Phương tiện thực hiện và hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ là một trong những nội dung cơ bản của pháp luật về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn và triển khai thực hiện các quy định về hoạt động chuyển hàng hóa bằng đường bộ và những văn bản pháp luật khác có liên quan tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quá trình thực hiện pháp luật về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ở nước ta. Chính phủ và các Bộ, Ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, như: Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ,… Tuy nhiên, quy định pháp luật về điều kiện áp dụng đối với phương tiện vận chuyển, hàng hóa được vận chuyển vẫn chưa được quy định và hướng dẫn, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vẫn diễn ra phổ biến.
Thứ nhất, thực trạng thi hành quy định về đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ có một số bất cập. Theo quy định, chủ phương tiện có thể chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định. Tuy nhiên, tại đợt thanh tra vào năm 2019 đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 12 tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Đắc Lắc, Đắc Nông,… Bộ Giao thông vận tải đã phát hiện nhiều tồn tại ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới. Cụ thể, hầu hết các trung tâm đều lắp camera giám sát hoạt động kiểm định phương tiện nhưng không bao quát hết các vị trí, công đoạn kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định; một số xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng nhưng đăng kiểm viên không ghi nhận, truyền kết quả về máy chủ mà thực hiện thông báo trực tiếp cho lái xe, chủ xe; nhiều phương tiện vận tải có lỗi phanh, lỗi vô lăng nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn[1]. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của chủ xe đối với việc đăng ký, kiểm định phương tiện cơ giới chưa thực sự cao. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai kế hoạch khảo sát, kiểm tra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng quá hạn kiểm định tại một số địa phương. Trong năm 2020, Cục đã triển khai được 5 đợt khảo sát, kết quả như sau: Địa bàn tỉnh Bình Định: Có 3 xe quá hạn kiểm định; Địa bàn tỉnh Hà Nam: Có 6 xe quá hạn kiểm định; Địa bàn tỉnh Hà Giang: Có 11 xe quá hạn kiểm định; Địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Có 10 xe quá hạn kiểm định; Địa bàn tỉnh Sơn La: Có 18 xe quá hạn kiểm định. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 10/10/2021 có 383.569 xe các loại quá hạn kiểm định từ 1 tháng trở lên, trong đó xe ô tô con là: 129.5657 xe, ô tô khách là 40.380 xe, ô tô tải là 182.372 xe, ô tô đầu kéo là 5.605 xe, ô tô chuyên dùng là 6.192 xe, sơ-mi rơ-moóc là 19.363 xe[2]. Từ đó, số phương tiện quá hạn kiểm định nêu trên có thể vẫn đang tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gia tăng các vụ tai nạn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Từ đó, tác giả kiến nghị, hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ của trung tâm đăng kiểm sẽ là cơ sở nâng cao năng lực cho cơ chế bảo đảm an toàn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo các đơn vị không vì mục tiêu lợi nhuận mà qua loa trong việc kiểm soát tiêu chuẩn phương tiện, bởi nếu lơ là trong quản lý hoạt động đăng kiểm rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Thứ hai, thực trạng thi hành quy định về khai báo, đăng ký đối với xe cải tạo, thay đổi màu sơn. Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (viết tắt Thông tư 58/2020/TT-BCA) chưa có quy định về việc phân loại việc cải tạo những bộ phận trọng yếu, căn bản của xe (như thay thế tổng thành máy, thân máy, tổng thành khung) với những cải tạo nhỏ, không đáng kể (như thêm nắp thùng hàng, thêm nắp đậy thùng đối với xe bán tải). Điều này dẫn đến sự chưa phân biệt trong thủ tục khai báo và đăng ký đối với xe cải tạo. Tương tự với việc quy định về khai báo, đăng ký đối với xe cải tạo, hiện chưa có quy định cụ thể về việc khai báo, đăng ký bắt buộc khi thay đổi màu sơn đối với loại xe cơ giới đường bộ nào, do vậy, có thể hiểu, yêu cầu khai báo khi thay đổi màu sơn được áp dụng đối với tất cả các loại xe cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, với khoảng trên 63 triệu xe gắn máy và khoảng gần 4.5 triệu xe ô tô đã được đăng ký trong phạm vi cả nước[3] và chỉ cần một số nhỏ phương tiện vận tải đường bộ thay đổi màu sơn sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với cơ quan phụ trách việc khai báo, gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc thay đổi màu sơn phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Theo quy định pháp luật, trước khi cải tạo xe, thay đổi màu sơn chủ xe sẽ phải khai báo trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông tại mục khai báo cải tạo xe, thay đổi màu sơn hoặc trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe và được xác nhận của cơ quan đăng ký xe thì mới thực hiện; làm thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký xe khi xe đã được cải tạo, thay đổi màu sơn theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA và quy định về khai báo, đăng ký đối với xe cải tạo, chủ xe không thể tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe mà không thông qua việc làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký xe theo Thông tư 58/2020/TT-BCA. Theo quan điểm của tác giả, việc quy định trên sẽ giúp Bộ Giao thông Vận tải quản lý tốt việc cải tạo xe, thay đổi màu sơn của xe nhưng việc cải tạo xe rất đa dạng, đối với các chủ xe cải tạo hạng mục nhỏ, không đáng kể thì việc khai báo, hoàn thành thủ tục sẽ mất nhiều thời gian, chi phí đối với chủ phương tiện và cơ quan đăng kiểm. Từ đó, tác giả kiến nghị pháp luật về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cần có các quy định cụ thể hơn về điều kiện cải tạo, thay đổi màu sơn phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó, ban hành các quy định cụ thể bắt buộc khi thay đổi màu sơn đối với loại xe cơ giới đường bộ nào và không bắt buộc đối với loại xe cơ giới nào; quy định cụ thể về việc phân loại thế nào là cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ một cách cơ bản; quy định về trường hợp phải đăng ký, trường hợp nào chỉ cần khai báo (mà không nhất thiết phải đăng ký lại) để tạo sự thông thoáng, nhanh chóng cho các chủ phương tiện vận tải trong việc sử dụng tài sản của mình và giúp các cơ quan quản lý không bị quá tải trong công tác hoàn thành thủ tục và quản lý hồ sơ.
Thứ ba, thực trạng thi hành quy định về thu hồi đăng ký, biển số đối với xe bị hư hỏng, xe hết niên hạn sử dụng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 58/2020/TT-BCA, những phương tiện cơ giới hết niên hạn sử dụng không được sử dụng để tham gia giao thông, chủ phương tiện phải đến cơ quan chức năng để nộp lại giấy tờ xe, biển số xe và giấy tờ xe, biển số phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng phải được thu hồi. Tuy nhiên, tình hình số lượng xe hết niên hạn sử dụng vẫn còn khá phổ biến có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, cụ thể từ ngày 01/01/2021 có 16.420 xe các loại hết niên hạn sử dụng, trong đó có 16.420 xe xe chở hàng; từ ngày 01/01/2022 có 20.680 xe các loại hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15.908 xe xe chở hàng[4]. Trên thực tế, có rất ít chủ phương tiện hết niên hạn sử dụng tự nguyện đến làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe và cam kết hủy bỏ xe mà hầu hết xe hết niên hạn được chủ phương tiện chuyển đổi công năng sử dụng hoặc bán, chuyển lên khu vực vùng cao để hoạt động chui, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng[5]. Chính vì thế, tác giả kiến nghị nên bổ sung quy định về việc giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong việc phối hợp thu hồi biển số, giấy đăng ký đối với xe hết niên hạn sử dụng; xử phạt đối với xe hết niên hạn tham gia vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, bên cạnh đó, cần phải quy định cụ thể về cơ chế thu hồi đăng ký, biển số phương tiện vận chuyển bị hư hỏng hoặc hết thời hạn sử dụng để các cơ quan có thẩm quyền thống nhất áp dụng. Cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của nhà sản xuất phương tiện vận tải trong việc công bố thời hạn sử dụng phương tiện vận tải theo thiết kế (căn cứ quãng đường vận chuyển thể hiện trên công tơ mét của phương tiện hay thời hạn sử dụng phương tiện tối đa) để xác định thời gian sử dụng phương tiện vận chuyển hàng hóa cho phù hợp; trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải trong việc thải bỏ phương tiện vận chuyển đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, mặc dù, hàng loạt quy định về xe hết niên hạn sử dụng đưa được đưa ra, cụ thể, Chính phủ cũng ban hành chế tài xử lý các xe quá hạn kiểm định, hết niên hạn tham gia giao thông, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông. Theo quan điểm của tác giả, mỗi phương tiện hoạt động tốt nhất trong thời hạn sử dụng mà nhà sản xuất phương tiện tính toán và ấn định nên việc sử dụng phương tiện hết niên hạn sử dụng để tiếp tục vận chuyển hàng hóa gây ra nhiều tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông cho người và hàng hóa và tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính cho hành vi vi phạm này là tâm lý “tiết kiệm tài sản”[6] của chủ lái xe nên vẫn còn nhiều chủ lái xe không chủ động thực hiện quy định Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định về thu hồi đăng ký, biển số đối với xe bị hư hỏng, xe hết niên hạn sử dụng, do đó tác giả kiến nghị cần được tăng mức hình phạt tiền để đánh vào tâm lý “tiết kiệm tài sản” của chủ lái xe. Cụ thể, trong thời gian sắp tới, hình phạt