(CHG) Ngày 10/6, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở khoa học và thực tiễn chỉnh sửa Luật Báo chí 2016".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.
Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, báo cáo nêu 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí.
Vì vậy, Thứ trưởng mong hội thảo này là dịp để các nhà quản lý cùng được lắng nghe những ý kiến chất lượng, góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, về bản chất là đưa ra những quan điểm, tầm nhìn và kế hoạch để chúng ta làm những câu chuyện dài hơi hơn.
Theo nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại, cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và hội thảo hôm nay chính là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ đó.
Nhấn mạnh đến việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, “Diễn đàn Báo chí tháng Sâu” lần thứ 2 này đã đề cập đến một chủ đề rất thời sự, nóng bỏng hiện nay của báo chí Việt Nam. Luật Báo chí là khung khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều như hiện nay.
Tham luận tại hội thảo với nghiên cứu “Sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số từ lý thuyết xã hội thông tin”, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Từ báo chí số tiếp cận nghiên cứu lý thuyết xã hội thông tin, cơ sở thực tiễn chuyển đổi từ báo chí tích hợp các loại hình đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động để sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm phát triển báo chí số ở Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung đi sâu đánh giá việc thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí và những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới; phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam; trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.../.
Bài báo "Tác động của đạo đức trí tuệ nhân tạo, thái độ và nhận thức đến hành vi sử dụng ChatGPT" do MBA. Nguyễn Lý Trường An - MBA. Trương Thị Cẩm Vân - MBA. Võ Phương Chi - TS. Lượng Văn Quốc (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Marketing) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái dừa sang thị trường Châu Âu" do TS. Nhan Cẩm Trí (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tái lập tín hiệu điện tâm đồ" do Nguyễn Thị Thu Hồng (Khoa Ứng dụng phần mềm, Trường Cao đẳng FPT Thành phố Hồ Chí Minh) và Trương Quốc Trí* (Tác giả liên hệ: tri.truong@vlu.edu.vn, Khoa Kỹ thuật Cơ - Điện và Máy tính, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Phân tích một số kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương do ThS. Phan Thị Cẩm Giang (NCS Học viện Hành chính Quốc gia- Giảng viên Khoa Quản lý Kinh tế Xã hội - Phân viện Học viện Hành chính tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam và vai trò của thu hút FDI" do ThS. Đào Thị Việt Hằng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết