Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1 trong 3 trụ cột chính của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đã được cụ thể hóa tại Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Mục tiêu của tái cơ cấu DNNN nhằm xây dựng các DNNN có cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có khả năng góp phần điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, có sức cạnh tranh được tăng cường, chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh ổn định và tăng trưởng.
Nội dung trọng tâm của quá trình tái cơ cấu DNNN tập trung vào 5 nhóm vấn đề cụ thể:
(i) Định vị lại vai trò và thu hẹp phạm vi kinh doanh, hoạt động của DNNN;
(ii) Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới cơ chế khuyến khích, khen thưởng, bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác;
(iii) Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa (CPH), đa dạng hóa sở hữu DNNN, giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại những DNNN thuộc những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu;
(iv) Thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng điều chỉnh lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; đẩy việc thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường ở những ngành không phải/không trực tiếp liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối;
(v) Đổi mới, nghiên cứu, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị và kiểm soát nội bộ hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường đối với các DNNN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
- Vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa chậm trễ
Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa của giai đoạn 2016-2020, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt khoảng 30% kế hoạch. Tiến độ chậm chạp trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2020 đang có những dấu hiệu kéo dài sang cả giai đoạn 2021-2025 dù đã sang năm 2023.
Trong năm 2021, chỉ có 4 doanh nghiệp cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Có 18 doanh nghiệp đã thoái vốn, với giá trị 1,66 nghìn tỷ đồng, thu về 4,40 nghìn tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1,61 nghìn tỷ đồng, thu về 4,31 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu của năm 2022, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ với tổng giá trị doanh nghiệp đạt 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Quy mô doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn này lớn hơn trước đây, có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng (chiếm 17%) tính theo giá trị thực tế của doanh nghiệp. Theo danh sách cổ phần hóa giai đoạn 2018 - 2020 có 8/147 (chiếm 5,4%) doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018, có 13/147 (chiếm 8,8%) doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2019 và có 4/147 (chiếm 2,7%) doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2020 có quy mô vốn lớn trên 1.000 tỷ đồng. Bình quân vốn điều lệ của doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2018 là hơn 400 tỷ đồng, năm 2019: hơn 2.000 tỷ đồng (gấp 5 lần so với 2016), năm 2020: hơn 800 tỷ đồng (gấp 2 lần so với năm 2018).
- Việc thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm
Báo cáo Kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN mới đây cho thấy, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước). Tính đến hết năm 2021, mới chỉ thoái vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (công ty mẹ), Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist),...
Vì vậy, DNNN và doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn hiện diện ở các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa đạt mục tiêu tập trung tối đa vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Tỷ lệ vốn nhà nước được cổ phần hóa và thoái ra ngoài xã hội còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.
- Vai trò doanh nghiệp nhà nước chưa đúng yêu cầu tái cơ cấu
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm ngày 31/12/2021), nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất - kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất - kinh doanh). Quy mô tài sản bình quân của 1 doanh nghiệp nhà nước là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đạt kết quả như trên, báo cáo nhận định hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thường chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng). DNNN chiếm thị phần lớn hoặc chi phối, nhưng chưa quan tâm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến việc tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam (như các ngành công nghệ cao, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, như: cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn;…).
Tóm lại, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiêu chí phân loại DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập, Đề án cơ cấu lại DNNN,… được chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các bộ ngành, địa phương sớm xây dựng kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp cho giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết liệt và sát sao chỉ đạo, cho ý kiến về xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp của một số cơ quan, đơn vị; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tại DNNN trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như đấu giá thông thường, hoặc bán cả lô vốn nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán; quy định về định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết.
- Ban hành quy định về xử lý đất đai đối với doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.
- Cho phép DNNN thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
- Thực hiện các quy định mới, đặc biệt là việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả vốn có quyền biểu quyết và vốn không có quyền biểu quyết).
- Tiếp tục thúc đẩy việc tách biệt chức năng sở hữu DNNN với chức năng quản lý nhà nước.
- Nhận thức lại vai trò chủ đạo của DNNN, trong đó DNNN sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, ngành mũi nhọn, cần vốn lớn, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại, những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được hoặc không muốn làm, những ngành, lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh - quốc phòng. Như vậy, những ngành, lĩnh vực tư nhân có thể làm được, cần dứt khoát thoái vốn, thậm chí kể cả các dự án đang có lợi nhuận để dành nguồn lực vào các lĩnh vực cần thiết hơn đối với vai trò của DNNN.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Các bộ, ngành tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các DN; xây dựng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, cần xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước, thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gắn kết quả của việc thực hiện tái cơ cấu DNNN với người đứng đầu, tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán. Cần quan tâm đến công tác này không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Assessing the process of restructuring state-owned enterprises in recent years
Master. Bui Thi Quynh Trang
International Training Institute, Thuongmai University
Abstract:
Although the process of restructuring state-owned enterprises in recent years has achieved encouraging results, it has not yet created a significant change in the business management, financial management and the labour quality of state-owned enterprises. To support the process of restructuring state-owned enterprises achieve its set goals, it is necessary to objectively assess the implementation of the state-owned enterprises process, highligght existing problems and find out appropriate solutions.
Keywords: restructuring, state-owned enterprises, divestment, equitization.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.
Xem chi tiếtĐề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết