Cùng với hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ, các quốc gia luôn có nhu cầu hợp tác để tạo ra một cơ chế phù hợp cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tiếp cận được với thị trường dịch vụ của quốc gia mình, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý của Nhà nước. Công nhận lẫn nhau là cơ chế được các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu này. Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ được hiểu là hoạt động của quốc gia này công nhận các điều kiện để được cung cấp một dịch vụ nhất định theo quy định của quốc gia khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của quốc gia được công nhận tiếp cận với thị trường dịch vụ của quốc gia công nhận.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng lao động có kỹ năng nghề di chuyển trong khu vực ASEAN nói riêng mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho sự phát triển của toàn khối, ASEAN chủ trương hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng, năng lực giữa các quốc gia thành viên, tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ, chứng chỉ, văn bằng, kinh nghiệm… nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển lao động khu vực.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements - MRAs) được coi là công cụ chính để di chuyển lao động. Thỏa thuận này giúp những người hành nghề có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp tại một quốc gia thành viên được công nhận tại các quốc gia thành viên khác trong khu vực ASEAN, từ đó tạo điều kiện để họ có thể làm việc tại các quốc gia này. Đến nay, đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực nghề được ký kết trong ASEAN, bao gồm: dịch vụ kỹ thuật (12/2005); dịch vụ điều dưỡng (12/2006); dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát (11/2007); y khoa, nha khoa và dịch vụ kế toán, kiểm toán (02/2009); du lịch (11/2012).
MRA đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán hình thành từ tháng 02/2009 và sau đó được sửa đổi và ký chính thức vào ngày 13/11/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. MRA trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được xây dựng nhằm:
(i) Thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của các tiêu chuẩn nghề kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
(ii) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
(iii) Tôn trọng và tuân thủ pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của nghề kế toán, kiểm toán trong từng quốc gia thành viên ASEAN.
(iv) Bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng và có đi có lại trong quá trình xây dựng và thực thi MRA.
ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban Điều phối kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp ASEAN để thực hiện MRA này. Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Ủy ban giám sát về dịch vụ kế toán tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN.
Kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp thuộc đối tượng công nhận lẫn nhau đề cập trong MRA là thể nhân mang quốc tịch một quốc gia thành viên ASEAN có chuyên môn, đạo đức, hợp pháp và được cơ quan quản lý ngành nghề quốc gia thừa nhận, cấp phép đủ điều kiện để hành nghề kế toán chuyên nghiệp độc lập. Quy trình để một kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tại một quốc gia thành viên đăng ký để được hành nghề tại một quốc gia thành viên khác trong ASEAN được quy định như sau:
Bước 1: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Ủy ban giám sát về dịch vụ kế toán, kiểm toán của nước mình để xin cấp chứng nhận kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ACPA).
Bước 2: Uỷ ban giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Ủy ban điều phối kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPA.
Bước 3: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPA sẽ đủ điều kiện để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kế toán, kiểm toán ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
Bước 4: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp có RFPA được phép hành nghề, nhưng phải phối hợp với kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp của nước sở tại.
Trên cơ sở Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán năm 2014, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1529/QĐ-BTC ngày 09/8/2021 về Quy chế đánh giá đối với kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Quyết định số 1529/QĐ-BTC cùng với Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập đã tạo ra khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán giữa các nước thành viên ASEAN.
Theo quy định tại Thỏa thuận, một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chế này có thể đăng ký để được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPAR) và nhận danh hiệu kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN CPA).
Tiêu chuẩn để được công nhận là kế toán, kiểm toán viên ASEAN (ASEAN CPA): Để một kế toán, kiểm toán viên đang hành nghề tại Việt Nam có thể được công nhận là kế toán, kiểm toán viên đủ tiêu chuẩn ASEAN phải đáp ứng được các điều kiện:
(i) Có chứng chỉ kế toán, kiểm toán viên Việt Nam;
(ii) Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất ba (3) năm trong giai đoạn năm (5) năm liên tục kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA.
(iii) Tuân thủ và bảo đảm chương trình cập nhật kiến thức (CPD). Chậm nhất là ngày 31/8 hàng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải bảo đảm quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức và nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hàng năm cho Bộ Tài chính theo quy định.
(iv) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN (ở Việt Nam là Bộ Tài chính) sẽ ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của nước mình (ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát của Việt Nam) tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét phê duyệt và duy trì Đăng bạ ASEAN CPA của quốc gia mình theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
Một ASEAN CPA có nguyện vọng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tại một quốc gia thành viên ASEAN khác phải đủ tư cách để đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại để trở thành kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký.
Một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam.
Một kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký sẽ chỉ cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong phạm vi năng lực của mình khi được công nhận và chấp thuận bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại là thành viên ASEAN và chỉ thực hiện các công việc theo các quy định cụ thể đã đăng ký.
Đồng thời, kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đó phải tuân thủ: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với các chính sách về đạo đức được thiết lập và ban hành bởi nước xuất xứ nơi kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đăng ký là ASEAN CPA; Pháp luật và quy định về hành nghề của nước sở tại là thành viên ASEAN nơi mà người đăng ký được phép làm việc như một kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký; đồng thời, Làm việc trong sự hợp tác với các kế toán viên, kiểm toán viên của nước sở tại là thành viên ASEAN tuân theo pháp luật và các quy định của nước sở tại.
Tại Việt Nam, một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam.
Sau khi được chấp thuận, kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký không được hành nghề độc lập mà phải làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kiểm toán; chi nhánh doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp, tổ chức khác có chấp nhận RFPA; không được ký báo cáo kiểm toán, báo cáo về dịch vụ đảm bảo khác và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi đảm bảo) và các dịch vụ kế toán đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề trừ khi người đó đã được cấp Giấy phép hành nghề bởi Bộ Tài chính Việt Nam theo quy định của Luật Kế toán hoặc Luật Kiểm toán độc lập.
Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giám sát và đánh giá hoạt động thực tiễn chuyên môn của Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký để đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận. Bộ Tài chính Việt Nam có thể ban hành những quy định mà không đi ngược lại hoặc làm thay đổi bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận nhằm mục tiêu duy trì các tiêu chuẩn cao về hành nghề và đạo đức trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (MRA) đã cung cấp một khuôn khổ chung cho việc công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán giữa các nước ASEAN, cũng như đẩy mạnh việc trao đổi thông tin và chuyên môn, kinh nghiệm và các thông lệ tốt nhất phù hợp với nhu cầu cụ thể của mỗi nước ASEAN. Việc ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (MRA) này sẽ khuyến khích các nước ASEAN sẵn sàng tham gia vào các thỏa thuận song phương, đa phương trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The implementation of the ASEAN mutual recognition on accountancy and auditing services in Vietnam
Master. Pham Thi Tuoi
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Mutual recognition is a mechanism that allows service suppliers of a country to be qualified to provide services in another country. This mechanism facilitates the free movement of labor and solves the problem of labor shortage, especially high-quality labor shortage. This paper analyzes and clarifies the mechanism of mutual recognition on accountancy and auditing services in the Association of Southeast Asian Nations and its practical implementation in Vietnam.
Keywords: mutual recognition agreement, accounting, auditing, Southeast Asia.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết