Nghiên cứu tổng quan về ảnh hưởng của hành vi xanh trá hình tới sự sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu xanh


Bài báo "Nghiên cứu tổng quan về ảnh hưởng của hành vi xanh trá hình tới sự sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu xanh" do TS. Nguyễn Thị Thu Hương (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Lê Việt Anh (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Gần đây, marketing xanh ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Có nhiều sáng kiến xanh thuộc các lĩnh vực khác nhau như năng lượng, thực phẩm, du lịch... Tuy nhiên, ở lĩnh vực thực phẩm, nhiều công ty đã sử dụng chiêu thức xanh trá hình để thể hiện sự thân thiện với môi trường. Bài báo tập trung tìm hiểu tổng quan tình hình ảnh hưởng của hành vi xanh trá hình (greenwashing) tới sự tin tưởng thương hiệu xanh, lòng trung thành với thương hiệu xanh và sự sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm này. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần ngăn chặn hành vi xanh trá hình, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm xanh.

Từ khóa: thương hiệu xanh, hành vi xanh trá hình, sự tin tưởng, lòng trung thành, sẵn sàng trả giá cao.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, khi vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, thì nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh hoặc thân thiện với môi trường (Chen, 2008). Do vậy, công ty cũng tìm cách xây dựng thương hiệu sản phẩm xanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, cũng như thiết lập được hình ảnh thương hiệu tích cực và trách nhiệm với xã hội (Chen, 2010).

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, năm 2002 chỉ có 5 thương hiệu xanh thì đến năm 2007, số lượng thương hiệu xanh đã tăng lên 328. Tuy nhiên, không phải tất cả các tập đoàn đều tạo ra các thương hiệu xanh một cách hợp pháp.

Greenwashing là hành động gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về các hoạt động môi trường của một công ty hoặc các lợi ích môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ (Parguel et al., 2011). Hậu quả của việc này khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin về thương hiệu xanh (Chen & Chang, 2013). Thậm chí, Wang và cộng sự (2019) đã chứng minh cảm nhận về hành vi xanh trá hình của một thương hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến ý định mua sản phẩm xanh của các thương hiệu khác trong ngành. Như vậy, xanh trá hình đã trở thành một chủ đề nóng vì tầm quan trọng thực tế, điều này cũng làm tăng thách thức và cơ hội nghiên cứu khác nhau trong nhiều lĩnh vực.

Mặc dù nghiên cứu trước đây đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến xanh trá hình, nhưng cho đến nay còn rất ít nghiên cứu tập trung xem xét ở thị trường các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, chỉ có Zhu và cộng sự (2008), và Du (8) nghiên cứu ở Trung Quốc và Nelson và Robertson (2010) nghiên cứu ở Brazil.

Bài báo này tập trung tìm hiểu tổng quan về ảnh hưởng của hành vi xanh trá hình tới sự sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu thực phẩm xanh ở Hà Nội, Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần ngăn chặn hành vi xanh trá hình, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm xanh.

2. Xu hướng của thực phẩm xanh

Thực phẩm xanh là thực phẩm được giám sát, kiểm tra chặt chẽ với các quy định về thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc thú y, các chất phụ gia,... ở tất cả các khâu, từ trồng trọt/chăn nuôi, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và đến tay người tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn về môi trường và sản phẩm, ngăn ngừa mọi ô nhiễm và khả năng gây độc hại. Trong khuôn khổ của bài báo này, tác giả sử dụng thuật ngữ thực phẩm sạch hay thực phẩm an toàn cũng giống như khái niệm về thực phẩm xanh như trên.

Theo nghiên cứu, thị trường thực phẩm xanh ở Việt Nam sau một giai đoạn phát triển tương đối nhanh, nay đang có dấu hiệu chậm lại. Một vấn đề đặt ra từ rất lâu, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết thực sự hiệu quả và triệt để, đó là khó phân biệt thực phẩm xanh thật hay giả. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hy vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao hơn như siêu thị, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế đã có nhiều vụ việc thực phẩm không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui, thậm chí các sản phẩm đó đều có gắn mác là thực phẩm an toàn. Điều đó làm cho thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn khi niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm này không còn nhiều.

Vấn đề thứ hai đó là sự tin tưởng của người tiêu dùng về việc liệu sản phẩm có tốt như quảng cáo. Bên cạnh rất nhiều các thông tin thực phẩm an toàn được cho là tốt cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng, an toàn... thì vẫn còn nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo “chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng để chứng minh thực phẩm an toàn tốt hơn thực phẩm thông thường”. Thực phẩm an toàn được sản xuất một cách “tự nhiên” cũng chỉ có thể cung cấp được các chất dinh dưỡng và hạn chế các chất có hại tương tự như thực phẩm “thông thường” mà thôi. Thậm chí, thực phẩm an toàn còn “có phần” kém hơn, do khó bảo quản hơn, nên hàm lượng dinh dưỡng kém đi trong quá trình tồn trữ, vận chuyển.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng Việt Nam chuộng thực phẩm an toàn, còn do xuất phát từ nỗi sợ với thực phẩm bẩn tràn lan. Theo báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng. Vietnam Report đưa ra dự báo trong 3 năm tới sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ cùng với việc sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường. Triển vọng của thị trường thực phẩm đồ uống Việt Nam cũng hòa theo triển vọng của thị trường thực phẩm và đồ uống thế giới với doanh thu về thực phẩm và đồ uống hữu cơ tiềm năng đạt 320,5 tỷ USD vào năm 2025.

3. Hành vi xanh trá hình và sự tin tưởng thương hiệu xanh

Sự tin tưởng là một trạng thái tâm lý của con người và có thể mang lại lợi ích cho các cá nhân, nhóm và tổ chức (Laufer, 2003). Nhưng nó rất dễ bị tổn thương do những kỳ vọng của con người. Theo nghiên cứu của Chen (2010), sự tin tưởng thương hiệu xanh là “sự sẵn sàng phụ thuộc vào một thương hiệu dựa trên niềm tin hoặc kỳ vọng bắt nguồn từ uy tín và khả năng bảo vệ môi trường của nó”. Nhiều công ty đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và có chương trình truyền thông về nó một cách hiệu quả thì người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các công ty đó thực sự tham gia vào các sáng kiến môi trường. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều công ty thường phóng đại hoặc bịa đặt các lợi ích môi trường của sản phẩm, khiến khách hàng không còn tin tưởng nữa. Các hoạt động xanh trá hình đó gây hiểu lầm cho khách hàng, thậm chí ảnh hưởng tới thái độ của họ đối với công ty (Parguel et al. 2011). Đặc biệt, nó có thể dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư và các tổ chức phi chính phủ (Lyon et al., 2015). Xanh trá hình dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin và thậm chí làm mất giá trị thương hiệu (Guo et al., 2018). Đây cũng là một trở ngại cho việc phát triển marketing xanh, tác động tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu xanh, sự tin tưởng và lòng trung thành với các thương hiệu xanh .Vì vậy, điều quan trọng là xác định các chiến lược thương hiệu đúng đắn để nâng cao sự tin tưởng và lòng trung thành với thương hiệu xanh, đặc biệt là trong bối cảnh hành vi xanh trá hình đã, đang và sẽ còn diễn ra rất phức tạp.

Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng có nhiều học giả quan tâm tới chủ đề nghiên cứu này, các tác giả đều cho rằng tiêu dùng xanh ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, niềm tin của người tiêu dùng rất quan trọng trong việc lựa chọn sản phẩm xanh, nó có tác động cùng chiều đến ý định tiêu dùng xanh. Do vậy để gia tăng niềm tin xanh của người tiêu dùng, thì Chính phủ phải kiểm soát tốt quy trình dán nhãn mác sinh thái hay sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời về phía doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện đúng theo quy trình sản xuất theo những tiêu chí xanh đã công bố (Hảo & Tâm, 2020; Lê & Lê, 2020).

4. Hành vi xanh trá hình và lòng trung thành với thương hiệu xanh

Lòng trung thành thương hiệu được định nghĩa là mức độ gắn bó của người tiêu dùng đối với một thương hiệu cụ thể (De Villiers, 2015). Nói cách khác, lòng trung thành có thể được định nghĩa là thái độ của khách hàng đối với dịch vụ, thương hiệu hoặc doanh nghiệp Yếu tố trung thành phụ thuộc vào loại và cường độ của ý định mua của khách hàng. Một ý định mua hàng tích cực có khả năng làm cho khách hàng trung thành với thương hiệu. Tạo lòng trung thành của khách hàng là một trong những biện pháp phòng ngừa thất bại tốt nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Vì lý do này, nâng cao lòng trung thành của khách hàng vẫn là trọng tâm của nhiều hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp (Nyadzayo và Khajehzadeh, 2016).

Lòng trung thành với thương hiệu là một khái niệm quan trọng trong marketing thể hiện sức mạnh của mối quan hệ giữa khách hàng với thương hiệu. Nó đề cập đến cảm giác tích cực về sự yêu mến và tôn trọng của khách hàng với một thương hiệu mà nó mang lại giá trị vượt trội và luôn đáp ứng được mong đợi của họ. Điều này dẫn tới sự tương tác của khách hàng nhiều hơn với thương hiệu, khiến họ hài lòng và tin tưởng với sản phẩm/ dịch vụ, họ sẽ mua hàng lặp lại và chia sẻ những thông tin tích cực về thương hiệu với người khác (Yoo & Park, 2016).

Một số nghiên cứu trong quá khứ đã chỉ ra vai trò trung gian của lòng trung thành trong mối quan hệ giữa thái độ của người tiêu dùng với sản phẩm/ dịch vụ (ví dụ: Niềm tin, nhận thức về uy tín doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ) và ý định mua lại, truyền miệng và sẵn sàng trả giá cao (Chen-Yu & Yang, 2020). Còn lòng trung thành với thương hiệu xanh (green brand loyalty) là mức độ ý định mua lại của khách hàng được thúc đẩy bởi thái độ mạnh mẽ về môi trường và cam kết bền vững của thương hiệu đó (Chen et al., 2018). Do vậy, những hành vi xanh trá hình của các công ty có thể mất niềm tin với các đặc tính xanh của sản phẩm, từ đó sẽ không thể tạo dựng được lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu xanh.

5. Hành vi xanh trá hình và sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu xanh

Mặc dù các công ty đã nỗ lực triển khai thực hiện các sáng kiến bền vững, việc làm này hết sức tốn kém, tuy nhiên bằng chứng hiện có đánh giá mức độ sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu xanh của người tiêu dùng vẫn chưa nhận được sự quan tâm một cách thích đáng, thậm chí nhiều người chưa sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ như người tiêu dùng Tây Ban Nha quan tâm nhất sẵn sàng trả một giá cao hơn 22-37% đối với các sản phẩm thực phẩm xanh. Người tiêu dùng Nhật Bản được báo cáo là sẵn sàng trả phí bảo hiểm 8-22% đối với các sản phẩm thức ăn xanh. Hầu hết những người Canada được hỏi sẵn sàng trả thêm 10% cho các sản phẩm xanh, nhưng sự sẵn sàng chi trả mức cao hơn của người tiêu dùng Argentina nằm trong một phạm vi rất rộng 6-300% (Rodríguez và cộng sự, 20). Nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề này, cho thấy, người tiêu dùng có học vấn cao đã không sẵn sàng chi trả giá cao hơn cho các sản phẩm thực phẩm xanh vì họ hiểu biết nhiều hơn những thông tin về rủi ro và lợi ích của thực phẩm.

Như vậy, nếu thành công của các chiến lược kinh doanh bền vững của các công ty phụ thuộc trực tiếp vào sự nắm bắt thông tin và hiểu biết về môi trường và sản phẩm xanh của người tiêu dùng, thì đây chính là dịp để các công ty muốn theo đuổi chiến lược này cần xem xét lại. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít nghiên cứu về hiệu quả chiến lược kinh doanh bền vững hay cách thức cải thiện sự sẵn sàng trả giá cao của người tiêu dùng về sản phẩm xanh.

Trên thế giới, một vài nghiên cứu trước đây về sự sẵn sàng trả giá cao liên quan tới đặc điểm của người tiêu dùng như yếu tố động lực (mối quan tâm về môi trường), khả năng (hiểu biết về sinh thái), văn hóa (chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể), và các biến nhân khẩu học xã hội (giáo dục và thu nhập) (Kang và cộng sự, 2012).

Ở Việt Nam, Nguyễn Vũ Hùng (2015) đã nghiên cứu và cho thấy, trong toàn quốc cứ 5 người Việt thì có 4 người sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm cam kết sản xuất bền vững, 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo, thân thiện với môi trường và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua những sản phẩm không có những nguyên liệu mà họ không mong muốn. Gần đây nhất, Nguyễn Ngọc Hiền (2021) nhận định, đặc điểm gia đình, thái độ, nhận thức an toàn và rào cản rủi ro là những yếu tố chính ảnh hưởng đáng kể đến ý định mua và sẵn sàng trả giá cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ. Mặc dù những phát hiện này đã cung cấp những hiểu biết có giá trị, tuy nhiên nghiên cứu về những hoạt động xanh trá hình của các công ty liệu có ảnh hưởng tới sự sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm xanh không thì còn rất hiếm có.

6. Kết luận

Hành vi xanh trá hình có thể xảy ra ngay lập tức khi công ty không tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức kinh doanh do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Môi trường kinh doanh của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đặc trưng bởi cơ hội thị trường rõ ràng và áp lực cạnh tranh thấp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Đây là thời điểm dễ xuất hiện hiện tượng xanh trá hình nhất.

Bài báo hy vọng sẽ lấp đầy được khoảng trống nghiên cứu hiện tại về vấn đề xanh trá hình ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu sản phẩm xanh, từ đó thúc đẩy sự sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn, V. H. (2015). Phong cách sống và tiêu dùng xanh dưới góc nhìn của lý thuyết hành vi có kế hoạch. Đại học Kinh tế Quốc dân. https://dlib.neu.edu.vn/handle/NEU/35959

2. Hiền, N. N. (2021). Ý định mua và sẵn sàng trả giá cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ: Ứng dụng mô hình hồi quy logistics. Journal of Science and Technology-IUH, 51(03).

3. Hảo, D. Đ. Q., & Tâm, N. M. (2020). Hành vi mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng tại siêu thị co. opmart huế. Hue University Journal of Science: Economics and Development, 129(5C), 5-17.

4. Lê, P. C. L., & Lê, H. T. N. (2020). Sự ảnh hưởng của nhận thức rủi ro, cảm nhận giá trị và nhận thức thương hiệu lên dự định mua sản phẩm xanh. Nhà xuất bản Đà Nẵng, 137-145.

5. Chen, C. F., & Chang, Y. Y. (2008). Airline brand equity, brand preference, and purchase intentions-The moderating effects of switching costs. Journal of Air Transport Management, 14(1), 40-42.

6. Chen Y S (2010). The Drivers of Green Brand Equity: Green Brand Image, Green Satisfaction, and Green Trust. Journal of Business Ethics, 93(2), 307-319.

7. Parguel, B., Benoît-Moreau, F., & Larceneux, F. (2011). How Sustainability Ratings Might Deter ‘Greenwashing’: A Closer Look at Ethical Corporate Communication. Journal of Business Ethics, 102(1), 15-28.

8. Chen Y S, Chang C H (2013). Enhance environmental commitments and green intangible assets toward green competitive advantages: an analysis of structural equation modeling (SEM). Quality & Quantity, 47(1), 529-543.

9. Wang H, Ma B, Bai R (2019). The spillover effect of greenwashing behaviours: an experimental approach. Marketing Intelligence & Planning, 38(3), 283-295.

10. Zhu, Q., Sarkis, J., Cordeiro, J. J., & Lai, K. H. (2008). Firm-level correlates of emergent green supply chain management practices in the Chinese context . Omega, 36(4), 577-591.

11. Du X, Jian W, Zeng Q, et al (2018). Do Auditors Applaud Corporate Environmental Performance? Evidence from China. Journal of Business Ethics, 151(1): 1049-1080.

12. Nelson, G. C., & Robertson, R. D. (2010). Green gold or green wash: Environmental consequences of biofuels in the developing world. Review of Agricultural Economics, 30(3), 517-529.

13. Laufer, W. S. (2003). Social accountability and corporate greenwashing. Journal of Business Ethics, 43(3), 253-261.

14. Lyon, T. P., & Montgomery, A. W. (2015). The means and end of greenwash. Organization & Environment, 28(2), 21-36.

15. Guo, R., Zhang, W., Wang, T., Li, C. B., & Tao, L. (2018). Timely or considered? Brand trust repair strategies and mechanism after greenwashing in China-from a legitimacy perspective. Industrial Marketing Management, 72(JUL.), 127-137.

16. Villiers, D., & Rouxelle. (2015). Consumer brand enmeshment: Typography and complexity modeling of consumer brand engagement and brand loyalty enactments. Journal of Business Research, 68(9), 1953-1963.

17. Nyadzayo, M. W., & Khajehzadeh, S. (2016). The antecedents of customer loyalty: A moderated mediation model of customer relationship management quality and brand image. Journal of Retailing and Consumer Services, 30, 262-270.

18. Yoo, J., & Park, M. (2016). The effects of e-mass customization on consumer perceived value, satisfaction, and loyalty toward luxury brands. Journal of Business Research, 69(12), 5775-5784.

19. Chen-Yu, J. H., & Yang, J.-H. (2020). Consumer characteristics as predictors of purchase intentions and willingness to pay a premium for men’s mass-customized apparel. Journal of Global Fashion Marketing, 11(2), 154-170.

20. González-Rodríguez, M. R., Díaz-Fernández, M. C., & Font, X. (2020). Factors influencing willingness of customers of environmentally friendly hotels to pay a price premium. International Journal of Contemporary Hospitality Management, 32(1), 60-80.

21. Kang, K. H., Stein, L., Heo, C. Y., & Lee, S. (2012). Consumers’ willingness to pay for green initiatives of the hotel industry. International Journal of Hospitality Management, 31(2), 564-572.

AN OVERVIEW ON THE IMPACT OF GREENWASHING BEHAVIOR ON THE CUSTOMER’S WILLINGNESS TO PAY HIGHER PRICES FOR GREEN BRANDS

Ph.D NGUYEN THI THU HUONG¹

Ph.D LE VIET ANH²
¹ School of Interdisciplinary Sciences and Arts, Vietnam National University - Hanoi

² Hanoi University of Industry

ABSTRACT

Green marketing has received more and more attention from the community recently. There are many green initiatives in different fields, such as energy, food, tourism, etc. However, in the food industry, many companies have used greenwashing tactics to lure customers. This study presented an overall impact of greenwashing behavior on the customer’s trust in green brands, the customer’s loyalty to green brands, and their willingness to pay higher prices for a product. This study’s results are expected to contribute to preventing greenwashing behavior and facilitate the development of green food production, trading, and consumption.

Keywords: green brand, greenwashing behavior, trust, loyalty, willingness to pay a higher price.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3