Trong những năm gần đây, các nguồn điện tái tạo đặc biệt là điện gió và mặt trời tại Việt Nam phát triển rất mạnh, tập trung nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, hệ thống truyền tải phân phối bị giới hạn không đủ khả năng truyền tải điện đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của phụ tải miền Bắc. Chính vì vậy, phát triển điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc là một trong những vấn đề trọng tâm để góp phần đảm bảo cung ứng điện tại miền Bắc hiện nay.
Phát triển điện mặt trời mái nhà một giải pháp đầy hứa hẹn để giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng ở các khu vực đô thị và miền Bắc Việt Nam. Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có thể tạo ra nguồn điện sạch từ bức xạ mặt trời dồi dào, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tổn thất truyền tải và phân phối từ lưới điện. Tuy nhiên, tiềm năng và hiệu suất của các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như diện tích mái nhà có sẵn, bức xạ mặt trời, hướng và độ nghiêng của các tấm pin, hiệu ứng che nắng, hiệu quả hệ thống và các ưu đãi kinh tế.
Tại miền Bắc Việt Nam, nhu cầu phụ tải tăng cao, miền Bắc Việt Nam trở thành vùng có phụ tải lớn nhất cả nước. Trong khi đó, các nguồn điện mới ở miền Bắc không đáp ứng kịp với tốc độ tăng phụ tải. Hệ thống truyền tải điện từ miền Nam ra phía Bắc cũng bị giới hạn khả năng truyền tải. Vì vậy, nếu mặt trời áp mái ở miền Bắc phát triển sẽ giúp giải quyết nhu cầu phụ tải tại chỗ, mặt khác cũng sẽ giúp các hộ tiêu thụ giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng ngày một tăng cao.
Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện mặt trời áp mái ở Úc cho thấy, điện mặt trời mái nhà đã tăng trưởng đáng kể ở Úc trong thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau như bức xạ mặt trời cao, giá điện cao, chính sách hỗ trợ và đổi mới công nghệ. Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý năng lượng sạch (CER: Clean Energy Regulator) của Úc, ước tính có khoảng 3,04 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp Úc có hệ thống mặt trời mái nhà vào cuối năm 2021, chiếm khoảng 14,7 GW công suất lắp đặt (energycouncil.com.au), tương đương công suất lắp đặt tăng 4.5% so với cùng kỳ năm trước.
Hình 1 cho thấy việc lắp đặt hàng tháng và quy mô trung bình của các hệ thống điện mặt trời áp mái tại Úc từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2021. Con số này cho thấy cả số lượng cài đặt và công suất trung bình đều tăng theo thời gian, cho thấy nhu cầu và sở thích ngày càng tăng đối với các hệ thống có công suất lớn. Công suất lớn nhất được ghi nhận vào tháng 12/2020 là 9 kW, trong khi quy mô hệ thống trung bình đạt 8,06 kW vào tháng 6/2021.
Hình 2 cho thấy công suất nối lưới hàng năm của các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà theo tiểu bang kể từ năm 2016 tại Úc. Số liệu cho thấy New South Wales, Queensland và Victoria là những bang thống trị về công suất kết nối lưới điện hàng năm, chiếm 3/4 công suất lắp đặt mới trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2019.
Trong bài báo này, chúng tôi đã rà soát kinh nghiệm của Úc, một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện mặt trời mái nhà rất cao, công suất đặt tăng gần gấp đôi sau 10 năm2. Mặc dù Úc là một quốc gia có tài nguyên than dồi dào, nhưng để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, nước Úc đã có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Rà soát kinh nghiệm của Úc sẽ rút ra bài học cho Việt Nam phát triển điện mặt trời mái nhà.
Úc đã triển khai rất nhiều các công cụ để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà ở cả cấp liên bang và cấp tiểu bang. Một số các công cụ đã được sử dụng bao gồm4:
Chương trình Năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (SRES: Small Renewable energy Scheme): Đây là một chương trình liên bang cung cấp lợi ích tài chính cho việc lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo quy mô nhỏ như điện mặt trời mái nhà, tuabin gió, hệ thống thủy điện, bình nước nóng năng lượng mặt trời và bơm nhiệt. Lợi ích là dưới dạng chứng chỉ công nghệ quy mô nhỏ (STC: small-scale technology certificates (STCs), có thể được bán để được giảm giá hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Số lượng STC phụ thuộc vào vị trí, công suất và sản lượng điện dự kiến. Chương trình năng lượng tái tạo quy mô nhỏ là một phần của mục tiêu năng lượng tái tạo của Úc, một chính sách được thiết kế để đảm bảo rằng 33.000 Gigawatt giờ (GWh) điện của Úc đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2020.
Biểu giá FIT (Feed in tariff): Đây là mức giá được áp dụng để thanh toán cho lượng điện bán lên lưới của các hộ lắp điện mặt trời mái nhà, với mức giá và điều kiện thực hiện có thể khác nhau theo từng công ty bán lẻ điện. Tuy nhiên, việc áp dụng giá FIT sẽ giúp cho người lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhanh hoàn vốn hơn.
Ưu đãi năng lượng mặt trời của tiểu bang: Một số tiểu bang có chính sách giảm giá hoặc trợ cấp bổ sung để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hoặc pin tích trữ, tùy thuộc vào tiêu chí đủ điều kiện và khả năng nguồn tiền. Ví dụ, Chính phủ (lãnh thổ vùng thủ đô Úc - Australian Capital Territory, viết tắt là ACT) có Chương trình hỗ trợ tài chính cho 5.000 hệ thống pin lưu trữ cụ thể là người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các khoản vay với lãi suất bằng 0 khi đầu tư vào hệ thống pin lưu trữ. Chính phủ tiểu bang Nam Úc có Chương trình trợ cấp cho điện mặt trời áp mái và tài chính lãi suất thấp cho đầu tư pinlưu trữ. Chính phủ tiểu bang Victoria có chương trình Nhà năng lượng mặt trời trợ cấp chi phí lắp đặt cho hệ thống điện mặt trời mái nhà và pin lưu trữ, đã hỗ trợ cho hơn 3.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà và hơn 30 hệ thống pin lưu trữ.
3. Tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc Việt Nam
Miền Bắc là miền có phụ tải điện tăng nhanh. Trong khoảng thời gian từ năm 2018-2022, nhu cầu phụ tải tăng trung bình khoảng 8%/năm. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, yêu cầu miền Bắc cũng phải có đủ nguồn cung cấp điện. Trong khi bị giới hạn về các nguồn năng lượng hóa thạch thì điện mặt trời là một giải pháp đầy hứa hẹn cho cơn khát điện miền Bắc.
Hình 3 thể hiện phụ tải ngày điển hình trong tuần cho thấy chênh lệch giữa phụ tải nền và phụ tải đỉnh ban ngày của phụ tải miền Bắc khoảng 4.000MW, thời gian phụ tải ngày hoàn toàn trùng với thời gian nắng cực đại trong ngày. Điều đó cho thấy nếu miền Bắc phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp bù đắp phụ tải đỉnh ban ngày, giảm áp lực truyền tải lên hệ thống.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 20225 của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, tỷ trọng của năng lượng mặt trời so với nhu cầu phụ tải miền Bắc vẫn còn rất khiêm tốn dao động trong khoảng từ 0.35% đến cao nhất khoảng 0.7% vào mùa hè. Do đó, tiềm năng để phát triển điện mặt trời mái nhà cho miền Bắc rất lớn. Vì vậy, để phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc, cần phải có những chính sách thúc đẩy phù hợp.
Từ các phân tích trên cũng như kinh nghiệm của Úc, để phát triển điện mặt trời mái nhà cho miền Bắc Việt Nam, cần phải thực hiện một số biện pháp như sau:
Một là, hỗ trợ tài chính cho người dân khi lắp đặt điện mặt trời áp mái và pin dự trữ. Việc hỗ trợ tài chính cho người dân khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng đã được triển khai ở một số điện lực nhưng chưa đồng đều và có tính hệ thống. Hầu hết do các điện lực ký kết với các nhà cung cấp dịch vụ lắp đặt để hỗ trợ người dân. Việc hỗ trợ tài chính có thể được thực hiện dựa trên các chỉ số hiệu quả đầu tư của từng địa phương, dựa trên chỉ số đánh giá thu nhập của người dân. Tuy nhiên khi triển khai cần phải có đánh giá chi tiết đầy đủ, để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của chính sách hỗ trợ tài chính.
Hai là, tính toán cơ chế giá FIT phù hợp cho các dự án điện mặt trời áp mái. Cơ chế giá FIT cần được tính toán phù hợp để vừa đảm bảo khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái, vừa không gây áp lực tài chính lên các đơn vị mua điện. Theo kinh nghiệm của Úc, giá FIT ký với các hộ gia đình được thỏa thuận lại sau một năm, và mỗi khi thay đổi chủ sở hữu của điện mặt trời mái nhà thì hợp đồng FIT sẽ được ký kết lại.
Ba là, cần có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để lắp đặt điện mặt trời mái nhà và pin dự trữ. Hiện nay, các nguồn vốn tài chính xanh của các ngân hàng thương mại có chương trình hỗ trợ người dân khi đầu tư vào điện mặt trời mái nhà và các dự án xanh khác, tuy nhiên lãi suất vẫn rất cao giao động từ 7-13%.
Bốn là, phát triển tín chỉ xanh, hoặc tín chỉ cac bon. Tín chỉ xanh được quy đổi theo các công trình điện mặt trời mái nhà. Các tín chỉ này có thể được hộ tiêu dùng sử dụng để được giảm giá khi thanh toán tiền điện hoặc mua bán các sản phẩm hàng hóa. Lợi ích của việc phát triển các tín chỉ này bao gồm: giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các nguồn điện tái tạo nói chung và mặt trời nói riêng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính do sử dụng năng lượng.
Bài báo này bước đầu nghiên cứu một số chính sách kinh nghiệm của Úc trong phát triển điện mặt trời mái nhà, cũng như phân tích đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Úc và các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số các giải pháp về cơ chế giá và cơ chế hỗ trợ tài chính để thúc đẩy việc triển khai điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách này cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể kỹ lưỡng, đánh giá tác động đến tất cả các đối tượng trong xã hội để đảm bảo chính sách chuyển dịch năng lượng công bằng, bình đẳng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Australia's experience in rooftop solar power development and lessons learnt for Northern Vietnam
Master. Nguyen Thi Nhu Van
Lecturer, Faculty of Industrial and Energy Management, Electric Power University
Abstract:
This paper analyzes Australia's experience in rooftop solar power development to draw lessons for Northern Vietnam. Australia has implemented policies to support the development of rooftop solar power, including: Feed-in tariff policy, small-scale renewable energy program, discount programs, and subsidies for households. These policies have reduced investment costs and increased the profitability of rooftop solar power systems. Australia's experiences would be suggestions for the rooftop solar power development policy of Vietnam in the context of the current lack of electricity in the North.
Keywords: rooftop solar, energy policy, Australia, Northern Vietnam.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết