(CHG) Câu chuyện tham gia phiên tòa không phải là mới nhưng có lẽ chẳng bao giờ cũ, bởi vì diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội hiện đại.
Luật sư Lê Quốc Sơn
Nhưng cũng có không ít người khi tham gia vụ án sẽ thắc mắc: Đương sự có quyền và nghĩa vụ gì trong vụ án dân sự hoặc hình sự? Và với một số ít người dân vẫn chưa nắm rõ được các quy định về quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng.
Hiến pháp và Luật pháp nước ta ngày nay đã có những quy định cụ thể về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham dự một phiên tòa… Sau khi thụ lý vụ án, Chánh án sẽ ra quyết định phân công thẩm phán Thẩm phán giải quyết vụ án được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Đương sự trong vụ việc dân sự gồm:
- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
- Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… (quy dịnh tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày”.
Luật sư Lê Quốc Sơn- Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Các đương sự phải nhận được Thông báo thụ lý vụ án, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Giấy triệu tập,… theo Khoản 1 Điều 220 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đồng thời, phải được gửi cho các đương sự, viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày; kể từ ngày ra quyết định… Nếu cấp tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm không thực hiện đầy đủ các quy định trên là vi phạm về mặt tố tụng khi giải quyết vụ án”.
Bên cạnh đó, đương sự phải có nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và có năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… (Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
5