Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai


TÓM TẮT:

Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai với nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) của tỉnh. Trong thời gian qua, Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Nhà trường có những khó khăn, hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung. Bằng một số phương pháp nghiên cứu định tính như thu thập thông tin, điều tra xã hội học, phân tích, so sánh và tổng hợp; nghiên cứu này đi vào phân tích thực trạng hoạt động đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của Nhà trường trong thời gian tới.

Từ khóa: nâng cao, chất lượng đào tạo, công chức, viên chức, trung cấp lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai là “đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy” (Tỉnh ủy Đồng Nai, 2019) và có chức năng “tham mưu giúp Tỉnh ủy tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh” (Tỉnh ủy Đồng Nai, 2019).

Tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai gồm: Ban Giám hiệu: Hiệu trưởng và không quá 02 Phó hiệu trưởng; 03 khoa: Khoa Lý luận cơ sở, Khoa Xây dựng Đảng, Khoa Nhà nước và pháp luật; 02 phòng: Phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu và Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học. Tổng số cán bộ, viên chức của Nhà trường hiện nay là 32 đồng chí có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra (Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, 2023).  

Công tác đào tạo của Nhà trường được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển Trường chính chuẩn, quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về Trường Chính trị chuẩn (Tỉnh ủy Đồng Nai, 2022). Trong thời gian qua, trung bình mỗi năm Nhà trường đào tạo khoảng 28 lớp Trung cấp lý luận chính trị, với hơn 2.400 học viên, 100% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp, đảm bảo yêu cầu đặt ra. Thông qua quá trình đào tạo, trình độ nhận thức lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai còn bộc lộ nhiều hạn chế như: chương trình đào tạo chậm được đổi mới; đội ngũ giảng viên phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo; số lượng các lớp đào tạo tập trung còn ít; nhiều cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vai trò công tác đào tạo cán bộ; học viên chưa thật sự tập trung thời gian, chưa tích cực, tự giác trong học tập, hiện tượng ngại học, lười học chính trị vần còn; đào tạo chưa gắn với quy hoạch, bổ nhiệm… (Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, 2023).

Nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đề ra, nghiên cứu này tập trung vào việc  nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Đồng Nai tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai.

2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu dùng để phân tích trong nghiên cứu này bao gồm: dữ liệu thứ cấp được lấy từ các nghiên cứu, tài liệu liên quan đến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, một số giáo trình, các dữ liệu trên báo chí, website, các báo cáo chính thức, các chính sách đang thực hiện Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai… và dữ liệu sơ cấp được thu thập tại thời điểm nghiên cứu thông qua các cuộc phương pháp phỏng vấn, điều tra xã hội học liên quan nội dung, chủ đề nghiên cứu.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng về đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai

Chất lượng đào tạo là kết quả tác động của nhiều yếu tố, trong đó chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên - những người trực tiếp làm công tác giảng dạy, quản lý đào tạo giữ vai trò quyết định (Thái Doãn Việt, 2023). Nhận thức được điều đó, Trường Chính trị Đồng Nai thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực của nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Nhà trường xác định đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Xác định tinh thần đó, trong giai đoạn 2018-2023, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh các hoạt động thu hút nguồn cán bộ và tuyển dụng mới sinh viên nhằm thay thế số giảng viên về hưu hoặc chuyển công tác, đảm bảo ổn định nguồn nhân lực của Trường, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên. Đặc biệt, ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường còn quan tâm đến đào tạo trình độ lý luận chính trị và các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu vị trí công việc của cán bộ, giảng viên. Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà trường cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1. Trình độ chuyên mô và lý luận chính trị của cán bộ

giảng viên nhà trường

STT

Trình độ

Số lượng

Tỷ lệ

I

Chuyên môn, nghiệp vụ

 

 

1.

Tiến sĩ

03

9,38%

2.

Thạc sĩ

20

62,5%

3.

Cử nhân

09

28,12%

II

Lý luận chính trị

 

 

1.

Cao cấp lý luận chính trị và tương đương

21

65,63%

2.

Trung cấp lý luận chính trị

09

28,12%

3.

Sơ cấp lý luận chính trị

02

6.25%

Nguồn: Phòng Tổ chức, hành chính, 2023

Riêng về đội ngũ giảng viên, hiện nay, tổng số giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm của nhà trường là 18 đồng chí với 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ Thạc sĩ trở lên (03 Tiến sĩ; 15 Thạc sĩ, 02 nghiên cứu sinh), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, có chứng nhận đã hoàn thành chương trình Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học tích cực, hiện đại,…

Bên cạnh đó, Nhà trường duy trì được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể... để cung cấp cho học viên về kiến thức thực tiễn. Thực hiện công tác quản lý nội dung, thời gian đối với đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhìn chung, trong những năm qua, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà trường ngày càng được năng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

3.2. Thực trạng công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai

Nhiệm vụ đào tạo CB, CC, VC tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai là đào tạo về trung cấp lý luận chính trị. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Nhà trường. Trong thời gian qua, Nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ CB, CC, VC của tỉnh Đồng Nai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Giai đoạn 2018-2023, Nhà trường đã tổ chức đào tạo hơn 143 lớp TCLLCT, với tổng số gần 11.000 học viên và 100% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định.

Bảng 2. Số lượng lớp và học viên đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng số

Số lớp

24

26

29

31

33

143

Tổng số học viên

1.68

1.82

2.32

2.48

2.64

10.94

Tỉ lệ tốt nghiệp

100%

100%

100%

100%

100%

100%

Tỷ lệ khá/giỏi

28,4%

36,1%

41%

56,4%

57,2%

 

 Nguồn: Phòng Quản lý đào tạo nhà trường, 2023

Nhìn chung, giai đoạn 2018-2022, số lớp và học viên đào tạo TCLLCT tăng nhanh, trong đó, năm 2022 tăng 9 lớp với khoảng 960 học viên so với năm 2018, tỷ lệ học viên ra trường đạt mức khá, giỏi tăng lên: năm 2022 đạt 57,2% so với năm 2018 chỉ đạt 28,4%. Nguyên nhân chủ yếu từ khi thực hiện Quy chế đào tạo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành và thực hiện từ năm 2021, nguồn cán bộ xét cử đi học đảm bảo từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên tăng nhanh. Ngoài ra, kết quả trên còn có nguyên nhân từ nội dung chương trình mới ban hành phù hợp hơn với nhận thức của học viên, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng như phương pháp giảng dạy đổi mới theo hướng sát thực tế, gắn lý luận với thực tiễn cũng góp phần nâng cao kết quả đào tạo tại trường.

Công tác quản lý đào tạo được thực hiện theo Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Quản lý đào tạo được hết sức coi trọng, các khâu được triển khai thực hiện đồng bộ, với nhiều biện pháp tích cực, có hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng, đánh giá đúng thực chất kết quả đào tạo ở từng lớp học, cấp học. Song song với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường tiến hành khảo sát ở các đơn vị có cử cán bộ đi học tại trường định kỳ 02 năm/1 lần. Qua khảo sát, hầu hết cán bộ được các đơn vị cấp huyện cử đi đào tạo hằng năm là đúng mục tiêu đào tạo, trình độ về nhận thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, cán bộ vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Kết quả tại kỳ khảo sát năm 2021, về cơ bản, cán bộ ra Trường được bố trí và sử dụng theo đúng quy hoạch và phát huy tác dụng tốt chiếm tỷ lệ 45,27%, khá là 49,95%, đạt là 1,93%, không phát huy tác dụng là 3,27% (báo cáo của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai về công tác đào tạo). Nhìn chung, cán bộ sau khi đào tạo tại Trường được cấp ủy và thủ trưởng đơn vị quan tâm bố trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn từng cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đề bạt và bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Công tác đào tạo CB, CC, VC trên địa bàn Tỉnh của Nhà trường luôn nắm vững mục tiêu, bám sát đối tượng và tiêu chí căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của tỉnh trước yêu cầu mới.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác đào tạo CB, CC, VC của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai còn những hạn chế nhất định. Việc đổi mới nội dung, một số chương trình vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời so với những biến đổi không ngừng của tình hình trong nước, khu vực và thế giới. Một số bài giảng của giảng viên cập nhật có thời điểm còn hạn chế… Việc tuyển dụng giảng viên gặp nhiều khó khăn. Số lượng giảng viên là giảng viên chính còn ít so với số lượng giảng viên của trường. Đội ngũ cán bộ chuyên viên làm việc tại các phòng chuyên môn không được hưởng phụ cấp công vụ cũng không được hưởng phụ cấp đặc thù của cán bộ thuộc khối đảng, đoàn thể, trong khi vẫn phải thực hiện mọi nhiệm vụ của một viên chức ở các cơ quan của khối Đảng, đoàn thể, nên đời sống rất khó khăn… Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác của cán bộ, viên chức Nhà trường nói chung và chất lượng đào tạo của Nhà trường nói riêng.

3.4. Giải pháp

Để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp thuộc 3 nhóm giải pháp cơ bản, đó là nhóm giải pháp về phía nhà trường, nhóm giải pháp về phía học viên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về phía nhà trường.

Để nâng cao chất lượng đào tạo CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh của Nhà trường cần thực hiện đồng bộ thống nhất các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường; Đổi mới phương pháp dạy - học và tổ chức, quản lý học viên; Nghiên cứu đề xuất, thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy; Đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường: Cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Đây là giải pháp quan trọng đầu tiên quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà trường nói chung và việc nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng. Trong đó, Đảng ủy, Ban Gám hiệu Nhà trường cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương nhằm bồi dưỡng nguồn cán bộ, công chức có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… Gắn với triển khai có hiệu quả Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị tỉnh, thành phố. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần có biện pháp động viên, khích lệ nhằm quy tụ sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viênĐể nâng cao chất lượng đào tạo nhất thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo. Muốn vậy, cần thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, quy hoạch và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên để phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu độ tuổi, giới tính, chuyên ngành; có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, có trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức thực tiễn vững vàng, thực sự “trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị”, là tấm gương sáng cho học viên noi theo.

Ba là, đổi mới phương pháp dạy - học và  tổ chức, quản lý học viên: Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho giáo dục phát triển, đồng thời đặt ra những thách thức, yêu cầu đòi hỏi phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện, trong đó đổi mới phương pháp dạy - học là khâu then chốt. Nhà trường cần tiếp tục việc đổi mới phương pháp dạy - học, không chỉ đơn thuần là đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn bao gồm cả đổi mới phương pháp, cách thức học tập của học viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy phải là hoạt động sáng tạo liên tục và chủ yếu của người giảng viên lý luận chính trị.

Nhà trường cũng cần tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là khâu quan trọng trong quản lý chất lượng học tập. Cần tiếp tục tăng cường các hình thức: tổ chức thi, kiểm tra, thu hoạch cuối khóa để đánh giá mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra và kết quả học tập của học viên. Qua đó rút kinh nghiệm, cải tiến nội dung, chương trình và phương thức tổ chức cho những lớp sau đạt hiệu quả cao hơn.

Bốn là, nghiên cứu đề xuất, thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC theo các nội dung sau: (1) Cần xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc đào tạo bồi dưỡng; (2) Nội dung chương trình đào tạo cần tập trung hướng trang bị phương pháp luận, phải tăng cường tính thực tiễn, đặc biệt là đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sát với yêu cầu công việc thực tế CB, CC, VC phải thực hiện ở cơ sở; (3) Phương pháp đào tạo sử dụng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại hóa. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học, nghiên cứu của Trường một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu tiêu chuẩn trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về Trường Chính trị chuẩn, nhằm hướng tới phương châm “Nhà trường là nền tảng, học viên là trung tâm, đội ngũ giảng viên giữ vai trò là động lực” và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, học tập trong giai đoạn mới.

Thứ hai, nhóm giải pháp từ phía học viên.

 Học viên - đội ngũ CB, CC, VC là đối tượng đào tạo của Nhà trường. Để góp phần năng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường cần có những giải pháp các yếu tố tích cực của người họcđó là: (1) Nâng cao nhận thức của học viên về vai trò, ý nghĩa của việc học tập lý luận chính trị, xác định học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị của CB, CC, VC; (1) Học viên cần tập trung, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện. Học viên lên lớp nghe giảng phải tập trung tư tưởng, tránh bị phân tán. Phải nghiêm túc khi học tập trên lớp; biết kết hợp tốt nghe, nhìn, hiểu và ghi chép; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng bài học; tiếp thu bài giảng của thầy cô, ý kiến của bạn bè. Trong thảo luận, học viên mạnh dạn phát biểu tranh luận và phản biện, nên bày tỏ ý kiến của mình trước lớp. Cố gắng chọn phương pháp học dễ hiểu, tiếp thu ngay tại lớp, chủ động trong việc học, tránh trường hợp soạn bài, ôn bài dồn vào ngày thi. Phải thường xuyên học tập, trau đồi phẩm chất chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hàng ngày.