đối với hành vi vi phạm điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, thay vì mức phạt tiền là 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Trong năm 2019, tổng số xe vi phạm tải trọng theo quy định trên hệ thống quốc lộ bị xử lý, phát hiện là 19.582 xe[7], trong đó, có những xe vượt quá tải trọng trên 10% tương đối phổ biến, cá biệt có xe vượt tải trọng cho phép của cầu, đường gần 200%, vượt quá tải trọng cho phép của xe trên 600%[8]. Tình trạng các loại xe chở hàng hóa không được che chắn dẫn đến rơi vãi xuống đường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho các phương tiện vận tải khác, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nếu gặp sự cố. Vụ tai nạn xảy ra tại Đắk Nông vào đầu tháng 6/2020 làm 5 người chết tại chỗ, 5 người bị thương, có một phần nguyên nhân do tài xế thiếu kinh nghiệm đã rà phanh liên tục trên đường làm phanh xe mất hiệu lực, nhưng mặt khác còn là vì nguyên nhân xe chở hàng hóa vượt quá 75% tải trọng cho phép theo thiết kế nên đã ảnh hưởng đến hệ thống an toàn của xe[9]; trường hợp vận chuyển cây cổ thụ có đường kính gốc 1,3m, chiều cao 8m, rộng tán 6m từ Gia Lai về Bình Dương nhưng đến Đắc Nông mới bị phát hiện, xử lý[10]. Tình trạng xe vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1 đến 2m, hoán cải container thành thùng xe tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các quốc lộ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 51.770 xe, trong đó có 9.154 xe vi phạm, tước 1.434 giấy phép lái xe vi phạm[11]. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản 282 trường hợp, trong đó: 53 trường hợp chở hàng quá tải, quá khổ, thay đổi kích thước thùng xe; 50 trường hợp lốp xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; 68 trường hợp không có bạt che phủ hoặc có nhưng vẫn để rơi vãi và các lỗi vi phạm khác, thu vào ngân sách nhà nước hơn 855 triệu đồng, tại Hồ Chí Minh tiến hành cân tải trọng, xử lý nghiêm các trường hợp quá khổ quá tải đã xử lý 57 trường hợp vi phạm giao thông.[12].
Bên cạnh đó là những quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ Việt Nam không có quy định về cước phí vận chuyển hàng hóa cao hơn trong trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, yêu cầu trách nhiệm cao hơn của người vận chuyển; quy định về trách nhiệm đối với hàng hóa bị tổn thất, bị mất mát, trách nhiệm của người vận chuyển hàng hóa trong trường hợp từ chối nhận hàng vô căn cứ; quy định cụ thể về các trường hợp miễn trách nhiệm xử phạt, pháp luật vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ Việt Nam lại thiếu sự cụ thể hóa các quy định này. Vì tính chất, mức độ nguy hiểm của hàng hóa sẽ dễ gây ra nhiều rủi ro cho người vận chuyển các loại hàng hóa này, việc thiếu những quy định cụ thể này sẽ mất đi quyền lợi của người vận chuyển khi có thiệt hại xảy ra. Từ phân tích trên, tác giả kiến nghị cần bổ sung quy định về cước phí vận chuyển hàng hóa cao hơn trong trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, yêu cầu trách nhiệm cao hơn của người vận chuyển; quy định về trách nhiệm đối với hàng hóa bị tổn thất, bị mất mát, trách nhiệm của người vận chuyển hàng hóa trong trường hợp từ chối nhận hàng vô căn cứ; quy định cụ thể về các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường.
Yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh phương tiện thực hiện và hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ là một yêu cầu cấp bách tạo nền móng vững chắc giải quyết vấn đề bất cập hiện nay trong giao dịch vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cũng như tác động của nó đối với xã hội và nền kinh tế. Cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện quy định pháp luật về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và cụ thể hóa các quy định này để áp dụng có hiệu quả cao trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ để các dịch vụ trong hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ngày càng phát triển tạo tiền đề cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
THE CURRENT ENFORCEMENT OF REGULATIONS ON MEANS OF TRANSPORTATION AND GOODS TRANSPORTED BY ROAD
Ph.D student, Master. Le Thi Minh Thu
Lectuer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology
Le Khanh Giang
Tin Nhiem Law Firm
Abstract:
Improving the legal system regulating the means of transportation and types of goods which are allowed to be transported by road is an urgent task to create a solid foundation for solving current issues relating to transactions of transporting goods by road in Vietnam. This paper analyzes the current enforcement of regulations on means of transportation for transporting goods by road and makes some recommendations about this issue.
Keywords: law, transport, goods, road, means of transportation.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết