Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nghiên cứu, triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản Việt Nam chưa cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhiều loại sản phẩm chưa đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay trên thị trường nội địa, người tiêu dùng không thể phân biệt được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm không an toàn. Sự không minh bạch của sản phẩm không an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của mọi người. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức vô cùng to lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu khiến Việt Nam cần phải triển khai nhanh một nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác thích hợp với tình hình mới vì hạn, nhiễm mặn, nóng, lạnh, lũ lụt, bão thì thực phẩm không an toàn sẽ đem đến nhiều hệ lụy trầm trọng hơn. Đây là nguyên nhân phá hủy môi trường và di truyền đến cho sức khỏe của nhiều thế hệ con cháu mai sau. Trong tình hình người tiêu dùng rất lo ngại về thực phẩm không an toàn hiện nay, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam.
Là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt hơn 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Đầu năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20.000 lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sau 10 năm, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ của nước ta tăng trên 223.000 hecta. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc... Trên cơ sở phân tích, đánh giá về các nguồn lực có liên quan, thực trạng phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thời gian qua, tác giả áp dụng phương pháp SWOT xây dựng hệ thống ma trận để phân tích những cơ hội và thách thức trong phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu lập ma trận phân tích SWOT là tìm cách kết hợp giữa các điểm mạnh và thách thức (S - T), giữa các điểm yếu và cơ hội (W - O) nhằm phát huy tốt nhất các điểm mạnh, khai thác các cơ hội, khắc phục các điểm yếu và đối phó tốt nhất với các thách thức trong phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ. Kết quả phân tích SWOT và phương án kết hợp các yếu tố S - T và W - O được thể hiện qua bảng phân tích sau:
Cơ hội
Việc lạm dụng phân bón và hóa chất Bảo vệ thực vật đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường và làm suy giảm chất lượng nông sản. Do vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Với Việt Nam, để chuyển thành công nền sản xuất tự cấp tự túc sang một nền sản xuất hàng hóa, định hướng xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng cấp thiết.
Cơ hội cho phát triển nông nghiệp hữu cơ còn phải kể đến nhu cầu trong nước và quốc tế tăng cao đối với những sản phẩm an toàn. Chính vì vậy, một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch...
Tuy nhiên, có thể nói nông nghiệp hữu cơ vẫn còn chiếm một tỉ trọng rất nhỏ/không đáng kể trong tổng sản lượng nông nghiệp. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 41,2 tỉ USD, nhiều ngành hàng đứng trong nhóm đầu của thế giới như gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, chè.... Tuy nhiên, hầu hết nông sản chúng ta xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng chưa cao, do vậy giá trị gia tăng rất thấp. Sắp tới, trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người dân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đang có xu hướng giảm diện tích gieo trồng lúa, giảm xuất khẩu gạo để gieo trồng nhiều hơn các giống lúa chất lượng, nâng cao ti lệ giống đặc sản, bản địa có chất lượng. Chúng ta không thể cứ xuất khẩu gạo với giá dưới 500 USD, trong khi nhiều thành phố lại nhập về gạo trên 1000USD. Và như vậy, cơ hội trở lại canh tác hữu cơ với một số giống lúa là hiện hữu.
Với điệu kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ có cơ hội cho ngành hàng rau, quả, chè núi cao, cây gia vị, cây làm thuốc, thủy sản theo phương thức nuôi sinh thái và một tỷ lệ nhất định với cà phê, hồ tiêu. Một yếu tố rất quan trọng là sự quan tâm của Nhà nước và người dân đã được nâng lên đối với nông nghiệp hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thách thức
Năm 2022, nông nghiệp hữu cơ đã được các cơ quan báo chí và thông tin đại chúng luôn nói đến, điều này cho thấy nhiều người đã quan tâm đến sản phẩm hữu cơ và thị trường nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam bước đầu có tín hiệu tốt nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng thương nhân, các nhà bán lẻ ngày càng tăng và đang tìm kiếm sản phẩm hữu cơ tươi để cung cấp cho người tiêu dùng nội địa. Các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu chính là chè hữu cơ (ecolink) và gạo (Vienphu), song thực tế sản phẩm hữu cơ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì giá cao hơn 50 - 200% so với không hữu cơ. Vì việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều thách thức, đó là:
- Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm xuất khẩu được chứng nhận hữu cơ lại dựa vào tổ chức của nước ngoài như: IMO, JAS, Control Union, liên hiệp kiểm soát (SKAL), ICEA, ACT…
- Chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có, hầu hết chỉ hỗ trợ cho an toàn/GAP.
- Việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các địa phương còn rất hạn chế, các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ vẫn chưa rõ ràng.
- Do không dùng hóa chất nên năng suất cây trồng hữu cơ thấp, sản phẩm hữu cơ nhỏ hình thức chưa đẹp..., năng suất thấp...
- Đời sống người Việt Nam còn thấp, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về giá trị của nông nghiệp hữu cơ.
Thuận lợi
- Nông nghiệp Việt Nam đã trải qua một thời gian dài với việc sản xuất tự cung tự cấp... nên người dân đã biết tận dụng những gì có sẵn ngoài tự nhiên như các loại cây trồng bản địa, độ phì nhiêu của đất, độ màu mỡ phù sa của sông Hồng, sông Mê Kông, suối, bùn ao, các chất hữu cơ dồi dào là các loại cây phân xanh, các loại tro bếp, phân chuồng trong chăn nuôi gia đình… để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ dùng trong nông nghiệp.
- Ngoài nguồn nguyên liệu để chế biến phân bón khá phong phú hiện diện trên mặt đất, Việt Nam còn có nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên rất dồi dào, như apatit, photphorit, fenspat, mica và các khoáng chất có chứa nhiều nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cây trồng.
- Hiện nay, công nghệ sinh học đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như các mô hình ứng dụng để chế biến các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm xử lý môi trường đất và hàng loạt các chế phẩm vi sinh dùng trong bảo vệ thực vật như nấm đối kháng Trichoderma, các loại vi nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium, Nomuraea, các hoạt chất sinh học vừa có tác dụng như là một chất dinh dưỡng, đồng thời còn là tác nhân sinh học trừ bệnh hại hiệu quả và thân thiện với môi trường như Chitosan,….
- Với kinh nghiệm lâu đời tích lũy được, cùng với nguồn tài nguyên khá dồi dào để chế biến các loại phân hữu cơ, thuốc sinh học… Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Khó khăn
Sản xuất hữu cơ có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên cũng tồn tại không ít khó khăn đó là:
- Trồng cây hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng cách tiêu diệt thủ công hoặc thuốc sinh học…, nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng.
- Với những cây trồng sản xuất hữu cơ, trước đây đã trồng cây lâu năm và đã sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc hóa học bảo vệ thực vật… cây trồng mới để sản xuất hữu cơ thường sinh trưởng khó khăn vào những năm đầu, …
- Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với phân hóa học, và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng, khoáng... cung cấp cho cây ở giai đoạn đầu là rất chậm và không đầy đủ. Sản xuất bằng biện pháp thủ công nên công sức lao động nhiều dẫn đến giá thành sản phẩm hữu cơ cao gấp 2 - 3 lần bình thường nên việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng không nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ và đâu là sản phẩm thường....
Có thể nói sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển, Cụ thể:
Thứ nhất, cần xác định rõ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm không khí, đất và nước, an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng là nhu cầu phát triển trên thế giới.
Thứ hai, cần quy hoạch, bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ.
Thứ năm, thực hiện nhiều chương trình và có các chính sách giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Using SWOT analysis for the organic agricultural development in Vietnam
Master. Pham Thi Thu Ha
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics and Technology for Industries
Abstract:
Vietnam has great agricultural development potential thanks to the country’s agricultural diversity and large-scale production with many world famous agricultural products. However, the development of organic agriculture in Vietnam is till modest compared to the potential. The development of organic agriculture is an inevitable trend, but the organic agricultural development approach in Vietnam is still a matter of concern. This paper proposes the use of SWOT analysis to analyze the opportunities and the difficulties in the organic agricultural development in Vietnam.
Keywords: organic agriculture, SWOT, technology, production.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết