(CHG) Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận xét công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác xúc tiến thương mại còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả và cần phải khắc phục.
Cần công bố sớm kế hoạch xúc tiến thương mại hằng năm
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 diễn ra tại TP. Đà Nẵng chiều 11/5, góp ý kiến để hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng hiệu quả hơn, nhiều địa phương miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, Cục Xúc tiến thương mại nên có thông tin sớm hơn đến các địa phương về các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại trong năm để các địa phương căn cứ vào đó có kế hoạch và làm dự toán.
Ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng góp ý cần thông tin các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại sớm hơn để các địa phương có sự chủ động trong chuẩn bị kinh phí cũng như tham gia.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông cho biết, kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh không nhiều. Trong khi đó, kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại lại thông báo muộn, vì vậy, đơn vị gặp khó khăn trong tham gia các chương trình. “Ví dụ như chương trình triển lãm sản phẩm tiêu biểu miền Trung – Tây Nguyên đang diễn ra từ ngày 11 – 14/5, do Sở không biết trước sự kiện, nên trong kế hoạch dự toán chi của năm 2023 không có nguồn kinh phí cho hoạt động này, vì vậy, tỉnh Đắk Nông không thể có gian hàng triển lãm”, ông Tòng cho hay.
Cùng quan điểm, ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị cần sớm có kế hoạch dự kiến các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế và thông tin để các địa phương nắm thông tin đồng thời bố trí dự toán. “Ví dụ như chương trình năm 2023 thì đến cuối năm 2022 cần có kế hoạch dự kiến và gửi cho các địa phương. Chúng tôi sẽ căn cứ theo đó làm kế hoạch, dự toán các chương trình”, đại diện tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.
“Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên công bố sớm để các địa phương chủ động trong kế hoạch công tác cũng như tìm hiểu thông tin thị trường và có hoạt động tư vấn cũng như có đoàn doanh nghiệp tham gia hiệu quả”, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng góp ý.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận xét công tác phối hợp của các đơn vị xúc tiến thương mại còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả và cần khắc phục.
Một ý kiến đáng chú ý tại Hội nghị khác đó là đề xuất cần sớm có hướng dẫn kỹ hơn về định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động xúc tiến thương mại để các địa phương căn cứ theo đó có cơ sở cân đối kinh phí hằng năm. “UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động xúc tiến thương mại nhưng chúng tôi rất khó thực hiện vì chưa có hướng dẫn”, ông Võ Văn Mười, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum cho hay.
Ngoài ra, còn nhiều góp ý để hoạt động xúc tiến thương mại khu vực hiệu quả hơn như đề nghị hỗ trợ hướng dẫn chương trình thương mại xanh, chuyển đổi xanh; có quy định cơ chế tài chính cũng như hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số; tổ chức thêm chương trình kết nối cung cầu, kết nối giao thương; mời thêm các nhà phân phối địa phương như chợ đầu mối trong các chương trình kết nối giao thương; hỗ trợ tổ chức các hội chợ OCOP, hội chợ Việt – Lào…
Phải tăng tính phối hợp giữa các đơn vị thực hiện công tác xúc tiến thương mại
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ ra điểm yếu còn tồn tại của hoạt động xúc tiến thương mại miền Trung – Tây Nguyên đó là sự thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương, giữa các Cục Xúc tiến thương mại, các trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương với các tổ chức, đơn vị khác.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, khi xây dựng một chương trình trước tiên phải có định hướng đối với thị trường nào, mặt hàng nào, hay thị trường nội địa là gì. Sau đó phối hợp với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng thậm chí là một số doanh nghiệp lớn xây dựng chương trình khả thi. Ví dụ, chương trình năm 2023 thì cuối năm 2022 phải có kế hoạch rồi, chứ xây dựng xong rồi bảo địa phương tham gia thì rất khó cho địa phương.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại miền Trung - Tây Nguyên là hoạt động để tăng tính phối hợp, trao đổi các giải pháp để hoạt động xúc tiến thương mại khu vực hiệu quả hơn.
“Cần phải rất lưu ý sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương để tăng tính hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại. Tôi thấy sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương vẫn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị xúc tiến thương mại các địa phương với các đơn vị, tổ chức của Bộ Công Thương. "Công tác xúc tiến thương mại không phải của riêng một Bộ hay ngành nào, cấp nào. Xúc tiến thương mại muốn thành công thì Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì, là đơn vị điều phối, hỗ trợ để các tổ chức khác (như vụ thị trường trong nước, các vụ thị trường nước ngoài), các địa phương thực hiện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra đồng thời cũng lưu ý thêm, các đơn vị xúc tiến thương mại cũng không thể làm thay cho doanh nghiệp là chỉ là đơn vị hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp làm tốt hơn công tác kinh doanh của mình.
Các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế phát huy tốt vai trò là kênh kết nối hữu hiệu cho doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên tiếp cận, mở rộng thị trường.
Trong năm 2023, tổng kinh phí thực hiện xúc tiến thương mại của các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên là 49.583 tỷ đồng. Trong đó, sẽ tổ chức 8 hội chợ triển lãm cấp vùng; 103 hội chợ triển lãm cấp tỉnh, thành phố; tổ chức cho doanh nghiệp tham gia 7 hội chợ triển lãm nước ngoài và thực hiện 22 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo. Cùng với đó, dự kiến tổ chức 11 đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, tổ chức 14 đoàn khảo sát thị trường trong nước; tổ chức 3 đoàn nhập khẩu đến địa phương mua hàng. Ngoài ra còn thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin thương mại…/.
Nguồn: https://congthuong.vn/thu-truong-do-thang-hai-can-tang-cuong-phoi-hop-trong-cong-tac-xuc-tien-thuong-mai-253743.html
(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.
Xem chi tiết