Nhận diện các hành vi lạm dụng trong hoạt động của công ty cổ phần và sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam


Tóm tắt:

Lạm dụng được hiểu là hành vi sử dụng quá giới hạn, quá mức độ quy định nhằm để thực hiện mục đích nào đó của chủ thể, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Trong công ty cổ phần (CTCP), việc sử dụng vượt quá quyền hạn, nhiệm vụ được trao trái với quy định của điều lệ, pháp luật hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn nhưng đã lạm dụng vẫn thực hiện. Bài viết sẽ tổng hợp, phân tích một số hành vi lạm quyền trong hoạt động của CTCP và sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành để hạn chế và xử lý đối với các hành vi vi phạm này.

Từ khóa: sự lạm dụng, vượt quá thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, công ty cổ phần.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, các hành vi lạm dụng trong quá trình hoạt động của CTCP trở nên ngày càng phổ biến và thể hiện dưới nhiều biểu hiện đa dạng, tác động đến nhiều chủ thể nhằm xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.

Các quy định pháp luật hiện hành đã điều chỉnh hành vi lạm dụng của các chủ thể trong hoạt động của CTCP bằng các quy định về cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ, quyền của cổ đông, trách nhiệm pháp lý của chủ thể lạm dụng. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận và điều chỉnh bao quát đầy đủ các hành vi lạm dụng trong hoạt động của các loại hình công ty nói chung và của CTCP nói riêng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất trong các vấn đề nội bộ phát sinh trong CTCP. Tuy vậy, khi nền kinh tế phát triển, các cơ chế pháp luật tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, các hành vi lạm dụng trong hoạt động của CTCP nói riêng và các pháp nhân thương mại nói chung đang trở thành vấn đề lớn, tác động đến môi trường kinh doanh, đến sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các hành vi lạm dụng trong hoạt động của CTCP có thể bao gồm: Sự lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty; Sự lạm dụng đa số hoặc thiểu số; Sự lạm dụng về vốn trong công ty; Sự lạm dụng quyền hạn của người quản lý, người đại diện… Thông qua bài viết, tác giả nhận diện và đánh giá các hành vi lạm dụng dựa trên cơ sở thực tiễn và đánh giá, tổng hợp các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh các hành vi lạm dụng trong hoạt động của CTCP.

2. Các hình thức lạm dụng trong quá trình hoạt động của CTCP

2.1. Sự lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty

Tư cách pháp nhân được hiểu là tư cách chủ thể của một tổ chức khi tham gia các quan hệ pháp luật được hưởng các quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý bằng tài sản của mình. Tổ chức đó có khả năng tồn tại và hoạt động độc lập trước pháp luật, được phân biệt với chủ thể là con người - tự nhiên nhân.

Lạm dụng tư cách pháp nhân là hành vi của chủ thể dựa vào tư cách pháp nhân công ty để thực hiện các hành vi mang lợi ích cho cá nhân mà không phải lợi ích của công ty, gây tổn hại cho công ty, nhà đầu tư và các chủ thể khác. Các hành vi này vi phạm điều cấm hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Có 2 hình thức lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty đó là: Hành vi lạm dụng để phục vụ lợi ích riêng và lạm dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ. Cụ thể:

Lạm dụng tư cách pháp nhân không vì lợi ích của công ty mà phục vụ lợi ích cá nhân. Những người quản lý hoặc đại diện có thể lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty, nhằm “tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác1.  Người đại diện xác lập và thực hiện các giao dịch, hợp đồng, nhưng không phục vụ lợi ích của công ty, lợi ích của các chủ sở hữu.

Lạm dụng tư cách pháp nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật. Công ty chỉ tồn tại như là một vỏ bọc, bức bình phong, một công cụ của chủ sở hữu hoặc người quản lý nhằm thực hiện những hoạt động không minh bạch, vi phạm pháp luật gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Mục đích của sự lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường.

