góp phần vào công tác quản lý của doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các DN một cách hiệu quả nhất.

- Điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

- Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đây là vai trò nổi bật của thuế GTGT và là một trong các sắc thuế phổ biến nhất góp phần quản lý và điều tiết kinh tế- xã hội, tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh thu nhập của DN cũng như người lao động.

- Góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, khuyến khích xuất - nhập khẩu, hư: Thuế GTGT của hàng nhập khẩu được khấu trừ khi đáp ứng các điều kiện sau: (Theo Điều 15, Thông tư 219/2013/TT-BTC: Có hóa đơn thuế GTGT hợp lệ; Trường hợp hóa đơn mua hàng nhập khẩu lớn hơn 20 triệu đồng cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; có chứng từ minh chứng hoạt động thanh toán chuyển tiền từ ngân hàng.

Đồng thời với việc khuyến khích các DN nhập khẩu hàng hóa thì luật thuế GTGT cũng góp phần khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, sắp xếp cơ cấu lại nền kinh tế. Theo quy định của Luật thuế GTGT, hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% tức là toàn bộ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào được hoàn lại. Việc hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thực chất là nhà nước trợ giá cho hàng hóa xuất khẩu nên đã giúp cho DN xuất khẩu tập trung được nguồn hàng trong nước để xuất khẩu. Đây chính là động lực giúp cho các DN xuất khẩu hàng hóa có điều kiện để cạnh tranh với hàng hóa trên thị trường quốc tế và cũng thông qua việc chấp hành công tác kế toán, hóa đơn chứng từ của các DN, qua việc kê khai thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế đã giúp cơ quan chức năng và cơ quan quản lý thuế từng bước nắm được tình hình kinh doanh của các DN. Thúc đẩy chế độ hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng.

Do yêu cầu của việc kê khai thuế GTGT, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tính đúng thu nhập của DN nên những người làm công tác quản lý kinh doanh đã bắt đầu trú trọng đến công tác mở sổ kế toán, ghi chép, quản lý và sử dụng hóa đơn chứng từ một cách đầy đủ. Đây là dấu hiệu tốt giúp các cơ quan quản lý thuế có đủ căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế của các DN với Nhà nước.

2.2. Những bất cập, hạn chế của Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành

Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 (dưới đây gọi chung là Luật thuế GTGT), Văn bản hợp nhất số 31/VBHN - BTC 2022 nghị định hướng dẫn Luật thuế GTGT, Nghị quyết 43/2022/QH15 giảm thuế GTGT còn 8%...

Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu của  ngân  sách nhà nước. Mặc dù vậy, Luật thuế GTGT hiện hành vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần phải được chỉnh sửa, bổ sung tiếp để Luật thuế GTGT phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu. Những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung như sau:           

- Số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hiện tại còn quá nhiều (26 nhóm), cần phải xem xét để giảm bớt số nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và không được khấu trừ thuế. Việc không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ làm tăng chi phí sản xuất của DN và làm tăng giá bán ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các DN trên thị trường quốc tế.  

  - Việc áp dụng nhiều mức thuế suất GTGT như hiện nay (0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa thật phù hợp. Trong đó, đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm), chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế của Việt nam (tiến tới thống nhất một mức thuế suất). Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa lại dựa vào mục đích sử dụng, nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

  - Cần nghiên cứu để điều chỉnh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế  GTGT sao cho phù hợp mức biến động của giá và phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước (Hiện tại Luật quy định  doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng/ năm  trở xuống).

- Việc quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, từ đó gây khó khăn, vướng mắc cho cả đối tượng nộp thuế và cơ quan quản lý thuế GTGT.

- Đối với các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định hoàn thuế GTGT cho hợp lý.

Với những hạn chế nêu trên, việc ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi) là cần thiết và mang tính thời sự cấp bách, đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, chống thất thu và nợ thuế, đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về thuế GTGT, từ  đó  khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới.  

 2.3. Một số ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành.

Như đã phân tích một số hạn chế của Luật thuế GTGT hiện hành ở trên. Để luật thuế GTGT đi vào cuộc sống và phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế GTGT hiện hành theo dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi sẽ được trình Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2024 và thông qua vào tháng 10/ 2024. Tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nội dung sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn và giải quyết nhiều vướng mắc như: phạm vi đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế. Đồng thời, dự thảo luật có nội dung đề xuất mang tính đột phá như bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu. Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung một số Điều Luật thuế GTGT sửa đổi, tác giả có một số ý kiến sau:

