(CHG) Việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý xuất xứ hàng hóa bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu hoàn thiện về pháp lý còn là cơ hội để đổi mới cơ chế quản lý, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thông tư thay thế các thông tư về kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là một ví dụ. Với những nội dung mới, dự thảo thông tư được đánh giá có nhiều quy định cải cách đột phá.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, hiện nay, cơ quan Hải quan ngoài tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho công chức hải quan và doanh nghiệp về các thông tư, văn bản triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) còn hoàn thiện các thể chế pháp luật gồm: Xây dựng Nghị định quy định điều kiện, trình tự, thủ tục tự chứng nhận xuất xứ của người nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP; tiếp nhận ghi nhận vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 38/2018/TT-BTC và 3 thông tư sửa đổi, bổ sung để trình Bộ Tài chính ban hành thông tư mới thay thế, cũng như cập nhật các quy định tại các hiệp định thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia.
Cũng theo ông Đào Duy Tám, trong quá trình xây dựng thông tư thay thế Thông tư 38/2018/TT-BTC và 3 thông tư sửa đổi, bổ sung, Tổng cục Hải quan đã lấy ý kiến nhiều lần của doanh nghiệp, hải quan địa phương và các cơ quan có liên quan. Các ý kiến tham gia đến nay đều mong muốn thông tư ban hành sớm để xử lý vướng mắc hiện nay. Chẳng hạn như quy định về thời điểm nộp C/O. Hiện nay, không có quy định thời điểm nộp tại thời điểm làm thủ tục khi áp dụng các FTA mà cho phép doanh nghiệp nộp trong thời điểm hiệu lực của C/O, nghĩa là doanh nghiệp nộp thời điểm nào sẽ hưởng ưu đãi thời điểm đó. Và chấp nhận chứng từ được nộp dưới dạng bản scan, điện tử không yêu cầu bản chính, mà doanh nghiệp tự lưu và xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện kiểm tra, thanh tra.
“Điều này phù hợp định hướng phát triển hải quan phi giấy tờ của Tổng cục Hải quan”, ông Đào Duy Tám cho biết. Ngoài ra, các vướng mắc về kiểm tra sau thông quan, thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa so với thời điểm nhập khẩu ban đầu, cho phép doanh nghiệp trừ lùi C/O khi nhập khẩu hàng hóa chưa hết so với lượng ghi trên C/O cũng được hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài thông tư thay thế Thông tư 38/2018/TT-BTC, năm 2023 Tổng cục Hải quan cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định CPTPP theo hướng giao cho người nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Đây là Hiệp định hoàn toàn mới dự kiến áp dụng từ 1/1/2024 (theo Hiệp định, Việt Nam sẽ được lùi 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực). Do đó, trong quá trình xây dựng Tổng cục Hải quan tiếp tục mong nhận được phối hợp hỗ trợ của các bên liên quan để văn bản thực thi hiệu quả khi được ban hành.
Đối với thông tư thay thế Thông tư 38/2018/TT-BTC và 3 thông tư sửa đổi, bổ sung, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như: việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; sử dụng thông báo xác định trước xuất xứ, nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan, nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng, quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O, về các trường hợp phải nộp C/O,....
Tại thời điểm ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BTC thì các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…) chưa được ký kết để triển khai nên chưa có hướng dẫn tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC. Trên cơ sở đánh giá rà soát tổng thể quá trình thực hiện các Thông tư này đã có nhiều bất cập trong quản lý về xuất xứ hàng hóa như cách thức quản lý kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp phép theo mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP)….
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho biết nhiều yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao...) cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể ở Thông tư để cơ quan Hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng pháp lý hoá một số hướng dẫn của Bộ Tài chính như về thời điểm nộp C/O, trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan đang ở dạng công văn hướng dẫn. Do vậy, cần phải được quy định ở văn bản pháp quy để đảm bảo căn cứ pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Theo đó, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là một yêu cầu bắt buộc để đảm bảo triển khai các Hiệp định mới theo cam kết và nâng cao hiệu quả quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Chuyên gia Dự án Liên minh toàn cầu về tạo thuận lợi thương mại đánh giá, công tác quản lý xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Quản lý xuất xứ hàng hóa phù hợp không có nghĩa là cứ áp dụng máy móc điều khoản tốt nhất từ quốc tế về Việt Nam; phù hợp nghĩa là những điều khoản phù hợp với bối cảnh Việt Nam để quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng thuận lợi hóa thương mại thay vì việc theo hướng cản trở thương mại. Với dự thảo thông tư mới, thủ tục hành chính không thực chất giảm thiểu, những quy định nặng về mặt giấy tờ đã thay thế bằng những điều khoản tiến bộ, phù hợp với các cam hết quốc tế, đặc biệt là phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà gần đây Việt Nam cũng như ASEAN tham gia. |
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/tao-dong-luc-tu-co-che-moi-trong-quan-ly-xuat-xu-hang-hoa-172376-172376.html
1