Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thông tin tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều tối 9/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và FTA với Isaren (VIFTA). Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
"Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. Do vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, chúng ta còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, dưới góc độ ngành công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế; từ đó đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các đối tác và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, chú trọng rà soát, đánh giá thường kỳ việc thực hiện các nghị quyết, chiến lược, đề án… về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước; đồng thời, tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết các liên kết kinh tế mới, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với các nước, các khu vực còn tiềm năng gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc", Bộ trưởng nói.
Bộ Công Thương tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, góp phần định hướng sản xuất trong nước.
Tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững; đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động, từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng.
Đồng thời, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở các thị trường ngoài nước. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp rất coi trọng những thông tin, những tín hiệu mà các đại sứ, các tham tán nước ngoài mang lại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp rất coi trọng những thông tin, những tín hiệu mà các đại sứ, các tham tán nước ngoài mang lại. Mỗi tín hiệu và thông tin đó đều là định hướng cho ngành nông nghiệp về sản xuất, để các doanh nghiệp, người sản xuất phát triển theo tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp rất cần những kiến thức mới, những mô hình nông nghiệp thông minh, những công nghệ sinh học mới… mà để áp dụng cho ngành nông nghiệp đất nước.
"Chúng tôi rất mong muốn, bất kể lúc nào, mọi lúc, mọi nơi có thể nhận được những thông tin, sự đối thoại giữa các đại sứ, các tham tán về những nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường. Chúng tôi cũng rất mong được Thủ tướng Chính phủ, cùng các tham tán, các đại sứ nước ngoài lắng nghe các vướng mắc của hiệp hội, ngành hàng để khi thị trường nước ngoài cần chúng ta có hàng. Tránh tình trạng chúng ta có hàng mà không bán được do không đáp ứng nhu cầu, văn hoá của thị trường nước ngoài", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ xác định như một trong các đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng, đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về KHCN và đổi mới sáng tạo để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế.
Trong đó, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KHCN và đổi mới sáng tạo thông qua các kế hoạch hợp tác dài hạn tầm quốc gia; khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học hình thành quan hệ đối tác chiến lược trong nghiên cứu và phát triển với các đối tác nước ngoài; tăng cường triển khai các chương trình nghiên cứu quốc tế với các quốc gia tiên tiến, hướng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam và thúc đẩy liên kết đào tạo nhân lực về KHCN.
"Chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thị trường KHCN; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Đối với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị các đại sứ quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ thúc đẩy việc triển khai các cam kết, thỏa thuận về KHCN đã đạt được. Đồng thời, mở rộng các khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới về KHCN với các quốc gia sở tại, trên cơ sở khả thi, hiệu quả và cùng có lợi; coi KHCN và đổi mới sáng tạo là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác với các quốc gia.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các đại sứ, tham tán hỗ trợ Bộ KH&CN tìm kiếm, kết nối với các cơ quan Chính phủ nước sở tại, các tổ chức quốc tế và thiết chế đa phương trong quản lý hoạt động KHCN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - chất lượng; kết nối hệ thống sáng tạo quốc gia (NIS), hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ thống NIS, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia sở tại.
Về phía Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, để triển khai chương trình về ngoại giao kinh tế, Bộ sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm:
Cụ thể, đối với công tác xây dựng thể chế và chính sách, Bộ đã có sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội một số thay đổi trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh gồm: Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã… để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư và phát triển hội nhập kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về KHCN và đổi mới sáng tạo để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Tới đây, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao 2 nhiệm vụ quan trọng về xây dựng quy định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu và xây dựng đề án về trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM. Do vậy, Bộ rất cần sự hỗ trợ của các đại diện Việt Nam tại nước ngoài để Bộ được lắng nghe những yêu cầu, những mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như những thông tin liên quan đến các trung tâm tài chính lớn trên thế giới tại Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… để chúng tôi có thể xây dựng đề án đúng yêu cầu được Chính phủ phân công", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển và nâng cao hơn nữa sự hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương, hiện nay rất nhiều xu thế quốc tế lớn hình thành, như tăng trưởng xanh, kinh tế số, biến đổi khí hậu, về năng lượng cân bằng... Bộ KH&ĐT mong nhận được thêm thông tin từ các đại diện nước ngoài để Việt Nam có thể thực hiện cam kết về năng lượng.
Về tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam, Bộ KH&ĐT mong nhận được sự hỗ trợ từ các đại diện ở nước ngoài trong việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại để thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Cuối cùng, về chia sẻ thông tin 2 chiều, Bộ KH&ĐT sẵn sàng chia sẻ thông tin với các đại diện Việt Nam tại nước ngoài về kinh tế vĩ mô hàng tháng, hàng quý, hàng năm để các nhà ngoại giao có thêm thông tin trao đổi với đối tác. Bộ cũng sẵn sàng chia sẻ thêm thông tin về những quy định mới, về thể chế, về đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư, các đối tác nắm được. Và ngược lại, Bộ KH&ĐT cũng mong muốn các thương vụ cập nhật thêm nhiều thông tin về các thị trường, các suy nghĩ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam để Bộ có thể tổng hợp thông tin, tham mưu lên Chính phủ về các kế hoạch sắp tới.
Là điểm sáng trong hoạt động ngoại giao kinh tế, trong năm 2022, tỉnh Nghệ An lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước (đạt 961,3 triệu USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,54 tỷ USD, vượt 8,03% kế hoạch năm (xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, có 360 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá đi trên 133 quốc gia và vùng lãnh thổ); có hơn 75.000 người đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài; có hơn 1.000 nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An có "5 sẵn sàng" để thu hút đầu tư, gồm: Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch để nhà đầu tư đến, nguồn nhân lực và sẵn sàng về thủ tục hành chính.
"Nếu đầu tư vào Nghệ An, tỉnh có thể cấp giấy đăng ký đầu tư trong thời gian rất nhanh từ 3-5 ngày, có dự án chỉ mất 3 ngày là nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận. Tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc khảo sản đến lúc hoàn thành dự án đi vào hoạt động. Nghệ An quyết tâm làm để thu hút đầu tư FDI", ông Nguyễn Đức Trung cho biết.
Tại TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cũng chia sẻ, thành phố xác định trọng tâm, trọng điểm trong hoạt động ngoại giao kinh tế đó là thu hút đầu tư nước ngoài và tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng luôn quan tâm đến các nhà đầu tư trên địa bàn, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư định kỳ vào hàng tháng, hàng quý. Đối với các doanh nghiệp trong nước, TP. HCM tập trung công tác tuyên truyền, phổ biên thông tin về các thị trường, các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng hiệu quả các ưu đãi của hiệp định.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/moi-tin-hieu-thi-truong-deu-la-dinh-huong-cho-doanh-nghiep-102230310090105426.htm
Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiết