Tản mạn câu đối Tết ngày xuân


(CHG) Câu đối là một thể thơ độc đáo của Việt Nam và một số nước phương Đông. Mỗi câu đối là một bài thơ đặc biệt, chỉ có hai câu là hai vế của câu đối. Đó là hai câu thơ chau chuốt về lời, hàm xúc về ý, diễn tả được mọi cung bậc cảm xúc, nên được nhân dân ta yêu thích, giữ gìn, truyền tụng.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam

Câu đối có thể viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Trong lịch sử nước ta, câu đối có từ rất lâu đời với những tên tuổi của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Trạng Quỳnh, Tú Xuất...
Câu đối ở nước ta đi từ văn học truyền miệng dân gian đến văn học bác học. Viết câu đối, chơi câu đối đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt Nam. Vì câu đối có tính nghệ thuật cao, tính nhân văn sâu sắc, ý tứ đậm đà, xúc tích nên là phương tiện để giao tiếp, ứng xử một cách hào hoa, phong nhã phổ biến từ cung đình đến dân gian. Câu đối được sử dụng rộng rãi trong đình chùa, lễ hội, các đám khao vọng, hiếu hỷ... nhưng phong phú nhất và phổ biến nhất vẫn là câu đối Tết mỗi dịp đón xuân về.
Bài thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên, chắc hẳn ai cũng biết đến:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua.

Ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ để viết cho người xin chữ đầu năm, đặc biệt là để viết câu đối Tết mừng xuân.
Đôi câu đối Tết đã trở thành phong tục đẹp của dân ta trong những ngày đầu xuân năm mới.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Câu đối đỏ đã trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam trong dịp Tết đầu xuân.
Có một câu đối xuân bằng chữ Hán mà nhiều người ưa thích, truyền tụng.
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Dịch nghĩa là:
Trời thêm năm tháng người thêm thọ,
Xuân rạng non sông phúc rạng nhà.

Câu đối là lời chúc đầu năm may mắn cho mọi người thêm tuổi, nhà nhà thêm phúc, trời đất, non sông ngập tràn sắc xuân.
Trong dân gian có câu “Vui như Tết”. Tết đến là mùa xuân đến, cảnh vật, con người, vũ trụ như được đổi thay tươi mới, được tiếp thêm sinh khí. Có lẽ Tết vui như thế nên là ước ao của biết bao người.
Có là bao! Ba vạn sáu ngàn ngày,
được trăm cái tết.
Ước gì nhỉ! Một năm mười hai tháng,
cả bốn mùa xuân.


Trong dân gian truyền tụng rất nhiều câu đối hay nói về Tết, nói về phong cảnh mùa xuân, nói về phong tục ngày Tết. Đa phần trong số đó là những câu đối nói lên không khí rộn ràng, tươi vui của mùa xuân. Lại có những câu đối Tết rất hay, rất phóng khoáng:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

Tương truyền câu đối là của Hồ Xuân Hương. Câu đối chỉnh chu, lời lẽ táo bạo và diễn đạt tài tình như vậy chắc chắn chỉ có được ở bà chúa Thơ Nôm.
Trong văn học nước nhà hầu như nhà nho, nhà thơ nào cũng làm câu đối. Nhưng câu đối Tết hay và nhiều có lẽ phải kể đến Nguyễn Khuyến và Tú Xương, là những nhà thơ ưu tú của đất Sơn Nam.
Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là người dùng chữ Nôm sáng tác câu đối một cách tài tình. Ông đã kết hợp chữ Hán với chữ Nôm rất nhuần nhuyễn đến nước diệu kỳ, khó có ai sánh kịp.
Chuyện kể rằng, có anh hàng thịt vào ngày cuối năm mang đôi bầu dục và bát tiết canh biếu cụ và xin đôi câu đối Tết. Cảm tấm lòng anh hàng thịt, nhà thơ tức cảnh đọc đôi câu đối rất nhanh.
Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

Câu đối chữ Hán rất hay về trời đất cảnh vật mùa xuân, nhưng vẫn có “bát tiết canh” và “đôi bầu dục” của anh hàng thịt!
Về già, Nguyễn Khuyến mắt kém, ông cảm nhận không khí Tết một cách đặc biệt.
Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng ờ ờ tết.
Sáng mùng một, chạm nêu đánh cộc, á à xuân.

Tiếp sau Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương là một nhà thơ lớn gắn liền với Thành Nam (Nam Định) vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thơ ông đạt đến độ đặc sắc cả về mặt trào phúng và trữ tình. Ông để lại rất nhiều thơ, phú, câu đối nói về cuộc đời bất đắc chí của mình. Câu đối Tết của Tú Xương là những câu đối hay, được nhiều người thuộc và trân trọng.
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế tại bôi vôi.

Câu đối nói về tục đốt pháo và rắc vôi bột ngày Tết, cũng là tâm sự về nhân tình thế thái của Tú Xương. Và theo quy luật đất trời ngày xuân vẫn cứ đến với nhà thơ nghèo:
Không dưng xuân đến chi nhà tớ
Có nhẽ trời mà đóng cửa ai.

Cho nên nhà thơ túng quẫn vẫn vui vẻ đón xuân trong cảnh bần cùng, thiếu thốn.
Nực cười thay! Nêu không, pháo không,
vôi bột cũng không, mà tết!
Thôi cũng được, rượu có, nem có,
bánh chưng cũng có, thừa chơi!

Điểm qua như vậy đã thấy câu đối Tết rất phong phú, đa dạng, tài tình và rất đặc sắc.
Câu đối, nhất là câu đối Tết là nơi thể hiện tâm hồn, tình cảm của mỗi người, đồng thời cũng phản ánh những vấn đề của cuộc sống, của xã hội. Có thể nói câu đối là một trong những lĩnh vực văn thơ gắn liền với thời cuộc. Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử cũng xuất hiện những người làm câu đối giỏi, có nhiều câu đối hay, nhất là vào dịp Tết đến, xuân về.

Câu đối gắn liền với phát triển đất nước
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, vẫn có những câu đối Tết rất lạc quan:
Tranh pháo đều không, độc lập xong xuôi, còn lắm tết.
Rượu chè chi bội, đồng bào vui vẻ, ấy là xuân.

Đối với toàn dân Việt Nam, mỗi dịp đón mừng năm mới, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhà nhà đều náo nức chờ đón những lời thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Bài hát Kết đoàn, Bác bắt nhịp núi sông cùng hát;
Câu thơ chúc tết, Người gieo vần đất nước càng thơ.

Những ngày tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ ác liệt, Tết đến đều xuất hiện rất nhiều câu đối nói lên khí phách kiên cường của quân và dân ta từ Nam tới Bắc.
Trời Bắc nổ pháo mừng xuân, pháo giương nòng, thần sấm, con ma, giặc nhà trời đều tan xác pháo.
Đất Nam dựng cờ đón tết, cờ phất cao, quân thầy, quân tớ, quân chư hầu đều xác tua cờ.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, non sông liền một dải, cả nước tưng bừng trong những ngày “Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”, từ Thủ đô Hà Nội đến khắp nơi hồ hởi đón xuân, câu đối Tết ngập tràn không khí thanh bình:
Đỏ đào Nhật Tân, đỏ nước sông Hồng,
Xuân đẹp thế, nét xuân Hà Nội
Xanh nước Hồ Tây, xanh cây Hoàn Kiếm,
Tết vui thay, vẻ đẹp Thăng Long.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, cả nước hân hoan bước vào mùa xuân mới, câu đối Tết cũng reo vui:
Rộn rã xuân về, đất nước đón chào thời đổi mới
Mừng vui tết đến, non sông hoan hỉ buổi canh tân.

Tết đến xuân về, đất trời rực rỡ, cây lá tốt tươi, người người hớn hở, nơi nơi rộn ràng không khí ngày xuân, đón Tết. Lại có những câu đối Tết rất hóm hỉnh:
Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế
Xuân sang xoay xổ số, say sưa sắm sửa sẵn xu xài.

Đó cũng là một câu đối Tết độc, lạ mà rất vui.
Nói chuyện câu đối Tết chắc còn dài. Ngày nay câu đối Tết có lẽ được sáng tác nhiều hơn, nhưng ít được truyền tụng. Mỗi dịp xuân về, các số báo Tết hầu như đều có câu đối Tết, có nhiều câu rất hay gắn liền với những bước phát triển tưng bừng của mùa xuân đất nước.
Tản mạn đôi điều về câu đối Tết để góp vui cho đầu xuân năm mới. Âu cũng muốn ngẫm lại nghệ thuật chơi chữ trong câu đối Tết của người xưa và nay.
Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3