Luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp


(CHG) Trong hành trình 66 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý thị trường đã không phụ sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, tin cậy của nhân dân.

Hành trình vươn lên của những chiến sĩ “màu áo xanh dương”
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội với hi vọng làm thay đổi cuộc sống của con người nhưng nó cũng hình thành nên những “cơn bão” của vấn nạn hàng giả, hàng nhái khi thương mại điện tử, kinh tế số đang là xu hướng. Điều này đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với lực lượng luôn âm thầm, ngày đêm giữ vững “sự bình ổn của thị trường”. Song không phải bây giờ những cống hiến thầm lặng, vai trò quan trọng của lực lượng ấy mới được nhắc tới.
Ngược dòng của lịch sử, những năm đầu khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cả dân tộc vừa bước ra cuộc kháng chiến trường chinh vĩ đại chống thực dân Pháp và bắt tay vào quá trình xây dựng, tái thiết đất nước, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành quy định thành lập một lực lượng nhằm bảo vệ sản xuất, bảo đảm thị trường ở miền Bắc, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những ngày đầu thành lập lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm sản xuất tại miền Bắc - ảnh minh họa

Hiện thực hóa chủ trương đó, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây chính là mốc son đầu tiên đánh dấu sự ra đời của lực lượng Quản lý thị trường hiện nay. Thời điểm này, Quản lý thị trường chưa có chức năng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh thương mại trên thị trường. Nhiệm vụ chủ yếu giữ ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân
Đến ngày 16/7/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 190/CP thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương thuộc Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn giải phóng, số người tham gia buôn bán tăng nhanh, xuất hiện tình trạng trốn thuế, đầu cơ, buôn lậu kinh doanh trái phép. Ngày 23/11/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 188/HĐBT về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường, trong đó khẳng định thiết lập trật tự mới xã hội chủ nghĩa trên thị trường là một nhiệm vụ cấp bách.
Ngày 2/10/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 249/HĐBT về tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Ban Chỉ đạo quản lý thị tường các tỉnh, thành phố, đặc khu và cấp huyện, quận, thị xã được thành lập. Từ đây, lực lượng thường trực chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường hình thành trên khắp các địa bàn cấp huyện trong cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), nền kinh tế tuy được cải thiện xong vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng buôn lậu, kinh doanh trái pháp luật. Trước tình hình đó, tháng 8/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quyết định thành lập Ban công tác Đặc nhiệm chống buôn lậu và Quản lý thị trường ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Ban công tác Đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Các Ban Công tác Đặc nhiệm này được tổ chức thành các Đội công tác Đặc nhiệm liên ngành hoạt động theo từng thời gian và trên một số địa bàn trọng điểm nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu.
Ngày 6/12/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 398/HĐBT hợp nhất Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương, Ban Công tác đặc nhiệm phía Bắc và phía Nam thành Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương với nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
Đến ngày 25/4/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP giao Bộ Thương mại có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo công tác QLTT cả nước, đồng thời chuyển giao bộ máy làm việc thuộc Ban Chỉ đạo QLTT Trung ương sang Bộ Thương mại. Ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Quản lý thị trường, trong đó xác định Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến huyện có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.
Đây là mốc quan trọng đánh dấu lực lượng Quản lý thị trường cả nước tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ngày 3/1/1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 12/NQ-TW về thương nghiệp, trong đó định hướng xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ hơn.

Hằng trăm tấn thuốc lá và rượu ngoại đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện

Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương, ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương (Ban Chỉ đạo 127-TW) do Bộ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng ban, Ủy viên là Thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cục Quản lý thị trường được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127-TW, các Chi cục Quản lý thị trường được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 địa phương.
Thời gian này lực lượng Quản lý thị trường luôn làm tốt công tác thường trực giúp việc, tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương và địa phương, tổ chức tốt sự phối hợp giữa các Bộ ngành, các lực lượng chức năng giữa Trung ương và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Ngày 8/3/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Đây là sự kiện pháp lý quan trọng của lực lượng. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung thống nhất, là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, về đo lường, về giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường luôn xuất hiện tại nhưng "điểm nóng" về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trong quá trình xây dựng và phát triển, trước những khó khăn mới được đặt ra, khi tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Hành vi vi phạm không chỉ ở địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng, thậm chí móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm. Nhận thấy những bất cập tồn tại, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Lực lượng chủ công trên lĩnh vực kiểm soát thị trường
Kể từ khi được thành lập cho đến này, dù trải qua nhiều thay đổi trong mô hình tổ chức, hoạt động song chưa khi nào, lực lượng Quản lý thị trường “dừng lại” trên “mặt trận không tiếng súng” đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Chỉ tính riêng từ năm 1995 đến 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 1.795.208 vụ vi phạm, trong đó 423.085 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 179.649 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 119.778 vụ vi phạm về giá, 1.072.696 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác, thu nộp ngân sách nhà nước trên 5.204 tỷ đồng, trong đó 2.982 tỷ đồng phạt hành chính, 2.078 tỷ đồng bán hàng tịch thu và gần 144 tỷ đồng truy thu thuế.
Nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã được Quản lý thị trường phát hiện và xử lý. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng.
Trong gần 4 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra gần 330.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 214.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.220 tỷ đồng. Tổng cục Quản lý thị trường, chuyển 536 vụ sang cơ quan điều tra, đã khởi tố 96 vụ vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm tại Trung tâm Thương mại Saigon Square

Riêng trong năm 2022, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã cho biết: Tổng cục đã có 2 dấu ấn đậm nét nhất. Thứ nhất, chất lượng các cuộc thanh kiểm tra ngày càng tốt, đặc biệt là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất. Cả năm 2022, toàn lực lượng đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm. Thứ hai, mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, năm 2022, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc.
Điển hình, thời gian gần đây, cuối năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành tại thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh...
Tính chung cả năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
Riêng trong quý I/2023, toàn ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra 13.053 vụ, xử lý 10.156 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 82,4 tỷ đồng. Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường đã làm nên những thành tích “chưa từng có”, khi đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm lớn, hoặc địa bàn đặc biệt mà trước đây chưa bao giờ đến. Trong đó phải kết đến việc xử lý tổng kho buôn lậu hàng hóa tại thành phố Lào Cai; kho hàng giả 13.726 sản phẩm nhãn hiệu nổi tiếng tại Nam Định; Kiểm tra, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm, chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, đồ gia dụng và rượu...

Lực lượng Quản lý thị trường trong màu áo xanh dương đã luôn có mặt tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra các cơ sở vi phạm

Đánh giá về những đóng góp những người lính “màu áo xanh dương” trên mặt trấn đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, kiểm soát thị trường, trong thư chúc mừng 66 năm Ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Thời gian qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; kinh tế thế giới phục hồi chậm, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; giá nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất biến động mạnh, tác động trực tiếp, đa chiều đến sự phát triển của nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nước ta. Trước tình hình đó, ngành Công Thương - dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Trong những thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực của lực lượng Quản lý thị trường, nhất là trên mặt trận phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực vượt bậc và sự đóng góp tích cực của lực lượng Quản lý thị trường cả nước với sự phát triển của ngành thời gian qua”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận.
Thời gian tới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Thị trường trong nước (nhất là thương mại điện tử) đang phát triển mạnh, kéo theo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng và tinh vi hơn, nhất là trên môi trường số, đặt ra thách thức lớn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính vì vậy, “tư lệnh” ngành Công Thương cũng nhấn mạnh rằng, lực lượng Quản lý thị trường cần nhận thức rõ và đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng phương pháp, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức công vụ để hướng tới xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Song người đứng đầu Bộ Công Thương cũng tin tưởng rằng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm và đoàn kết, kỷ cương, tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, cùng chung sức, đồng lòng; chủ động, sáng tạo; giữ đúng nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng tin cậy, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Được biết, ngoài gửi thư, lãnh đạo Bộ đã dành sự quan tâm tới lực lượng Quản lý thị trường, coi đây là “thanh gươm bảo kiếm” giúp cho nền kinh tế đất nước nói chung, nhất là hoạt động kinh tế thương mại. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Tổng cục Quản lý thị trường để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Điều này cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công Thương với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
Để không phụ lòng kỳ vọng của lãnh đạo Bộ, những năm qua, lực lượng Quản lý thị trường luôn xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía. Do đó, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phối hợp với lực lượng Công an tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bình Dương... triệt phá nhiều kho hàng lớn với nhiều sản phẩm hàng hóa các loại có khối lượng và giá trị vi phạm rất lớn. Đặc biệt, với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh, đến nay, hầu hết Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã ký quy chế với cấp ủy chính quyền, địa phương hoặc các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Năm 2023, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi; Tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; Siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị. Đặc biệt, hướng đến mục tiêu, cấp Đội là hạt nhân trong việc xây dựng người Quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.
Hiện thực hóa những mục tiêu trên, năm 2023, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, toàn ngành sẽ tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng trong năm mới. Ngoài ra, lực lượng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Nguồn: congthuong.vn

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3