Trong những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy hình thức TMĐTXBG phát triển. So với các nước tại Đông Nam Á, ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Thái Lan và Indonesia (Google, Tmasek, Bain Bain&Company, 2019). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Theo kết quả khảo sát trong vòng 12 tháng (từ 1/9/2021 đến 31/8/2022) do Amazon Global Selling (Amazon Global Selling là đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu - AGS) công bố ngày 27/10/2022 cho thấy các đối tác bán hàng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên Amazon, một trong những nền tảng TMĐT lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Tập đoàn AlphaBet, doanh thu từ xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam được dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
Là một trong hai thành phố kinh tế lớn tại Việt Nam, người tiêu dùng (NTD) tại Hà Nội có cơ hội tiếp cận và sẵn sàng hơn với các nền tảng TMĐT. Với nhu cầu sử dụng của NTD tăng cao và khả năng đáp ứng tốt từ các nhà cung cấp nước ngoài đã tạo cơ hội cho sự phát triển tích cực của hoạt động TMĐTXBG. Đây được coi là sự phát triển tất yếu trong bối cảnh hòa nhập toàn cầu, phù hợp với sự chuyển dịch nền kinh tế số hiện nay. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ, TMĐTXBG cũng đối mặt với không ít thách thức cần phải tháo gỡ. Rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về quy tắc hoạt động của NTD khi tham gia hoạt động TMĐTXBG cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trên cơ sở tổng quan tài liệu, thu thập thông tin từ các báo cáo về TMĐT, nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa đặc điểm của TMĐTXBG, các kênh bán hàng và các mô hình kinh doanh TMĐTXBG hiện nay. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra hàm ý một số giải pháp nhằm phát triển TMĐTXBG tại Hà Nội.
Nhóm tác giả đã tìm hiểu và tổng quan các bài nghiên cứu có trước và rút ra được một số yếu tố tác động đến hoạt động TMĐTXBG. Theo một số nghiên cứu của Hamed và Mitra (2021); Thai, Rommert và Christiaan(2017); Wiyata và cộng sự (2022); Eunsoo Baek và cộng sự (2020), yếu tố niềm tin ảnh hưởng tới hoạt động TMĐTXBG. Niềm tin ở đây có thể đến từ nhiều phía, đó có thể là niềm tin vào chất lượng sản phẩm, niềm tin từ sự giới thiệu từ bạn bè, niềm tin vào nền tảng cung cấp, niềm tin vào các chính sách... Từ niềm tin đó, NTD sẽ quyết định được việc mua hay không mua sản phẩm. Theo Wiyata và cộng sự (2022), yếu tố sự rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động TMĐTXBG. Nhiều người sẽ lo lắng việc gặp sự cố khi mua các sản phẩm từ nước ngoài, có thể là về chất lượng, số lượng, thời gian và cả tiền bạc. Hơn nữa là nỗi lo của khách hàng về tính bảo mật thông tin của việc mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Theo Wiyata và cộng sự (2022); Hamed và Mitra (2021); Shiu-Li Huang và Ya-Chu Chang (2019), yếu tố cảm nhận ảnh hưởng đến hoạt động TMĐTXBG. Khách hàng sẽ dựa vào cảm nhận của mình về chất lượng sản phẩm, giá cả, danh tiếng của nền tảng và thương hiệu,… để quyết định mua sản phẩm. Nghiên cứu của Thai, Rommert và Christiaan (2017), yếu tố khoảng cách địa lý cũng ảnh hưởng đến hoạt động TMĐTXBG. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều người sẵn sàng mua một món hàng chỉ vì giá tốt cho dù là hàng quốc tế, còn có người vì không muốn mất nhiều thời gian nên không lựa chọn mua hàng quốc tế. Qua quá trình tổng quan nghiên cứu, nhóm nhận thấy hoạt động TMĐTXBG chịu tác động từ rất nhiều yếu tố như: niềm tin của NTD đến nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, yếu tố rủi ro khiến NTD lo lắng khi tham gia giao dịch TMĐTXBG, sự cảm nhận về chất lượng sản phẩm, chi phí cơ hội, khoảng cách địa lý,…
Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để tổng quan tài liệu, phân tích, hệ thống hóa cơ sở lý luận về TMĐTXBG, từ đó đưa ra một số hàm ý nhằm phát triển TMĐTXBG tại Hà Nội.
Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP), thương mại điện tử được chia thành TMĐTnội địa và TMĐTXBG tùy vào việc người mua và người bán có ở cùng một quốc gia hay không (UNESCAP, 2020). Theo Ding (2018), TMĐTXBG là hoạt động mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở các khu vực hoặc quốc gia khác nhau về việc truyền, nhận sản phẩm thông qua hậu cần xuyên biên giới. Theo Wang (2014), TMĐTXBG là TMĐT quốc tế, trong đó thương mại quốc tế giao dịch giữa các quốc gia khác nhau và cung cấp thông qua các thỏa thuận quản lý và lập kế hoạch xuyên biên giới. Nó là hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua kênh TMĐT mà người mua và người bán ở hai quốc gia khác nhau.
Tóm lại, TMĐTXBG là hoạt động bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, trong đó, người mua và người bán ở hai quốc gia khác nhau.
TMĐTXBG có 4 đặc điểm chính là: (i)- Tính phi biên giới. Hiện nay, các thao tác để mua hàng quốc tế trên các sàn TMĐT đều được thực hiện rất dễ dàng và không có rào cản về các vấn đề như vị trí, sàn thương mại, phương thức thanh toán dành cho NTD. (ii)- Tính đa dạng sản phẩm dịch vụ thông tin. Với hàng ngàn sản sản phẩm và mẫu mã khác nhau sẽ giúp khách hàng thoải mái lựa chọn loại sản phẩm mình yêu thích nhất. (iii)- Tính hữu ích giúp khách hàng lựa chọn được mức chi phí để bỏ ra. Với việc công khai giá trên các sàn thương mại, khách hàng có thể dễ dàng so sánh, đối chiếu giá cả giữa các cửa hàng. (iv)- Tính nhanh chóng, tiện lợi. Mua sắm thông qua các nền tảng trangTMĐT, người tiêu dùng chỉ cần thao tác một số bước đơn giản đã có thể mua hàng, rất tiết kiệm thời gian và công sức, bên cạnh đó, khi mua tại các cửa hàng truyền thống, hơn hết, NTD có thể mua sắm khi đang ở bất cứ địa điểm và thời gian nào.
Theo Malone và cộng sự (1987); Wigand (1997), các kênh TMĐT là các kênh mang lại lợi ích giảm chi phí trong phối hợp giao dịch giữa người mua và người bán. Ngoài ra, các kênh này còn là không gian để phục vụ một phần hoặc toàn bộ các quy trình, hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (có thể bao gồm các dịch vụ thanh toán hoặc không). Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và đưa ra 4 kênh chính trong TMĐT xuyên biên giới bao gồm: Website, Ứng dụng, Sàn giao dịch TMĐT và các kênh truyền thông xã hội của nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và các bên trung gian.
(1) - Website của người bán: là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
(2) - Ứng dụng di động: là phiên bản di động dành cho website (mobile website) hoặc ứng dụng di động mobile app được sử dụng như một phương tiện tiếp thị, bán lẻ và bán sỉ, đấu giá, ngân hàng điện tử, đặt phòng và các chức năng tự khác.
(3) - Sàn giao dịch điện tử: Là một không gian mạng được mở ra để bày bán các sản phẩm thuộc nhiều nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Đây là một website nơi diễn ra các hoạt động giao dịch trực tuyến giữa các nhà bán hàng và người mua. Các bên cùng truy cập với vai trò, chức năng và mục đích khác nhau.
(4) - Kênh truyền thông xã hội: Theo Rognerud (2008), tiếp thị truyền thông xã hội là một tính năng xã hội khác, cố gắng đạt được thương hiệu và mục tiêu truyền thông tiếp thị thông qua tham gia vào các mạng truyền thông xã hội khác nhau và các kênh truyền thông xã hội là công cụ để thực hiện các hoạt động đó. Một số công ty TMĐT cung cấp các giải pháp phần mềm (ví dụ như xây dựng gian hàng của hãng trên Facebook) cho phép khách hàng tương tác với phương tiện truyền thông xã hội tiếp thị và theo dõi một thương hiệu trên mạng xã hội.
Về cơ bản, thị trường TMĐTXBG tồn tại 3 chủ thể chính tham gia vào quá trình giao dịch: nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ; nhà cung cấp nền tảng; NTD. Tuy nhiên, với mỗi mô hình kinh doanh TMĐTXBG khác nhau, các chủ thể đóng một vai trò khác nhau.
* Mô hình vận chuyển trực tiếp:
Mô hình vận chuyển trực tiếp là một mô hình kinh doanh TMĐT, trong đó nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ chịu trách nhiệm cho việc sản xuất, lưu trữ và vận chuyển các sản phẩm cho khách hàng. Mô hình này cho phép một doanh nghiệp hoặc cá nhân bán hàng và chịu trách nhiệm toàn quyền quản lý mọi quy trình sản xuất để hoàn thiện đơn hàng giao đến tận tay từng khách hàng trên thế giới; lúc này, nhà cung cấp nền tảng đóng vai trò như một trung gian marketing giúp nhà bán hàng tìm kiếm NTD. (Hình 1)
Mô hình kinh doanh trực tiếp giúp nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ có thể tự quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình một cách trực tiếp. Nhà cung cấp có thể tự chủ quản và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, bao gồm việc đặt giá, quảng cáo và chăm sóc khách hàng. Nhà cung cấp có thể giảm chi phí bằng cách tránh việc phải trả phí cho các nền tảng TMĐT hoặc các đối tác giao hàng. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh trực tiếp cũng mang lại nhiều rủi ro và hạn chế. Nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm cho việc lưu trữ và giao hàng sản phẩm, tạo thêm nặng nề về chi phí và công việc, đòi hỏi doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tốt để có thể duy trì hệ thống tự vận hành, đặc biệt là chi phí cho việc lưu trữ và giao sản phẩm. Thời gian giao hàng: lâu, chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẵn sàng chờ đợi, khó tạo được tệp khách hàng riêng. Nhà cung cấp buộc phải đầu tư kho bãi cho riêng doanh nghiệp, tự xây dựng hệ thống quản lý kho bãi và tìm kiếm các giải pháp vận chuyển phù hợp cho khách hàng.
Mô hình vận chuyển trực tiếp bao gồm:
(1)- Thương hiệu chính thức: Mô hình này cho phép một doanh nghiệp hoặc cá nhân sản xuất và bán dưới thương hiệu riêng của họ. Họ vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà cung cấp sản phẩm trên nền tảng TMĐTXBG và trực tiếp thực hiện các giao dịch thương mại với khách hàng.
(2)- Ủy quyền thương hiệu chính thức: Mô hình này cho phép một doanh nghiệp hoặc cá nhân bán hàng và được thương hiệu đó nhượng quyền chính thức. Với hình thức này, thương hiệu chính thức vẫn chịu mọi trách nhiệm về hàng hóa như: các khiếu nại chất lượng sản phẩm, bảo hành mà khách hàng đưa ra. Đơn vị được nhượng quyền chỉ thực hiện chức năng trung gian phân phối sản phẩm.
Với thương hiệu chính thức hay ủy quyền thương hiệu chính thức thì nhà bán hàng đều phải xây dựng sản phẩm mới và có mã ASIN sản phẩm.
(3)- Ủy quyền thương hiệu không chính thức (Không được ủy quyền): Mô hình này cho phép một doanh nghiệp hoặc cá nhân mua sản phẩm từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp và bán chúng dưới giá bán lẻ. Đây là hình thức kinh doanh người bán nhập hàng vào kho và sau đấy, khi khách hàng đặt hàng trên website, bên nhà cung cấp dịch vụ sẽ xử lí đơn hàng, đóng gói và vận chuyển hàng đến địa chỉ khách hàng. Khác với thương hiệu chính thức (Private Label), khi tiến hành hình thức này (Hijack), nhà bán hàng dựa trên mã ASIN đã tồn tại mà không phải xây dựng một sản phẩm mới. Có thể hiểu, hình thức này bán sản phẩm mà nhà cung cấp chính hãng xây dựng, dựa vào lượt traffic của hãng đến chiếm thị phần hoặc bán các sản phẩm không thương hiệu, đi sao chép nhưng gán tên thương hiệu để bán. Thường hình thức này sẽ hay bị quét bởi thuật toán của các nền tảng, đây là hình thức kinh doanh không ổn định, mang tính tiêu cực của thị trường TMĐTXBG
Mô hình kinh doanh trực tiếp phù hợp với doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân nhỏ muốn tăng doanh thu sản phẩm, tự chủ động kiểm soát các khâu bán hàng, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới.
* Mô hình vận chuyển gián tiếp:
Khi khối lượng hàng hóa được thực hiện qua TMĐTXBG bắt đầu tăng, khi đó doanh nghiệp có thể chuyển sang mô hình lâu dài và bền vững hơn, như sử dụng kho ngoại quan hoặc trung tâm xử lý hàng hóa ở những đơn vị trung gian, đặc biệt, dịch vụ trung gian do nền tảng đảm nhận - mô hình vận chuyển gián tiếp.
Mô hình này cho phép người kinh doanh sản xuất hoặc mua sản phẩm và gửi đến nhà cung cấp nền tảng để lưu trữ và giao hàng cho khách hàng. Nhà cung cấp nền tảng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc khách hàng và giải quyết các vấn đề trả hàng, hoàn tiền liên quan đến đơn đặt hàng đó và người bán chọn mô hình này sẽ được tính chi phí cụ thể để chi trả cho tất cả các quy trình; việc của nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ chỉ việc tập trung phát triển sản phẩm, marketing đẩy mạnh sản phẩm. Lúc này, nhà cung cấp nền tảng vừa đóng vai trò là trung gian marketing kết nối khách hàng, vừa chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình giao dịch TMĐTXBG. Ví dụ, với nền tảng Amazon hiện nay, khi tham gia với tư cách FBA sẽ khiến sản phẩm tự động đủ điều kiện Prime, đây là một điều kiện giúp thúc đẩy doanh số và độ nhận diện thương hiệu trong thị trường tiêu dùng, tiếp cập được tệp khách hàng tiềm năng. (Hình 2)
Tuy nhiên, song song với những ưu điểm mà mô hình này mang lại, cũng tồn tại những nhược điểm nhất định như: Nhà cung cấp không thể giao tiếp với khách hàng của mình, điều này khiến việc tìm ra nhu cầu của khách hàng cho sản phẩm trở nên khó khăn hơn; Bên cạnh đó, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ phải chấp nhận các quy định về giá bán và hoa hồng mà nhà cung cấp nền tảng đưa ra và trả các chi phí cao. Có thể thấy, để áp dụng mô hình kinh doanh vận chuyến gián tiếp, doanh nghiệp phải đủ tiềm lực tài chính, có sức bền để chịu được sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đến từ các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
* Mô hình Drop – shipping
Drop - ship là một mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp không dự trữ hàng hóa trong kho của họ. Thay vào đó, họ mua sản phẩm từ nhà cung cấp bên thứ ba và sau đó vận chuyển trực tiếp đến NTD. Drop - ship cắt giảm các chi phí liên quan đến mô hình bán lẻ truyền thống như phí vận chuyển và phí lưu kho. Doanh nghiệp nhỏ hoạt động hiệu quả như một người trung gian, trong khi vẫn giữ được phần lớn lợi nhuận. Lợi nhuận chủ yếu đến từ chênh lệch giữa hai bên: doanh nghiệp hoặc cá nhân mua sản phẩm từ một nguồn với giá rẻ và bán chúng dưới giá bán lẻ cao hơn trên các trang web hoặc kênh bán hàng trực tuyến khác. (Hình 3)
Việc của nhà bán hàng khi tham gia mô hình là tìm nhiều sản phẩm, đẩy sản phẩm và marketing để bán hàng. Vai trò của cung cấp nền tảng trong mô hình Drop - ship giống với mô hình vận chuyển trực tiếp, là kênh thúc đẩy marketing làm cầu nối tiếp thị đến khách hàng. Khi kinh doanh mô hình này, doanh nghiệp có chi phí thấp hơn, vì không cần lưu trữ sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, người bán hàng là người cung cấp sản phẩm gián tiếp, không trực tiếp quản lý sản phẩm nên không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng. Hoặc gặp phải rủi ro về việc nhà cung cấp không giao hàng đúng hạn hoặc giao sản phẩm không chính xác.
Trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát triển TMĐTXBG tại Hà Nội như sau:
- Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm dịch vụ (số liệu, hình ảnh…), tham khảo những trải nghiệm, ý kiến của người mua trong quá khứ để lại, tránh gặp phải những vấn đề liên quan tới chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn những nhà cung cấp có thể cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan tới sản phẩm dịch vụ: xuất xứ, nguồn gốc, thời hạn sử dụng, sự đảm bảo từ chuyên gia, quy trình mua hàng, quy trình thanh toán, cam kết và điều khoản,…
- Các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm, làm mới hình ảnh thương hiệu, tối ưu các kênh bán hàng. Các doanh nghiệp cần cần đảm bảo sự tin cậy về chất lượng thông tin như hàng hóa, dịch vụ, thông tin nguồn gốc xuất xứ, nhà vận chuyển, dịch vụ thanh toán, bảo hành, bảo trì và các thông tin khác. Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới hình ảnh thương hiệu, hàng hóa, dịch vụ trưng bày trên trang web và các ứng dụng di động; công cụ giỏ hàng và các ứng dụng đặt hàng thông minh, gắn mã điện tử cho hàng hóa, dịch vụ; thực hiện việc giao hàng và thông tin về lộ trình giao hàng cập nhật cho khách hàng hoặc các phiên bản mới đối với các phần mềm tin học. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng và văn hóa các quốc gia.
- Cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ quan quản lý nhà nước: tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại trong phạm vi TMĐT nói chung và TMĐTXBG nói riêng, nhằm phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình giao dịch, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý riêng cho TMĐTXBG. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, băng thông đủ rộng để vượt qua các cuộc tấn công gây trục trặc đường truyền mạng, thành lập các máy lưu trữ đề phòng chuyển hướng dữ liệu trước các cuộc tấn công và phục hồi sau tấn công mạng. Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng vào đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quy trình hoạt động TMĐTXBG.
Với sự phát triển mạnh mẽ, TMĐTXBG cũng đối mặt với không ít thách thức đặt ra cần phải tháo gỡ. Xu hướng phát triển của TMĐTXBG đòi hỏi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ các thông tin. Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, nắm bắt và thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng hành với các doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực sự phát triển của hoạt động TMĐTXBG, hoàn thiện khung pháp lý, các chế tài pháp luật, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những yêu cầu của TMĐTXBG.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Cross-border e-commerce: Identification and some development implications for Hanoi
Pham Phuong Chau1
Tran Thi Diem Quynh1
Tran Le Ngan1
Ly Truc Quynh1
Ph.D Vu Thi Thuy Hang1
1Thuongmai University
Abstract:
By using qualitative research methods, this paper presents a theoretical overrview on cross-border e-commerce including characteristics, sales channels, and business models of cross-border e-commerce. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to develop Hanoi’s cross-border e-commerce activities. In which, consumers should carefully search for product and service information; enterprises should ensure product quality, renew their brand images, optimize sales channels, and understand the needs of international consumers; state management agencies should develop a strict legal corridor, invest into infrastructure, and develop high-quality human resources. This paper is still has some limitations. For example, the paper does not specifically analyze business processes, tools, and factors affecting cross-border e-commerce activities in Hanoi.
Keywords: cross-border e-commerce, Hanoi.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết