(CHG) Sáng 10/1, tại trụ sở Quỹ Chống hàng giả, Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp tăng cường chống hàng giả và gian lận thương mại dịp Tết nguyên đán năm 2024”.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả; ông Hồ Quang Thái, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả.
Về phía Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại có: ông Phạm Lộc Ninh, Viện trưởng; bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng; ông Nguyễn Đức Tài, Phó Viện trưởng; ông Nguyễn Thế Tiệp, Phó Viện trưởng; đại diện các đơn vị thuộc Viện.
Cùng đại diện các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên thị trường hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại phát biểu khai mạc tại Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng cho biết: Dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thường sản xuất, vận chuyển với số lượng lớn các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để đưa vào thị trường. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia công bố xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2022) đã gióng lên một hồi chuông báo động cho tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay. công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm của các cơ quan ban ngành, với sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể; hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với tình hình thực tế.
Đại diện Cục sở hữu trí tuệ, TS. Hà Nguyệt Thu chia sẻ phần tham luận trong việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ và Kỹ năng đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Theo chia sẻ của TS. Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Tại Việt Nam, hiện nay “Biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự” là 3 biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; ngoài ra, ở Việt Nam còn có biện pháp kiểm soát biên giới dành cho các cửa khẩu giúp biên giới các nước. Vai trò của 3 cơ quan trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể:
Cơ quan thực thi (Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ): Có thẩm quyền xử lý xâm phạm, chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền;
Với Cục Sở hữu trí tuệ: Cung cấp ý kiến chuyên môn, chịu trách nhiệm trong phạm vi thực hiện chức năng quản lý hành chính;
Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ: Cung cấp kết luận giám định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
“Phải có quyền mới bảo vệ quyền được, các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Các doanh nghiệp cần đầu tiên phải đi đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, từ đó thực hiện quyền được bảo vệ; tuy nhiên cần phải tránh việc làm dụng quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt các doanh nghiệp cần nắm vững trình tự, thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay để từ đó sử dụng nhãn hiệu đúng cách…” một số lưu ý đối với doanh nghiệp đến từ TS. Hà Nguyệt Thu.
Cần tạo điều kiện phát triển các sản phẩm, thương hiệu nội địa có chất lượng, uy tín có thể tiếp cận tới người tiêu dùng là một trong các nội dung của ông Nguyễn Huy Cường, nguyên Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm.
Đối với tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng và công tác xử lý, theo ông Nguyễn Huy Cường, nguyên Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm cho biết: Tình trạng vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày một phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường mạng. Sau 02 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử. Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.
Ông Nguyễn Huy Cường đề xuất một số biện pháp trong đó có một số nội dung chính:
Một là, kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về Xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các Bộ ngành để xây dựng một số dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động xử lý vi phạm hành chính;
Hai là, rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật;
Ba là, Kịp thời sửa đổi các quy định quản lý trong thương mại điện tử nhằm khắc phục các vướng mắc: truy xuất đối tượng kinh doanh TMĐT, nắm thông tin, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng, truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch, trên trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội;
Bốn là, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm, thương hiệu nội địa có chất lượng, uy tín có thể tiếp cận tới người tiêu dùng;
Năm là, quan tâm tới người thất nghiệp, người không có công việc ổn định đặc biệt tại các địa bàn các tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển bởi lẽ đây là một trong những nhóm người được các đối tượng vi phạm nhắm tới để lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại Nguyễn Thế Tiệp chia sẻ tại Tọa đàm.
Theo góc nhìn của Phó Viện trưởng Nguyễn Thế Tiệp về một số phương pháp “Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin nguồn gốc, chống gian lận thương mại và kết nối cung cầu” với 4 yếu tố chính: Truy xuất nguồn gốc; Hệ sinh thái công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin kết nối cung cầu; Một số khâu cần được số hoá trong chuỗi cung ứng; Thương hiệu và đối tác.
Đại diện doanh nghiệp Trà Cozy mang đến 2 sản phẩm có mẫu mã giống nhau đang có tại thị trường tiêu thu của 2 thương hiệu.
Tại Tọa đàm, đại diện doanh nghiệp thương hiệu trà Cozy tham dự tọa đàm đã mang đến sản phẩm thương hiệu Cozy và một thương hiệu khác có hình ảnh, mẫu mã sản phẩm tương đối giống nhau.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tọa đàm.
Ngoài ra, ban tổ chức đã đón nhận thêm các chia sẻ, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về các nội dung xoay quanh chủ đề của Tọa đàm./.
Tại Toạ đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ có dịp trao đổi, cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp để ngăn chặn vấn nạn nêu trên:
- Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại trong dịp tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024;
- Các biện pháp bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các kỹ năng đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;
- Thực trạng tình hình hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và công tác xử lý;
- Ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. |
3