Thiết bị cho máy nông nghiệp chủ yếu phục vụ cho các lĩnh vực như: Về trồng trọt: bao gồm trồng lúa, trồng hoa màu, cây công nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, gồm các máy canh tác như máy làm đất, máy làm cỏ, phun thuốc trừ sâu,…; máy bảo quản, chế biến sau thu hoạch như máy sấy, máy xay xát, máy phân loại, máy gia công chế biến,…; Về chăn nuôi: bao gồm các máy phục vụ vật nuôi như máy chế biến thức ăn, thiết bị đảm bảo điều kiện sống cho vật nuôi như máy tạo khí cho nôi trồng hải sản, máy làm sạch chất thải trong hồ nuôi tôm, cá… và máy chế biến, bảo quản sản phẩm từ vật nuôi; Về thủy lợi: ngoài các hệ thống thủy lợi, trạm bơm phục vụ cho tưới tiêu, hệ thống chống ngập mặn cũng đòi hỏi các thiết bị với kiến thức công nghệ chuyên sâu và nguồn kinh phí đáng kể.
Có thể phân loại thành nhiều chủng loại máy, tuy nhiên đứng trên góc độ chế tạo, các máy trên bao gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất là máy động lực, thông thường với điều kiện canh tác của nông thôn Việt Nam có công suất từ 10 đến 70, 80 CV, các loại máy này có thể là động cơ xăng hay diesel. Với phần máy động lực, các nhà chế tạo Việt Nam có 2 lựa chọn, hoặc mua máy bởi các nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, các máy động lực sản xuất trong nước có chất lượng tương đối tốt, tương đương với các loại máy trong khu vực và đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Phần thứ hai là máy canh tác, phần thiết bị này rất quan trọng, cần được thiết kế cho phù hợp với điều kiện canh tác của nông thôn Việt Nam.
Đến nay, nhìn chung, ngành Cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đã có sự phát triển với đa dạng các chủng loại sản phẩm, gồm: động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 4 và 2 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy). Tuy nhiên, mức độ trang bị động lực cho nền nông nghiệp của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và châu Á, mới đạt bình quân đạt 2,4 HP/ha canh tác.
Từ khi ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 (khóa X) về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến nay, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, cụ thể: Số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp có mức tăng cao, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, thể hiện: Năm 2021 so với năm 2016, số lượng máy kéo tăng 45,5%; máy gặt đập liên hợp tăng 77,1%; máy sấy nông sản tăng 25,8%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90,6%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy, thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,1 lần.
Công suất các loại máy kéo làm động lực cho máy nông nghiệp có xu hướng chuyển dịch từ máy có công suất nhỏ (dưới 15 mã lực) sang sử dụng máy có công suất cỡ trung (18-35 mã lực) và cỡ lớn (trên 35 mã lực).
Mức độ cơ giới hóa bình quân cả nước một số khâu trong sản xuất nông nghiệp có mức độ cao, cụ thể: Làm đất trồng cây hàng năm đạt 93%; Chăm sóc: phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, cà phê mía đạt trên 75%; Thu hoạch cây hàng năm đạt trên 50%; Vận chuyển gần 100%. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cơ giới hóa 100% bằng các phương tiện ghe, thuyền, rơ mooc, ô tô, xe nông dụng.
Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để trống.
Ngay cả trong khâu sản xuất lúa, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như: làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công.
Theo đánh giá chung, máy trong nước sản xuất công nghệ lạc hậu, nhưng giá thành lại cao. Chỉ riêng vùng nuôi tôm ĐBSCL, mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ mới đạt khoảng 1/3 nhu cầu.
Trong khí đó, người dân có xu hướng chuộng mua máy Trung Quốc, hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc,... Nguyên nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập khẩu 15 - 30%, nhưng hiệu quả sử dụng lại kém hơn.
Các loại máy sản xuất nông nghiệp trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước. Trong khi đây là loại máy móc Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được.
Bên cạnh đó, máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn hạn chế, chậm chuyển giao vào sản xuất. Năng lực nghiên cứu ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chưa cao. Hiện nay, việc đào tạo các kỹ sư máy nông nghiệp mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng hoặc nhu cầu sử dụng máy móc. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa cao, chưa gắn với thực hành. Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn của Việt Nam còn thấp (chi tiêu cho ngành nông nghiệp thấp hơn nhiều so với một số nước như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan,…). Hàng năm, Việt Nam chi khoảng từ 800 triệu USD cho máy nông nghiệp, con số này đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2021.
Chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp lớn tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế. Các cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh để tạo ra các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp chuyên sâu như một số nước đang thực hiện. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp chưa hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí.
Ngoài ra, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) là một bất lợi đối với máy nông nghiệp khi từ năm 2015 các sản phẩm này thuộc danh mục không chịu thuế VAT, dẫn đến toàn bộ chi phí đầu vào với thuế VAT 10% sẽ phải hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như vậy, hàng sản xuất trong nước sẽ bị bất lợi về giá do chính sách thuế VAT khoảng 7% giá bán. Chính sách này chỉ hỗ trợ hàng nhập khẩu mà không khuyến khích sản xuất trong nước, cạnh tranh không công bằng, dẫn đến sản phẩm cơ giới phục vụ nông nghiệp được sản xuất, lắp ráp trong nước thấp, trong khi sản phẩm nhập khẩu giá rất cao, đây là nguyên nhân chính khiến mức trang bị cơ giới trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Việc tìm cách giảm chi phí sản xuất là việc làm thường xuyên như tiết kiệm vật tư, tăng năng suất, tính toán cẩn thận khi đầu tư thiết bị. Tuy nhiên, giảm giá bằng cách giảm chất lượng để tương ứng với sản phẩm nhập giá rẻ là không phù hợp, không khả thi, bởi nhiều loại sản phẩm nhập khẩu vẫn là của các dây chuyền sản xuất có sẵn cách đây vài chục năm. Vì vậy, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì ở một phân khúc cao hơn, giá cao hơn và tiêu thụ với số lượng ít hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có nguồn thu nhập chính là nông nghiệp. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, ngành Nông nghiệp chiếm 14% GDP và sử dụng khoảng 36% lực lượng lao động quốc gia. Thị trường máy Nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ CAGR (Compounded Annual Growth rate - Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 11,5% trong giai đoạn dự báo (2020 - 2025). Các yếu tố thúc đẩy thị trường này phát triển là tăng trưởng dân số, đô thị hóa và nhu cầu năng suất cao hơn trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp đã dẫn đến sự tăng trưởng nhu cầu về máy móc nông nghiệp.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo, ngô, đậu tương, mía, mè, sắn, đậu, chuối, tiêu và nhiều loại khác là những cây trồng chính được sản xuất trong nước. Năm 2021, sản lượng lúa chiếm sản lượng cao nhất trong số các loại cây trồng chính ở Việt Nam, với gần 43,9 triệu tấn, tiếp theo là sản lượng sắn với khoảng 10,7 triệu tấn. Trong năm đó, năng suất lúa tăng khoảng 2,6% so với năm trước.
Hơn 70% diện tích canh tác ở Việt Nam được cơ giới hóa. Để người dân tiếp cận được gần hơn với các loại máy móc nông nghiệp, Chính phủ đang thực hiện các chương trình hỗ trợ. Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Việc thuê máy móc nông nghiệp theo yêu cầu còn nhiều, do sản xuất máy móc nông nghiệp trong nước còn thấp. Các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp tư nhân là những người cung cấp máy móc cho thuê. Các tổ chức cung cấp dịch vụ tuyển dụng có máy móc hiệu quả trong việc làm đất, thu hoạch, đập lúa, sấy khô, bảo quản ngũ cốc và vận chuyển. Các tổ chức này tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
Theo số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần điều đó cho thấy thị trường cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 40 triệu tấn thóc, hàng triệu tấn thủy sản, trái cây và các loại rau quả khác, nên nhu cầu máy móc phục vụ cho nông nghiệp từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến bảo quản, sơ chế, chế biến rất lớn. Đây sẽ là dư địa cho cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
Thực tiễn đã chứng minh và có tính nguyên lý đó là không một quốc gia nào thành công về cơ giới hóa bằng việc phụ thuộc nhập khẩu máy nông nghiệp. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu và tạo chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước là giải pháp bền vững và tự chủ trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.
Từ các kinh nghiệm thực tiễn và các yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa đất nước, xác định ngành sản xuất máy nông nghiệp là lĩnh vực cơ khí quan trọng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn được Nhà nước ưu tiên ở mức cao nhất. Phát triển sản xuất máy nông nghiệp phải phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; phải dựa trên cơ sở lựa chọn ưu tiên cho những sản phẩm đáp ứng yêu cầu cấp bách của sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, phát huy nội lực, chủ động tiếp cận công nghệ kỹ thuật tiên tiến thế giới thông qua liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, khuyến khích các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện với môi trường.
Cần đầu tư chiều sâu tại cơ sở hiện có, đầu tư mới một số dự án chủ lực. Về cơ bản, hình thành trên cả 3 miền trong cả nước mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành tại các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Phân chia sản xuất theo mô hình liên kết mở, trên cơ sở các lợi ích kinh tế và quy luật của thị trường có điều tiết.
Củng cố, đẩy mạnh hoạt động của các viện nghiên cứu, các khoa chuyên ngành tại các trường đại học về nghiên cứu khoa học - công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản phẩm. Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút tài năng; Gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu với sản xuất thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ thực tế sử dụng, tập trung vào lĩnh vực bảo quản, tinh chế những sản phẩm xuất khẩu chủ lực; Hình thành những trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D) cho từng lĩnh vực riêng.
Khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, chủ động tìm kiếm liên doanh với nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn, năng lực và công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm khai tác thị trường của các hãng đa quốc gia, đồng thời trở thành nhà cung cấp - mắt xích không thể thiếu trong hợp tác kinh doanh quốc tế.
Hình thành một số doanh nghiệp chủ đạo trong ngành, tập trung mọi nguồn vốn để đầu tư cho công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo thử nghiệm và chuyển giao sản phẩm mẫu, tạo liên kết sản xuất và xuất khẩu.
Đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, thu mua máy móc thiết bị, tăng cường công tác nghiên cứu sản phẩm mới, liên tục cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu để các sản phẩm cơ khí Việt Nam phát triển và thúc đẩy các DN sản xuất đầu tư, đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI đầu tư, sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Tập trung đầu tư mạnh phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông, lâm, thủy sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất và công nghệ, như: thủy sản, lúa gạo, cà phê, điều, tiêu và những ngành hàng mà tỷ lệ nông sản được đưa vào chế biến còn thấp, như: các loại rau quả, thịt,…
Gắn kết chế biến với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm là đặc sản địa phương). Xây dựng cơ cấu sản phẩm chế biến nông sản trên nền tảng của 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực hiện nay có giá trị trên 01 tỷ USD/năm.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao. Tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp.
Đồng thời, cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách Chính phủ có liên quan đến phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, bao gồm:
- Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông - lâm ngư nghiệp thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển.
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó sản xuất máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.
- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó dự án liên kết được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết.
- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay 2 năm đầu và 50% năm thứ 3 cho các tổ chức, cá nhân mua máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Trong xu thế ngày càng phát triển của Cách mạng CN 4.0, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực chế tạo, ứng dụng cơ điện tử và các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại để phát triển theo kịp các nước trong khu vực, đáp ứng tốt nhất nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Việt Nam.
Để phát triển ngành Cơ khí nông nghiệp, cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, máy chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tham gia chế tạo thiết bị máy và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức. Ngoài ra, cần hỗ trợ giá thành máy nông nghiệp, bao gồm khâu thiết kế, chế tạo và mua sắm; nâng cao kiến thức sử dụng, bảo dưỡng máy móc cho nông dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The current development and potential for the agricultural machinery industry in Vietnam
Do Hong Viet
Mechanical Center, Hanoi University of Industry
Abstract:
Mechanical engineering for agricultural production is one of the mechanical sub-sectors, and it plays an important role in providing production materials for the agricultural industry. Mechanization in agricultural production is considered to add value to agricultural products. In recent years, more and more agricultural processing machines have been made domestically with higher capacity and quality. This paper presents the current agricultural mechanization and the potential for development of the agricultural machinery industry in Vietnam. This paper also proposes some solutions for the development of Vietnam's agricultural mechanical industry.
Keywords: agricultural machinery, agricultural mechanization, agricultural mechanical industry.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết