Thực trạng ngành chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các giải pháp phát triển


Thực trạng ngành chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các giải pháp phát triển do ThS. Nguyễn Hữu Hà (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Phú Thọ) - TS. Bùi Thị Minh Nguyệt (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp) thực hiện

TÓM TẮT:

Tỉnh Phú Thọ đang trên đà phát triển chuỗi giá trị ngành hàng gỗ rừng trồng từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với hơn 700 cơ sở chế biến gỗ chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành Lâm nghiệp Phú Thọ phát triển và đóng góp lớn vào GDRP của tỉnh. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Chế biến gỗ của Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Bài viết phân tích thực trạng ngành Chế biến gỗ trồng rừng của Phú Thọ, đồng thời nêu các giải pháp để phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ của tỉnh.

Từ khóa: chế biến gỗ, gỗ trồng rừng, tỉnh Phú Thọ, thực trạng, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển lâm nghiệp do địa hình phần lớn là đồi núi thấp, độ dốc không quá lớn, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng như: keo, mỡ, bồ đề, trám, luồng… Quỹ đất lâm nghiệp chiếm 55,3% diện tích tự nhiên (đất lâm nghiệp là 184.389ha), trong đó: rừng tự nhiên chiếm 65.164,6 ha, rừng trồng chiếm 119.224,4 ha nhiều năm duy trì độ che phủ của rừng trên 50%, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm trên 300.000 m3. Trong đó, chủ yếu là các loại keo, bồ đề, bạch đàn, mỡ,… và trên 3,0 triệu cây tre, vầu, nứa (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, 2022). Trữ lượng gỗ ước khoảng 3,5 triệu m3 với hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, gỗ có từ nhóm 1 đến nhóm 8. Nghề rừng đã thu hút gần 5 vạn lao động và đang dần dần lấy lại vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến gỗ.

Với phương châm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, trong thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, tập trung vào 4 nhóm ngành có lợi thế so sánh, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.

Đến nay, Phú Thọ đã quy hoạch vùng nguyên liệu giấy với các nhà máy chế biến giấy lớn như Bãi Bằng, Việt Trì. Bên cạnh đó còn các cơ sở chế biến gỗ nhân tạo và các cơ sở chế biến gỗ dân dụng đã cho ra các sản phẩm, như: giấy, ván nhân tạo, gỗ sơ chế, đồ mộc dân dụng, bao bì, hàng mây tre đan xuất khẩu, tạo.

Do vậy, bài viết nghiên cứu “Thực trạng ngành Chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các giải pháp phát triển” nhằm có cái nhìn rõ hơn về ngành Chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn và đề xuất giải pháp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Chế biến gỗ của tỉnh.

2. Thực trạng ngành Chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ (2021), tỉnh Phú Thọ có 743 cơ sở chế biến lâm sản, bao gồm 83 doanh nghiệp và 660 hộ kinh doanh cá thể ở 13/13 huyện, thị, thành. Công suất thiết kế 1.311.043 m3 SP/năm. Đây là một lực lượng lớn, có tiềm năng khai thác lợi thế của lâm nghiệp Phú Thọ, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức như: Kỹ thuật -  chế biến gỗ rừng trồng chưa phát triển, hiệu quả sử dụng nguyên liệu gỗ thấp, chưa mang lại thu nhập xứng đáng cho người trồng rừng và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, sản phẩm chế biến chủ yếu là: Giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, đồ mộc gia dụng, ván thanh,... trong đó: dăm gỗ 478.378 tấn; gỗ xẻ: 162.328 m3; giấy, bột giấy 161.000 tấn; ván bóc, ván ép 270.786 m3; đồ gỗ nội thất, đồ gia dụng  33.628 sp (m3) và các sản phẩm. Sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan.

Ngoài ra, còn các xưởng chế biến gỗ rừng trồng nhưng chủ yếu hiện có ở quy mô nhỏ (công suất tiêu thụ nguyên liệu từ 10 m3 đến 20 m3/ngày; sản phẩm gỗ xẻ chủ yếu sử dụng làm côp pha xây dựng hoặc làm nguyên liệu đóng các sản phẩm mộc dân dụng chất lượng thấp và đang có xu hướng tăng mạnh, mang tính tự phát trong thời gian gần đây. Nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ chủ yếu từ các chủ rừng gỗ nhỏ. Nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu là một yêu cầu quan trọng nhằm đổi mới phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi hành trình sản phẩm; hợp tác liên kết giữa các cơ sở chế biến để mở rộng công suất chế biến, đầu tư dây chuyền sản xuất theo chuỗi cung. Từ đó tạo được chỗ đứng cho sản phẩm gỗ rừng trồng Phú Thọ trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt, đảm bảo thị trường đầu ra cho các hộ trồng rừng, nâng cao thu nhập cho các hộ trồng rừng.

Sản lượng gỗ khai thác năm 2019 từ rừng trồng tập trung là 420.000 m3, đáp ứng được 35% nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy và các cơ sở chế biến, còn lại khai thác từ cây trồng phân tán, gỗ vườn, sản phẩm phụ (gỗ ngọn, cành, củi) và từ các tỉnh lân cận như Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La..., gỗ nguyên liệu nhập khẩu khoảng 1.000 m3 gỗ/năm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, 2021).

Tổng nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở chế biến lâm sản là khoảng 3.700 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư được huy động từ vốn tự có của các cổ đông, hộ gia đình và vốn vay từ các ngân hàng.

Trong những năm gần đây, ngành Chế biến gỗ của tỉnh Phú Thọ đã có sự chuyển biến và tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, cũng như về chất lượng, chủng loại sản phẩm đa dạng đã góp phần đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mặt khác, sự phát triển của các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản đã thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là việc tăng nhanh diện tích và năng suất, chất lượng rừng trồng.

Tuy nhiên, do nhu cầu gỗ cho các cơ sở chế biến dăm gỗ, bột giấy tăng nhanh dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào; xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, thiệt hại cho người sản xuất, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu; khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ còn hạn chế. Sự hình thành và phát triển ngành Chế biến lâm sản trên địa bàn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, sản phẩm làm ra chủ yếu là bán thành phẩm, nguyên liệu thô; công nhân phần lớn không được đào tạo, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Để ngành Công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Phú Thọ phát triển, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ và đầu tư vào nhiều yếu tố như yếu tố về vốn, công nghệ, nguồn nguyên liệu, lao động có tay nghề, về thị trường và chính sách của Nhà nước,… Sự phát triển của ngành còn phụ thuộc vào chính sự cạnh tranh và khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp trong ngành. Trước thực trạng đó, để có cái nhìn đúng về hiện trạng ngành Chế biến gỗ của tỉnh hiện nay, cần phải tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng và tác động đến ngành Chế biến gỗ, những yếu tố tác động đến khả năng cạnh tranh của ngành, phân tích những cơ hội và thách thức cũng như phân tích tình hình kinh tế trong và ngoài nước, ảnh hưởng của các chính sách đến sự phát triển của ngành Chế biến gỗ của tỉnh Phú Thọ

3. Giải pháp để ngành chế biến gỗ rừng trồng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ đang trên đà phát triển chuỗi giá trị ngành hàng gỗ rừng trồng từ khâu sản xuất gỗ nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ. Với hơn 700 cơ sở chế biến gỗ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành Lâm nghiệp và đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Chế biến gỗ cả nước và tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu - rộng hiện nay, như: chất lượng, mẫu mã sản phẩm gỗ còn kém cạnh tranh, hiệu quả sản xuất chưa cao, thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa được mở rộng và nhiều cạnh tranh, hệ thống chính sách khuyến khích phát triển ngành chế biến chưa được triển khai hiệu quả.

Để thúc đẩy sự phát triển ngành Chế biến gỗ nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cần thực hiện đồng bộ những chính sách khuyến khích sau:

3.1. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách khi Việt Nam tiến hành các cam kết quốc tế như: CPTPP, VPA/FLEGT. Trước mắt, cần hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như:

- Phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng, có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững được quốc tế công nhận;

- Phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ; trước mắt là chính sách thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu để sản xuất vật liệu phụ trợ trong nước;

- Mở rộng mạng lưới phân phối, giới thiệu sản phẩm trên thị trường thế giới và  phát triển thương hiệu lâm sản Việt;

- Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện;

- Về mức thuế TNDN đối với ngành Lâm nghiệp tương tự như với ngành khác; ổn định chính sách thuế xuất khhẩu, nhập khẩu nguyên liệu.

3.2. Phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản

Một là, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu xây dựng thương hiệu theo các chương trình của Bộ Công Thương.

Hai là, trên nền tảng đã gây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm gỗ của tỉnh Phú Thọ, cần thúc đẩy đầu tư xúc tiến thương mại để trở thành điểm đến thu hút các đơn vị kinh doanh đồ gỗ trong nước và thế giới đến đầu tư trong tỉnh. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ gỗ và sản phẩm gỗ.

Ba là, chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, hạn chế rào cản kỹ thuật; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở mới. Cần có chính sách hỗ trợ trong việc hình thành mạng lưới bán hàng, giới thiệu sản phẩm ở một số thị trường trọng điểm trong nước. Tiến hành chương trình xây dựng thương hiệu gỗ Việt cho sản phẩm gỗ của tỉnh.

Bốn là, thực hiện đổi mới trong quản lý lưu thông hàng hóa lâm sản; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, khuyến khích, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từng bước đưa thương mại điện tử vào giao dịch sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ.

3.3. Phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành Chế biến gỗ đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ

Một là, Chính phủ cần xây dựng những chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho ngành Chế biến gỗ Việt Nam; trong đó chú trọng đào tạo kiến thức và kỹ năng, tay nghề phù hợp với sản xuất sản phẩm gỗ, nâng cao trình độ vận hành máy móc, thiết bị của công nhân, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành sản xuất, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của đội ngũ quản lý.

Hai là, có chính sách hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề mở các chuyên ngành đào tạo phát triển nguồn nhân lực đối với chế biến đồ gỗ.

Ba là, có chính sách thu hút người lao động tham gia các chương trình đào tạo công nhân lành nghề phù hợp với sự đổi mới công nghệ và đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các lực lượng lao động thuộc các loại hình đào tạo khác nhau.

3.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các cơ quan nhà nước đến người dân đều nhận thức được ngành Chế biến gỗ là ngành kinh tế dân sinh, bền vững và bảo vệ môi trường. Trên quan điểm phải nhận thức đúng đắn mới có thể tạo hứng khởi, niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất,  kinh doanh.

Thứ hai, hạn chế đầu tư dàn trải, chú trọng đầu tư vào các khâu then chốt: đổi mới công nghệ, áp dụng tự động hóa trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất lao động hoặc đầu tư ứng dụng vật liệu mới vào sản suất; nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, nâng cao trình độ tay nghề công nhân để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời cần tăng cường hợp tác, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu, nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thứ tư, huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ; cơ cấu lại ngành Công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Nghiên cứu để từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản sản phẩm xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất sản phẩm ngoài trời sang sản xuất sản phẩm gỗ nội thất kết hợp các vật liệu khác tốn ít nguyên liệu, đạt giá trị cao. 

Thứ năm, hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, nhằm tạo ưu thế cạnh tranh, khẳng định vị thế của ngành Chế biến lâm sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp ở vùng sâu, vùng xa trong hoạt động chế biến sơ chế để cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu lớn, hiện đại, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu.

Thứ sáu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong tỉnh không có lợi thế, như sản xuất vật liệu mới, ván nhân tạo, vật liệu phù trợ,… Tuy nhiên, phải đáp ứng được yêu cầu: áp dụng công nghệ mới và không được gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ bảy, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, trong đó tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông; Phát triển dịch vụ logistic phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn từng tỉnh phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa cho ngành sản xuất, chế biến gỗ, đảm bảo sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển logistic với quy hoạch phát triển các ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3.5. Giải pháp sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững

Sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững nhằm: 1) Tiết kiệm nguyên liệu gỗ một cách tối đa, phế liệu gỗ của dây chuyền sản xuất trước là nguyên liệu của dây chuyền sản xuất; 2) Giảm phế thải, rác thải tối đa ra môi trường. Để sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững bài viết đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

- Đổi mới công nghệ chế biến cũ, lạc hậu

bằng công nghệ chế biến tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng;

- Xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung quy mô lớn ở những vùng trồng tập trung gồm: i) Tiết kiệm chi phí vận chuyển; ii) Nâng cao được tỷ lệ gỗ thành khí lên; iii) Tận dụng phế liệu tối đa; iv) Đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ 100% là gỗ sạch.

- Sớm ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quá trình thu mua và cung ứng nguyên liệu gỗ cho các cơ sở chế biến gỗ; phát triển thị trường điện tử, các sàn giao dịch điện tử giúp doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ tìm được những thông tin về nguyên liệu gỗ, sẽ giảm được chi phí về thời gian để khảo sát tìm nguồn nguyên liệu.

3.6. Liên kết trong ngành Chế biến gỗ

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ rất lớn và vẫn tiếp tục tăng, một số ý kiến cho rằng ngành vẫn tồn tại một số vấn đề mang tính hệ thống và đã đến lúc cần có những thay đổi lớn nhằm giải quyết các tồn tại nhằm phát triển bền vững ngành trong tương lai. Tồn tại thể hiện qua các mặt như sử dụng lao động giá rẻ, dụng nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ lệ còn cao trong cơ cấu giá thành (40-50%) với giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp. Điều này làm cho năng suất lao động của ngành thấp hơn nhiều so với năng suất lao động của ngành Chế biến của các quốc gia như Thái Lan, Malaysia.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất lao động của ngành thấp là chưa có tính liên kết trong ngành. Theo nhận định của một số doanh nghiệp của ngành chế biến, các doanh nghiệp Việt có xu hướng sản xuất trọn gói. Điều này dẫn tới dàn trải trong đầu tư, công nghệ không đồng bộ, không hình thành được đội ngũ lao động chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó là sự thiếu liên kết dẫn đến dẫn tình trạng các doanh nghiệp đầu tư dàn trải vào nhiều khâu khác nhau của chuỗi cung, nhằm chủ động trong sản xuất (ví dụ đầu tư vào các khâu trồng rừng, chế biến đồ gỗ, làm ván ép). Mặc dù đầu tư vào các khâu có thể nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tuy nhiên rủi ro sẽ hình thành do đầu tư dàn trải, từ đó làm hạn chế hiệu quả của đầu tư đã xảy ra đối với một số doanh nghiệp trong ngành Chế biến gỗ.

Đồng thời, thiếu liên kết hạn chế khả năng chuyên môn hóa trong các khâu khác nhau của chuỗi cung. Đầu tư đa dạng vào các khâu không những dẫn đến sự dàn trải về vốn mà còn hạn chế khả năng chuyên môn hóa về lao động và công nghệ trong các khâu. Chuyên môn hóa về lao động và công nghệ thấp dẫn đến năng suất lao động hạn chế.

Bên cạnh đó, thiếu liên kết làm mất cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có uy tín hiện nhận được những đơn hàng rất lớn và với khả năng của mình thì không thể đáp ứng được các yêu cầu này. Thiếu liên kết làm mất cơ hội chia sẻ các đơn hàng giữa doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác. Điều này đem lại tổn thất cho ngành Gỗ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu đơn hàng.

4. Kết luận

Từ nguyên nhân và thực trạng của ngành Chế biến gỗ tỉnh Phú Thọ nêu trên cho thấy Phú Thọ cần tập trung các chính sách phát triển đồng bộ, hiệu quả cho ngành Chế biến gỗ trong thời gian tới, coi đây như là một ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn. Trên cơ sở định hướng phát triển, đồng thời đưa ra quan điểm và mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh. Xây dựng công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ, (2019). Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
  2. Tổng cục Lâm nghiệp, (2020). Báo cáo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Trần Văn Hùng, (2016). Phát triển ngành Chế biến gỗ vùng Phú Thọ. Luận án Tiến sỹ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Hồng Lĩnh, (2006). Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, (2021). Báo cáo thực hiện quy hoạch chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2018.
  6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Trung tâm WTO, (2015). Hỗ trợ các Hiệp hội thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển ngành chế biến gỗ. Truy cập tại https://trungtamwto.vn/file/16786/ Nghien%20cuu%20Nganh%20Go%20-%20NSO5.pdf
  7. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Trung tâm WTO, (2016). Các rủi ro chính của ngành Chế biến gỗ xuất khẩu (Trường hợp của thị trường Hoa Kỳ, EU và Úc). Báo cáo tại Tọa đàm tham vấn ngày 23/5/2016 “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA”.
  8. Tô Xuân Phúc, (2017). Liên kết trong ngành Chế biến gỗ: Tăng cường cơ hội, giảm rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững. Truy cập tại https://goviet.org.vn/upload/aceweb/content/Lien%20ket%20trong%20nganh%20che% 20bien%20go,%20tang%20o%20hoi%20giam%20rui%20rol..pdf
  9. Tô Xuân Phúc và cộng sự, (2018). Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và lựa chọn về chính sách để phát triển bền vững. Truy cập tại https://goviet.org.vn/upload/aceweb/content/ Bao%20cao%20lang%20nghe %20go%20-%201%20Feb%202018.pdf
  10. Phan Ánh Hè, (2009). Thực trạng ngành Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam và giải pháp ứng phó với sự thay đổi của thị trường gỗ thế giới. Tạp chí Kinh tế phát triển, 224.

THE CURRENT SMALL-SIZED PLANTED FOREST WOOD

PROCESSING INDUSTRY IN PHU THO PROVINCE

AND DEVELOPMENT SOLUTIONS

• Master. NGUYEN HUU HA1

• Ph.D BUI THI MINH NGUYET2

1Director, Technical Center for Standards, Metrology and Quality of Phu Tho province

2Faculty of Economics and Business Administration, Vietnam National Forestry University

ABSTRACT:

Phu Tho province is developing the value chain of the planted forest wood processing industry from production, processing, and consumption. With more than 700 wood processing facilities, Phu Tho province’s wood processing industry has great potential to develop and contribute to the province’s GDP growth. Besides the achievements, Phu Tho province's wood processing industry still faces many difficulties and challenges, especially in the current context of the country’s deep economic integration. This paper analyzed the current situation of Phu Tho's planted forest wood processing industry and proposed solutions to increase the added value of this industry.

Keywords: wood processing, forestry wood, Phu Tho province, current situation, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3