Một số vấn đề về quyền riêng tư trong quy định của Luật Báo chí - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện


Một số vấn đề về quyền riêng tư trong quy định của Luật Báo chí - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện do ThS. Nguyễn Sơn Tùng (Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Trên cơ sở xác định khái niệm và ý nghĩa của quyền riêng tư, bài viết đánh giá thực trạng xâm phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam. Báo chí được quyền tự do đưa tin là nguyên tắc nền tảng trong xã hội dân chủ nhưng phạm vi, phương thức của việc đưa tin phải tuân thủ những quy định pháp luật. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và hoàn thiện về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư, tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế dẫn tới tình trạng quyền riêng tư bị xâm phạm. Từ những kết quả phân tích, bài viết đề xuất một số kiến nghị sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam.

Từ khoá: quyền riêng tư, báo chí, Luật Báo chí.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế, sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin đã dẫn đến nhiều thay đổi trong cuộc sống. Bên cạnh những thay đổi tích cực như chất lượng cuộc sống được nâng cao, các phương tiện phục vụ quá trình thu thập tư liệu, tiếp cận điều tra sự việc ngày càng hiện đại, không thể tránh khỏi những hệ quả tiêu cực đang xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư; một trong số đó là tình trạng xâm phạm quyền riêng tư trên báo chí. Quyền riêng tư là quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, tuy nhiên phạm vi quyền này cũng bị pháp luật hạn chế trong một số trường hợp. Bài viết đưa ra những kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Báo chí nhằm bảo vệ quyền riêng tư một cách chuyên biệt, hiệu quả.

2. Khái niệm quyền riêng tư

Trong khoa học pháp lý hiện đã có một số khái niệm về quyền riêng tư như:

- Quyền riêng tư được hiểu là quyền được sống như mong muốn của mỗi cá nhân mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ chủ thể nào khác. Cá nhân có thể sinh hoạt theo sở thích trong một môi trường và không gian riêng của mình, tự do lựa chọn cách sống, cách sinh hoạt, ăn mặc,…[2, Tr. 53]

-  Quyền riêng tư là quyền cá nhân được phép giữ kín thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể,  nơi ở, thư tín, điện thoại và các thông tin điện tử khác nhau mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận công khai trừ trường hợp được chính người này hoặc bằng quyền quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” [5]. Quan điểm trên đã chỉ ra những nội dung của quyền riêng tư, phù hợp với nhận thức về quyền riêng tư trên bình diện quốc tế, tuy nhiên định nghĩa mới là sự liệt kê các quyền năng gần gũi với đời sống riêng tư mà chưa nêu được bản chất của quyền riêng tư.

Quyền riêng tư được xây dựng dựa trên kết hợp 2 yếu tố:

- Yếu tố quyền: Quyền là “điều mà pháp luật và xã hội công nhận, cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi” [1, Tr. 1068]. Quyền riêng tư mang các nét đặc trưng cơ bản của con người từ khi sinh ra, đại diện cho giá trị con người và được áp dựng bình đẳng cho tất cả mọi người. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác. Quyền riêng tư có tầm quan trọng ngang với các quyền con người khác, bởi lẽ việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người.

- Yếu tố riêng tư: Quyền riêng tư cá nhân mang những yếu tố riêng tư cá nhân. Riêng tư được hiểu là “riêng của từng người, của từng cá nhân”[1, Tr. 1087], những vấn đề của riêng cá nhân đó và cá nhân ấy hoàn toàn có quyền lựa chọn chia sẻ hoặc không chia sẻ thông tin với người khác. Như vậy, sự quyết định chia sẻ hoặc cho phép người khác sử dụng thông tin hoặc các vấn đề khác liên quan đến những vấn đề riêng tư này hoàn toàn thuộc về chính cá nhân đó. Nét đặc trưng của yếu tố riêng tư là các thông tin này không ảnh hưởng đến đời sống của các chủ thể khác và không ảnh hưởng đến cộng đồng, Nhà nước.

Qua những phân tích nêu trên, có thể định nghĩa quyền riêng tư như sau: “Quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân đối với: thân thể, thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, hình ảnh, thư tín, công việc cá nhân. Trong phạm vi không gian riêng tư của mình, cá nhân không phải chịu bất cứ sự can thiệp, tiếp cận bất hợp pháp đối với các yếu tố riêng tư. Cá nhân có quyền tự do trong không gian riêng tư của mình. Cá nhân có thể lựa chọn việc công khai hoặc không công khai các nội dung thuộc về đời sống riêng tư, lựa chọn thời điểm, nội dung, phương thức của việc chia sẻ, công khai thông tin thuộc về đời sống riêng tư nếu muốn. Quyền riêng tư chỉ bị hạn chế trong trường hợp mà việc xâm phạm không gian riêng tư nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, cộng đồng, hoặc của những người khác mà những lợi ích đó quan trọng hơn chủ thể quyền”.

3. Thực trạng quy định và thực hiện pháp luật báo chí liên quan đến quyền riêng tư

Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, báo chí là lĩnh vực có liên quan nhiều nhất đến bí mật đời tư cá nhân. Những người bị báo chí xâm phạm bí mật đời tư phần lớn là những người nổi tiếng, bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều dễ dàng trở thành đối tượng bị xâm phạm bí mật đời tư trong giới báo chí [3]. Do đó, bên cạnh Bộ luật Dân sự 2015, Luật Báo chí 2016 cũng có những điều khoản nhằm bảo vệ quyền riêng tư thông qua việc cấm tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Khi báo chí công khai những hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư, có nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng hầu như không ai đồng tình với việc thông tin cá nhân, bí mật của mình được đăng tải trên báo chí.

Đối với những hành vi vi phạm quyền riêng tư khi khai thác bí mật hoặc hình ảnh cá nhân trên các tác phẩm báo chí, Luật Báo chí năm 2016 quy định việc cải chính thông tin tại Điều 42: “Cơ quan báo chí nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”.

Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí nếu có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Và lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.

Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm phải thực hiện theo quy định sau: (i). Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên Mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin; (ii). Đăng, phát đúng chuyên Mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin. Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung như: Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”. Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên Mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính; Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính. Sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi, Cơ quan báo chí có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.

Đồng thời áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản về các mức phạt khi vi phạm quy định về nội dung thông tin.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí

4.1. Cần bổ sung quy định pháp luật giải thích các thuật ngữ về quyền riêng tư

Việc bổ sung các quy định của pháp luật dân sự giải thích thống nhất các thuật ngữ quyền riêng tư là vấn đề cấp thiết để ghi nhận và bảo vệ quyền riêng nói chung và quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí nói riêng. Như đã đề cập, quy định của pháp luật dân sự Việt Nam còn chưa thống nhất về cách hiểu thế nào là bí mật đời tư, hình ảnh là gì, đã gây không ít khó khăn cho việc xác định phạm vi quyền riêng tư mà chủ thể được hưởng và việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi bị xâm hại.

Nên bổ sung quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự (BLDS) theo hướng giải thích bí mật đời tư chi tiết như sau: "Bí mật đời tư là những thông tin, tài liệu có liên quan về đời sống riêng tư của mỗi cá nhân mà người đó không muốn tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai". Với cách giải thích thống nhất, chi tiết như vậy tại BLDS - bộ luật gốc - có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ, ghi nhận quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân và tránh được những hạn chế về việc cung cấp, công bố bí mật riêng tư đó của cá nhân cả trong quá khứ, hiện tại và khi họ đã chết đi trong mọi lĩnh vực, trong đó bao hàm cả lĩnh vực báo chí. Bổ sung quy định giải thích hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 như sau: "Hình ảnh cá nhân là những đặc điểm biểu hiện ra bên ngoài, được ghi nhận lại thông qua các phương tiện lưu trữ, sao chép có tác động đến thị giác cũng như trí óc của người khác để qua đó có thể nhận dạng được cá nhân này với các cá nhân khác”. Từ cách hiểu thống nhất như vậy, sẽ thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật về quyền cá nhân đối với hình ảnh nói chung, trong lĩnh vực phản ánh báo chí nói riêng. Đặc biệt, chủ thể quyền sẽ tự xác định được đâu là hình ảnh cá nhân được pháp luật ghi nhận để có biện pháp bảo vệ phù hợp trước các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của mình.

4.2. Cần bổ sung căn cứ xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí

Việc thiếu những quy định của pháp luật về căn cứ xác định thiệt hại về xâm phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí là lỗ hổng trong quy định của pháp luật. Thực tế, trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại về hành vi vi phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí, Tòa án vẫn xác định thiệt hại về tài sản, về sức khỏe, tính mạng, về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị ảnh hưởng do hành vi xâm phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí gây ra. Trong khi đó, những thiệt hại này không phải là những thiệt hại trực tiếp từ việc quyền riêng tư của cá nhân bị xâm phạm. Do đó, nên có những căn cứ xác định thiệt hại do quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí bị xâm phạm để sớm giải quyết vấn đề bồi thường những thiệt hại về tinh thần của chủ thể quyền, ngoài những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị ảnh hưởng như trên.

Theo đó, cần tách bạch yếu tố thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất trong bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí. Trong đó, căn cứ xác định thiệt hại do quyền riêng tư bị xâm phạm có thể là tác động trực trực tiếp đến tinh thần của chủ thể do quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí bị xâm hại; những chi phí hợp lý khắc phục, hạn chế thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do quyền riêng tư bị xâm phạm. Và những thiệt hại về vật chất cần có thêm bộ phận hỗ trợ về việc đánh giá, thẩm định thiệt hại trực tiếp do hành vi xâm phạm gây ra và bù đắp những giá trị vật chất thực tế mất đi trong quá trình bị xâm phạm đến khi xử lý triệt để hành vi vi phạm. Vấn đề này hiện nay còn nhiều quan điểm và cần có nghiên cứu cụ thể, chi tiết.

4.3. Cần hoàn thiện quy định pháp luật về phương thức khiếu nại, tố cáo xử lý các hành vi vi phạm quyền riêng tư trên báo chí

Bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về pháp luật, pháp luật báo chí về thuật ngữ, nội dung các quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí thì việc bảo vệ quyền trước các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm minh những sai phạm cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Trên cơ sở đánh giá quy định pháp luật về việc xử lý các hành vi vi phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực báo chí và bảo vệ quyền trước sự xâm phạm của chủ thể khác, nhóm tác giả có đưa ra một số đóng góp hoàn thiện pháp luật như sau:

Một là, cần có quy định chặt chẽ về việc giải quyết khiếu nại báo chí, bởi đây chính là bước tiền tố tụng đối với một vụ kiện báo chí. Rất nhiều đơn khiếu nại báo chí hiện nay tuy mới là lá đơn đầu tiên, song nó không chỉ được gửi tới tổng biên tập tòa báo, mà đồng thời còn được gửi tới các cơ quan quản lý của báo chí. Những lá đơn như vậy không cho thấy rõ người khiếu nại đang muốn giải quyết theo con đường hành chính hay con đường tố tụng. Cần cụ thể hóa các quy định về việc kiện các nhà báo, tòa báo ra trước tòa án nhân dân.

Hai là, cần quy định khi một tòa báo bị kiện ra tòa, bản thân tòa báo đó không được tiếp tục đăng bài về những vấn đề mà tòa báo đó đang bị kiện, trước khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của. Quy định này nhằm tránh gây nhiễu thông tin cho bạn đọc và khó khăn cho công việc xét xử của Tòa án. Nó cũng cho thấy rõ sự “thượng tôn pháp luật” của các cơ quan công luận, đồng thời cũng là để tránh cho các tòa báo bị kiện cả một loạt bài viết, do không tìm được điểm dừng thích hợp.

Ba là, cần quy định khi một bài báo bị kiện và Tòa án đã thụ lý vụ kiện, tòa báo cần cung cấp rõ danh tính của tác giả bài báo cho Tòa án dù tác giả có ký bút danh hay ký “tổ phóng viên”, “nhóm phóng viên”. Nếu tòa báo từ chối cung cấp danh tính tác giả, Tòa án có quyền coi cá nhân tổng biên tập là tác giả bài báo, bởi có như vậy mới làm rõ được trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại khi có phán quyết của Tòa án nhân dân. Tránh trường hợp Tòa án nhân dân lúng túng, có nhiều điểm trái chiều trong việc thụ lý hồ sơ.

Bốn là, cần quy định về lời cải chính do tòa báo đăng tải theo quyết định, bản án của Tòa án là do tòa báo viết, song phải được người được thi hành án đọc và đồng ý, trước khi đăng tải. Quy định như vậy nhằm hạn chế việc thi hành án của vụ kiện báo chí không được thực hiện một cách thỏa đáng và dứt điểm.

4.4. Cần quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên

Từ Điều 25 đến Điều 27, Luật Báo chí 2016 quy định về Nhà báo chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này có số lượng lớn. Khoản 1 Điều 25 “nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo), quy định này chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. Do đó, các đơn vị báo chí cấp thẻ tác nghiệp cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên chưa đủ điều kiện năm công tác để được cấp thẻ nhà báo. Trong khi Luật Báo chí 2016 không quy định về bất kỳ loại thẻ nào trong hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí, ngoài thẻ nhà báo. Do vậy, thời gian qua, xảy ra tình trạng nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp bằng các loại giấy tờ, thẻ dễ nhầm lẫn với thẻ nhà báo, ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín nghề nghiệp của các nhà báo đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật nhằm tiếp cận những thông tin riêng tư bí mật.

Do đó, trong các điều khoản quản lý nhà báo, phóng viên, Luật Báo chí cần có các văn bản làm rõ việc quản lý quy định cấp thẻ hành nghề đối với các phóng viên chưa đủ điều kiện cấp thẻ Nhà báo. Thẻ phóng viên do cơ quan báo chí quản lý phóng viên cấp và phải căn cứ vào quy định cụ thể về điều kiện cấp thẻ do bằng văn bản pháp lý. Cụ thể, Khoản 1, Điều 25 Luật Báo chí 2016 cần bổ sung: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo và thẻ phóng viên theo quy định”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trung tâm từ điển học Vietlex, (2015). Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.
  2. Lê Đình Nghị (2008). Quyền bí mật đời tư theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  3. Lê Đình Nghị (chủ nhiệm đề tài) - Nguyễn Minh Oanh (thư ký) - Nguyễn Thị Quế Anh (2008). Quyền nhân thân của cá nhân và bảo vệ quyền nhân thân theo pháp luật dân sự. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  4. Lỗ Chí Anh Đức (2021). Bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong môi trường mạng xã hội ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  5. Thái Thị Tuyết Dung (2012). Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia. Sách chuyên khảo, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

SOME ISSUES ABOUT THE RIGHT

TO PRIVACY IN THE LAW ON PRESS:

CURRENT SITUATIONS AND IMPROVEMENT RECOMMENDATIONS

• Master. NGUYEN SON TUNG

Hanoi Law University

ABSTRACT:

This paper defines the concept and meaning of the right to privacy and evaluates the current situation of privacy violations in the journalism field in Vietnam. The press's right to freedom of reporting is a fundamental principle in a democratic society, but the scope and method of reporting must comply with legal regulations. Vietnam has a fairly complete system of legal documents protecting the right to privacy. However, there are still some limitations that lead to privacy violations. Based on analyses, this paper proposes a number of recommendations to amend and supplement the legal system protecting privacy in the field of journalism in Vietnam.

Keywords: privacy, the press, the Law on Press.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Ngành Công Thương khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong những năm qua đã đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển của ngành Công Thương, thực hiện tái cấu trúc công nghiệp và thương mại. Giai đoạn 2021-2030, mục tiêu KHCN ngành Công Thương sẽ phát triển thực sự trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, góp phần tích cực phát triển thương mại theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.

Xem chi tiết
Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Giám đốc Công ty Luật Viên An, Luật sư, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Bảo Ngọc (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp

Đề tài Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp do ThS. Vũ Phương Lan (Khoa Công nghệ Hóa - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ) thực hiện.

Xem chi tiết
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3