Thứ ba, nhóm giải pháp về phía cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng CB, CC, VC được cử đi đào tạo

 Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo CB, CC, VC, các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng CB, CC, VC, cần: (1) Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ với Nhà trường trong công tác quản lý học viên là CB, CC, VC được cử tham gia các khóa đào tạo; (2) Bố trí, sắp xếp, phân công công việc cho cán bộ hợp lý để cán bộ được cử đi đào tạo có điều kiện tập trung thời gian học tập, nghiên cứu tốt; (3) Có chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý để tạo động lực cho cán bộ yên tâm học tập, rèn luyện tốt; (4) Lấy kết quả học tập của cán bộ làm một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại chất lượng CB, CC, VC, đảng viên và bình xét thi đua hàng năm, kịp thời khen thưởng, biểu dương đối với cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng, đồng thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng khi được phân công để CB, CC, VC có ràng buộc trách nhiệm, động lực học tập, rèn luyện tốt hơn; (5)Thường xuyên quan tâm, phối hợp với nhà trường trong công tác quản lý CB, CC, VC được cử đi đào tạo, như: xây dựng và thực hiện chặt chẽ cơ chế phối hợp giữa Nhà trường với các địa phương xây dựng quy định về học tập, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về học tập đối với CB, CC, VC; quy định học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị là nhiệm vụ của CB, CC, VC; Có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Nhà trường để có có chế độ quản lí, kiểm tra việc học tập của công chức. Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện để học viên, cán bộ Nhà trường đi thực tế, nghe báo cáo chuyên đề về tình hình kinh tế, chính trị - xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…

Đào tạo TCLLCT là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng thường xuyên của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian qua, công tác đào tạo của Nhà trường đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ chung của tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo CB, CC, VC tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ở cả 3 nhóm giải pháp về phía Nhà trường, học viên và cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng CB, CC, VC được cử tham gia các khóa đào tạo tại Trường như đã nêu trên. Việc thực hiện các giải pháp trên không xem nhẹ giải pháp nào, nhóm giải pháp nào. Vì ba nhóm giải pháp đó như “kiềng ba chân” của công tác đào tạo CB, CC, VC của Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Kết luận số 117-KL/TW, ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư khóa XI về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Hà Nội.
  2. Thái Doãn Việt (2023), Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn, Tạp chí Lý luận chính trị, Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/4933-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giang-vien-dap-ung-tieu-chi-truong-chinh-tri-chuan.html.
  3. Tỉnh ủy Đồng Nai (2019), Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/11/2014 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đồng Nai.
  4. Tỉnh ủy Đồng Nai (2019), Quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Trường Chính trị tỉnh, Đồng Nai.
  5. Tỉnh ủy Đồng Nai (2022), Đề án phát triển Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Đồng Nai.
  6. Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai (2023), Báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2022, Đồng Nai.

Improving the quality of cadre, civil servants, and officials training at Dong Nai Province School of Politics

Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Quyet Thang1

Nguyen Thi Bich Ngoc2

1Faculty of Tourism and Hospitality Management, Ho Chi Minh City University of Technology

2Dong Nai Province School of Politics

ABTRACT:

The major task of Dong Nai Province School of Politics is to provide theoretical political training at the intermediate level for the province’s cadre, civil servants, and officials. The school has continuously strived to enhance its training quality. However, the school is still facing some difficulties and limitations in its training quality improvement. By using some qualitative research methods, such as information collection, sociological investigation, analysis, comparison, and synthesis, this study is to analyze the school’s current training activities for Dong Nai province’s cadre, civil servants, and officials, Based on the study’s results, some solutions are proposed to improve the school’s training quality for the province’s cadre, civil servants, and officials in the coming time.

Keywords: training quality improvement, civil servants, public employees, intermediate political theory, Dong Nai Province School of Politics.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô

Bài báo nghiên cứu "Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô" do Phan Văn Nhựt (Khoa Công nghệ Động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư

Đề tài Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư do TS. Nguyễn Trung Trực ( Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện.

Xem chi tiết
Ảnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.)

Ảnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.) do ThS. Võ Văn Sim - Lê Thị Thanh Ngân - Võ Gia Huy - ThS. Bùi Thu Hà - ThS. Hồ Tấn Thành - ThS. Trần Nguyễn An Sa*(Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do ThS. Nguyễn Thị Bích Mai (Giảng viên, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện

Xem chi tiết
Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm

Bài báo nghiên cứu "Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm" do Đặng Lê Thanh Liên - Nguyễn Thị Lan Thương (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3