Một số công ty thực hiện phát hành trái phiếu với hồ sơ, tài liệu giả mạo liên quan tới mục đích sử dụng vốn, tài sản bảo đảm và báo cáo tài chính của pháp nhân công ty. Hành vi lạm dụng này được sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu lôi kéo khách hàng cá nhân từ danh sách khách hàng sẵn có nhưng cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng bản chất của sản phẩm trái phiếu để chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Vụ việc sai phạm của công ty Tân Hoàng Minh cho thấy hành vi tổ chức mua gom trái phiếu doanh nghiệp do các công ty con phát hành, sau đó phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân qua các hợp đồng hợp tác đầu tư để kiếm lời.

Bên cạnh đó, hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân để trốn tránh nghĩa vụ phải nộp các khoản thuế. Các công ty đa quốc gia này thường sẽ thành lập chi nhánh ở các nước để hoạt động. Những chi nhánh hoạt động hiệu quả sẽ chuyển lợi nhuận của mình về công ty mẹ. Như vậy, phần thu nhập tạo ra sẽ bị đánh thuế bởi các chính phủ hoặc là ở công ty mẹ hoặc là ở chi nhánh ở nước ngoài2. Đây là hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân để “chuyển giá” nhằm trốn nộp thuế ở Việt Nam.

Những hành vi mượn giấy tờ tùy thân của nhiều cá nhân để thành lập công ty mới hoặc mua lại công ty đang tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động vẫn còn mã số thuế tồn tại trên hệ thống với mục đích để mua được hóa đơn tại các chi cục thuế, rồi đem bán khống cho các chủ thể cần. Các công ty này hoạt động chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, mua bán hóa đơn, chứng từ và trốn thuế. Hành vi mua đi bán lại hóa đơn không được phép mua bán là hóa đơn giả, hóa đơn được in ấn đúng quy định, nhưng được lập không đúng với hàng hóa, dịch vụ… theo quy định pháp luật để thu lợi.

2.2. Sự lạm dụng đa số hoặc thiểu số

Trong CTCP, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành3. Như vậy, cổ đông thiểu số có thể hiểu là cổ đông sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một CTCP.

Quyền biểu quyết của các cổ đông tương ứng với số tỷ lệ cổ phần họ sở hữu trong công ty. Các quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) phải được đa số cổ đông có quyền biểu quyết tán thành và các cổ đông nắm ít cổ phần có quyền biểu quyết phải chấp hành. Nói cách khác, tại cuộc họp ĐHĐCĐ với số lượng cổ đông đại diện cho số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty, các quyết định của ĐHĐCĐ phải đáp ứng tỷ lệ mới có giá trị hiệu lực. Quyết định theo đa số nghĩa là ĐHĐCĐ quyết định vấn đề căn cứ vào ý chí của những cổ đông chiếm đa số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, đây là nguyên tắc cơ bản của sự vận hành của ĐHĐCĐ.

Sự lạm dụng đa số trong công ty thể hiện nếu các cổ đông lớn bắt tay nhau để thông qua một quyết định không vì lợi ích chung của công ty. Các giao dịch nội bộ, các giao dịch với người có liên quan của công ty không được thông báo công khai hoặc thông báo không kịp thời đến các cổ đông thiểu số. Sự lạm dụng của cổ đông lớn “chỉ biểu hiện rõ nét khi có sự thay đổi chức năng, nếu quyết định chỉ vì quyền lợi ích kỷ trái ngược với quyền lợi công ty và thậm chí là dẫn đến việc hy sinh quyền lợi hợp pháp của các hội viên thiểu số4. Hành vi của các cổ đông lớn lạm quyền làm ảnh hưởng đến lợi ích của công ty, vai trò cá nhân của cổ đông lớn ảnh hưởng gần như bao trùm cả HĐQT cũng như cả công ty, trong khi vai trò của ban kiểm soát lại mờ nhạt và bị vô hiệu hóa, các cổ đông nhỏ không dễ có ý kiến.

Tuy vậy, cổ đông thiểu số cũng có thể thực hiện các hành vi lạm dụng quyền biểu quyết của mình bằng việc cản trở quyết định của ĐHĐCĐ một cách vô lý, xâm phạm lợi ích của công ty. Các quyết định của ĐHĐCĐ phải đạt được tỷ lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc điều lệ, vì thế cổ đông thiểu số có thể chống lại việc thông qua quyết định đó để không đạt được tỷ lệ tán thành. Một trong những hành vi lạm dụng thiểu số biểu hiện “khi mà các hội viên thiểu số phải đi ba lần liền một quyết định tăng vốn một cách bức thiết để cứu vãn công ty5.

2.4. Sự lạm dụng về vốn trong công ty

Vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập CTCP. Tình trạng lạm dụng nhằm kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Xuất phát từ quan điểm cho rằng vốn điều lệ càng lớn thì đồng nghĩa với địa vị kinh tế trên thị trường của công ty đó càng cao. Do vậy, khi con số vốn điều lệ được thổi phồng, công ty có cơ hội lớn hơn hoặc thu hút thêm nhiều khách hàng và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, những người quản lý công ty có hành vi sau khi kêu gọi các nhà đầu tư, người góp vốn, mua trái phiếu công ty, nhưng chủ sở hữu công ty lại không góp đủ số vốn trên thực tế, bằng các thủ đoạn gian dối tinh vi chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, người mua trái phiếu, cổ phiếu của công ty và đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến việc không có khả năng trả lại tài sản, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để không trả lại tài sản. Một trong những điển hình của hình thức lạm dụng trong việc tăng vốn điều lệ như một vụ việc: Theo cơ quan điều tra, từ năm 2014-2016, bị can Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng FLC Faros. Khi công ty này niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24//2/2021, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên 5 cá nhân khác, thu được hơn 6.400 tỉ đồng. Cựu chủ tịch FLC đã rút tiền mặt từ việc bán cổ phiếu để chiếm đoạt6. Mặc dù, các đợt tăng vốn của Công ty FLC Faros đã giải trình và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ cho công ty kiểm toán về tính chính xác của tình hình góp vốn và sử dụng vốn của công ty. Vốn của FLC Faros là ảo, vì tiền góp vừa chuyển vào tài khoản ngân hàng đã vội rút ra qua nhiều hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan.

2.5. Sự lạm dụng quyền hạn của người quản lý, người đại diện

Những người quản lý, đại diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, mang tài sản của công ty dùng vào những hoạt động mà họ biết là trái với lợi ích của công ty, để phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc làm lợi cho một cá nhân, tổ chức khác mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp có quyền lợi liên quan. Những người quản lý, đại diện có các hành vi lạm dụng tài sản của công ty như: “Rút vốn của công ty; Sử dụng tài sản của công ty vào mục đích cá nhân; Trả thù lao quá cao hoặc không có lý do; Bắt công ty trả nợ cho cá nhân, trả những khoản phí tổn không chính đáng; Tiêu phí vì lợi ích riêng của người quản lý…7. Bên cạnh đó, các hành vi sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Sự lạm dụng quyền hạn của người quản lý, người đại diện thông qua các giao dịch có khả năng tư lợi là giao dịch có khả năng sẽ gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi của công ty do người đại diện tham gia giao dịch lạm dụng vị thế của mình nhằm thu lợi cho cá nhân8. Giao dịch tư lợi chỉ có thể được thực hiện khi có sự trao quyền quản lý, điều hành kinh doanh, đó là những giao dịch có sự lạm dụng vị thế của người quản lý hoặc người đại diện. Mục đích của hành vi là thay thế lợi ích của công ty bằng lợi ích của cá nhân, do vậy giao dịch này luôn đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi cho công ty.

Hành vi lạm quyền của những người quản lý, người đại diện công ty thể hiện khi có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Lợi dụng nhiệm vụ được giao người quản lý, người đại diện đã thực hiện việc sử dụng tiền, tài sản của công ty vào mục đích cá nhân.

3. Sự điều chỉnh của pháp luật về các hành vi lạm dụng trong CTCP

Sự điều chỉnh của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của công ty, của các cổ đông, nhất là những người không tham gia bộ máy quản lý và quyền lợi của bên thứ ba trước những hành vi lạm dụng trong CTCP. Luật Doanh nghiệp hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã nhận diện, điều chỉnh những hành vi lạm dụng trong hoạt động của CTCP, nhằm hạn chế và truy cứu trách nhiệm đối với chủ thể vi phạm. Có thể khái quát, tổng hợp các quy định hiện hành điều chỉnh vấn đề này dưới các khía cạnh sau:

Một là, các quy định điều chỉnh cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của CTCP

Để nâng cao chất lượng giám sát nội bộ trong CTCP và tạo điều kiện cho cổ đông bên ngoài tham gia giám sát, Luật Doanh nghiệp có thể quy định công ty niêm yết phải có thành viên ban kiểm soát là thành viên độc lập, tức không phải là nhân viên trong công ty hay những người có liên quan với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.

Quy định về trách nhiệm của người quản lý. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý có trách nhiệm sau đây: i) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; ii) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; iii) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Người quản lý của công ty chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho công ty, do vi phạm trách nhiệm của mình.

Quy định về cơ chế giám sát lẫn nhau. Sự phân định về trách nhiệm liên đới và trách nhiệm cá nhân và phạm vi đại diện trong các giao dịch nhân danh công ty của người đại diện theo pháp luật. Theo quy định, “Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình9. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người chưa được quy định rõ trong điều lệ công ty, thì mỗi người đại diện của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba. Tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho công ty theo quy định của pháp luật.

Quy định về quan hệ giữa những người liên quan với công ty. Các hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc ĐHĐCĐ chấp thuận nhằm đảm bảo tính pháp lý và sự chính xác cho hợp đồng, giao dịch đó và quyền lợi của các bên khi tham gia giao dịch. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp; người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên HĐQT hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Quy định về tỷ lệ tổ chức cuộc họp và thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ. Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết, lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên và lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số cổ phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp, tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định. Theo quy định thì hầu hết các vấn đề được ĐHĐCĐ thông qua khi có trên 50% phiếu biểu quyết tán thành, trừ các vấn đề yêu cầu 65% phiếu biểu quyết và trường hợp bầu HĐQT, Ban Kiểm soát theo phương thức bầu dồn phiếu.

Hai là, quy định về quyền của cổ đông đối với sự lạm quyền trong CTCP

Quyền khởi kiện người quản lý công ty. Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc. Phát sinh khi quyền lợi của họ trực tiếp bị xâm hại hoặc nhân danh công ty khởi kiện những người quản lý. Quyền này là một trong những quyền quan trọng và cấu thành lên cơ chế bảo vệ cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số.

Quyền yêu cầu hủy quyết định của ĐHĐCĐ. Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ có quyền yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ nếu có các căn cứ để cho rằng: Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng hoặc nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.

Đảm bảo tính cân bằng của quyền cổ đông. Có thể thấy, yếu tố then chốt để cân bằng quyền của đa số và quyền của thiểu số là tính hợp lý, thể hiện ở chỗ đa số có quyền quyết định, nhưng thiểu số có quyền phản đối, phản biện. Theo đó, các quyết định của ĐHĐCĐ phải đặt lợi ích của công ty, lợi ích của cổ đông lên trên hết. Để tránh sự lạm dụng đa số bằng việc cho phép gộp và tập trung sử dụng quyền biểu quyết, cơ chế hạn chế quyền biểu quyết của cổ đông chi phối, cơ chế cổ đông khởi kiện… Các hành vi lạm quyền rất dễ xảy ra vì không có một cơ chế chặt chẽ để đảm bảo thực thể đó có thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình hay không.

Ba là, quy định về trách nhiệm pháp lý của chủ thể lạm dụng

Trách nhiệm dân sự

Đối với CTCP có nhiều người đại diện theo pháp luật. Tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho công ty theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong việc khai khống khi tăng vốn điều lệ hoặc định giá cao hơn giá trị thực tế. Luật Doanh nghiệp quy định trong trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm góp vốn, thì người góp vốn, thành viên HĐQT cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá. Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Trong trường hợp rút vốn khỏi công ty. Theo quy định không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

Nghị quyết, quyết định của HĐQT trái pháp luật, nghị quyết ĐHĐCĐ, điều lệ công ty. Nếu nghị quyết, quyết định đó gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải đền bù thiệt hại cho công ty. Thành viên phản đối thông qua được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định.

Trường hợp người quản lý vi phạm trách nhiệm: Thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm trách nhiệm của người quản lý thì chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.

Trách nhiệm hành chính

Các hành vi vi phạm hành chính về đăng ký doanh nghiệp, trong hoạt động lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán… đối với các hành vi lạm quyền trong hoạt động của CTCP. Đối với hành vi kê khai là không chính xác, không trung thực về đăng ký vốn điều lệ. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo 5 mức phạt tiền: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm10. Thời hiệu xử lý 01 năm từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hoặc thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được xem là thời điểm bắt đầu. Như vậy, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai khống vốn lại không đáng kể so với kỳ vọng lợi nhuận mang lại cho chủ thể vi phạm.

Trách nhiệm hình sự

Các chủ thể thực hiện hành vi lạm dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… Trong trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì phạm tội tham ô tài sản. Người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong các doanh nghiệp thì phạm tội tham ô tài sản. Thiệt hại của hành vi “tham ô tài sản” của công ty dựa trên các cơ sở sau: i). Giá trị tài sản chiếm đoạt hoặc giá trị thiệt hại do hành vi gây ra; ii).  Ảnh hưởng xấu đến đời sống của người lao động trong công ty; iii). Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; iv). Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Bên cạnh các cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi lạm dụng của mình, chủ thể phạm tội có thể là pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể được Bộ luật Hình sự ghi nhận, bảo vệ. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Tuy vậy, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

4. Kết luận

Trong thực tiễn vẫn xảy ra và tồn tại những hành vi lạm dụng của các chủ thể trong các hoạt động nội bộ của công ty hoặc giữa công ty với bên thứ ba, dẫn đến các hệ quả pháp lý phức tạp trong quá trình giải quyết các tranh chấp về quyền và lợi ích của các chủ thể bị xâm hại. Vì vậy, ngoài việc trang bị cho mình các kiến thức pháp luật điều chỉnh về hoạt động của CTCP, các cổ đông, nhà đầu tư, người đại diện/người quản lý phải nhận diện được những hình thức, biểu hiện của hành vi lạm dụng để tự mình hoặc yêu cầu nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1 Điểm b, khoảng 5 điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020.

2 Bích Diệp (2016), Từ vụ Hồ sơ Panama, lý giải vì sao các “ông lớn” FDI ở Việt Nam không nộp thuế, theo: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tu-vu-ho-so-panama-ly-giai-vi-sao-cac-ong-lon-fdi-o-viet-nam-khong-nop-thue-20160516080827694.html

3 Khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019.

4 Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 1, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, tr. 115

5 Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Tý (1989) (dịch), đã dẫn, tr. 116

6 Thân Hoàng, Hoàng Điệp (2022), Ông Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ FLC Faros từ 1,5 tỉ lên... 4.300 tỉ, truy cập tại: https://tuoitre.vn/ong-trinh-van-quyet-nang-khong-von-dieu-le-flc-faros-tu-1-5-ti-len-4-300-ti-2022082520393687.htm

7 Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 2, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, tr. 39

8 Nguyễn Thanh Lý (2022), Kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (45)5, tháng 04.

9 Khoản 4, Điều 141 BLDS 2015.

10 Điều 47, Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

IDENTIFYING THE ABUSE OF POWER IN JOINT-STOCK COMPANIES AND SOME PROPOSED ADJUSTMENTS OF VIETNAM’S LAWS

Ph.D Nguyen Van Lam

School of Economics and Management, Hanoi University of Sciences and Technology

Abstract:

Abuse is the improper usage or treatment of a thing, often to unfairly or improperly gain benefit. In a joint-stock company, the use of exceeding power that violates laws still happens commonly. This paper summarizes and analyzes some abuses of powers in joint-stock companies and proposes some adjustments of current laws to limit and handle these violations.

Keywords: abuse, exceeding authority, liability, joint stock company.

 

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3