Vai trò của công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù


Bài báo nghiên cứu "Vai trò của công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù" do ThS. Huỳnh Nguyễn Bảo Duy (Văn phòng Luật sư Nhân Tín, tỉnh Lâm Đồng) và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Kiện (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích các khía cạnh khác nhau của cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trên các bình diện: góp phần thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước về hình phạt; góp phần thực hiện chính sách phòng ngừa tội phạm; là một trong những công cụ thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm thực hiện quyền con người của người chấp hành án hình sự.

Từ khóa: tái hòa nhập cộng đồng, hình phạt tù, thi hành hình phạt tù, Bộ luật Hình sự.

1. Công tác tái hòa nhập cộng đồng góp phần thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước về hình phạt

Vấn đề thi hành các hình phạt chịu ảnh hưởng một phần bởi nhận thức về hình phạt của Đạo luật hình sự (Luật nội dung ảnh hưởng, tác động đến luật hình thức). Thi hành án phạt tù là hoạt động thi hành án hình sự (THAHS) được quy định cụ thể trước tiên bằng Pháp lệnh Số 10-L/CTN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi hành án phạt tù năm 1993. Về nguyên tắc luật hình sự, đối với tội phạm mang tính chất nguy hiểm cho xã hội càng nghiêm trọng thì mức độ trừng trị người phạm tội đó càng nghiêm khắc. Đối với người phạm tội, những người mà các biện pháp giáo dục, thuyết phục thông thường đã tỏ ra không có hiệu quả, thì chỉ có trừng trị bằng các hình phạt mới buộc họ phải suy nghĩ về những tội lỗi, sai lầm của mình đã gây ra cho xã hội, khiến họ thấm thía hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu, răn đe họ không phạm tội mới. Như vậy, trừng trị phải là công cụ bổ sung để đạt được mục đích chủ yếu và trực tiếp là giáo dục, cải tạo người phạm tội để họ trở thành người lương thiện trong xã hội, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật và các quy tắc xử sự chung trong xã hội, không phạm tội mới. Bất kỳ một sự nghiêm khắc quá đáng nào của hình phạt được áp dụng cũng không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo và công bằng, dẫn đến sự chán nản, không còn lòng tin vào tính công minh của pháp luật và làm mất động lực tự cải tạo, giáo dục của người phạm tội[1]. Tuy nhiên, kể từ khi quá trình pháp điển hóa luật hình sự lần thứ nhất vào năm 1985 và thứ hai vào năm 1999 đã minh bạch quan điểm chính thức của Nhà nước về mục đích cụ thể của hình phạt còn hướng đến việc “giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”[2].

Nhận thức tiến bộ về mục đích áp dụng hình phạt là nguyên nhân cơ bản để thi hành rộng rãi các hình phạt khác không mang tính chất tước đoạt sinh mạng hay không cách ly khỏi cộng đồng có vai trò quan trọng không kém thi hành án tử hình, thi hành hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân. Đồng thời, từ nhận thức nêu trên còn đặt ra vấn đề trách nhiệm thi hành nhóm các hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo[3], cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định phải được trao cho một số cơ quan khác thực thi nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự người phạm tội, đảm bảo môi trường thi hành án - cải tạo, giáo dục tương ứng với tính chất nguy hiểm của hành vi, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cho xã hội.

2. Công tác tái hòa nhập cộng đồng góp phần thực hiện chính sách phòng ngừa tội phạm

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xem “phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” cũng là một mục đích của áp dụng hình phạt. Quyết định số: 623/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 14 tháng 4 năm 2016 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo đó là “coi trọng công tác phòng ngừa xã hội từ cộng đồng, gia đình và ngay từ cơ sở”[4] và đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải “giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội”.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện[5]; Chính sách phòng ngừa tội phạm trong công tác THAHS thuộc trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp xã (UBNDCX) được thể hiện ở nhiều nội dung; Chú trọng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm; Coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong gia đình và ở cơ sở; Rà soát, đánh giá ảnh hưởng của các chính sách phát triển và quá trình thực hiện các chính sách phát triển đến tình hình tội phạm và hoạt động phòng, chống tội phạm, đề xuất khắc phục hạn chế những sơ hở, thiếu sót, bất cập.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhất là truyền thông giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật nhằm chống suy thoái đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân và gia đình.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình, ở địa bàn dân cư” gắn với các cuộc vận động nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đẩy nhanh quá trình “xã hội hóa” công tác phòng, chống tội phạm, huy động thêm nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm.

3. Tái hòa nhập cộng đồng là một trong những công cụ thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương

Quản lý nhà nước được hiểu là tất cả các hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm duy trì và phát triển trật tự pháp luật và các mối quan hệ xã hội để thực hiện nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là chức năng chủ đạo của các cơ quan nhà nước trong hoạt động công vụ của mình và được pháp luật ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Để thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương, mỗi loại hình cơ quan nhà nước sử dụng các phương pháp quản lý nhà nước đặc thù trên cơ sở quy định pháp luật, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn liên quan. Cùng với Hội đồng nhân dân (HĐND) thì Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp là hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về mặt tổng thể trên mọi phương diện.

Trước đây, tại Luật Tổ chức UBND và Luật Tổ chức HĐND năm 2003 có quy định UBND các cấp, trong đó UBNDCX có trách nhiệm “Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật” tại khoản 3 Điều 117. Tuy nhiên, đến khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thì nội dung trên không còn được quy định cụ thể như vậy. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự lý giải nào hợp lý về khúc mắc trên. Tuy nhiên, dựa vào bối cảnh pháp luật trong giai đoạn 2003 - 2015 có thể hiểu được phần nào nguyên nhân của sự thay đổi đó. Tại thời điểm thực hiện Luật Tổ chức UBND và HĐND năm 2003 thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một đạo luật chuyên biệt quy định tổng thể về công tác THAHS nên các nhà làm luật sử dụng phương pháp tổng hợp để xây dựng cơ sở pháp lý về thẩm quyền THAHS của UBNDCX và lồng ghép vào đạo luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, trong những năm 2010 trở về trước, THAHS vẫn là được xem là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự và được quy định chủ yếu ở trong ngành luật tố tụng. Theo quan điểm pháp lý hiện hành, THAHS đã là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Do vậy, trách nhiệm THAHS của UBNDCX phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật THAHS năm 2019. Nói cách khác, THAHS thuộc trách nhiệm UBNDCX mặc dù không được cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhưng vẫn tồn tại ở quy định mang tính dẫn chiếu như “UBND xã, phường thị trấn có nhiệm vụ quyết định những vấn đề của xã, phường, thị trấn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan[6].

Việc thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương trong công tác THAHS thuộc trách nhiệm UBNDCX thể hiện ở những bình diện, như sau:

Thứ nhất, việc quản lý giám sát, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng là cơ sở để UBNDCX quản lý về mặt nhân khẩu, dân số, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, công tác tái hòa nhập cộng đồng thuộc trách nhiệm của UBNDCX đảm bảo nguyên tắc phối hợp và phân cấp thẩm quyền trong hoạt động công vụ.

Thứ ba, từ kết quả của tái hòa nhập cộng đồng giúp UBNDCX có khả năng nắm bắt trực tiếp tình hình thi hành pháp luật và có điều chỉnh phù hợp về mặt chính sách.

Thứ tư, việc trực tiếp thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng tạo điều kiện cho UBNDCX giúp kiểm soát đối tượng hình sự hoạt động lưu động.

4. Tái hòa nhập cộng đồng nhằm bảo đảm thực hiện bản án, quyết định của Tòa án

Bản án, quyết định của Tòa án là cách gọi chung của những văn bản tố tụng khác nhau do Tòa án ban hành. Trong lĩnh vực hình sự, bản án hình sự là sản phẩm pháp lý đúc kết quy trình giải quyết vụ án hình sự, do Tòa án nhân danh Nhà nước thực hiện xác định bị cáo có tội hay vô tội, quyết định trách nhiệm hình sự của người thực hiện tội phạm bằng việc cưỡng chế áp các hình phạt và biện pháp tư pháp (nếu có) đối với người phạm tội. Cùng với đó, quyết định thi hành án cũng được Tòa án ban hành sau khi bản án hình sự có hiệu lực. Do vậy, bản án hình sự cùng với quyết định thi hành hình phạt của Tòa án không những là kết quả của quá trình giải quyết vụ án, mà còn là căn cứ pháp lý làm phát sinh hoạt động THAHS.

Hoạt động xét xử của Tòa án và quá trình tố tụng hình sự nói chung chỉ có ý nghĩa khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án là một điểm mấu chốt của nguyên tắc này bởi lẽ trong các loại hình thức chế tài của hệ thống pháp luật thì chế tài hình sự là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật, việc áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp có khả năng tước bỏ hoặc hạn chế những quyền và lợi ích cơ bản của con người như quyền tài sản, quyền tự do thân thể, thậm chí cả quyền sống. Do đó, việc tổ chức thực hiện bản án, quyết định hình sự phải mang tính cẩn trọng, tránh sự tùy tiện trong thi hành án, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người bị kết án. Dù bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp lý nhưng sau đó không được thực thi và thực thi thiếu hiệu quả thì những văn bản tố tụng quan trọng nói trên chỉ có ý nghĩa trên giấy. Ảnh hưởng từ vi phạm pháp luật trong thi hành bản án, quyết định hình sự không những làm mất hiệu lực pháp lý và mà còn tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp. Đối với chính sách THAHS, vi phạm pháp luật trong thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án suy giảm mục đích của THAHS gắn với suy giảm mục đích của hình phạt là "không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới” và “nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm". Đối với hoạt động của hệ thống tổ chức cơ quan THAHS, vi phạm nói trên còn tạo ra nhận thức không đúng đắn về tầm quan trọng của thủ tục thi hành án, cán bộ Nhà nước thiếu trách nhiệm trong hoạt động chấp pháp. Đối với người chấp hành án và xã hội, việc bản án, quyết định hình sự của Tòa án mất đi hiệu lực pháp lý và hiệu lực thực tiễn vốn có sẽ nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, là điều kiện để những đối tượng này tái phạm, gây mất an ninh trật tự, an toàn cho xã hội.

Chính vì vậy, bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định hình sự có hiệu lực thi hành của Tòa án là mục đích tối thượng của pháp Luật THAHS được các ngành khoa học pháp lý và luật thực định trong hệ thống tư pháp hình sự xem là một nguyên tắc chi phối hoạt động thực tiễn. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 diễn giải nội dung nguyên tắc này như sau:

“Điều 28. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án

  1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
  2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.

Luật THAHS năm 2019 và LTHAHS năm 2019 cũng ghi nhận nguyên tắc này bằng quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[7].

Thi hành nghiêm chỉnh Bản án, quyết định của Tòa án là một nguyên tắc xuyên suốt trong mọi giai đoạn, bối cảnh xã hội. Nguyên tắc này không những đặt ra với các cơ quan THAHS trong hoạt động thi hành hành án tử hình, thi hành án phạt tù nói chung mà đòi hỏi đảm bảo hiệu lực bản án, quyết định hình sự của Tòa án việc thi hành các thủ tục THAHS khác quan trọng không kém như thủ tục thi hành các loại hình phạt chính không tước tự do và hình phạt bổ sung mà UBNDCX có trách nhiệm thực thi.

Công tác THAHS thuộc trách nhiệm UBNDCX bảo đảm tính toàn diện trong nội dung THAHS có trong bản án, quyết định của Tòa án. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà LTHAHS năm 2019 quy định, UBNDCX thực hiện một số thủ tục thi hành án đối với các hình phạt chính không tước đoạt tự do là quản lý, giám sát người chấp hành các hình phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ, quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Không những phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án đối với các hình phạt chính mà UBNDCX còn phải thi hành các hình phạt bổ sung bằng hoạt động giám sát, giáo dục đối với người chấp hành các án phạt cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế. Có như vậy, kết quả của quá trình giải quyết vụ án hình sự trước đó (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) mới thực sự có ý nghĩa.

5. Tái hòa nhập cộng đồng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm thực hiện quyền con người của người chấp hành án hình sự

Thứ nhất, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền: Nhà nước pháp quyền (Rule of law) là một thuật ngữ chính trị - pháp lý bắt nguồn từ nền tảng pháp luật phương Tây. Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu Nhà nước mà là một tư tưởng phổ biến với nội dung đề cao vai trò của pháp luật trong mối tương quan với Nhà nước - pháp luật như là công cụ để hạn chế quyền lực nhà nước. Nhà nước pháp quyền là khái niệm đối lập với Nhà nước tập quyền. Về vấn đề này, “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh tối cao của pháp luật. Do đó, pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người”[8].

Ở Việt Nam, tư tưởng tiếp cận về Nhà nước pháp quyền tồn tại ở một dạng thức sáng tạo đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện các nội dung phổ phát của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó là (1). Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. (2). Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. (3). Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

6. Tái hòa nhập cộng đồng và bảo đảm quyền cho người bị kết án góp phần tự chủ nguồn lao động, phát triển kinh tế tư nhân và góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương

Sau khi mãn thời hạn chấp hành hình phạt tù, có rất nhiều vấn đề phát sinh đối với người chấp hành án trở về địa phương. Về mặt tâm lý, họ thường mặc cảm về quá khứ của mình và có tâm lý tự ti xa lánh mọi người. Về mặt xã hội, đây là nhóm đối tượng thường chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng. Về mặt kinh tế, người chấp hành án phạt tù sau một thời gian cách ly khỏi cộng đồng thường khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp, cũng như trình độ nghề nghiệp suy giảm so với trước khi phạm tội. Những người này rơi vào hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, nếu không được hỗ trợ kịp thời về vốn, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất để họ có thể tự nuôi sống bản thân thì cuộc sống của họ sẽ trở nên chật vật, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến con đường tái phạm tội của họ rất dễ dàng. Về mặt pháp lý, đây là thời điểm người chấp hành trở về địa phương chưa đươc xóa án tích, do đó lý lịch tư pháp của họ rất xấu và chịu sự quản lý chặt chẽ hơn người bình thường trong lao động, sinh hoạt. Đồng thời, người chấp hành án phạt tù trở về địa phương có thể phải chấp hành một số hình phạt bổ sung theo bản án quyết định hình sự cụ thể của Tòa án. Khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, có thể nói họ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, không phải ai cũng được gia đình, người thân hỗ trợ, giúp đỡ trang trải về mặt kinh tế. Những khó khăn nói trên không những cản trở quá trình tái hòa nhập cộng đồng người bị kết án, mà còn đặt ra vấn đề quản lý, sử dụng hợp lý người lao động là người chấp hành xong án phạt tù đối với Nhà nước và toàn thể xã hội.

Đối với địa phương, chính quyền địa phương cấp xã khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc tự chủ, tận dụng nguồn lao động có sẵn từ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sẽ giảm thiểu gánh nặng về các khoản chi trợ cấp và phúc lợi xã hội. Từ lợi thế sẵn có như vậy, chính quyền địa phương sẽ có điều kiện xây dựng chính sách tái cơ cấu, phân bổ hợp lý nguồn lao động cho các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Từ đó, thay đổi cơ cấu thành phần kinh tế, có nguồn thu ngân sách từ các loại thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để tái đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.

7. Kết luận

Công tác tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa to lớn đối với xã hội, không những thực hiện chủ trương xã hội hóa thi hành án, thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước, mà còn thúc đẩy cải tạo xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa tái phạm là hết sức cần thiết. Từ đó, cho thấy vai trò to lớn của chính quyền địa phương trong công tác tái hòa nhập cộng đồng và ý nghĩa tích cực của pháp luật THAHS.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trịnh Quốc Toản (2011). Một số vấn đề lý luận về hình phạt trong luật hình sự. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 27, tr.147.

[2] Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1985; Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 1999

[3] Nguyễn Ngọc Kiện (2023). Một số vấn đề lý luận, pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về thi hành án treo (đồng tác giả). Tạp chí khoa học Đại học Huế, Tập 132 số 6C/2023 khoa học xã hội nhân văn Tiếng Việt, tr. 43-52; DOI: 10.26459/hueunijssh.v132i6C.7053. ISSN 2588-1213.

[4] Điểm c khoản 1 Điều 1 Quyết định số: 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016

[5] Điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định số: 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016

[6] Khoản 2 Điều 31; khoản 2 Điều 59; khoản 2 Điều 66 Luật Tổ chức chính quyền địa phường năm 2015

[7] Khoản 2 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2010; Khoản 2 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

[8] Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành (2020). Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (415), tháng 8/2020.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Ngọc Kiện (2023). Một số vấn đề lý luận, pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về thi hành án treo (đồng tác giả). Tạp chí khoa học Đại học Huế, Tập 132 số 6C/2023 khoa học xã hội nhân văn Tiếng Việt, t 43-52; DOI: 10.26459/hueunijssh.v132i6C.7053. ISSN 2588-1213.
  2. Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành (2020). Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (415), tháng 8/2020.
  3. Trịnh Quốc Toản (2011). Một số vấn đề lý luận về hình phạt trong Luật Hình sự. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 27, tr.147.

 

The role of community reintegration for people who have completed prison sentences

Master. Huynh Nguyen Bao Duy1

Assoc.Prof. Ph.D Nguyen Ngoc Kien2

1Nhan Tin Law Office

2University of Law, Hue University

Abstract:

This paper analyzed different aspects of the theoretical and practical basis of community reintegration to contribute to the implementation of the Government of Vietnam's regulations on criminal punishment and crime prevention. This paper is expected to contribute to building a socialist rule-of-law state, implementing administrative and judicial reform, and ensuring the exercise of human rights of people who have completed their prison sentences.

Keywords: community reintegration, imprisonment, execution of imprisonment, the Penal Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3