  • Việc giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành, gồm: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế GTGT (Điều 3); căn cứ tính thuế GTGT (Điều 6); phương pháp tính thuế GTGT (Điều 9) là hoàn toàn hợp lý và phù hợp chính sách cũng như xu thế phát triển của thế giới về thuế GTGT cũng như thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội của Việt nam.
  • Việc bỏ Điều 14 của Luật thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ là hoàn toàn hợp lý. Vì theo khoản a, điều 1 có quy định các cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nếu trên hóa đơn GTGT không ghi khoản thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định theo giá thanh toán của hóa đơn là không hợp lý. Theo nguyên tắc khi DN đã sử dụng hóa đơn GTGT thì giá ghi trên hóa đơn phải là giá bao gồm cả thuế GTGT. Do vậy, nếu Luật quy định như trên thì khoản thuế GTGT được tính theo giá bao gồm cả thuế GTGT là không phù hợp.
  • Tác giả đồng tình khi xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại các Điều của Luật thuế GTGT hiện hành, đó là: Người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Vì những Điều này chưa phù hợp với chính sách và thông lệ về thuế GTGT của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
  • Tác giả đồng tình với việc thay đổi thuế suất của một số loại hàng hóa, dịch vụ. Đây chính là điểm mới khá quan trọng của Luật thuế GTGT, những thay đổi này góp phần làm tăng khoản thu thuế GTGT cho ngân sách, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng, minh bạch đối với các DN, tổ chức kinh tế có sử dụng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, đó là:             

+ Từ không chịu thuế sang chịu thuế GTGT 5%, gồm: Phân bón (điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT); tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như: Máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa;… (Theo điểm g khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT).

+ Bỏ các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sau: Lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

+ Từ chịu thuế GTGT 5% sang 10%: Theo Điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT, các mặt hàng sau sẽ chuyển sang áp dụng thuế suất 10% thay vì áp dụng mức thuế suất 5% như quy định hiện hành, gồm: Lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.

  • Tác giả chưa thật đồng tình với quy định đối với các hóa đơn trên 5 triệu Việt Nam đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Với số tiền trên, 5 triệu đồng là quá nhỏ, chưa thật phù hợp cần phải tăng lên là: Từ 10 triệu đồng trở lên sẽ hợp lý hơn.
  • Dự thảo Luật Thuế GTGT yêu cầu hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị từ 05 triệu đồng trở lên (thay vì trên 20 triệu đồng như hiện nay) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo tác giả, cần điều chỉnh: Đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên (thay vì từ 20 triệu đồng như hiện nay) là phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung một số chứng từ, như: Phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa vào điều kiện khấu trừ GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế là hoàn toàn hợp lý để tạo sự minh bạch trong kê khai và khấu trừ thuế GTGT.
  • Nên bổ sung thêm quy định cho phép DN được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào bị sót vào kỳ phát hiện ra sai sót, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại nơi người nộp thuế (trừ trường hợp các DN bỏ sót kê khai thuế một cách có chủ ý). Quy định này sẽ giúp cho các DN thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán thuế dứt điểm với cơ quan quản lý thuế.
  • Tác giả hoàn toàn đồng tình với một số quy định mới về hoàn thuế GTGT, như:

+ Đối với các cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng sẽ được hoàn thuế.

+ Bỏ quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.

 + Quy định rõ về việc không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh để tránh vướng mắc trong thực hiện.

+ Bãi bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp DN chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi DN, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động.

3. Kết luận:

Thuế GTGT góp phần quan trọng nhằm ổn định nguồn thu của ngân sách Nhà nước, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý, đáp ứng nguồn tài chính cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, do tỷ lệ nợ công có xu hướng tăng cao nên sự ổn định, hiệu suất thu thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng của các cơ quan quản lý thuế càng hiệu quả sẽ càng góp phần quan trọng cho việc đảm bảo cân đối thu, chi của ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc chỉnh sửa, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT hiện hành là cần thiết trong công cuộc cải cách chính sách thuế của Việt Nam, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Quốc hội (1977), Luật số 57/1997/L-CTN ngày 10/5/1997 về thuế GTGT
  • Quốc hội (2013), Luật số 31/2013/QH13, ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng.
  • Quốc hội (2014), Luật số 71/2014/QH13,  ngày 26/11/2014sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12.sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế
  • Quốc hội (2016), Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế
  • Bộ Tài chính (2022), Văn bản hợp nhất số 31/VBHN- BTC 2022 nghị định hướng dẫn Luật thuế GTGT;
  • Quốc hội (2022), Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/ 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
  • Bộ Tài chính (2024), Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi.
  • Một số tài liệu liên quan khác đến thuế GTGT.

The Law on Value-Added Tax and some comments on the draft law on amendments and supplements to the Law on VAT 2024

Assoc.Prof. Duong Duc Chinh

Phenikaa University

Abstract:

Value-Added Tax (VAT) is an indirect tax, and it plays an important role in generating revenue for the state budget as taxable subjects are all organizations and individuals that use goods and services. This paper focused on three issues, including VAT and its role, some shortcomings of the current Law on VAT in Vietnam, and some comments on the draft law on amendments and supplements to the Law on VAT 2024.

Keywords: Value-Added Tax, the Law on Value-Added Tax, the draft law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3