Xông đất những làng biển hơn 500 năm bảo vệ ngư trường
Trong số các tỉnh, thành miền Trung, Quảng Bình có đội tàu đi biển thuộc tốp đầu với 6.792 tàu thuyền tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản trong đó có hơn 1.207 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, số lao động tham gia khai thác thuỷ hải sản là 24.100 người. Năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, số lượng thuyền viên ngày một khan hiếm, song hầu hết tàu thuyền của ngư dân đều sẵn sàng vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường. Nhằm động viên khuyến khích ngư dân, các sở, ban, ngành ở Quảng Bình cũng đã có nhiều phương án, kế hoạch hay để chung sức cùng ngư dân bám biển.
Ngư dân miền Trung đón “lộc biển” đầu xuân.
Sáng tinh sương đầu năm, chúng tôi xông đất làng biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bên chân sóng, tiếng cười nói, mua bán của ngư dân đã vang vọng xa xa. Người dân Đức Trạch luôn tự hào, bởi làng biển này không chỉ nổi tiếng về đánh bắt về thủy hải sản mà còn nức tiếng về nghề truyền thống đóng tàu đi biển. Sử liệu quý giá của làng còn ghi rõ, từ hơn 500 năm trước, làng chài này đã gắn bó với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong câu chuyện khi Tết đến xuân về, người làng Đức Trạch vẫn kể cho cháu con của làng câu chuyện đi biển của quê hương. Đó như là tâm thức để các thế hệ nối tiếp luôn biết về nguồn cội. Gần 500 năm qua, làng quê Đức Trạch đã sống chung với biển, vui buồn với biển. Từ chiếc ghe bầu của tổ tiên, giờ ngư dân Đức Trạch đã đóng những con tàu công suất gần cả ngàn CV để dong ra biển lớn.
Xã biển Đức Trạch có hơn 1.723 hộ và trên 7.550 nhân khẩu nhưng Đức Trạch đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và hơn 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Từ một xã nghèo, giờ đây nhờ lộc biển, nhiều người dân xã Đức Trạch đã vươn lên làm giàu, có đời sống sung túc.
Chúng tôi xúc động khi nghe nhiều ngư dân lớn tuổi nơi đây nói rằng: “Ngư trường Hoàng Sa, biển xa là biển của mình đời này qua đời khác, mình cứ đánh bắt, nếu vì khó khăn hay vì sợ mà mình mình không ra đánh bắt thì khác chi mình dâng ngư trường của ông bà mình cho kẻ khác. Chúng tôi bám biển, giữ ngư trường là giữ cho chính con cháu mình sau này vậy”.
Rời Đức Trạch, chúng tôi về xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, một làng biển hào hùng trong chiến đấu những năm đất nước có chiến tranh, và miệt mài, hăng say bám biển lao động sản xuất để quê hương ngày một giàu có. Từ sáng sớm, nhiều ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã có mặt trên bãi cát trắng phẳng lỳ bên bờ biển để làm lễ đi biển đầu năm. Với người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hàng năm có nhiều ngày lễ, hội nhưng lễ Cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản đầu năm luôn được người làng xem là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm.
Làng biển Cảnh Dương phần lớn tàu cá của ngư dân là đánh bắt xa bờ với hơn 400 tàu cá/hơn 4.000 lao động. Toàn xã có khoảng 80% ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ với các loại như cá thu, cá hô có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho việc xuất khẩu. Đàn ông, con trai ở Cảnh Dương nhiều người sống trên biển nhiều hơn trên đất liền. Còn phụ nữ, con gái luôn tất bật chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho tàu đi biển và mua bán thủy hải sản khi tàu cập bờ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhờ lộc biển và sự đóng góp của ngư dân, giờ đây hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Cảnh Dương được xây dựng khang trang, hiện đại.
Trên dòng sông Loan, ở xã Cảnh Dương, vợ chồng anh Trần Đình Hào và chị Trương Thị Năm cùng nhiều bạn nghề đang tất bật vận chuyển lương thực, thực phẩm lên thuyền chuẩn bị cho chuyến khơi xa. Nhìn tiếng cười chan hoà bên chân sóng của họ, chúng tôi thầm mong một năm mưa thuận gió hoà để bà con ngư dân luôn rộn niềm vui như vậy.
Tiếp sức ngư dân để "gặt những mùa vàng" trên biển
Ngay ngày đầu năm mới, ngư dân Hoàng Đạt ở Bố Trạch, Quảng Bình đã vui mừng khi con thuyền của ông cập bến chở đầy khoang tôm cá. Cùng với nhiều ngư dân khác, sau mồng 1 Tết, ông Đạt cùng bạn thuyền đã rẽ sóng ra khơi. Những con tàu đánh bắt gần bờ, thường xuất phát lúc 2-3 giờ sáng và cập bến lúc 7-8 giờ sáng cùng ngày. Chỉ sau mấy giờ đánh bắt, thu nhập bình quân của mỗi thuyền viên đã có từ 1 đến 2 triệu đồng. Lộc biển đầu năm làm cho mỗi người đều vui vẻ, phấn chấn. Hàng năm, mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, ngư dân thường trúng đậm mùa cá trích. Năm nay cũng không ngoại lệ, ngư dân đang tất bật chuẩn bị đón mùa vàng trên biển đón lộc xuân.
Ông Nguyễn Thành Nam, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cho biết, hơn 50 năm làm ngư dân trên biển, với ông Nam, biển cả không chỉ là nơi ông cất mẻ lưới tìm con mực, con cá, mà biển còn là quê hương, là mạch máu ngầm gắn với cuộc đời ông vậy. "Mai đi biển đầu năm là tối nằm thức đến sáng, háo hức như trẻ chuẩn bị vào khai giảng năm học mới", lão ngư Nguyễn Thành Nam bảo vậy.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thuỷ hải sản. Để kịp thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển, tỉnh Quảng Bình đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân.
UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong quý IV năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...
Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; Triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong năm qua, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản...
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/ron-rang-mo-cua-bien-don-loc-xuan-i681777/
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết