TÓM TẮT:
Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, cùng với các đợt giãn cách xã hội là những gánh nặng và khó khăn mà đại dịch đã mang lại đối với toàn bộ hệ thống an sinh xã hội và kinh tế đất nước. Chính phủ đã đưa ra những biện pháp nhằm bảo vệ và phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng nhất, nhưng các biện pháp tiến hành vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn do các vấn đề khách quan và chủ quan khác nhau. Bài viết này sẽ tổng hợp các vấn đề theo quan điểm có ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Từ khoá: phục hồi kinh tế, Covid-19, chính sách kinh tế, Việt Nam.
Khi nói đến những tác động nặng nề do Covid-19 mang lại đối với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đó là những thiệt hại nặng nề về kinh tế và chi phí cho các dịch vụ y tế. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư một lượng lớn tài chính để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người dân, các công tác phòng chống dịch đã được tiến hành một cách khẩn trương nhất qua các biện pháp như: xét nghiệm ở quy mô lớn, mua sắm thêm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác điều trị và cách ly nguồn lây bệnh, cung cấp thuốc điều trị và đặc biệt là chương trình tiêm chủng quy mô toàn quốc. Ngoài những thiệt hại không thể đo đếm được về con người khi có đến hơn 43.000 người tại Việt Nam đã không vượt qua được đại dịch, còn có những thiệt hại về kinh tế khi ước tính chi phí để điều trị cho những nạn nhân trên là hơn 6,000 tỷ đồng [1]. Trong suốt giai đoạn bùng nổ của đại dịch, ảnh hưởng về kinh tế đối với Việt Nam cũng được ghi nhận rõ ràng qua số liệu về GDP cũng như các chỉ số kinh tế quan trọng khác. Theo thông tin được cung cấp bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam được ghi nhận là 7.4% vào năm 2019, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 2.9% (giảm 60.81% so với cùng kỳ), sang đến năm 2021 thì tỷ lệ tăng trưởng được ghi nhận đạt mức 2.6% (tiếp tục giảm 10.34% so với năm 2020) [2]. Ngoài ra, để chống lại việc suy thoái kinh tế do đại dịch, Chính phủ đã tiến hành một số biện pháp nhất định đó là hỗ trợ về tài khóa (như gia hạn nộp thuế, giảm thuế, miễn giảm một số sắc thuế đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu).
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 42/NQ-CP đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ đến các đối tượng là người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung với gần 347,000 tỷ đồng được duyệt cho các gói hỗ trợ cũng như gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Tất cả các biện pháp đã được áp dụng nhằm mục đích quan trọng là đưa guồng máy kinh tế của đất nước trở lại quỹ đạo một cách nhanh nhất, nhưng bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt cũng như sự quyết tâm của các cấp vẫn còn một số vấn đề từ chủ quan đến khách quan dẫn đến việc các gói kích thích kinh tế chậm giải ngân, trong khi đó tình hình kinh tế thì lại ngày càng khó khăn do các yếu tố khách quan.
Sau khi trải qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào thập niên 1930, có một học thuyết kinh tế ra đời bởi nhà kinh tế học John Maynard Keynes và học thuyết này cũng được đặt tên theo ông nên còn gọi là “kinh tế Keynes”. Cho đến hiện nay các quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng các chính sách dựa trên học thuyết này trong việc điều tiết nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô và lấy chính sách tài khóa làm trọng tâm. Một trong những ý tưởng quan trọng của học thuyết này đó là vai trò việc chi tiêu của Chính phủ và người tiêu dùng rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế nhằm thoát khỏi tình trạng suy thoái, bằng cách tăng chi tiêu công và đầu tư công của Chính phủ [3]. Dựa theo lý thuyết trên, những người theo học thuyết kinh tế Keynes tin rằng khi một nền kinh tế rơi vào suy thoái, Chính phủ nên tăng chi tiêu công nhằm làm tăng tổng sản lượng, tạo thêm thu nhập và qua đó kích thích tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó cũng có những nhận định phản biện và tranh luận từ các nhà kinh tế học khác đối với học thuyết kinh tế Keynes, đó là: (i) Đặt quá nhiều sự phụ thuộc vào khả năng chi tiêu hiệu quả của Chính phủ đối với các chi tiêu công cộng, (ii) Tính hiệu quả của các chi tiêu công và (iii) Đánh giá thấp sự kết hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ trong việc ổn định tình hình kinh tế và kiểm soát lạm phát. Thực tế trong việc áp dụng các chính sách tài khóa tại các quốc gia trên thế giới cũng chứng minh cho những luận điểm trên là có cơ sở, do thời gian từ khi lên kế hoạch và thực thi các chính sách tài khóa sẽ có thời gian tương đối dài. Ví dụ như: gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD tại Mỹ dù được Quốc hội thông qua ngày 13/02/2009 nhưng đến cuối năm 2009 cũng chỉ mới giải ngân được hơn một nửa so với kế hoạch [4]. Hay như trong trường hợp tại Việt Nam, gói kích thích kinh tế trị giá 347,000 tỷ đồng cũng mang lại nhiều lo lắng do tiến độ giải ngân quá chậm so với kế hoạch, không đảm bảo được mục tiêu ban đầu là ổn định kinh tế [5]. Qua đó chúng ta thấy được rằng, học thuyết kinh tế Keynes liên quan đến việc điều tiết kinh tế bằng cách tập trung vào các chính sách tài khóa là “chưa đủ” đối với tình hình hiện tại.
Kể từ những năm 1980 trở đi, chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng hơn trong công tác điều chỉnh kinh tế. Có một số lý do để chính sách tiền tệ trở nên quan trọng như vậy đó là: Thứ nhất, có quan điểm cho rằng chính sách tài khóa không còn hiệu quả trong điều kiện hiện tại. Thứ hai, chính sách tiền tệ có thể duy trì sự ổn định và giảm thiểu khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng trong nền kinh tế. Thứ ba, ở các nước phát triển, yêu cầu giảm khối lượng vay nợ của chính phủ đã trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng thực hiện chính sách tài khóa chống khủng hoảng. Thứ tư, việc trì hoãn thời gian trong xây dựng và thực thi chính sách tài khóa trong suy thoái kinh tế đã làm cho các giải pháp không thể đạt được hiệu quả kịp thời như mong muốn ban đầu. Hơn nữa, trong các giai đoạn kinh tế tăng trưởng, chính sách tài khóa vẫn được tiếp cận một cách thận trọng, thậm chí trong trung hạn, các nền kinh tế đang phát triển vẫn ưu tiên sử dụng các công cụ tự điều chỉnh và hạn chế áp dụng những biện pháp bất thường.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong những năm sau đại dịch, chính sách tiền tệ đã được sử dụng làm công cụ chính để điều chỉnh kinh tế tổng thể. Điều này có thể thấy rõ trong quá trình thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) trong việc giảm lãi suất cho vay/tái cấp vốn nhằm mục đích tập trung dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế. Việc quy định về lãi suất tái cấp vốn được quyết định bởi Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế theo như chỉ đạo của Chính phủ. Tác giả đã tổng hợp tình hình lãi suất cho vay qua các thời kỳ dựa trên các quyết định của NHNNVN. (Biểu đồ 1)
Các biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ có thể được áp dụng như một phương tiện để chống lại suy thoái đó là: giảm lãi suất, tăng cung tiền tệ qua việc mua lại trái phiếu chính phủ, kích thích hoạt động vay mượn và đầu tư,… Qua Biểu đồ 1 chúng ta có thể thấy được lãi suất tái cấp vốn và cho vay được quy định bởi NHNN đã giảm từ mức 6.25% trước ngày 16/09/2019, xuống mức 6%/năm sau khi có thông báo từ NHNN và tiếp tục giảm xuống mức 4.5% từ ngày 12/5/2020. Đây chính là một trong các biện pháp để vực dậy nền kinh tế và vượt qua suy thoái đã và đang được áp dụng tại Việt Nam.
Ngoài việc triển khai các gói kích thích kinh tế nhằm vượt qua suy thoái vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: giải ngân chậm trễ, đảm bảo hoàn thành đa mục tiêu (kiềm chế lạm phát và phục hồi kinh tế), các dự án đầu tư công bị trễ so với kế hoạch ban đầu [6]. Bên cạnh đó còn có các yếu tố khách quan như: Thứ nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra sự bất ổn định trong giá năng lượng cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu khi đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là trong thị trường xuất khẩu năng lượng của Việt Nam, châu Âu. Điều này đã ảnh hưởng đến kinh tế Liên minh châu Âu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ châu Âu vào Việt Nam. Đặc biệt thị trường Âu - Mỹ luôn có tỷ trọng nhập khẩu tương đối lớn với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam như: giày da, may mặc, nông sản, thủy sản, đồ gỗ,… Thứ hai, suy thoái trở thành một vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm vừa qua, giá nhiên liệu và thực phẩm đã tăng mạnh, dẫn đến sự thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế, nguy cơ chính không phải là lạm phát mà là suy thoái kinh tế, gia tăng thất nghiệp và giảm thu nhập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường lớn và làm giảm lượng FDI từ những thị trường này vào Việt Nam. Thứ ba, có một số vấn đề trong nền kinh tế nội địa, bao gồm thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và thậm chí thị trường tiền tệ. Một số vấn đề này gây nghẽn và làm mất niềm tin. Thị trường vốn chưa hoạt động bình thường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn hoặc tiếp cận vốn với chi phí cao.
Tóm lại, có một số yếu tố đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và gây khó khăn cho nền kinh tế hiện tại, bao gồm xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu và vấn đề trong nền kinh tế nội địa.
Từ những phân tích trên tác giả đưa ra một số nhận định như sau:
Một là, đối với mục tiêu phục hồi kinh tế trong tình hình hiện tại cần phải áp dụng cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách khéo léo nhằm cải thiện tình hình kinh tế - xã hội. Tiến hành rà soát lại các dự án đầu tư công chậm trễ so với kế hoạch để kịp thời cân đối nguồn vốn, tránh việc các khoản đầu tư trong các gói kích thích kinh tế không thể đạt được mục đích đã đề ra.
Hai là, suy thoái kinh tế đã và đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, ngoài ra còn ảnh hưởng của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng. Việc cung cấp hàng hóa với chi phí gia tăng và việc sụt giảm nhu cầu đang ngày càng trầm trọng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến các thị trường ít chịu ảnh hưởng, hoặc cân đối lại việc sản xuất nhằm giảm bớt sản lượng hàng hóa tồn kho không bán hoặc xuất khẩu được.
Ba là, đối với nền kinh tế nội địa cần chuẩn bị những phương án cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo và duy trì sản xuất. Kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ người lao động bị mất việc do công ty cắt giảm khi thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Some issues relating to the implementation of economic recovery measures in the post-COVID pandemic period in Vietnam
Huynh Lam Hoai Anh
Faculty of Economics, Thu Dau Mot University
Abstract:
The COVID-19 pandemic and social distancing periods severely impacted the entire socio-economic security system of Vietnam. The Government of Vietnam took measures to protect and recover the economy as quickly as possible. However, the implementation of these measures has faced some difficulties due to different objective and subjective issues. This paper summarizes the issues that affect the post-pandemic economic recovery of Vietnam.
Keywords: economic recovery, COVID-19, economic policy, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết