Mô hình nông nghiệp sa mạc ở tỉnh Bình Thuận - Mô hình phát triển dựa trên khả năng biến thách thức thành cơ hội, lấy vượt khó làm động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo


TCCS - Bình Thuận là tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là quá trình sa mạc hóa gây nhiều khó khăn cho phát triển. Xuất phát từ yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả trong xây dựng mô hình nông nghiệp sa mạc, góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời gợi mở giải pháp mới cho các địa phương gặp khó khăn tương tự khi nghiên cứu và áp dụng.

Nhận dạng mô hình nông nghiệp sa mạc ở tỉnh Bình Thuận

Nông nghiệp sa mạc được hiểu là việc ứng dụng tri thức địa phương, tri thức mới và các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, là sự chuyển đổi cách thức sử dụng đất nông nghiệp, phương thức canh tác... cho những vùng đất vốn dĩ thiếu những yếu tố tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, như sa mạc hay những vùng đất khô cằn... nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Nông nghiệp sa mạc không phải là mô hình phát triển mới của thế giới. Quốc gia đầu tiên áp dụng hiệu quả mô hình nông nghiệp sa mạc là I-xra-en (đất nước với phần lớn diện tích là sa mạc và đồi núi đá trọc). Người I-xra-en làm nông nghiệp với 95% hàm lượng khoa học, công nghệ và chỉ 5% sức lao động thông thường trong một sản phẩm (chỉ với 2,5% (trong khoảng 9 triệu dân) làm nông nghiệp, nhưng hằng năm, I-xra-en xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD nông sản). Mô hình nông nghiệp sa mạc yêu cầu các quốc gia, địa phương nâng cao khả năng nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp nhằm khắc phục những thách thức của tự nhiên, thậm chí là cải tạo tự nhiên để phát triển bền vững; cần sự bao quát trong thực hiện tổng thể những chính sách toàn diện, đồng bộ, lâu dài gắn với quyết tâm chính trị cao và sự tham gia của nhiều chủ thể bằng tư duy khoa học, đột phá và sáng tạo.

Tỉnh Bình Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam); khí hậu khô nóng đặc trưng, đất đai khô cằn, hiện tượng sa mạc hóa, muối hóa bề mặt xảy ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tuy vậy, tỉnh Bình Thuận có một số lợi thế về đất đai (diện tích đất trồng cây hằng năm là 149.908ha (chiếm 71,35%); trong đó, diện tích đất trồng lúa là 56.948ha (chiếm 37,98%); diện tích đất trồng cây lâu năm là 43.451ha (chiếm 20,68%); diện tích đất có mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản khoảng 795ha (chiếm 0,21%)), là điều kiện để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (cao su, tiêu, điều, cà phê, bông vải, thanh long, lúa nước, bạch đàn,... cùng nhiều loại cây hoa màu khác) cũng như thích hợp trong chăn nuôi dê, trâu, bò, cừu và các loại gia cầm gà, vịt,...

Thời gian qua, nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từng bước thích ứng với ảnh hưởng xấu của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và hiện tượng biến đổi khí hậu, trong đó, mô hình nông nghiệp sa mạc ứng dụng công nghệ hiện đại được xây dựng và đạt được nhiều kết quả khả quan trên một số lĩnh vực, cụ thể:

Thứ nhất, trong lĩnh vực trồng trọt.

Khu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao chuyên trồng nho và các sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn ở ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận_Ảnh: TTXVN

Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 9.238ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác (ngô, rau, đậu, thanh long,...); tập trung ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nhiều loại cây trồng (dưa lưới, nho, măng tây xanh,...). Kết quả, các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn từ 2,2 đến 4,8 lần so với sản xuất lúa. Ví dụ: Trước đây, thanh long là cây “xóa đói, giảm nghèo”, nay trở thành nguồn thu nhập cao cho người nông dân, bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc xác định hướng đi, phương pháp mới trên đất canh tác lúa nước từ hình thức quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh, thu nhập cao, tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu,...

Tỉnh Bình Thuận thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng; trong đó, dần hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với các nhóm sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng và giá trị; sử dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm hơn trước đây(1) (phổ biến trong trồng cây thanh long và dưa lưới năng suất cao) bằng công nghệ tưới nhỏ giọt (đây là giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước,...), góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống của người dân.

Thứ hai, trong lĩnh vực chăn nuôi.

Với nguồn quỹ đất dồi dào, diện tích mặt nước thuận lợi để mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, tỉnh đã mở rộng hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường sống; khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, gia cầm, kinh tế trang trại nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai thác và tận dụng được diện tích đất hoang hóa, cải thiện môi trường sinh thái; huy động lượng vốn đầu tư trong nhân dân cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều doanh nghiệp và các chủ trang trại áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong phát triển dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao; sử dụng các kỹ thuật tự động hóa theo dõi, chăm sóc sức khỏe vật nuôi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ hiện đại (như công nghệ internet vạn vật (IoT), công nghệ xử lý ảnh, mạng cảm biến thông minh) vào quá trình chăm sóc vật nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp (thịt, trứng, sữa,...)(2).

Ngoài ra, trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bình Thuận chú trọng các giống loài có lợi thế, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng tự động hóa góp phần giám sát và điều chỉnh thông số môi trường trong nuôi trồng thủy sản; quan trắc các yếu tố trong môi trường vùng nuôi và kiểm soát mức độ ô nhiễm do hoạt động sản xuất gây ra. Nhờ đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển và dịch chuyển dần theo hướng công nghiệp hóa (đối tượng nuôi trồng ngày càng đa dạng, phong phú). Ví dụ, diện tích nuôi tôm thương phẩm trên toàn tỉnh khoảng 900ha, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 9 - 10 tấn/ha (nghề sản xuất tôm giống phát triển theo hướng tập trung đầu tư quy mô lớn, số lượng cơ sở sản xuất nhỏ giảm nhanh)(3). Ngoài ra, việc quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản cũng được tự động hóa trong theo dõi và giám sát toàn bộ diễn biến của quá trình sản xuất thực phẩm (bao gồm các quá trình canh tác, chăn nuôi, chế biến, vận chuyển, lưu kho, và bán hàng,...).

Thứ ba, trong xây dựng hệ thống thủy lợi, lưu trữ và sử dụng nguồn nước.

Những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư nên mạng lưới thủy lợi phát triển đồng bộ, đặc biệt là hệ thống kênh, mương được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Từ một tỉnh khô hạn, khả năng đáp ứng nước tưới còn hạn chế, đến nay, Bình Thuận cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu phục vụ phát triển nông nghiệp (tổng năng lực tưới đạt 73.300ha với hiệu quả sử dụng 72,3%, tổng chiều dài của hệ thống kênh dẫn nước là trên 1.800km); nhiều mô hình thu trữ nước ngầm được áp dụng (mô hình hệ thống ống và giếng tập trung tại một số xã mang lại hiệu quả cao)(4). Ngoài ra, tỉnh tập trung phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân ổn định hơn. Thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế theo hướng hiện đại đã đặt ra yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn với trình độ cao hơn (đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ mới).

Những yếu tố then chốt trong xây dựng mô hình nông nghiệp sa mạc ở tỉnh Bình Thuận

Thứ nhất, vai trò của các cấp chính quyền, trước hết là tìm tòi hướng đi mới, xác định chủ trương, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sa mạc.

Nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất có vai trò chiến lược của Việt Nam, do đó, Đảng và Nhà nước thường xuyên chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao(5). Bên cạnh đó, nhằm đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) khẳng định tập trung phát triển ba trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Tỉnh Bình Thuận thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo bước chuyển biến khởi sắc cho ngành nông nghiệp. Điều này tác động tích cực đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng hợp tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Giai đoạn 2017 - 2019, tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư 264 dự án (tổng số vốn đăng ký 53.031 tỷ đồng), trong đó, 99 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh (tổng vốn đầu tư 11.523 tỷ đồng); 51 dự án (tổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng) đang triển khai xây dựng; 114 dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư (các dự án được chấp thuận đầu tư tập trung vào các lĩnh vực, như công nghiệp, du lịch - dịch vụ du lịch, khu dân cư - đô thị, nông nghiệp).

Thứ hai, vai trò của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học về khắc phục hiện tượng sa mạc hóa được thử nghiệm thành công, có nhiều tác động tích cực, như thu trữ nước mưa trên cát; trồng rừng chống cát bay, tăng độ che phủ; tăng cường công tác phát triển hệ thống thủy lợi; chuyển giao các biện pháp canh tác hợp lý. Những thành công bước đầu của các dự án mở ra khả năng chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên và “biến” hàng nghìn héc-ta “đất chết” thành những khu rừng sinh thái nhiều tiềm năng phục vụ cho du lịch, sản xuất. Việc phủ xanh đúng kỹ thuật các diện tích đất trống đã làm đảo ngược quá trình suy thoái đất (nhiều vùng cát ở Duyên hải miền Trung, như các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dần hồi sinh, chuyển từ trạng thái “cát” sang “đất” với màu xanh bạt ngàn của những rừng phi lao, keo lá liềm ven biển).

Sự khởi sắc, phát triển của mô hình nông nghiệp sa mạc ở tỉnh Bình Thuận cũng có dấu ấn đầu tư rõ nét của nhiều doanh nghiệp (hiện nay, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Sau khi các khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch, xây dựng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đã mang lại hiệu quả tốt trong kinh doanh (nuôi bò công nghệ cao, trồng dưa lưới, thanh long giàn,...). Tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư; nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên vùng đất sa mạc khô cằn đầy nắng, gió và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các tổ chức quốc tế cũng có nhiều đóng góp cho mô hình nông nghiệp sa mạc ở tỉnh Bình Thuận nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, như cơ chế toàn cầu thuộc Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD)(6) đã hỗ trợ Bình Thuận và Ninh Thuận xây dựng chiến lược tài chính lồng ghép phòng, chống sa mạc hóa; cam kết hỗ trợ, đầu tư phòng, chống sa mạc hóa thông qua các dự án tổng hợp mang tính đa ngành (Dự án phục hồi và phát triển rừng phòng hộ duyên hải miền Trung (do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ)(7), Dự án trồng rừng trên đất cát ven biển miền Nam Trung Bộ, Dự án nông nghiệp vùng tưới Phan Rí - Phan Thiết)(8)...  Những nước thử nghiệm thành công mô hình nông nghiệp sa mạc thông qua các tổ chức quốc tế để chuyển giao các sáng kiến phủ xanh cho sa mạc đến quốc gia khác với những kỹ thuật giúp thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, công nghệ tưới nhỏ giọt Ti-pa có hệ thống được điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất (tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa và có thể dựa vào cả nguồn nước và nước từ không khí) được sử dụng; công nghệ GFA cho phép nuôi cá ở bất cứ nơi nào, ngay cả trong sa mạc (hệ thống nuôi cá này là một khu vực được khép kín và có thể đặt ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước); hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển (làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá, loại bỏ chất thải trong ao nuôi mà không cần thay nước).

Thứ ba, vai trò chủ thể của người dân địa phương.

Đầu tư phát triển nông nghiệp sa mạc là hướng đi tất yếu của tỉnh Bình Thuận, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp cũng như sự phát triển toàn bộ nền kinh tế. Tuy vậy, nếu làm nông nghiệp sa mạc, nhưng người nông dân không được tiếp cận công nghệ thì khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị, do đó, người nông dân được khuyến khích tham gia với cán bộ kỹ thuật nhằm tạo thành chuỗi giá trị khép kín (từ nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, nông dân).

Người dân cũng tham gia phong trào làm thủy lợi nhỏ, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm đáp ứng đủ lượng nước phục vụ trong sản xuất và sinh hoạt; tham gia trồng rừng, tái tạo, phát triển các loại cây địa phương; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát thú y và hoạt động giết, mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của chính quyền và các nhà khoa học, người dân đã sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, nhất là các sản phẩm có tiềm năng kinh doanh.

Những kinh nghiệm đúc rút từ phát triển mô hình nông nghiệp sa mạc tỉnh Bình Thuận

Một là, chống sa mạc hóa để giữ gìn và mở rộng diện tích đất nông nghiệp.

Diện tích đất tại tỉnh Bình Thuận bị sa mạc hóa với tốc độ ngày càng cao bởi đất cát ven biển được hình thành từ lâu và đang trong quá trình thoái hóa nặng nề; những dải cồn cát chạy dài sát biển không ổn định do hiện tượng cát bay, cát nhảy và sự xâm thực của biển; vào mùa khô, tình trạng cát bay xuất hiện tạo thành đồi cát di động làm tốc độ sa mạc hóa nhanh hơn. Do đó, việc trồng các băng rừng phi lao chắn gió phòng hộ ven biển và tích cực giao đất, giao rừng để gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với sự nghiệp phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn là giải pháp phù hợp, bền vững.

Những năm qua, nhiều kế hoạch trồng hệ thống rừng chắn cát bằng cây lâm nghiệp (phi lao và xoan chịu hạn) được triển khai; thúc đẩy phát triển mô hình nông, lâm kết hợp lấy ngắn nuôi dài; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất bền vững (tăng cường trồng rừng, trồng cây dài ngày nhằm phủ xanh thảm thực vật, nâng cao khả năng ngấm và trữ nước; giảm thiểu sự bốc, thoát hơi nước của đất; chắn gió và giảm quá trình sa mạc hóa)(9). Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ngăn chặn nạn phá rừng,...

Hai là, chú trọng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi và thu trữ nước ngầm.

Bình Thuận cần tiếp tục có những công trình thủy lợi lớn mang ý nghĩa chiến lược để bảo đảm nguồn nước cho đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp (Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là một tổ hợp thủy điện nằm trên sông La Ngà, trên địa phận tỉnh Bình Thuận, ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa còn góp phần bổ sung nước tưới tiêu và nước sinh hoạt trong mùa khô cho vùng hạ du sông La Ngà, nhất là các huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận)_Ảnh: TTXVN  

Các biện pháp thu trữ nước truyền thống giúp ích rất nhiều cho người dân sinh sống ở vùng khô hạn, góp phần phục vụ tổng hợp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Nhiều biện pháp thu trữ nước được áp dụng (hứng nước từ mái nhà để chứa vào các lu, chum, vại, bể dự trữ cho mùa khô hạn kéo dài) hay thu trữ tiểu lưu vực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (làm hình phễu các gốc cây, tạo hồ vảy cá trên cát, sườn dốc để trữ ẩm cho cây); cấp nước tưới cho cây trồng diện nhỏ, thu trữ nước lưu vực rộng (xây dựng các hồ chứa, đập dâng có quy mô lớn, xây dựng các công trình thu hứng từ các chân đồi cát).

Việc sử dụng các công trình thủy lợi không chỉ giúp địa phương chủ động tưới tiêu trên diện tích canh tác, mà còn giảm thiểu tình trạng thiếu nước tưới, chuyển đổi cơ cấu vụ mùa và tăng diện tích canh tác đất nông nghiệp; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều biện pháp tận dụng tốt hơn nước mưa được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau (tạo thảm phủ thực vật, che phủ gốc cây, mặt đất bằng rơm rạ, lá cây để tăng cường độ ẩm cho đất; trả lại hữu cơ cho đất, áp dụng chế độ bón phân hợp lý, cày xới đất tơi xốp để cải thiện kết cấu chùm hạt cho đất; chọn và bố trí cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện đất có độ phì nhiêu thấp; chọn tạo những giống cây con chịu hạn giỏi, điều chỉnh thời vụ để có thể cho lớp phủ thực vật tối đa trong mùa mưa hạn chế xói mòn đất).

Ba là, triển khai, xây dựng và thu hút nguồn đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với việc chủ động thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư các dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững; đồng thời, chủ động quảng bá, tuyên truyền các cơ hội, tiềm năng đầu tư vào các ngành nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 21 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất; 18 dự án đang triển khai xây dựng, hoàn thiện hạ tầng và 14 dự án đang thực hiện các thủ tục liên quan(10).

Triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ cao có trọng điểm (một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao, lợi thế nổi trội) với quy mô phù hợp; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh; tăng cường công tác khuyến nông, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tiếp tục hình thành và sớm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Thuận tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, như công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, bảo quản sau thu hoạch,... (11) nhằm xây dựng chuỗi giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao dựa trên ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Ngoài ra, để công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả cao, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư kênh và đường trên kênh kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư; đồng thời, có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai các chương trình giao thông nội tỉnh và bên ngoài, phục vụ thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội,...

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xóa bỏ rào cản, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư; công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, thời gian đăng ký dự án đầu tư, góp phần giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, hằng năm, tỉnh Bình Thuận tổ chức định kỳ các hội nghị “cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” để lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh việc thường xuyên mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại, xây dựng các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tỉnh chủ động lựa chọn những tập đoàn, các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột; sẵn sàng đối thoại trực tiếp và kịp thời hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án đầu tư, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư của tỉnh và cả nước./.

----------------------

(1) Công nghệ tưới nhỏ giọt được áp dụng lần đầu tiên năm 1940 tại nước Anh; hiện nay, đã được triển khai ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển có nền nông nghiệp kỹ thuật cao (I-xra-en, Nhật Bản, Mỹ, Ca-na-đa, Tây Ban Nha, Hà Lan,...)
(2) Việc ứng dụng IoT mang lại nhiều kết quả khả quan như giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thay vì thường xuyên phải kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cả đàn bò hàng nghìn con, các chủ trang trại có thể sử dụng những chiếc vòng cảm biến không dây để giám sát (chiếc vòng cảm biến có nhiệm vụ đếm số bước chân bò mỗi ngày và liên tục gửi dữ liệu về hệ thống quản lý dữ liệu trung tâm của chủ trang trại thông qua các trạm thu phát tín hiệu không dây), người quản lý trang trại có thể xác định chính xác vị trí của con bò đang ốm để có phương án thăm khám kịp thời. Nhờ vậy, vấn đề về bệnh dịch của đàn bò sẽ được phát hiện từ sớm và dễ dàng khoanh vùng, dập dịch một cách hiệu quả.
(3) Đối với tôm giống, tỉnh dần chuyển sang phát triển tôm giống quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Hiện có 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất tôm giống. Sắp tới, tỉnh ưu tiên phát triển tôm nước lợ, mở rộng diện tích sản xuất tập trung, đưa nghề sản xuất giống tôm của tỉnh trở thành trung tâm lớn sản xuất và cung ứng tôm giống chất lượng cao cho cả nước, xem phát triển sản xuất tôm bố, mẹ là khâu đột phá để chủ động cung cấp nguồn tôm sạch cho sản xuất.
(4) Hệ thống thu nước bằng ống lọc có đường kính 5-10cm, chôn chìm dưới mạch nước ngầm khoảng 50cm, nước được thu vào các đường ống dẫn về 4 giếng tập trung và tăng áp dọc theo chiều dài tuyến thu nước. Sau đó, nước được dẫn về hệ thống bể lọc và phân phối cho các hộ dân vùng khô hạn. Hệ thống thu trữ nước mưa làm bằng vật liệu xi măng (các bể chứa nước được gia cố chống thấm với dung tích từ 18 - 20m3), riêng phần thu nước là một tấm vải địa kỹ thuật HDPE, được trải lên sườn dốc hướng dòng chảy xuống phía dưới để tập trung chảy vào bể chứa.
(5) Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”; Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg, ngày 25-11-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”; Quyết định số 738/QĐBNN-KHCN, ngày 14-3-2017, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về “Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp”;...
(6) Việt Nam đã tham gia Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) năm 1998, là thành viên thứ 134 của Công ước này. Xem Trang thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 30-3-2020, https://monre.gov.vn/Pages/cong-uoc-unccd-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx
(7), (8) Xem Dự án “Phục  hồi và quản lý vững rừng phòng hộ” - JICA2, ngày 20-1-2014, https://www.daln.gov.vn/du-an-phuc-hoi-va-quan-ly-rung-phong-ho-jica2.22953.news
(9) Xem: Đình Châu, Hồng Lâm: “Giảm nguy cơ sa mạc hóa ở Bình Thuận”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 4-9-2015, https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/giam-nguy-co-sa-mac-hoa-o-binh-thuan-241858/
(10) Xem: TT Dân: “Bình Thuận tăng cường hoạt động thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp”, Báo Bình Thuận điện tử, ngày 14-7-2020, https://binhthuan.gov.vn/4/469/52723/576350/kinh-te-xa-hoi/binh-thuan-tang-cuong-hoat-dong-thu-hut-dau-tu-vao-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep.aspx
(11) Xem: Đ. Quốc: “Bình Thuận: Xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm”, Báo Bình Thuận điện tử, ngày 31-3-2022, https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-xuc-tien-dau-tu-theo-trong-tam-trong-diem-96323.html

Còn lại: 1000 ký tự
Chuyển đổi số trong kinh doanh: cơ hội, thách thức và mô hình đề xuất

Đề tài Chuyển đổi số trong kinh doanh: cơ hội, thách thức và mô hình đề xuất do TS. Nguyễn Nhật Tân (Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM) thực hiện.

Xem chi tiết
Năng lượng tái tạo và định hướng phát triển cho Việt Nam

Đề tài Năng lượng tái tạo và định hướng phát triển cho Việt Nam do TS. Nguyễn Thanh Huyền (Phó trưởng Khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, Đại học Đại Nam) - TS. Ngô Thị Quyên (Trưởng bộ môn Tài chính Ngân hàng - Khoa Kinh tế quản lý, Đại học Thăng Long) thực hiện.

Xem chi tiết
Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh xây dựng Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng

Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng.

Xem chi tiết
Khám phá các nhân tố thúc đẩy hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên ngành Kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Đề tài Khám phá các nhân tố thúc đẩy hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên ngành Kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt - ThS. Nguyễn Thị Bích Duyên - ThS. Lê Quang Huề (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương

Đề tài Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương do ThS. Phạm Đức Kiểm (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Hải Dương) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3